1. Cuộc diễn tập quân sự “Giải pháp then chốt” giữa Mỹ và Hàn Quốc

Từ ngày 9-3 đến 20-3-2009, Bộ Chỉ huy hợp Mỹ - Hàn Quốc tổ chức cuộc diễn tập quân sự chung mang tên “Giải pháp then chốt” (“Key Resolve”) trên toàn bộ lãnh thổ Hàn Quốc. Trong thời gian diễn tập lần này, hai bên hợp đồng thời thực hiện diễn tập huấn luyện quân sự cơ động dã ngoại đúng vào lúc căng thẳng ngày càng gia tăng giữa hai miền Triều Tiên và những áp lực buộc CHDCND Triều Tiên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân và từ bỏ kế hoạch thử tên lửa đường đạn tầm xa. Phía Mỹ tham gia 26.000 quân, trong đó có 12.000 quân đóng tại Hàn Quốc và 14.000 quân đóng tại căn cứ quân sự ở các nước khác. Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS John C. Stennis (CVN-74) của Mỹ cũng đến biển đông để tham gia cuộc diễn tập này. Phía Hàn Quốc tham gia diễn tập khoảng 50.000 quân, đến cấp quân đoàn, Bộ Tư lệnh hạm đội và cấp liên đội máy bay chiến đấu. Cuộc diễn tập như hai bên đã tuyên bố, nhằm mục đích nâng cao khả năng bảo vệ quốc gia, chống lại nguy cơ xâm lược từ bên ngoài. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chỉ trích cuộc diễn tập này là chuẩn bị chiến tranh xâm lược CHDCND Triều Tiên.

2. Quân đội CHDCND Triều Tiên trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao

Ngày 9-3-2009, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, Bộ chỉ huy tối cao Quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) đã ra lệnh cho quân đội sẵn sàng chiến đấu, đúng lúc Mỹ và Hàn Quốc chuẩn bị bắt đầu cuộc tập trận chung thường niên (từ ngày 9 đến ngày 20-3-2009) mà Bình Nhưỡng xem như “màn dạo đầu” dẫn tới chiến tranh. Trong một tuyên bố, KPA mô tả cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn mang tên "Giải pháp then chốt" là hoạt động quân sự "chưa từng có cả về số quân tham gia và thời gian thực hiện", được coi như "một lời tuyên chiến chống lại Triều Tiên". Tuyên bố nhấn mạnh, KPA sẽ đáp trả quân đội Mỹ và Hàn Quốc nếu họ xâm phạm lãnh thổ Triều Tiên trong thời gian diễn tập, và rằng sẽ không có giới hạn về các biện pháp trả đũa.

3. Thượng viện Mỹ phê chuẩn dự luật nới lỏng hạn chế với Cu-ba

Ngày 10-3-2009, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật dỡ bỏ hạn chế trong quan hệ với Cu-ba. Tháng trước, Hạ viện đã thông qua dự luật này. Theo đó, người Mỹ gốc Cu-ba được phép về Cu-ba 1 lần/năm thay vì 3 năm/lần như trước đây và được phép gửi tiền về quê cho họ hàng. Ngoài ra, các quy định hạn chế việc gửi thuốc men và lương thực từ Mỹ sang Cu-ba cũng được nới lỏng. Dự luật cũng cho phép người Mỹ gốc Cu-ba được tiêu 179 USD/ngày trong thời gian ở Cu-ba, tăng từ mức 50 USD/ngày hiện nay. Những thay đổi này đã lật ngược quy định mà chính quyền cựu Tổng thống Mỹ G.W. Bu-sơ đưa ra trước đó. Dư luận quốc tế vẫn tiếp tục đòi Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận chống Cu-ba. Ngày 10-3-2009, các bộ trưởng quốc phòng Nam Mỹ họp tại thủ đô Xan-ti-a-gô (Chi-lê) đã lên tiếng đòi Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận chống Cu-ba kéo dài gần 50 năm qua. Tuyên bố của các bộ trưởng nhấn mạnh, chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chống Cu-ba là lỗi thời và vô tác dụng.

4. Nga vẫn sẵn sàng cùng Mỹ sử dụng trạm ra-đa Ga-ba-la

Ngày 10-3-2009, tại hội nghị có sự tham dự của các thành viên thuộc một uỷ ban của Quốc hội Mỹ chuyên nghiên cứu các chính sách của Mỹ đối với Nga, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đep tuyên bố, Nga nhận được tín hiệu tích cực từ phía chính quyền mới ở Mỹ. Tổng thống Nga còn cho biết, ông sẽ gặp gỡ người đồng nhiệm Ba-rắc Ô-ba-ma ở Luân Đôn vào ngày 1-4-2009 để thảo luận về các vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân, chống khủng bố và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Ba ngày sau, hôm 13-3-2009, sau cuộc hội đàm với Ngoại trưởng A-déc-bai-gian Ên-ma Ma-me-đi-a-rốp tại Ba-cu (A-déc-bai-gian), Ngoại trưởng Nga Xéc-gây Láp-rốp đã xác nhận rằng, đề nghị của Nga mời Mỹ cùng sử dụng trạm ra-đa Ga-ba-la nằm trên lãnh thổ A-déc-bai-gian vẫn còn hiệu lực. Ông La-vrốp cho biết, Nga sẵn sàng đàm phán, với sự nhất trí của A-déc-bai-gian, khi các đối tác Mỹ và châu Âu quan tâm tới đề nghị này. Không loại trừ khả năng chính quyền Nga và Mỹ có thể đi đến một thỏa thuận về việc cùng sử dụng trạm ra-đa Ga-ba-la để xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa.

5. I-ran không muốn hòa giải với Mỹ

Ngày 11-3-2009, ngay sau cuộc gặp gỡ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống I-ran Ma-hmút A-ma-đi-ne-dat tuyên bố, I-ran sẽ không chấp nhận hòa giải và nối lại quan hệ ngoại giao với Mỹ, bất chấp các nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ muốn đứng ra làm trung gian nối lại quan hệ giữa I-ran với Mỹ. Sau cuộc gặp gỡ tại Tê-hê-ran, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng, không thể “đi đêm” mà cải thiện được quan hệ vốn đã căng thẳng giữa I-ran và Mỹ; hai bên cần ngồi vào bàn đàm phán với thiện chí muốn cải thiện tình hình. Hiện tại, Mỹ và các nước phương Tây luôn tỏ ra lo ngại với chương trình hạt nhân của I-ran, cáo buộc I-ran âm mưu chế tạo vũ khí hạt nhân. Điều này đã gây căng thẳng cho hai bên, khi cả Mỹ và I-ran đều không chịu nhượng bộ về vấn đề này.

6. Nhiều hoạt động ở Pháp ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam

Ngày 12-3-2009, tại hội trường Nhạc viện thị xã Buốc La Ren (Bourg la Reine) ở ngoại ô thủ đô Pa-ri đã diễn ra buổi hòa nhạc từ thiện nhằm ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Đây là một hoạt động thường niên do Ủy ban Pháp vì Làng Hữu nghị Vân Canh tổ chức. Tại đêm diễn, đại diện Ủy ban, ông A-lanh Ri-sa (Alain Richard), đã giới thiệu về hậu quả của chất độc da cam/đi-ô-xin tại Việt Nam, về Làng Hữu nghị Vân Canh và các hoạt động của Ủy ban nhằm giúp đỡ ngôi làng này, nơi từ lâu đã trở thành mái ấm của những trẻ em nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin. Ông cho biết, năm 2008, Ủy ban đã huy động được khoảng 22.000 ơ-rô để giúp đỡ các nạn nhân Việt Nam và trong thời gian tới sẽ phối hợp với những tổ chức khác phát động phong trào kêu gọi trách nhiệm cũng như sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam. Nhân dịp này, Hội Hữu nghị Pháp - Việt cũng đã lên án quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ và kêu gọi các tổ chức hữu nghị với Việt Nam, các tổ chức quốc tế, cùng những người có lương tri trên toàn thế giới, tiếp tục ủng hộ đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin Việt Nam.

7. Mỹ đưa tàu khu trục bảo vệ tàu thăm dò gần Trung Quốc

Ngày 12-3-2009, Hải quân Mỹ đã phái tàu khu trục USS Chung-Hoon được trang bị tên lửa dẫn đường bằng vệ tinh hướng tới Biển Đông sau khi tàu Trung Quốc bị cáo buộc quấy rối tàu Mỹ tại khu vực này hồi cuối tuần trước. Tàu USS Chung-Hoon được lắp ngư lôi và tên lửa để bảo vệ tàu thăm dò đại dương USNS Impeccable của Mỹ đang khảo sát đáy đại dương tại vùng biển quốc tế gần đảo Hải Nam của Trung Quốc. Ngày 8-3-2009, năm tàu Trung Quốc đã tiến đến gần, bao vây và chặn đường tàu Mỹ Impeccable bằng các mảnh gỗ. Sự xuất hiện của tàu khu trục cho thấy Lầu Năm góc quyết tâm tiếp tục sứ mệnh thăm dò bất chấp việc Trung Quốc cho rằng, đó là hành động quân sự trái phép, mà theo các chuyên gia Trung Quốc là nhằm kiểm soát các hoạt động tàu ngầm ở phía nam đảo Hải Nam. Động thái này xảy ra trước thời điểm Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma sẽ gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì tại Nhà Trắng.

8. Nga và Pháp ủng hộ quan hệ đối tác chiến lược EU - Nga

Ngày 13-3-2009, phát biểu tại Pa-ri trong cuộc họp của "Câu lạc bộ châu Âu", Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Pháp, ông Giô-xlanh đờ Roăng, cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) và Nga cần xây dựng một không gian kinh tế châu Âu chung, đồng thời nhấn mạnh, không có sự lựa chọn nào khác cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai bên. Ông Giô-xlanh đờ Roăng cho biết, trong 10 năm qua trao đổi thương mại giữa EU và Nga tăng 400%. Nga là láng giềng lớn nhất của EU, nhà cung cấp năng lượng chính của EU và là một trong 3 đối tác thương mại hàng đầu của EU. Trong khi đó, EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga và thị trường lớn nhất cho năng lượng của Nga. Cũng tại cuộc họp này, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Đu-ma quốc gia (Hạ viện) Nga Côn-xtan-tin Cô-xa-trép tuyên bố hiệp ước EU - Nga phải là hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược. Ông cho biết hai bên đã tiến hành 3 vòng đàm phán về hiệp ước mới này và đang tiếp tục đàm phán. Về sáng kiến của Nga đề nghị thành lập hệ thống an ninh toàn châu Âu mới, ông Cô-xa-trép cho biết, Nga vẫn đang tiến hành soạn thảo chi tiết kế hoạch này và sẽ đưa ra trong thời gian sắp tới.

9. G20 cam kết khôi phục phát triển toàn cầu

Ngày 14-3-2009, tại Hốt-xham (Anh), các bộ trưởng tài chính Nhóm G20 gồm những nước giàu và đang phát triển nhóm họp trong 2 ngày và cam kết thực hiện nỗ lực nhằm đưa kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái, gồm các hoạt động hỗ trợ cho vay và cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu; giúp những nền kinh tế đang nổi lên và đang phát triển đối phó với sự đảo lộn của dòng chảy vốn quốc tế, đồng thời, nhất trí về nhu cầu cần thiết phải tăng nguồn cung cấp cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) một cách đáng kể; bổ sung thêm hỗ trợ song phương, mở rộng và tăng đáng kể những thoả thuận cho vay mới. Đây là cuộc họp trù bị cho Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 sẽ được tổ chức vào tháng 4-2009 ở Luân Đôn. Các quan chức G20 cam kết chống mọi hình thức bảo hộ và tiếp tục mở cửa buôn bán và đầu tư, kiến nghị Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 sắp diễn ra bảo đảm rằng, mọi thể chế tài chính quan trọng và các thị trường phải chịu những quy định và giám sát thích hợp; các quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc những người quản lý của nó phải đăng ký và tiết lộ các thông tin thích hợp để đánh giá những rủi ro mà họ đặt ra.