Đổi mới kinh tế ở Việt Nam từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã và đang đạt được những thành công đáng ghi nhận. Bên cạnh việc duy trì mức tăng trưởng kinh tế liên tục cao, Việt Nam còn được coi là một trong những quốc gia thành công nhất trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Đi đôi với những đổi mới trong hoạt động kinh tế, hệ thống thể chế kinh tế từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Bên cạnh những thành tựu và tiến bộ không thể phủ nhận, vẫn còn không ít những hạn chế và tồn tại. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, Đại hội X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định hoàn thiện hệ thống thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ quan trọng và cấp bách.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội X, Hội nghị Trung ương lần thứ sáu đã thảo luận và thông qua ba Nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết : “Về tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Để góp phần cung cấp tài liệu cho việc học tập, nghiên cứu về vấn đề này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của tập thể tác giả Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương do TS. Đinh Văn Ân làm chủ biên. Cuốn sách trình bày cô đọng, súc tích, nhiều tư liệu phong phú giúp bạn đọc hiểu sâu hơn quá trình tổng kết thực tiễn xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong hơn 20 năm qua.

Sau khi trình bày khái quát những thành tựu, hạn chế và nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó, cuốn sách đã đi sâu vào phân tích 4 định hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, đó là: 1. Thống nhất nhận thức và quan điểm về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 2. Hoàn thiện thể chế kinh tế bảo đảm đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 3. Hoàn thiện thể chế phát triển đồng bộ các loại thị trường chức năng; 4. Bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của nền kinh tế thị trường ở Việt Nam./.