Vấn đề nhà ở cho công nhân ở tỉnh Đồng Nai
Nhà ở cho công nhân trở thành nỗi ưu tư và trăn trở của toàn xã hội. Tuy nhiên, ai sẽ là người chịu trách nhiệm và bằng cách nào để công nhân có được chỗ ở ổn định trong điều kiện hiện nay? Câu hỏi đang rất cần được giải đáp.
Đồng Nai là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ khá cao. Cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng trưởng dân số và nhu cầu về nhà ở là xu thế tất yếu. Đáp ứng nhu cầu nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp tập trung đang trở thành vấn đề bức xúc hiện nay đối với tỉnh Đồng Nai. Thời gian qua, Tỉnh ủy và ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều giải pháp tích cực để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động. Tuy nhiên trên thực tế, công nhân lao động chưa có nhiều cơ hội về nhà ở kể cả với tiêu chí trung bình. Thực tế đó đòi hỏi phải có giải pháp đột phá tầm vĩ mô để giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân lao động, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa cho nhân dân, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội.
Thực trạng nhà ở công nhân khu công nghiệp ở tỉnh Đồng Nai
Các thành phần kinh tế tham gia đầu tư nhà ở: 5,37% nhà ở do doanh nghiệp đầu tư, 14,63% nhà ở do các công ty kinh doanh nhà hoặc kinh doanh đầu tư xây dựng hạ tầng các đô thị, các khu công nghiệp tập trung xây dựng; 40,98% do các hộ cá thể đầu tư cho công nhân thuê. |
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 286.744 cán bộ công chức, viên chức và công nhân ở các khu công nghiệp tập trung, trong đó có 30.221 cán bộ công chức, viên chức và 256.533 công nhân trong khu công nghiệp tập trung. Lao động nhập cư chiếm trên 60%. Thực hiện chủ trương xã hội hóa việc giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân, thời gian qua các khu công nghiệp ở tỉnh Đồng Nai đã đạt được một số kết quả nhất định. Tỉnh đã chủ động thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế, theo nhiều phương thức khác nhau: 5,37% nhà ở do doanh nghiệp đầu tư, 14,63% nhà ở do các công ty kinh doanh nhà hoặc kinh doanh đầu tư xây dựng hạ tầng các đô thị, các khu công nghiệp tập trung xây dựng; 40,98% do các hộ cá thể đầu tư cho công nhân thuê. Đến nay đã có: 56,52% cán bộ, công chức, viên chức tự tạo lập nhà ở; 3,19% mua nhà theo Nghị định 61/CP; 2,23% thuê nhà chung cư. Đối với công nhân khu công nghiệp, có khoảng 40% công nhân có chỗ ở ổn định đạt tiêu chuẩn về diện tích nhà ở và có hạ tầng đồng bộ. Chất lượng nhà ở, điều kiện sinh hoạt tối thiểu, môi trường sống tại các khu nhà của công nhân thuê từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, nhu cầu nhà ở cho công nhân, viên chức lao động còn khá lớn. Có đến 165.400 công nhân trong các khu công nghiệp tập trung cần có nhà ở. Trong đó, có 11.480 cán bộ, công chức, viên chức (chiếm 38%) thuê nhà tư nhân hoặc ở ghép, ở tập thể hoặc ở nhà tạm bợ; 153.920 công nhân ở các khu công nghiệp tập trung (chiếm 60%) cần nhà ở để ổn định cuộc sống. Mặc dù, đã có đến 40% công nhân có nhà ở nhưng diện tích bình quân người chỉ có 4,4m2, còn thấp so với mục tiêu, chương trình phát triển nhà ở theo Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ. Đây đang là vấn đề bức xúc đối với nhiệm vụ ổn định cuộc sống cho công nhân ở khu công nghiệp tập trung.
