Theo dự báo mới nhất của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cơ quan Liên hợp quốc hoạt động trong lĩnh vực việc làm và các vấn đề tại nơi làm việc, số người thất nghiệp trên toàn thế giới năm 2009 có thể tăng thêm trong khoảng từ 29,4 triệu đến 58,8 triệu người. Ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, con số này nằm trong khoảng từ 9 triệu đến 26,3 triệu người, so với năm 2007.

Điều này có nghĩa là tổng số người thất nghiệp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có thể lên tới 112,2 triệu người. Thêm vào đó, số người làm các công việc được cho là dễ bị tổn thương có thể tăng thêm 52 triệu người, nâng tổng số lao động thuộc diện này lên hơn 1,1 tỉ. Bên cạnh đó, số lao động nghèo cũng có thể tăng lên một cách “cực kỳ đáng lo ngại”.

Các con số trên được nêu ra trong bản báo cáo của ILO: Xu hướng việc làm toàn cầu cập nhật tháng 5 năm 2009.

Báo cáo này không có các số liệu cụ thể về Việt Nam, tuy nhiên có khả năng cuộc khủng hoảng tài chính đã đang và sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm trong nước. Dự án Thị trường lao động do Liên minh châu Âu tài trợ và ILO điều hành hiện đang xây dựng năng lực cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (MoLISA) trong lĩnh vực điều tra và phân tích thông tin thị trường lao động góp phần giúp Chính phủ Việt Nam nắm bắt rõ hơn về vấn đề này.

Dự án sẽ ưu tiên xác định, đo lường và đánh giá chính xác hơn nữa đặc điểm của những trường hợp thị trường lao động Việt Nam mất cân bằng và những tác động của chúng. Điều này sẽ tạo điều kiện xây dựng những chính sách hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực ở cấp độ vĩ mô phù hợp và cần thiết cho tăng trưởng bền vững và giảm thiểu những thất bại của thị trường lao động do sự bất cập về kỹ năng nghề.

Ông John Stewart, điều phối viên Dự án Thị trường lao động, Văn phòng ILO tại Việt Nam nói: “Để đối phó hiệu quả với cuộc khủng hoảng này, việc đầu tiên chính phủ cần làm là xác định bản chất của vấn đề. Cải thiện thu thập thông tin và phân tích thông tin là đầu mối quan trọng. Mục tiêu của Dự án thị trường lao động là giúp Việt Nam xây dựng và cải thiện năng lực để có được một hệ thống thông tin thị trường lao động hoạt động hiệu quả, cung cấp những số liệu và đưa ra những phân tích cần thiết cho các giải pháp chính sách.”

“Ai cũng biết là khủng hoảng kinh tế và tài chính toàn cầu đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường lao động trên toàn thế giới”, bà Rie Vejs-Kjeldgaard, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam, nói. “Nhóm người dễ bị tổn thương nhất trong cuộc khủng hoảng này chính là người lao động ở khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, người lao động dưới dạng hợp đồng hoặc lao động tạm thời, lao động di cư cả trong nước và nước ngoài, phụ nữ, lao động trẻ và người nghèo. Ảnh hưởng này trở nên mạnh mẽ hơn vì nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục hội nhập với kinh tế khu vực và toàn cầu. Tính cạnh tranh sẽ gia tăng. Thêm vào đó, Việt Nam còn phải đáp ứng với những đòi hỏi mới cho việc gia nhập WTO. Tất cả những điều này kết hợp lại sẽ tạo ra cả cơ hội và một loạt thách thức cho Việt Nam”.

“Vì đây là cuộc khủng hoảng kinh tế sâu chưa từng có, chúng ta cần phải đặc biệt quan tâm tới người nghèo và những người dễ bị tổn thương,” ông Gyorgy Sziraczki, chuyên gia kinh tế cao cấp của Văn phòng ILO khu vực châu Á -Thái Bình Dương nói. “Để đảm bảo hồi phục càng nhanh và càng toàn diện càng tốt, các chính phủ nên tận dụng cơ hội này để đầu tư vào lực lượng lao động, thông qua các hình thức như đào tạo kỹ năng, y tế và bảo trợ xã hội”./.