An Ninh chuyển mình

Hà Thành
09:44, ngày 22-05-2007

Sau khoảng 2 giờ đồng hồ ngồi trên ô-tô, thoát khỏi sự ồn ào, đông đúc nơi thành phố, chúng tôi về tới An Ninh - một trong những xã lớn của huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Nhìn khu Chợ Lầy – một chợ cổ nổi tiếng đang được xã đầu tư xây dựng với số vốn lên tới gần tỉ đồng, nhìn những công trình phúc lợi điện – đường – trường – trạm đang được xây dựng kiên cố theo hướng phù hợp cho cả hiện tại cũng như tương lai, ít ai nghĩ rằng nơi đây đã từng là “điểm nóng” về khiếu kiện và trật tự xã hội của tỉnh.

BÀI HỌC VÀ GIẢI PHÁP

Nhắc lại câu chuyện của 10 năm trước đây, nhiều cán bộ xã không khỏi bùi ngùi. Quá khứ thật đau lòng nhưng cũng từ đó, những người có trách nhiệm với cuộc sống của người dân An Ninh hôm nay thấu hiểu sâu sắc rằng người dân An Ninh muốn ổn định để phát triển. Không hô hào suông, không trung dung, nhanh chóng nhưng không nóng vội, lãnh đạo xã bắt tay sửa chữa ngay sai lầm khi đã tìm ra nguyên nhân.

Rất nhiều bài học được rút ra từ sau sự kiện này. Đó là những bài học về ý thức trách nhiệm của cơ quan tham mưu và cơ quan chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Là bài học về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Bài học về công tác cán bộ. Bài học về công tác giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên. Bài học về công tác quản lý ngân sách. Bài học về sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành trong việc giải quyết các điểm nóng.

- Với sự quan tâm giúp đỡ của tỉnh Thái Bình, của huyện Quỳnh Phụ, cấp ủy chính quyền, các ngành, đoàn thể xã An Ninh đã tập trung đổi mới và tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho mọi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên cũng như các tầng lớp nhân dân nhằm giúp họ nhận thức đúng tình hình, hiểu rõ các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trên mọi lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực chống tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... Phân tích rõ những hành vi vô nguyên tắc, bất chấp pháp luật của một số đối tượng lợi dụng việc chống tham nhũng để gây rối, làm mất sự bình yên, đoàn kết làng xã, gia đình, dòng họ, làm kinh tế - văn hóa - xã hội địa phương, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh việc tuyên truyền, khơi dậy truyền thống cách mạng của địa phương để mọi người, mọi nhà nhận thức đầy đủ, cùng quyết tâm gìn giữ.

Công tác chính trị tư tưởng bắt đầu được làm thông thoáng từ các cuộc họp chi bộ, đảng bộ. Thông qua cuộc họp của các ban ngành, đoàn thể, thông qua hệ thống truyền thanh, thông tin thời sự, chính sách mới, các hoạt động văn nghệ quần chúng... nhận thức chính trị, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên rõ rệt, ý thức trách nhiệm được tập hợp với ý chí, quyết tâm thống nhất cao hơn.

- Công tác củng cố tổ chức, cán bộ, xây dựng Đảng, chính quyền các đoàn thể nhân dân được tăng cường. Trước hết, tiến hành đánh giá, phân loại cán bộ, đảng viên, kiểm điểm làm rõ ưu, khuyết điểm của tập thể tổ chức Đảng và từng cá nhân cán bộ, đảng viên thông qua việc tự phê bình và phê bình thẳng thắn, nghiêm túc. Chấn chỉnh kỷ luật làm việc, công tác của Đảng, chính quyền, các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể thông qua việc ban hành hàng loạt các quy chế, quy định cụ thể như: Quy chế lãnh đạo của Đảng ủy; Quy chế lãnh đạo của các chi bộ; Quy chế làm việc của Ủy ban... Sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ chủ chốt cũng như cán bộ các ban ngành đoàn thể phù hợp với yêu cầu, củng cố lại uy tín, niềm tin với nhân dân.

- Hằng năm, công tác kiểm tra, thanh tra được duy trì thường xuyên, nghiêm túc, có chất lượng và hiệu quả. Mỗi năm địa phương đều tổ chức thực hiện tốt 4 cuộc kiểm tra bắt buộc, đó là: kiểm tra tài chính ngân sách xã; kiểm tra việc thực hiện sử dụng quỹ vốn của hợp tác xã; kiểm tra việc thực hiện nghị quyết cấp trên; kiểm tra việc thực hiện quy chế dân chủ. Ngoài các cuộc kiểm tra với các nội dung bắt buộc trên, địa phương còn có thêm từ 2 đến 3 cuộc kiểm tra khác với các nội dung và thời gian phù hợp với nhiệm vụ chính trị tư tưởng mỗi năm.

- Tập trung giải quyết, chấn chỉnh công tác quản lý đất đai và quản lý tài chính kinh tế. Cụ thể là: thực hiện tốt điều chỉnh bổ sung đất nông nghiệp cho hộ gia đình cá nhân theo quy định 948 của Ủy ban Nhân dân tỉnh; tiến hành “dồn điền, đổi thửa” đất nông nghiệp; xử lý nghiêm túc những vấn đề liên quan đến đất đai (trong và sau khi địa phương bất ổn định); tập trung đôn đốc, thu hồi tiền đất nợ đọng sau kết luận của các cuộc thanh kiểm tra; thực hiện việc giao cấp đất mới theo quy trình chặt chẽ, dân chủ, khách quan, đúng pháp luật và kịp thời ngăn chặn các hành vi, đối tượng vi phạm pháp luật và kịp thời ngăn chặn các hành vi, đối tượng vi phạm pháp luật đất đai như: lấn chiếm, phá vỡ mặt bằng đất canh tác...

Công tác quản lý tài chính được thực hiện thông qua các cuộc kiểm tra ngân sách xã hằng năm để kịp thời nhắc nhở, xử lý. Các nội dung cụ thể là: thực hiện tốt chế độ công khai tài chính tại công sở và thông qua việc báo cáo công khai với cử tri, một năm 2 lần trước kỳ họp Hội đồng nhân dân; thực hiện nghiêm túc Luật Ngân sách và thực hiện việc phân bổ ngân sách rõ ràng, định mức cho các tổ chức, các ngành chủ động trong xây dựng kế hoạch và thực hiện phong trào; thực hiện nghiêm túc quy định về thu - chi tài chính ngân sách qua Kho bạc nhà nước; đảm bảo tốt việc thu đúng, thu đủ các loại thuế, quỹ, các loại đóng góp của nhân dân, đảm bảo dân chủ, khách quan và công khai.

- Tăng cường lãnh đạo công tác nội chính, đảm bảo giữ vững kỷ cương phép nước. Lực lượng công an xã, lực lượng bảo vệ thôn được củng cố cả về số lượng lẫn chất lượng; phối hợp với lực lượng cựu chiến binh trên địa bàn dân cư làm nòng cốt trong phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ngành công an xã đã bắt giữ và đưa ra xét xử các đối tượng gây rối để răn đe, ngăn chặn những hành vi vi phạm pháp luật; tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh, phát giác, ngăn chặn các loại tội phạm và cảm hóa một số đối tượng lầm lỗi.

Lực lượng công an xã thường xuyên nắm chắc tình hình, phân loại những đối tượng cần quan tâm, theo dõi; xây dựng thí điểm mô hình địa bàn dân cư không ma túy, tổ tự quản về công tác an ninh trật tự và an toàn giao thông. Ban Tư pháp xã cũng phối hợp cùng các ngành, tập trung tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhân dân như Luật Đất đai, Luật Tố tụng, khiếu nại, Quy chế dân chủ ở cơ sở, Bộ Luật dân sự, hình sự...

Xã thường xuyên tổ chức các buổi nói chuyện với giáo viên, học sinh các trường về truyền thống cách mạng, truyền thống địa phương và cách nhận biết những hành động vi phạm pháp luật để giúp các thầy cô giáo, các em học sinh tích cực tham gia công tác giữ gìn an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội và an toàn giao thông.

- Chấn chỉnh lề lối làm việc, thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa” và làm tốt công tác tiếp dân. Hiện nay, xã đang thực hiện tích cực, hiệu quả cơ chế “một cửa” tại cơ sở. Đội ngũ cán bộ xã được rèn luyện về đạo đức, tác phong, lề lối làm việc. Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo được thực hiện một cách nhanh gọn, có tình, có lý, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất những phiền hà đối với nhân dân. Phòng tiếp dân được đầu tư mua sắm trang thiết bị khang trang; cán bộ có trình độ, năng lực, thái độ tốt được phân công thường trực tiếp dân.

- Đẩy mạnh việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. An Ninh coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo vấn đề phát triển kinh tế toàn diện ở địa phương; tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, mở rộng diện tích đất cây màu vụ đông.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với trọng tâm là xây dựng làng văn hóa - gia đình văn hóa được tích cực triển khai. Xã luôn lấy hoạt động giáo dục làm mũi nhọn trong các phong trào thi đua; chỉ đạo phong trào thi đua hai tốt trong các trường học, đầu tư kinh phí xây dựng, tu bổ trường lớp, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ dạy và học, kiên cố lại các trường tiểu học và mở rộng diện tích đất trường trung học cơ sở.

Năm 2005, xã đã đầu tư trên 500 triệu đồng xây dựng trạm y tế xã khang trang, sạch đẹp; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ y tế, vận động và thực hiện có hiệu quả công tác kế hoạch hóa gia đình; quan tâm sâu sắc đến công tác chính sách xã hội; thường xuyên thăm hỏi, động viên các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, những người già, không nơi nương tựa...

KHỞI SẮC

Nhìn cảnh quan của An Ninh có thể thấy tốc độ phát triển kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của nó. Những diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm, gia súc, những thay đổi thất thường của giá cả thị trường... đã tác động không nhỏ đến địa phương vốn đang phải giải quyết những khó khăn của chính mình. Tuy nhiên, phải thừa nhận, bức tranh toàn cảnh của An Ninh bắt đầu được điểm bằng những gam màu sáng.

Về phát triển kinh tế: mục tiêu phát triển kinh tế của xã năm 2006 và nhiệm kỳ 2005-2010 là: “Phát triển toàn diện, phát triển kinh tế phải gắn liền với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn”. Từ mục tiêu trên, trong năm 2006 đảng bộ và chính quyền đoàn thể các tầng lớp nhân dân xã đã áp ụng thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và thu được những kết quả khả quan.

Năm 1996

Năm 2006

- Năng suất lúa

107 tạ/ha

1227 tạ/ha

- Giá trị thu nhập

(trên đơn vị diện tích)

19.392.816 đồng/ha

39.200.000 đồng/ha

- Giá trị thu nhập từ chăn nuôi chiếm

22,2% giá trị nông nghiệp

39,37% giá trị nông nghiệp

- Xây dựng cánh đồng đạt giá trị sản xuất trên 50 triệu/ha/năm

Không có

8 cánh đồng

- Tốc độ phát triển kinh tế

6,9%

10,36%

- Cơ cấu kinh tế:

+ Nông nghiệp

68,8%

40,5%

+ Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp

13,7%

22,3%

+Dịch vụ thương mại

17,5%

37,2%

- Xây dựng cơ bản

Không thực hiện được

Đầu tư gần 10 tỉ đồng

Về văn hóa - xã hội: Cả xã An Ninh hiện có 8 thôn với 2.322 hộ gia đình, trong đó có tới 5 thôn đạt tiêu chuẩn khu dân cư tiên tiến, 1.835 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 01 làng được công nhận là Làng văn hóa cấp tỉnh, 02 khu di tích được xếp hạng văn hóa cấp tỉnh, 02 khu dân cư tiên tiến, ngành văn hóa xã 8 năm liền được xếp loại tốt.

Xã cũng đã xây dựng được một số trường tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia, một số trường mầm non liên tục đạt danh hiệu tiên tiến. Công tác y tế, dân số kế hoạch hóa gia đình của xã có nhiều chuyển biến tích cực, bảo đảm tốt các hoạt động về chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt việc khám và cấp phát thuốc cho đối tượng bảo hiểm y tế theo quy định của Nhà nước.

Những thành tựu ban đầu đạt được là rất đáng khích lệ, tuy nhiên, trước mắt An Ninh còn không ít khó khăn để phát triển bền vững. Vì thế, nhiệm vụ trọng tâm của xã trong năm 2007 là giữ vững ổn định chính trị; tập trung cao mọi nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương từ 11,5% lên 12%; mở rộng các hoạt động văn hóa - thể thao; củng cố quốc phòng - an ninh; tăng cường công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị xã trong sạch, vững mạnh.

Tạm biệt An Ninh. Tôi hít căng bầu không khí dịu ngọt của vùng quê trong lành và thỏa thích phóng tầm mắt trên những cánh đồng mượt mà, óng ả. Cái nắng vàng của những ngày đầu hạ dường như đang báo hiệu làng quê nơi đây sẽ có một cuộc sống thanh bình, trù phú.