Xét ở góc độ khác, chất lượng nhà ở cũng chưa bảo đảm điều kiện cuộc sống. Các khu nhà ở công nhân còn đơn sơ, tạm bợ, hạ tầng kém, thiếu vệ sinh, thiếu khu vui chơi giải trí, không bảo đảm điều kiện sống tối thiểu, sức khỏe cho người lao động. Khu nhà ở do doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng lại khó có thể mở rộng, công nhân không cảm thấy thoải mái, buồn tẻ, thiếu khu vui chơi giải trí, bị lệ thuộc vào nội quy và bị hạn chế đi lại, giao tiếp với người thân và bạn bè... vị trí nhà ở cho người có thu nhập thấp không thuận lợi về điều kiện môi trường sống. Khu nhà ở dạng này thường không được xây dựng theo quy hoạch, không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, mặt khác môi trường cũng bị tàn phá bởi sự ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt làm mất cảnh quan đô thị. Môi trường sống của những khu vực xung quanh khu công nghiệp thường xảy ra những tệ nạn xã hội, gây mất trật tự, an toàn xã hội. Với mức thu nhập và điều kiện nhà ở khó khăn hiện nay, người lao động rất thiếu điều kiện để thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, thể thao, nghỉ ngơi, học tập, giao lưu tình cảm. Đặc biệt, trong các khu công nghiệp có nhiều lao động nữ thì vấn đề hôn nhân và gia đình càng trở nên bức xúc nhưng chưa được các doanh nghiệp, cơ quan, đoàn thể quan tâm đúng mức.
Một số vấn đề đặt ra trong việc giải quyết nhà ở cho công nhân
- Đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân cần lượng vốn lớn, khả năng tiêu thụ sản phẩm khó khăn, nhưng lại không thuộc danh mục ngành nghề được ưu đãi đầu tư.
Theo mặt bằng giá cả hiện nay ở địa bàn thành phố Biên Hòa, vốn đầu tư cho 1m2 nhà ở là 3.690.625 đồng trong trường hợp không có sự hỗ trợ của nhà nước, là 2.984.375 đồng nếu có sự hỗ trợ của nhà nước về chi phí hạ tầng, miễn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp. Với giá đầu tư xây dựng như trên, mức tiền thuê phải trả mỗi tháng cho 1m2 nhà ở từ 29.000 đồng đến 34.424 đồng tùy thuộc vào thời gian thu hồi vốn nhanh hay chậm (trong trường hợp không có sự hỗ trợ của nhà nước), từ 24.155 đồng đến 28.583 đồng (trong trường hợp có sự hỗ trợ của Nhà nước). Nếu tính diện tích bình quân người là 10 m2, thì hằng tháng mỗi người phải chi trả tiền thuê nhà lên 241.550 đến 344.240 đồng. Trong khi đó, thu nhập của đối tượng là cán bộ công chức, viên chức chỉ khoảng 1.200.000 đồng/tháng, đối với công nhân chỉ có 1.050.000 - 1.100.000 đồng/tháng. Như vậy, riêng tiền thuê nhà đã chiếm trên dưới 30% tổng thu nhập của người lao động.
Đảng ta xác định, xây dựng và phát triển nhà ở cho người có thu nhập thấp là nhiệm vụ khó khăn nhưng hết sức cần thiết trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước đi, từng chính sách cụ thể. Tuy nhiên, cho đến nay nhà ở cho người có thu nhập thấp lại không nằm trong danh mục khuyến khích đầu tư, không có cơ chế hỗ trợ về vốn, thuế, đất đai...
- Các dự án đầu tư nhà ở cho công nhân thường không thu hút, hấp dẫn nhà đầu tư. Nếu để tình trạng tư nhân tự phát làm nhà ở như hiện nay sẽ dẫn đến hậu quả xây dựng không theo quy hoạch, chất lượng nhà ở thấp. Điều đó chẳng những ảnh hưởng đến đời sống của người dân, mà còn ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, tiến trình đô thị hóa...
Cần những giải pháp đột phá để giải quyết vấn đề nhà ở cho công nhân ở tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới
Dự kiến đến năm 2010, dân số tỉnh Đồng Nai là 2,4 triệu người, trong đó dân đô thị là 1,1 triệu người và có 34 khu công nghiệp tập trung, thu hút 38 - 40 vạn công nhân. Với định mức nhà ở đô thị là 20 m2 sàn, nhà ở nông thôn 14 m2 sàn, tổng diện tích nhà ở cần tăng thêm là 5.600.000 m2, bình quân mỗi năm cần tăng 1.120.000 m2. Tổng nhu cầu vốn đầu tư là cho giai đoạn 2006 - 2010 là 13.500 tỉ đồng, bình quân mỗi năm cần 2.700 tỉ đồng. Để đáp ứng yêu cầu trên đây nhà nước rất cần sự quan tâm của cả xã hội.
Thứ nhất, xã hội hóa trong việc phát triển quỹ nhà ở cho người có thu nhập thấp. Thông qua các hình thức như khuyến khích tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân tận dụng quỹ nhà ở dôi dư để cho thuê; nhà nước đầu tư xây dựng quỹ nhà ở cho thuê hoặc mua đối với cán bộ công chức, viên chức, sĩ quan chuyên nghiệp và đối tượng khác thuộc diện người có thu nhập thấp.
Thứ hai, bố trí kế hoạch sử dụng đất để phát triển các dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Trong bố trí quy hoạch xây dựng nhà ở cần gắn với các dự án nhà ở khác hoặc các dự án khu đô thị mới nhằm bảo đảm tính đồng bộ về hạ tầng cũng như cơ sở phúc lợi xã hội, tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp sống hòa nhập với cộng đồng trong khu dân cư, được tiếp cận và hưởng thụ hệ thống dịch vụ công cộng và hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh việc tạo quỹ đất cho xây dựng nhà ở, cần đa dạng cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận được nguồn đất đai thực hiện dự án đầu tư.
Thứ ba, để thu hút nhà đầu tư mạnh dạn bỏ vốn đầu tư phát triển quỹ nhà ở cho người có thu nhập thấp, Nhà nước cần có cơ chế chính sách ưu đãi hỗ trợ trên các mặt như miễn các khoản đóng góp nghĩa vụ thuế, được vay vốn ưu đãi đầu tư từ quỹ phát triển nhà ở của tỉnh, được hỗ trợ lãi suất đầu tư, đồng thời có chính sách hỗ trợ chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng nhanh chóng và hỗ trợ chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.
Thứ tư, thành lập quỹ xây dựng và phát triển nhà ở để hỗ trợ nhà đầu tư và hỗ trợ đối tượng là người có thu nhập thấp trợ vay vốn xây dựng nhà ở hoặc thuê, hay mua nhà.
Thứ năm, thành lập loại hình hợp tác xã nhà thu hút nguồn vốn của xã viên xây dựng nhà tập thể, nhà chung cư phục vụ cho xã viên là người có thu nhập thấp theo nguyên tắc nhiều người lo cho một người, lần lượt sẽ giải quyết được khó khăn về nhà ở.
Nhà ở cho công nhân đang là vấn đề có tính thời sự, được nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều giới quan tâm. Bởi lẽ, giải quyết được điều này là một trong những giải pháp an dân, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân lao động nói chung, đặc biệt là giai cấp công nhân và lực lượng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước nói riêng, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội đúng như tinh thần Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội VIII Đảng bộ tỉnh.
Độc lập, Tự do - những giá trị thiêng liêng và cao đẹp  (01/09/2007)
Hội thảo "Đảng lãnh đạo công cuộc đổi mới, phát triển đất nước: Kinh nghiệm Việt Nam, kinh nghiệm Lào"  (01/09/2007)
Đường về  (31/08/2007)
Xuất khẩu dệt may 8 tháng đạt gần 5,1 tỉ USD  (30/08/2007)
Tăng đầu tư cho giáo dục ở vùng khó khăn  (30/08/2007)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên