Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo công tác phân định biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc giai đoạn 1990 - 2001
TCCSĐT - Việc giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc là sự kiện có ý nghĩa lịch sử trong quan hệ hai nước. Lần đầu tiên trong lịch sử, hai nước xác định được một đường biên giới rõ ràng trên đất liền với một hệ thống mốc giới hiện đại, đặt nền tảng vững chắc cho việc xây dựng đường biên giới Việt - Trung thành đường biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, lâu dài, hợp tác và phát triển.
Lịch sử đường biên giới đất liền giữa Việt Nam - Trung Quốc
Đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần đầu tiên được pháp lý hóa bởi Công ước ngày 26-6-1887 và Công ước bổ sung ngày 20-6-1895 giữa Chính phủ Pháp (nhân danh Việt Nam) và triều đình Mãn Thanh (Trung Quốc. Tuy nhiên kể cả khi được chính thức xác lập bởi hai Công ước Pháp - Thanh, đường biên giới đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc thường xuyên không ổn định, nhiều mốc giới cắm tại các địa bàn quan trọng đã bị mất, một số mốc giới bị xê dịch vào đất Việt Nam. Ngày 02-9-1945, Việt Nam giành độc lập nhưng tình hình mất ổn định của biên giới Việt Nam - Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Trên thực tế trong quan hệ Việt nam - Trung Quốc lúc bấy giờ mặc dù là hữu nghị anh em, nhưng do sự phức tạp và những tồn tại của đường biên giới lịch sử để lại và những phát sinh mới ở biên giới, có một số vấn đề tranh chấp quản lý khá căng thẳng cần phải được giải quyết như: Một số bia mốc bị xê dịch vào đất Việt Nam ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng; tranh chấp đất đai ở khu vực Lũng Phắc, xã Chí Hoà, huyện Trùng Khánh…
Sau khi bình thường hóa quan hệ vào năm 1991, tháng 10-1992 hai bên tiến hành đàm phán về biên giới lãnh thổ. Sau một năm đàm phán, tháng 10-1993 hai bên đã ký Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam - Trung Quốc, theo đó hai bên đồng ý lấy các Công ước Pháp - Thanh năm 1887 và năm 1895 và các văn kiện, bản đồ hoạch định, cắm mốc biên giới kèm theo làm căn cứ để xác định lại đường biên giới Việt - Trung; các khu dân cư hai bên đã sinh sống lâu đời thì duy trì cuộc sống ổn định của dân cư; đối với những đoạn biên giới sông suối thì giải quyết theo nguyên tắc của thực tiễn và luật pháp quốc tế.
Thực hiện Thoả thuận về nguyên tắc năm 1993, từ năm 1994 đến cuối năm 1999, hai bên tiến hành 6 vòng đàm phán cấp Chính phủ và 16 vòng đàm phán ở cấp Nhóm công tác liên hợp, 3 vòng họp Nhóm soạn thảo Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.
Vấn đề đầu tiên cần phải giải quyết là xây dựng hoặc lựa chọn bộ bản đồ địa hình làm cơ sở thể hiện đường biên giới theo Công ước Pháp - Thanh năm 1887 và năm 1895. Hai bên thống nhất tiến hành việc thể hiện biên giới theo Công ước Pháp - Thanh lên bản đồ theo quan điểm và nhận thức của mỗi bên về vị trí đường biên giới. Thực tế là hai bên tự xác định "đường biên giới chủ trương" của mình rồi cùng nhau trao đổi. Phía Việt Nam đã đề nghị hai bên cùng đo vẽ lập bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000 ở khu vực biên giới, trên cơ sở đó sẽ thể hiện đường biên giới chủ trương để làm cơ sở đàm phán.
Đến năm 1998, tại các cuộc họp vòng I và vòng II của Nhóm soạn thảo Hiệp ước, hai bên đã cơ bản thống nhất được khung pháp lý của Hiệp ước gồm 8 điều, trong đó riêng điều II được quy định để mô tả hướng đi của đường biên giới và phân chia biên giới thành 61 đoạn, thống nhất được 62 giới điểm. Tại cuộc họp vòng III, trên cơ sở kết quả đạt được của Nhóm công tác liên hợp và đường biên giới được hai bên thống nhất trên bộ bản đồ địa hình tỷ lệ 1/50.000.
Ngày 30-12-1999, Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đại diện Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đường Gia Triền, đại diện Chính phủ Trung Quốc cùng nhau ký kết tại Hà Nội. Hiệp ước biên giới đất liền đã được Quốc hội hai nước phê chuẩn trong năm 2000. Hiệp ước này mô tả hướng đi của đường biên giới bằng lời văn và thể hiện bằng đường màu đỏ trên bản đồ tỷ lệ 1/500.000. Dựa vào Hiệp ước này, bắt đầu từ tháng 12-2001, hai bên tiến hành phân giới, cắm mốc. Kết thúc giai đoạn hoạch định biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam trong lãnh đạo công tác phân định biên giới trên bộ Việt Nam - Trung Quốc
Tháng 10-1991 nhận lời mời của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Bằng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Kiệt dẫn đầu Đoàn đại biểu nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sang thăm Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Chuyến thăm nhằm mục đích chính thức bình thường hóa quan hệ giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt - Trung, thỏa thuận những nguyên tắc làm cơ sở cho quan hệ hai Đảng, hai nước sau đó thỏa thuận phương hướng quan hệ, ký kết hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt lãnh đạo hai Đảng đã đạt được thỏa thuận về giải quyết vấn đề biên giới bằng Ký kết Hiệp định tạm thời giải quyết vấn đề biên giới.
Vấn đề vùng biên được khẳng định: Hai bên đồng ý sẽ tiếp tục có những biện pháp cần thiết nhằm giữ gìn hoà bình và an ninh ở vùng biên giới hai nước, khuyến khích nhân dân ở vùng biên giới hai nước khôi phục và phát triển sự đi lại hữu nghị truyền thống, xây dựng đường biên giới Việt - Trung thành biên giới hoà bình và hữu nghị. Hai bên đã ký Hiệp định tạm thời về giải quyết công việc vùng biên giới giữa hai nước(1).
Vấn đề biên giới lãnh thổ được lãnh đạo hai Đảng nhấn mạnh: Hai bên đồng ý thông qua thương lượng giải quyết hoà bình vấn đề lãnh thổ, biên giới... tồn tại giữa hai nước(2).
Tháng 12-1992, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng thăm chính thức Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đỗ Mười, Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng đã tiếp Thủ tướng Lý Bằng.
Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã trao đổi ý kiến nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước. Việt Nam và Trung Quốc đồng ý sẽ áp dụng biện pháp cần thiết để 4 Hiệp định ký lần này cũng như 8 Hiệp định đã ký trước đây là Hiệp định thương mại, Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc biên giới, Hiệp định hợp tác kinh tế, Hiệp định miễn thị thực, Hiệp định đường sắt biên giới, Hiệp định Hàng hải, Hiệp định Bưu điện, Hiệp định Hàng không được thực hiện toàn diện nhằm thúc đẩy sự hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước phát triển ổn định và có hiệu quả.
Vấn đề phân định biên giới lãnh thổ đã được Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đỗ Mười và Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng khẳng định “Hai bên đồng ý đồng thời với việc tiếp tục đàm phán cấp chuyên viên, sẽ sớm bắt đầu đàm phán cấp Chính phủ; căn cứ vào tiêu chuẩn và nguyên tắc luật pháp quốc tế được công nhận, đi đến thoả thuận về nguyên tắc cơ bản giải quyết tranh chấp biên giới, lãnh thổ và căn cứ vào các nguyên tắc đó đẩy nhanh tiến trình đàm phán, sớm giải quyết các vấn đề tranh chấp biên giới, lãnh thổ bao gồm trên biển và trên bộ. Trong khi chờ đợi giải quyết, hai bên đều không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tranh chấp về biên giới, lãnh thổ(3).
Ngày 19-10-1993, hai đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc đã ký Thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam - Trung Quốc, biên giới trên bộ được nêu rõ: Hai bên đồng ý căn cứ vào Công ước hoạch định biên giới ký giữa Trung Quốc và Pháp ngày 26-6-1887 và Công ước bổ sung Công ước hoạch định biên giới ngày 20-6-1895 cùng các văn kiện và bản đồ hoạch định và cắm mốc biên giới kèm theo đã được Công ước và Công ước bổ sung nói trên xác nhận hoặc quy định, cũng như các mốc quốc giới cắm theo quy định, đối chiếu xác định lại toàn bộ đường biên giới trên bộ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc(4).
Tháng 01-1994, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân đã thăm chính thức nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân đã hội đàm với Tổng Bí thư Đỗ Mười, Chủ tịch Lê Đức Anh, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt, các cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng và các nhà lãnh đạo khác của Việt Nam. Các cuộc hội đàm và gặp gỡ diễn ra trong bầu không khí hữu nghị, chân thành, thẳng thắn, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.
Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười Tổng và Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân chỉ đạo công tác phân định biên giới, lãnh thổ giữa hai nước: “Căn cứ vào thoả thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ giữa hai nước” đã được hai bên ký kết, cố gắng sớm giải quyết vấn đề biên giới trên bộ và phân định Vịnh Bắc Bộ, đồng thời tiếp tục tiến hành đàm phán về vấn đề trên biển nhằm tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Trước khi vấn đề được giải quyết, hai bên đều không tiến hành những hành động làm phức tạp thêm hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không sử dụng vũ lực và đe doạ sử dụng vũ lực. Hai bên sẽ bàn bạc kịp thời và giải quyết thoả đáng những bất đồng nảy sinh với thái độ bình tĩnh, xây dựng; không để bất đồng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ hai nước. Hai bên đồng ý thành lập Nhóm chuyên viên về vấn đề trên biển để tiến hành đối thoại và bàn bạc(5).
Tháng 12-1995, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười đã thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Lãnh đạo hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí đồng ý tiếp tục tuân thủ các nguyên tắc đã được xác định trong các Thông cáo chung ngày 10-11-1991, ngày 04-12-1992 và ngày 22-11-1994, củng cố và phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai Đảng, hai Nhà nước, phù hợp lợi ích cơ bản của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước, có lợi cho hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực.
Vấn đề lãnh thổ, biên giới một lần nữa được Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân chỉ đạo cụ thể trên nguyên tắc: “Hai bên khẳng định lại những nguyên tắc, thỏa thuận và hiểu biết đã đạt được trong các cuộc gặp cấp cao từ năm 1991 đến nay. Hai bên đồng ý trên cơ sở đó, với tinh thần lấy đại cục làm trọng, thông cảm và nhân nhượng lẫn nhau, công bằng hợp lý, hiệp thương hữu nghị và căn cứ vào luật pháp quốc tế, tham khảo thực tiễn quốc tế, thông qua đàm phán hoà bình giải quyết thoả đáng những vấn đề biên giới lãnh thổ tồn tại giữa hai nước, không để bất đồng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ giữa hai nước”(6).
Năm 1999, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu đã thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã đạt được các thỏa thuận cơ bản về công tác phân định cắm mốc biên giới. Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Tổng Bí thư, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã chỉ đạo: "Hai bên đồng ý tiếp tục với tinh thần lấy đại cục làm trọng, thông cảm và nhân nhượng lẫn nhau, công bằng hợp lý, hiệp thương hữu nghị và căn cứ vào luật pháp quốc tế, tham khảo thực tiễn quốc tế, thông qua đàm phán hòa bình, giải quyết thoả đáng những vấn đề biên giới lãnh thổ tồn tại giữa hai nước”(7).
Hai bên quyết tâm đẩy nhanh tiến trình đàm phán, nâng cao hiệu suất công tác, ký kết Hiệp ước về biên giới trên bộ trong năm 1999; giải quyết xong vấn đề phân định Vịnh Bắc Bộ trong năm 2000; cùng nhau xây dựng đường biên giới hai nước trở thành đường biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài”(8).
Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và Tổng Bí thư, Chủ tịch Giang Trạch Dân chỉ đạo: Tiếp tục duy trì cơ chế đàm phán hiện có về vấn đề trên biển, kiên trì thông qua đàm phán hoà bình, tìm ra một giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được. Trước khi vấn đề được giải quyết, với tinh thần dễ trước khó sau, hai bên tích cực bàn bạc, tìm kiếm khả năng và giải pháp triển khai hợp tác trên biển trong các lĩnh vực như: bảo vệ môi trường biển, khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai. Đồng thời, hai bên đều không tiến hành các hành động làm phức tạp thêm hoặc mở rộng thêm tranh chấp, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực. Hai bên cần bàn bạc kịp thời và giải quyết thoả đáng những bất đồng nảy sinh với thái độ bình tĩnh, không để bất đồng ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của quan hệ hai nước.
Năm 2001, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh tới Trung Quốc, Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước đã đạt được các thỏa thuận cơ bản về công tác phân định cắm mốc biên giới, nhất trí cho rằng: “Việc hai nước ký Hiệp định biên giới trên đất liền, Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ là sự kiện có ý nghĩa trọng đại, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phát triển hơn nữa quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước và sự ổn định của khu vực”(9).
Trong khuôn khổ nội dung hội đàm, Lãnh đạo hai Đảng, hai Nhà nước, Việt Nam và Trung Quốc chỉ đạo công tác phân định biên giới, “khẳng định sẽ nhanh chóng hoàn thành các công việc đàm phán tiếp theo có liên quan đến Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ, để Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ cùng với Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ sớm có hiệu lực, tích cực thúc đẩy và tăng nhanh tiến trình công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền, xây dựng biên giới hai nước thành biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài”(10).
Ý nghĩa của việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc
Ý nghĩa của việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền thể hiện trên một số điểm sau đây:
Thứ nhất, ta đã giải quyết hai trong ba vấn đề lớn do lịch sử để lại trong quan hệ Việt - Trung đó là giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới trên đất liền và vấn đề phân định vịnh Bắc Bộ, chỉ còn lại vấn đề Biển Đông. Những kinh nghiệm giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền sẽ tạo cơ sở cho việc đàm phán giải quyết vấn đề trên biển giữa hai nước.
Hai là, việc xác định một đường biên giới rõ ràng trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc tạo cơ sở để các ngành chức năng tiến hành quản lý biên giới một cách hiệu quả, ngăn ngừa hiện tượng xâm canh, xâm cư do thiếu hiểu biết về đường biên giới; mở ra cơ hội mới cho công cuộc phát triển của mỗi nước, đặc biệt là tạo điều kiện cho các địa phương biên giới hai bên mở rộng hợp tác, phát triển kinh tế, tăng cường giao lưu hữu nghị.
Ba là, việc hoàn thành giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền là biểu hiện sinh động của mối quan hệ “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” Việt Nam - Trung Quốc, góp phần gia tăng sự tin cậy giữa hai bên, tạo động lực mới thúc đẩy quan hệ Việt - Trung phát triển mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn.
Bốn là, việc hoàn thành phân giới cắm mốc góp phần xây dựng một đường biên giới hoàn chỉnh, chính quy, hiện đại và bền vững. Điều đó có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Năm là, trên bình diện quốc tế và khu vực, việc giải quyết dứt điểm vấn đề biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc là sự đóng góp thiết thực đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, góp phần khẳng định các nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế: giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ bằng thương lượng hòa bình; không sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp quốc tế./.
--------------------------------------------------
(1) , (2) Thông cáo chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1991, Lịch sử biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội, 1998
(3) Thông cáo chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1992, Lịch sử biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội
(4) Nguyễn Hồng Thao, Vì một đường biên giới pháp lý, công bằng, hoà bình ổn định và phát triển, Tạp chí Tuyên giáo, số 2, 2009, tr.12-16
(5) Thông cáo chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1994, Lịch sử biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội
(6) Thông cáo chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1995, Lịch sử biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội
(7), (8) Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 1999, Lịch sử biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội
(9), (10) Tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa năm 2001, Lịch sử biên giới trên đất liền giữa Việt Nam với các nước láng giềng, Nxb. Công an Nhân dân, Hà Nội
Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở Nghị quyết Đại hội XII của Đảng  (03/06/2016)
Nhà nước phục vụ và kiến tạo phát triển trên cơ sở cách tiếp cận dựa trên quyền con người ở Việt Nam hiện nay  (03/06/2016)
Nhà nước phục vụ và kiến tạo phát triển trên cơ sở cách tiếp cận dựa trên quyền con người ở Việt Nam hiện nay  (03/06/2016)
Nhà nước phục vụ và kiến tạo phát triển trên cơ sở cách tiếp cận dựa trên quyền con người ở Việt Nam hiện nay  (03/06/2016)
Lãnh đạo Campuchia tiếp Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng  (02/06/2016)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm