Vì con người xã hội chủ nghĩa!

Vũ Oanh Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội Giáo dục - Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam
19:12, ngày 28-02-2013
TCCSĐT - Trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)”, Đảng ta đã xác định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển”. Cần chăm lo, phát triển con người với những phẩm chất: sức khỏe tốt, tự học hay, làm sáng tạo và sống đạo đức, văn minh...
1. Muốn có chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa.

Chủ nghĩa xã hội chưa thành hiện thực, nhưng ta đã có “con người xã hội chủ nghĩa kiệt xuất”: Hồ Chí Minh.

 

“Tấm gương Hồ Chí Minh” là tấm gương con người xã hội chủ nghĩa.

 

Tấm gương Hồ Chí Minh là sự tổng hòa cách tự chăm sóc sức khỏe khoa học, cách tự học thiên tài, cách làm cách mạng sáng tạo với cách sống đạo đức, văn minh, danh nhân văn hóa thế giới, về mặt lý luận cũng như thực tiễn, cấp bách trước mắt cũng như về cơ bản, lâu dài trong sự nghiệp “trồng người”, xây dựng, nâng cao thể lực và trí lực của con người và giống nòi, chính là tấm gương con người phát triển toàn diện tự đáp ứng được tốt nhất bốn nhu cầu sinh tồn và phát triển cơ bản của con người ở mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề, mọi vị trí xã hội, mọi thời đại là khỏe, học, làm, sống; tấm gương con người bốn tốt: sức khỏe tốt (cách tự chăm sóc sức khỏe khoa học), học tốt (cách tự học thiên tài), làm tốt (cách làm cách mạng sáng tạo), sống tốt (cách sống đạo đức, văn minh). Bốn tốt của con người xã hội chủ nghĩa là: sức khỏe tốt, tự học hay, làm sáng tạo và sống đạo đức, văn minh.

 

2. Cách mạng Tháng Tám thành công. Đất nước độc lập. Con người tự do.

 

“Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh, nước giàu, mỗi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà… ”(1), “Phải trở thành dân tộc thông thái”.

 

Dân có “hiểu biết”, có “kiến thức” là dân tri thức.

 

Dân tri thức có “kiến thức mới” là dân tri thức thông thái.

 

Dân tri thức thông thái làm cho “dân mạnh, nước giàu”, “dân tộc thông thái”.

 

Nhờ có cách mạng Tháng Tám, dân ta - vốn là dân “nô lệ” “dốt, yếu, nghèo” - trở thành dân tự do, cùng nhau đại đoàn kết phấn đấu cho “dân mạnh, nước giàu”, “dân giàu, nước mạnh”, “dân tri thức, kinh tế tri thức, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xã hội tri thức xã hội chủ nghĩa, dân tộc thông thái”, vươn tới con người tri thức tự do, thông thái - con người xã hội chủ nghĩa của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

 

Kinh tế tri thức thế giới hiện đại với tri thức, khoa học, công nghệ là lực lượng sản xuất trực tiếp đang đòi hỏi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức của nước ta phải được đẩy mạnh trên cơ sở xây dựng và phát triển dân tộc thông thái, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng thông minh, các ngành nghề thông minh, ưu tiên hàng đầu cho các ngành nghề liên quan đến vốn con người và năng lực tri thức của toàn xã hội như giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, xây dựng con người tri thức tự do, thông thái.

 

Như vậy, con người tri thức tự do, thông thái vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực chủ yếu xây dựng kinh tế tri thức hiện đại, xã hội giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, dân tộc thông thái, đưa đất nước ta quá độ vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.

 

3. Dưới ánh sáng soi đường, chỉ lối của tư tưởng và tấm gương con người xã hội chủ nghĩa Hồ Chí Minh, con người tri thức tự do, thông thái vươn tới con người xã hội chủ nghĩa bốn tốt.

 

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế tri thức, định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực chất lượng cao… tất cả đang đòi hỏi người lao động Việt Nam phải phấn đấu sớm trở thành con người lao động tri thức tự do, thông thái, xã hội chủ nghĩa bốn tốt:

 

- Biết cách tự chăm sóc, tự rèn luyện, bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, nâng cao sức khỏe và tầm vóc nên người cường tráng có chiều cao trung bình hơn 165cm.

 

- Biết và dám độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo, lao động có trí tuệ, kỷ luật tự giác, kỹ thuật, công nghệ, sáng kiến, sáng tạo.

 

- Biết cách tự học hành sáng tạo, có trình độ tay nghề sau trung học.

 

- Biết cách sống tự do, ấm no, hạnh phúc, văn minh.

 

Đó là con người tri thức có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, tự mình đi tìm lấy tri thức mới, bước đầu là “mới” với bản thân mình, tiến tới “mới” với cộng đồng, “mới” đối với cả nước, tiến đến cái đích xa lý tưởng là “mới” đối với cả thế giới, tự mình khám phá ra những gì mình tin là chân lý, “tự do phục tùng chân lý”, tất cả “vì chân lý, vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, vì dân tộc độc lập, thông thái và chủ nghĩa xã hội”.

 

Người lao động tri thức có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo và tay nghề sau trung học là con người của kinh tế tri thức hiện đại.

 

Một cuộc vận động đoàn kết thi đua xây dựng “nông dân bốn tốt”, “công nhân bốn tốt”, “người lao động bốn tốt”… với những tiêu chí cụ thể phù hợp từng ngành nghề, từng môi trường, kết hợp với mở rộng và phát huy tác dụng mạng lưới trường nghề sau trung học đến từng địa phương trên cơ sở phổ cập trung học phổ thông, nhất định sẽ góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu xây dựng đất nước.

 

4. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội chưa từng có tiền lệ trong lịch sử dân tộc đòi hỏi mỗi người cán bộ lãnh đạo - quản lý của Đảng và Nhà nước phải thật sự là một con người tri thức ưu tú của dân tộc, có bản lĩnh “độc lập suy nghĩ, điều hành dân chủ, sáng tạo”, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng và tấm gương Hồ Chí Minh vào thực tiễn quá độ lên chủ nghĩa xã hội, ra sức phát huy dân chủ, độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng và mọi năng lực sáng tạo của nhân dân, “đem tài dân, sức dân, của dân” phục vụ cho dân ta - trẻ em cũng như người lớn, người dân cũng như người lãnh đạo - ai cũng biết và dám độc lập suy nghĩ, tự học hành sáng tạo nên người tri thức.   

 

Con em chúng ta cần được tập dượt độc lập suy nghĩ, tự do tư tưởng, tìm tòi, khám phá, tự học hành, tự rèn luyện, tự do sáng tạo, tự mình tìm lấy kiến thức, tự mình khám phá ra chân lý, “tự do phục tùng chân lý”. Thầy không áp đặt kiến thức sẵn có cho trò học thuộc, tiếp thu thụ động một chiều mà cung cấp một hệ thống tình huống - vấn đề. Trò suy nghĩ, tự mình tìm ra cách giải, cách xử lý, không bằng lòng với một cách giải duy nhất mà suy đi nghĩ lại, tìm ra càng nhiều cách giải càng tốt, tất cả các cách có thể có, tự mình tìm lấy kiến thức, chân lý, tự thể hiện mình, trình bày và bảo vệ những gì mình cho là đúng trước tập thể lớp, biết cách lắng nghe ý kiến của bạn và thầy để tự điều chỉnh những gì mình tự tìm ra thành tri thức khoa học.

 

Thật nghiêm trọng là hệ thống nhà trường với các phương pháp dạy học truyền đạt  - tiếp thu thụ động một chiều, thầy giảng - trò ghi nhớ, nói theo, làm theo, trò thi gì học nấy - thầy luyện thi, việc học nặng nề, quá tải đã dẫn đến những con số thống kê ảm đạm các bệnh học đường như cận thị, cong vẹo cột sống, tâm thần, trẻ lùn còi, lùn béo, cùng với hệ thống đánh giá thi cử nặng nề, lạc hậu, đang đào tạo ra những con người được nhồi nhét kiến thức để vượt qua các cửa ải thi cử, nặng về thừa hành, phục tùng, rập khuôn, ngược hẳn với mục tiêu con người tri thức tự do, thông thái, xã hội chủ nghĩa. 

 

Từ “học thụ động, tiếp thu một chiều, học vẹt, khuôn sáo, giáo điều” khá phổ biến hiện nay trong toàn hệ thống nhà trường và xã hội, đến “tự học hành sáng tạo suốt đời”, “biết cách độc lập suy nghĩ, tự mình chiếm lĩnh lấy tri thức”, là cả một cuộc cách mạng về việc học của toàn dân. 

Mỗi người học “vừa là chủ thể vừa là mục tiêu vừa là động lực chủ yếu” của cuộc cách mạng đó cần chủ động, tích cực phấn đấu tự học, tự rèn thành con người tri thức bốn tốt, tham gia các cuộc vận động thi đua “Học sinh bốn tốt”, “Sinh viên bốn tốt”…: “sức khỏe tốt, tự học hay, làm sáng tạo, sống văn minh”, với những tiêu chí cụ thể đáp ứng đúng nhu cầu độ tuổi.

 

Mỗi học sinh cần có loại “sách giáo khoa - ngân hàng tình huống - vấn đề” để tập dượt tự mình tìm ra kiến thức.

 

Mỗi học sinh một máy tính làm “công cụ tự học” ngày nay để tiến tới làm “công cụ sản xuất” ngày mai.

 

Hằng năm, cần có tổng kết khoa học nghiêm túc về “cách học hành sáng tạo”, biểu dương khen thưởng những “Học sinh, sinh viên bốn tốt”, “Học sinh, sinh viên sáng tạo”.

 

Mỗi người dạy - “một chuyên gia về việc học”, “ một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo” -  cần tập trung vào tiêu điểm là dạy sáng tạo: Thầy hướng dẫn cho trò biết cách tự xử lý các tình huống - vấn đề để tự tìm ra kiến thức, biết cách tự học, độc lập suy nghĩ, tự do sáng tạo.

 

Thầy là người hướng dẫn cho trò tự học chữ, tự học nghề, tự học nên người tri thức.

 

Cần suy tôn “Nhà giáo Sáng tạo” qua việc tổng kết khoa học hằng năm về  “cách dạy sáng tạo”.

 

Gia đình là nơi làm nên con người tri thức từ thuở thai nhi.

 

Cần gắn kết các cuộc vận động xây dựng gia đình từng mặt như gia đình hiếu học, gia đình văn hóa… thành cuộc vận động xây dựng “gia đình tri thức bốn tốt” với những thành viên “bốn tốt”:

 

- Biết cách tự chăm sóc, tự rèn luyện, nâng cao sức khỏe, vươn tới chiều cao trung bình hơn 165cm.

 

- Biết cách tự học hành sáng tạo. Có trình độ giáo dục phổ cập theo độ tuổi.  

 

- Biết và dám độc lập suy nghĩ, biết cách thực hành, lao động tốt, có sáng kiến, sáng tạo. Có tay nghề sau trung học.    

 

- Biết cách sống cần kiệm, lành mạnh, trung thực, nhân nghĩa.

 

 “Gia đình tri thức bốn tốt” hội tụ tất cả các phong trào kinh tế - xã hội lớn của đất nước thành nơi con người phát triển toàn diện tự học hành sáng tạo suốt đời nên người tri thức là tế bào của một xã hội tri thức.

 

Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên phải là một thành viên “bốn tốt” và phấn đấu cho mọi thành viên gia đình đều đạt tiêu chí “bốn tốt”.

 

Với 80% số hộ là gia đình tri thức “bốn tốt”, cả nước trở thành một xã hội tri thức.

 

Kinh tế tri thức hiện đại xã hội chủ nghĩa.

 

Xã hội tri thức xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

Con người tri thức tự do, thông thái, xã hội chủ nghĩa.

 

Dân tộc thông thái.

 

Chủ nghĩa xã hội trở thành hiện thực trên đất nước Việt Nam anh hùng.
-----------------------------
(1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, t. 4, tr. 36