TCCSĐT - Sáng 20-12, tại Thành phố Cần Thơ, Tạp chí Cộng sản đã phối hợp với Thành ủy Cần Thơ và Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tổ chức Hội thảo khoa học “Lộ Vòng Cung Cần Thơ - Vành đai lửa”. Hội thảo nhằm khẳng định vai trò, vị trí chiến lược của Lộ Vòng Cung Cần Thơ; đánh giá đúng tầm vóc, ý nghĩa lịch sử trọng đại của Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Cần Thơ đối với Khu Tây Nam bộ.

Tham dự và chủ trì Hội thảo gồm có các đồng chí: PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Cần Thơ; Thiếu tướng Nguyễn Văn Hải, Phó Tham mưu trưởng Quân Khu 9 và đồng chí Lê Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ. Cùng các đại biểu là tướng lĩnh, anh hùng lực lượng vũ trang, lão thành cách mạng, nhà quản lý thực tiễn, các nhà quân sự, các nhà khoa học.

 

 Đồng chí Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ phát biểu chào mừng Hội thảo.


Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Phạm Văn Hiểu nhấn mạnh: Hội thảo khoa học “Lộ Vòng Cung Cần Thơ - Vành đai lửa” là nhằm ghi nhận những đóng góp to lớn, tri ân sự cống hiến, hy sinh của các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia chiến đấu trên tuyến Lộ Vòng Cung trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước. Đồng thời, trong niềm tự hào, vinh dự và trách nhiệm, cùng nhìn lại chặng đường đã đi qua để vững bước vươn tới; đúc kết thực tiễn, làm rõ hơn cơ sở của mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ, phát triển thành phố Cần Thơ trong giai đoạn đẩy mạnh toàn diện sự nghiệp đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

 PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương đọc Báo cáo Đề dẫn Hội thảo.


Báo cáo Đề dẫn tại Hội thảo, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh: Lộ Vòng Cung Cần Thơ - “Vành đai lửa”, “Vòng Cung lửa” trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là hình ảnh cao đẹp của tinh thần “tất cả cho trọng điểm, cho phía trước, cho chiến thắng” của đảng bộ, quân dân Tây Nam bộ và đã đi vào lịch sử của thành phố Cần Thơ, của miền Tây Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước như một địa danh huyền thoại.

Theo PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Lộ Vòng Cung chính là vành đai phòng thủ mà đế quốc Mỹ, chính quyền Sài Gòn cố sống chết giữ cho bằng được cơ quan đầu não vùng IV chiến thuật và tiểu khu Phong Dinh của chúng. Trên tuyến lộ này, địch đã đóng trên 100 đồn bót và sử dụng không quân, pháo binh, kể cả máy bay ném bom B57, ngày đêm đánh phá ác liệt; rải chất độc hóa học làm trơ trụi cây lá, để tiến hành thực hiện “Vùng Lộ Trắng”. Nhận rõ vị trí trọng yếu của tuyến lộ Vòng Cung, Quân khu 9 và Tỉnh ủy Cần Thơ (nay là Thành ủy Cần Thơ) cũng chọn nơi đây để tập kết lực lượng, làm bàn đạp tiến công vào thành phố Cần Thơ và các mục tiêu quân sự trọng yếu khác của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn, như: Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 - vùng IV chiến thuật, Sân bay Trà Nóc, Sân bay Lộ Tẻ, Căn cứ Hải quân… nên địa bàn Cần Thơ nói chung, Lộ Vòng Cung nói riêng luôn diễn ra nóng bỏng, ác liệt suốt hai cuộc kháng chiến, đặc biệt là thời kỳ đế quốc Mỹ xâm lược.

PGS, TS. Đoàn Minh Huấn khẳng định, hơn 50 năm trôi qua, khi nhìn lại cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 tại Lộ Vòng Cung - Cần Thơ, chúng ta luôn tỏ rõ niềm tự hào sâu sắc, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm quý báu. Bởi, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Vòng Cung - Cần Thơ, mặc dù lực lượng quân sự của ta mỏng nhưng với quyết tâm cao và nghệ thuật đánh giặc độc đáo đã liên tục giữ thế tiến công. Lực lượng chính trị của ta dù chưa đủ sức nổi dậy giành chính quyền nhưng với lòng tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, phong trào quần chúng ngày một lớn mạnh đấu tranh với địch bằng nhiều hình thức, làm cho địch chùn bước.

Ngoài 89 bài tham luận, nhiều ý kiến trao đổi thảo luận tại Hội thảo đã góp phần làm rõ ý nghĩa lịch sử của “Lộ Vòng Cung Cần Thơ - Vành đai lửa”, tập trung nêu bật giá trị quan trọng của Lộ Vòng Cung trong cuộc kháng chiến của quân và dân Cần Thơ, là một “vành đai diệt Mỹ” đặc biệt ở miền Tây Nam bộ, góp phần làm nên chiến thắng Mậu Thân 1968.

Là người lính tham gia vào hai cuộc chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trực tiếp trong những trận đánh Lộ Vòng Cung, Thiếu tướng Trần Văn Niên, Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn pháo 2311 (năm 1968), nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9 khẳng định: Thắng lợi của quân và dân ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng - trong một thời gian ngắn, quân ta đã làm thay đổi thế bố trí chiến lược, mở ra cục diện mới trên chiến trường, làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của địch, tạo bước ngoặt quyết định của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, khởi đầu cho quá trình đi xuống trong chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ. Riêng đối với Cần Thơ - trọng điểm 1 của Khu, với sự quyết tâm cao độ của Khu ủy Khu 9, Bộ Tư lệnh Quân khu, Tỉnh ủy, quân và dân trong tỉnh đã giáng cho địch đòn sấm sét, bất ngờ vào đầu não của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn ở Vùng IV chiến thuật. Đây là lần đầu tiên ta dùng một lực lượng lớn tổng hợp đánh vào thành phố lớn nhất Tây Nam bộ và bám trụ giằng co với địch nhiều ngày ở nội ô và ven thành phố Cần Thơ.

Nhớ về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Thiếu tá Nguyễn Thành Chiến, Nguyên Trung đoàn phó Trung đoàn 1, Sư đoàn 330 đã kể lại diễn biến, hình ảnh đồng đội bị thương, hy sinh khi đụng độ với địch trong cuộc chiến như những thước phim lịch sử, làm cho các đại biểu tham dự hội thảo rất xúc động. Tiếp đó, Thiếu tá Nguyễn Thành Chiến nhận định: Cùng với sự chuẩn bị chu đáo về nhiều phương án, kết hợp chặt chẽ các lực lượng từ nội thành, bên ngoài và phát động quần chúng nhân dân cùng tham gia. Nhưng, do quá bí mật về ngày, giờ bắt đầu nổ súng tiến công và hệ thống truyền thông tin liên lạc yếu, nên không tập trung được lực lượng chủ lực mạnh và phát huy thời điểm bất ngờ đánh địch. Cuộc tổng tiến công tiến hành từng đợt nên thiếu tính chặt chẽ, không tập trung được lực lượng tổng hợp mạnh, hỏa lực yếu, không đủ sức đè bẹp quân địch ngay từ lúc đầu nên lực lượng ta bị tổn thất lớn.

 

 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Thượng tá Nguyễn Thị Vân cùng các đại biểu ôn lại một số diễn biến trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968.


Đánh giá về vai trò đặc biệt của “Đội biệt động thành phố Cần Thơ trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968”, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thượng tá Nguyễn Thị Vân đã ôn lại quá trình hoạt động ngay trong lòng địch của Đội biệt động. Trong đó, nổi bật là sự kiện chuyển 5 tấn vũ khí vào lộ Vòng Cung, từ đó chuyển vào các cơ sở nội thành phục vụ cho cuộc tấn công vào các trụ sở, cơ quan quân sự của địch và cuộc chiến đấu quyết liệt của ta và địch tại nhà ngủ Nam Phương. Tiếp đó, với tham luận “Lực lượng Quân y Quân khu 9 trong chiến trường Lộ Vòng Cung”, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đại tá Lê Hiền Tài đã chia sẻ về một ký ức không thể phai mờ, không phải chỉ của riêng mà còn là phần ký ức hào hùng, tự hào của cả một thời kỳ, một giai đoạn và của cả dân tộc.

Với tâm tình chia sẻ tư cách của một người lính, TS. Phạm Đình Đảng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng: Việc tổ chức Hội thảo lần này như tấm lòng tri ân với những hy sinh xương máu của biết bao thế hệ cha ông ta. “Tôi hiểu, chúng ta có hai ngày đấu tranh và dành chiến thắng trong “Lộ Vòng Cung Cần Thơ - Vành đai lửa” thì nhất thiết phải có sự chuẩn bị hàng chục, hàng trăm ngày của quân và dân ta. Cuộc chiến tranh nào mà không phải trả giá, nhưng điều day dứt mãi trong tôi là có những cuộc hội thảo về lịch sử, chúng ta tổ chức muộn, nên những nhân chứng lịch sử đã ra đi vì tuổi già, sức yếu”. Vì vậy, cũng như nhiều ý kiến khác, TS. Phạm Đình Đảng mong muốn các cơ quan chức năng cần có kế hoạch sớm triển khai thực hiện các buổi tọa đàm, hội thảo và trực tiếp tổ chức thu thập thông tin về lịch sử của địa phương khi các nhân chứng sống đang có sức khỏe để cống hiến.

Phát biểu kết luận Hội thảo, đồng chí Phạm Văn Hiểu cho rằng: Hội thảo đã làm sáng tỏ rõ hơn vị trí, vai trò Lộ Vòng Cung Cần Thơ - Chiến trường trọng điểm của miền Tây Nam Bộ trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ nhấn mạnh: Thông qua Hội thảo, chúng ta đã được ôn lại lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của quân và dân Cần Thơ trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, nhất là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968. Khẳng định vai trò, vị trí chiến lược của Lộ Vòng Cung Cần Thơ trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước. Đánh giá đúng tầm vóc, ý nghĩa lịch sử trọng đại của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968 tại Cần Thơ đối với khu vực Tây Nam Bộ. Khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng ta; sự mưu trí, sáng tạo, lòng quả cảm của quân và dân Cần Thơ, Quân khu 9 trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân 1968; đồng thời, phản bác những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm phủ nhận giá trị, ý nghĩa lịch sử của sự kiện này… Góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ, niềm tự hào dân tộc cho cán bộ, đảng viên, nhân dân Cần Thơ, tạo sự thống nhất ý chí và hành động trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Được biết, trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đã nhận được nhiều tư liệu quý, 68 hồi ký và nhiều truyện ngắn, truyện ký, thơ, ca cổ, hò, nhạc, đặc biệt có 15 gia đình hiến tặng hiện vật với 194 hiện vật và hình ảnh về Lộ Vòng Cung./.