Trách nhiệm xã hội nhìn từ hướng tiếp cận thông tin của các cơ quan báo chí

Trần Văn Tấn Tạp chí Cộng sản
21:50, ngày 18-06-2015

TCCSĐT - Trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là báo chí với chủ thể hoạt động là người làm báo có vai trò rất quan trọng trong việc chuyển tải thông tin, phổ biến cũng như góp phần hiện thực hoá đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Khi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được khẳng định thì báo chí cũng ngày càng có sức mạnh và khả năng to lớn để giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác tư tưởng trên phạm vi toàn xã hội. Sức mạnh và khả năng to lớn của báo chí thể hiện ở chỗ, báo chí có thể tác động đồng thời, nhanh chóng đến từng thành viên trong xã hội, liên kết các thành viên xã hội thành một khối thống nhất, bền vững thông qua việc truyền tải những thông tin về các giá trị đích thực của các tầng lớp xã hội, dân tộc và cả nhân loại. Có thể nói, báo chí với các hoạt động chuyên môn bằng hướng tiếp cận thông tin từ hiện thực, trong đó, người làm báo là chủ thể có trách nhiệm xã hội đối với việc tạo ra môi trường giáo dục mang tính đại chúng sâu rộng.

Điều 1, Luật Báo chí năm 1999, ghi rõ: “Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức đảng, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân”. Rõ ràng, luật pháp nước ta thừa nhận vai trò của báo chí và trách nhiệm của người làm báo trong đời sống xã hội. Thông qua nhãn quan của người làm báo, báo chí là tấm gương phản ánh đời sống xã hội, tác động làm biến đổi đời sống xã hội, mang đến các giá trị vững bền về chính trị, kinh tế, văn hóa cho con người. Chính vì thế, báo chí nói chung và người làm báo nói riêng luôn chịu sự ràng buộc trách nhiệm mang tính xã hội. Nếu như, hướng tiếp cận thông tin của báo chí thuận lợi, đúng mực, đồng thời người làm báo có bản lĩnh, có trách nhiệm xã hội cao thì chắc chắn báo chí sẽ góp phần làm cho xã hội phát triển theo hướng tích cực, còn ngược lại thì không những làm cho xã hội trì trệ mà nguy hại hơn là làm cho công chúng mất niềm tin vào sự lãnh đạo chính trị của nhà cầm quyền, của giới lãnh đạo, quản lý, ảnh hưởng không nhỏ tới sự tồn vong của chế độ.

Đảng ta luôn coi trọng vai trò của báo chí và tôn vinh nghề báo, người làm báo, xem báo chí là vũ khí sắc bén để tuyên truyền, tập hợp, tổ chức và vận động nhân dân hưởng ứng phong trào, hoạt động cách mạng, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Điều 2 Luật Báo chí năm 1999 ghi rõ: “Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy vai trò của mình.

Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ; không một tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tập thể và công dân.

Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng”.

Vấn đề quan trọng hàng đầu trong hoạt động của báo chí, của người làm báo là không những cung cấp được cho công chúng những thông tin chính xác, phổ quát, dễ hiểu mà còn phải kịp thời (thậm chí có lúc là tức thời) sống động, chân thực, nguyên vẹn bản chất của cuộc sống. Tuy nhiên, do tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí có sự khác nhau và đối tượng công chúng cũng khác nhau nên cách tiếp cận thông tin cũng có những khác biệt.

Cùng với sự đổi mới của đất nước, trong những năm qua báo chí ở nước ta đã có được sự chuyển mình mạnh mẽ, phát triển nhanh về số lượng và chất lượng. Hiện tại, cả nước có trên 800 ấn phẩm báo chí với khoảng 18.000 nhà báo được cấp thẻ. Ngoài các cơ quan báo chí Trung ương, hầu hết tại các địa phương đều có cơ quan, văn phòng đại diện, thường trú, thường trực. Đây là một lực lượng hùng hậu để phản ảnh, thông tin tất cả mọi khía cạnh của xã hội.

Trong sự phong phú, đa dạng của các cơ quan báo chí cả nước cũng như tại từng địa phương, đứng trước bối cảnh chung, tồn tại cùng quy luật cạnh tranh của cơ chế thị trường, để khẳng định chỗ đứng, tạo uy tín đối với công chúng, nuôi sống đội ngũ những người làm báo và duy trì các hoạt động chuyên môn hằng ngày, trong thực tế, hoạt động của báo chí đã nảy sinh những vấn đề bất cập mà về mặt lãnh đạo, quản lý cần phải quan tâm giải quyết, đó là:

Về phía cơ quan báo chí: Phần lớn các cơ quan báo chí và người làm báo đều hoạt động có hiệu quả, không ít cơ quan báo, người làm báo được cấp ủy, chính quyền, nhân dân và các tổ chức cá nhân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ. Có thể nói, môi trường hoạt động báo chí ở nước ta là thuận lợi, giữa báo chí và cấp ủy đảng, chính quyền cũng như nhiều tổ chức, cá nhân luôn có mối quan hệ đồng thuận. Không riêng gì ở Trung ương, tại các thành phố, các tỉnh, các cơ quan đảng, chính quyền đều có người chịu trách nhiệm chuyên cung cấp thông tin cho báo chí. Trước mọi sự kiện, hiện tượng diễn ra cần nhất là tính công khai, minh bạch. Vì thế, các cơ quan báo chí luôn được tạo điều kiện để tiếp cận các nguồn thông tin công khai, chính thống để cung cấp cho công chúng.
Tuy nhiên, trong thực tế cũng có lúc xảy ra tình trạng nhà báo, cơ quan báo không tiếp cận được các nguồn tin với rất nhiều lý do mà chung nhất vẫn là người có trách nhiệm đi vắng, chưa nắm chắc được thông tin, việc công bố thông tin chưa đúng lúc...

Về phía các tổ chức cá nhân cung cấp thông tin: Đối với một đất nước đang phát triển, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, nhận thức của mọi người về quyền tiếp cận thông tin của báo chí ngày càng đa dạng. Trong thực tế, không ít cán bộ, người dân có khả năng phản ảnh các sự kiện, hiện tượng xảy ra trên địa bàn cả nước giống như một người làm báo thực thụ. Nói điều này để thấy rằng, phần lớn các tổ chức, cá nhân, nếu không muốn nói là cộng đồng xã hội ở nước ta đều sẵn sàng ủng hộ hoạt động của báo chí.

Nguyên nhân tình trạng làm hạn chế quyền tiếp cận thông tin của báo chí có nhiều nhưng chung nhất vẫn là do cơ quan báo, người làm báo bỏ qua các quy trình tiếp cận thông tin, làm việc thiếu kỹ năng, sai phương pháp, đôi khi lồng cả ý đồ cá nhân vào công việc nên bị phản ứng... Bên cạnh đó, cũng có trường hợp do người cung cấp thông tin thiếu minh bạch hoặc không hiểu rõ, nắm chắc được các quy định của pháp luật.

Về phía công chúng: Đây là đối tượng tiếp nhận thông tin mà các cơ quan báo và nhà báo hướng đến. Thông thường công chúng có rất nhiều đối tượng và mỗi đối tượng lại có quyền lợi và trách nhiệm xã hội khác nhau nên vẫn hay chú ý đến quyền lợi của bản thân, của nhóm, ít khi quan tâm đến quyền lợi chung từ đó sinh ra vị kỷ. Vì thế, nhìn với khía cạnh quản lý nhất thiết không thể không có sự điều chỉnh cho phù hợp với quyền và lợi ích của cộng đồng.

Là một nhà báo lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn có những chỉ dẫn rất cụ thể về cách viết, cách sống mà trên hết đó là đạo đức của người làm báo. Nói chuyện với các nhà báo tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam ngày 14-4-1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ rằng: “Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân…”, cho nên mục đích chung thì giống nhau “Nhưng mỗi tờ báo… nên có đặc điểm của nó…”.

Từ lời dạy của Người, liên hệ đến bối cảnh chung của sự phát triển báo chí nước ta trong những năm gần đây, có thể thấy, sự phát triển nhanh chóng về số lượng nhưng chất lượng chưa đều, bên cạnh những tờ báo, tạp chí luôn hướng về nhân dân, lợi ích của nhân dân để hoạt động thì cũng có không ít tờ báo, tạp chí chạy theo thị trường, thương mại hoá và thực dụng trong thông tin.

Vấn đề đáng quan tâm là trước một sự kiện, hiện tượng sự tốt - xấu không phải lúc nào cũng rạch ròi và dễ phân định. Trong thực tiễn nếu như phân định thiếu chính xác sẽ làm cho báo chí hoạt động chệch hướng, kém hiệu quả, thậm chí là có hại cho sự phát triển của cuộc sống. Đối với cơ quan báo chí và bản thân người làm báo, người làm công tác tư tưởng điều quan trọng trong sự phát triển không ngừng của mình là phải tỉnh táo nhận rõ được giá trị đích thực để phát huy và hạn chế tối đa những mặt tiêu cực. Giá trị đích thực của thông tin báo chí là giá trị tư tưởng, giá trị văn hóa làm nền tảng cho cả một thế hệ, cho cả một thời đại chứ không phải cho riêng một nhóm đối tượng công chúng, một nhóm đối tượng lợi ích nào.

Bản lĩnh của các cơ quan báo, người làm báo trong tiếp cận thông tin và thông tin gắn liền với trách nhiệm xã hội, với bất cứ lý do gì cũng phải bằng mọi cách làm cho cuộc sống đi lên theo hướng tiến bộ, nói đúng sự thật, nhưng không phải bất cứ sự thật nào cũng được phơi bày trần trụi mà cần phải biết chọn lọc, “gạn đục khơi trong” để tìm được bản chất của nó. Một khi làm cho cuộc sống phát triển tiến bộ, đi lên thì sự tiếp cận thông tin và thông tin của báo chí mới có ý nghĩa.

Nhìn lại, báo chí ở nước ta trong những năm đầu đổi mới do chưa thích nghi với cơ chế mới nên gặp không ít khó khăn, trở ngại, nhưng nay những khó khăn của thuở ban đầu không còn, những mặt tiêu cực luôn được khắc phục nhằm hướng tới sự phát triển phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Sự tích cực hoặc những tác động tiêu cực của cơ chế thị trường đối với báo chí là không thể tránh khỏi, cho nên về mặt quản lý vấn đề quan trọng là phải có một giải pháp đồng bộ từ công tác quản lý đến đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và tự thân người làm báo phải luôn luôn học hỏi, trau dồi để có được bản lĩnh xứng tầm với nhiệm vụ trong từng giai đoạn.

Trong công tác lãnh đạo, quản lý, Đảng và Nhà nước ta có những đổi mới luôn sâu sát và quan tâm đến hoạt động báo chí, nhất là báo chí địa phương, nhưng về tổng thể vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục đổi mới. Hiện nay, nhiều tờ báo, nhìn hình thức thì rất đẹp nhưng nội dung thông tin thì nghèo nàn do sự yếu kém về trình độ của người làm báo. Công bằng mà nói, về mặt luật pháp hành lang pháp lý vẫn còn nhiều mặt chưa hoàn thiện. Luật Báo chí vẫn còn một số vấn đề cần bổ sung, điều chỉnh. Đội ngũ những người làm báo, cơ quan báo chí phải được Đảng, Nhà nước quan tâm bồi dưỡng, đầu tư thường xuyên về chính trị, chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu của thời đại.
Đứng về mặt quản lý, pháp luật là chỗ dựa tốt nhất để cơ quan báo và nhà báo hoạt động. Tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin hiển nhiên được pháp luật thừa nhận và bảo hộ nhưng không thể vì thế mà thoải mái, không cần giới hạn, cứ mãi tự do khai thác sự riêng tư của các tổ chức, cá nhân khi chưa có sự đồng ý của người trong cuộc mà lại không chịu trách nhiệm cá nhân lẫn trách nhiệm xã hội. Để các cơ quan báo và nhà báo hoạt động tốt, ngoài việc hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện cho nhà báo, cơ quan báo hoạt động, nhất thiết nhà báo phải được bồi dưỡng, học tập am hiểu chuyên môn, am hiểu lĩnh vực đảm nhiệm, am hiểu pháp luật thì mới có thể làm tốt được nhiệm vụ.

Về công tác đào tạo, trong những năm gần đây chúng ta đã đào tạo nghề cho rất nhiều người nhưng không phải ai đã được đào tạo xong cũng làm được báo. Các cơ quan báo chí khi tuyển phóng viên thường có những tiêu chuẩn riêng của mình. Một số cơ quan báo chí khi tuyển dụng bản thân người có đào tạo chuyên môn báo chí chưa phải là điều kiện tiên quyết mà còn lệ thuộc vào năng lực làm việc, trình độ ngoại ngữ của cá nhân... Bởi vậy, vấn đề quan trọng trong công tác đào tạo là phải đào tạo được người có năng lực hành nghề, một nhà báo thực thụ đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của cuộc sống, là một nhà báo không những giỏi về lý thuyết mà còn giỏi về thực tế, đó chính là thước đo hiệu quả công việc.

Về công tác tuyển dụng người làm báo, hiện nay, hầu hết các cơ quan báo chí đều có xu hướng tuyển người có thực tài, nghĩa là người được tuyển vào cơ quan báo vừa có trình độ chuyên môn nhưng cũng là người làm được việc. Tại các cơ quan báo phần lớn nhà báo là những người làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm, tuy nhiên vẫn không tránh khỏi một vài trường hợp có người này hoặc người khác lợi dụng uy tín của nghề để tìm cách trục lợi cá nhân. Muốn có nhà báo giỏi, ngoài việc đào tạo bài bản, tuyển dụng nghiêm túc, chặt chẽ thì việc sử dụng cũng phải được quan tâm một cách đầy đủ, làm sao tạo môi trường thật tốt để người làm báo có thể phát huy hết năng lực của mình.

Đối với hoạt động báo chí, cơ quan báo chí không phải là cơ quan pháp luật, không phải là cơ quan điều tra nên những sai sót trong thông tin của nhà báo, của cơ quan báo chí là điều khó tránh khỏi, tuy nhiên, nếu có hướng tiếp cận thông tin tốt, luôn hướng về sự phát triển của cuộc sống, chắc chắn, những vấn đề đáng tiếc sẽ được hạn chế. Chính điều này làm cho trách nhiệm xã hội của cơ quan báo chí và nhà báo được thể hiện rõ nét, khẳng định được cả uy tín lẫn thương hiệu như mọi người vẫn thấy ở các tờ báo lớn./.