1.U-crai-na ký thoả thuận khí đốt với Liên minh châu Âu (EU)

Ngày 23-3-2009, U-crai-na đã ký một thoả thuận với EU nhằm mở đường cho đầu tư nước ngoài vào hệ thống đường ống dẫn khí của quốc gia này thông qua kế hoạch hiện đại hóa hệ thống vận chuyển khí đốt (GTS) của nước này mà không tham khảo ý kiến của Mát-xcơ-va. Ngay lập tức, Thủ tướng Nga Pu-tin tuyên bố đó là một việc làm "không chuyên nghiệp" vì khí đốt chỉ có thể xuất phát từ Nga nhưng không ai thảo luận với Mát-xcơ-va về vấn đề này. Nga sẽ hoãn các cuộc gặp với U-crai-na để các cuộc tiếp xúc liên chính phủ thực sự hữu ích. Giải thích về việc làm trên, Thứ trưởng Ngoại giao U-crai-na Côn-xtan-tin E-li-xây-ép cho rằng, GTS đã bị hư hỏng nặng, vì vậy việc hiện đại hóa GTS không những không ảnh hưởng tới lợi ích của Nga mà còn giúp Nga tránh được những thất thoát trong vận chuyển khí đốt quá cảnh từ U-crai-na sang EU ít nhất là 1 tỉ m3/năm, tương đương với 300-400 triệu USD. Thủ tướng Pu-tin cũng cảnh báo, Nga sẽ "xem xét lại" quan hệ với EU nếu Mat-xcơ-va cảm thấy "bị gạt ra rìa" vì Nga là nước chuyển 80% lượng khí đốt cho châu Âu qua hệ thống đường ống dẫn xuyên qua U-crai-na.

2. Kế hoạch trị giá l.000 tỉ USD của Mỹ mua các tài sản xấu

Ngày 23-3-2009, Chính quyền Tổng thống Mỹ Ô-ba-ma công bố kế hoạch chi tiết trị giá l.000 tỉ USD mang tên Chương trình đầu tư Nhà nước - Tư nhân (PPIP) bao gồm Bộ Tài chính Mỹ đồng ý thâu tóm hoặc thanh lý tài sản của AIG và Bear Stearns trong dài hạn; FED đồng ý sử dụng tất cả các công cụ trên thị trường để ứng phó với tình hình, ngăn ngừa rủi ro tín dụng và điều tiết tín dụng linh hoạt; FED và Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực trong hoạt động cho vay, sẽ cùng bàn bạc với Quốc hội Mỹ để các kế hoạch có thể được thực hiện tốt hơn và cũng tạo nên môt hành lang pháp lý đầy đủ cho các kế hoạch. Kế hoạch này sẽ mua lại tài sản của các ngân hàng có liên quan tới địa ốc và nợ xấu mức dưới chuẩn. Chính quyền liên bang Mỹ sẽ đảm bảo phần lớn số nợ (93%), trong khi các nhà đầu tư tư nhân với một phần nhỏ tiền sẽ đứng ra quản trị các khoản nợ xấu. Hiện một số quỹ hưu trí hàng đầu ở Mỹ đã tỏ dấu hiệu muốn đầu tư vào chương trình này.

3. Nga hoãn thông qua Chiến lược an ninh quốc gia

Ngày 24-3-2009, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép chủ tọa cuộc họp mở rộng của Hội đồng An ninh Quốc gia Nga với kế hoạch thông qua “Chiến lược an ninh quốc gia Nga đến năm 2020”. Tuy nhiên, cho đến phút chót, việc thông qua văn kiện quan trọng này đã được hoãn lại với các đề nghị cần tu chỉnh thêm. Hội đồng an ninh Nga đưa ra lời giải thích là vì "lý do kỹ thuật", nhưng theo một số chuyên gia soạn thảo chiến lược thì Mát-xcơ-va muốn chờ đợi thêm kết quả của việc “khởi động lại” quan hệ Nga - Mỹ sau cuộc gặp giữa hai Tổng thống vào đầu tháng 4-2009. Chiến lược An ninh Quốc gia là văn kiện gắn liền với luận thuyết về phát triển kinh tế xã hội đất nước đến năm 2020 và xác định rõ các mục đích, những đường hướng quan trọng bậc nhất cũng như các nhiệm vụ phát triển hệ thống đảm bảo an ninh quốc gia đất nước. Về sau, trên cơ sở chiến lược, ít nhất sẽ có thêm 3 văn kiện quan trọng nữa sẽ được chuẩn bị là Học thuyết quân sự, Học thuyết an ninh lương thực cho giai đoạn đến năm 2020 và Luật thuyết chính sách quốc gia dân tộc đến năm 2020.

4. Chính phủ trung hữu của Cộng hoà Séc thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm

Ngày 24-3-2009, giữa lúc Cộng hoà Séc đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, Chính phủ trung hữu của nước này đã thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Bốn nghị sĩ "nổi loạn" đã về phe với đảng Dân chủ xã hội và đảng Cộng sản đối lập để bỏ phiếu chống lại Thủ tướng Tô-pô-la-nếch với lý do bất lực của chính phủ trong việc quản lý kinh tế cũng như phản đối kế hoạch bố trí trên lãnh thổ Séc trạm ra-đa thuộc hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) của Mỹ. Hai ngày sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, ông Tô-pô-la-nêch đã tuyên bố từ chức. Tổng thống Cộng hòa Séc ông Va-xláp Clau-xơ đã chấp nhận đơn từ chức của ông Tô-pô-la-nêch và khẳng định, sẽ sớm thành lập một chính phủ mới được đa số các đảng ủng hộ. Những biến động trong Chính phủ Séc vào thời điểm này đang đẩy nước này vào tình trạng khó khăn hơn khi vừa phải giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước vừa phải gánh vác một chương trình nghị sự không mấy “suôn sẻ” của EU. Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu tin tưởng rằng, Cộng hoà Séc sẽ tiếp tục vai trò chủ tịch EU một cách có hiệu quả.

5. CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ khởi động lại lò phản ứng hạt nhân ở tổ hợp Dông-piêng

Ngày 26-3-2009, CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ khởi động lại lò phản ứng hạt nhân ở tổ hợp Dông-piêng (Yongbyon) nếu bị Liên hợp quốc trừng phạt vì việc phóng vệ tinh theo kế hoạch của Bình Nhưỡng vào đầu tháng 4-2009. Trong một động thái liên quan, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vrốp (Sergey Lavrov) kêu gọi cộng đồng quốc tế không nên vội vàng kết luận về kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên, mà cần dựa trên những sự việc diễn ra trên thực tế. Mặt khác, Nga khuyến cáo CHDCND Triều Tiên không nên phóng vệ tinh đồng thời kêu gọi các bên đối thoại tháo gỡ căng thẳng liên quan đến kế hoạch này.
 
Ngày 27-3-2009, Nhật Bản đã huy động quân đội và triển khai dàn tên lửa đánh chặn Patriot bảo vệ bờ biển phía bắc nhằm đối phó với đedọa từ Triều Tiên khi nước này dự định phóng vệ tinh trong thời gian từ 4-4 đến 8-4-2009. Nhật Bản tuyên bố, sẽ bắn hạ bất cứ vật thể nguy hiểm nào rơi vào lãnh thổ nước này nếu vụ phóng của Triều Tiên không thành công. Đây là lần đầu tiên, Nhật Bản sử dụng lá chắn tên lửa đạo đạo để đánh chặn tên lửa và các mảnh vỡ của tên lửa kể từ khi nước ngày bắt đầu xây dựng hệ thống trên vào năm 2003 và làm tăng bầu không khí vốn đã căng thẳng giữa hai nước. Trong khi đó, cả Mỹ, Hàn Quốc và EU đều cho rằng, việc phóng vệ tinh chỉ là vỏ bọc cho việc bắn thử tên lửa tầm xa Tê-pô-đông-2 có khả năng bắn tới miền Tây nước Mỹ. Vì thế đáp trả hành động trên của Triều Tiên, các nước này đã triển khai tàu chiến tại vùng biển ngoài khơi Nhật Bản.

6. Trung Quốc chỉ trích báo cáo của Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc

Ngày 26-3-2009, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã chỉ trích báo cáo mà Mỹ vừa công bố về sức mạnh quân sự của Trung Quốc "là những lập luận xuyên tạc sự thật một cách trắng trợn". Trong báo cáo về sức mạnh quân sự của Trung Quốc công bố ngày 25-3-2009, Lầu Năm Góc cho rằng, quân đội Trung Quốc đang được hiện đại hóa với tốc độ nhanh, rằng việc Bắc Kinh tìm cách có được các loại vũ khí tối tân đang làm thay đổi cán cân quân sự ở châu Á và những loại vũ khí này có thể được sử dụng để thực thi tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại các vùng lãnh thổ tranh chấp. Bộ Quốc phòng Mỹ yêu cầu Trung Quốc minh bạch về vấn đề trên. Bắc Kinh đề nghị Oa-sinh-tơn ngừng việc công bố báo cáo thường niên này "để tránh tiếp tục làm ảnh hưởng tới quan hệ quân sự giữa hai nước". Phát biểu trước các phóng viên, ông Tần Cương nói: "Báo cáo của Mỹ tiếp tục ngụy biện về mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc, và Trung Quốc kiên quyết phản đối".

7. Ngân hàng Thế giới bán 6 tỉ USD trái phiếu hỗ trợ tài chính

Ngày 26-3, ngân hàng Thế giới (WB) thông báo đã bán 6 tỉ USD trái phiếu nhằm huy động vốn đầu tư cho các chương trình hỗ trợ tài chính giúp các nước gặp khủng hoảng kinh tế. Đây là đợt phát hành trái phiếu lớn nhất từ trước tới nay của WB. Lãi suất quy định cho loại trái phiếu kỳ hạn 3 năm này là 2%/năm, tuy nhiên các nhà đầu tư sẽ được hưởng mức lợi tức 2,09%/năm. Nguồn vốn huy động từ việc bán trái phiếu được chuyển đến Ngân hàng Quốc tế Tái thiết và Phát triển (IBRD) với mục đích hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển đang phải chống chọi với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. IBRD có thể nâng khoản cho vay cam kết mới lên đến 100 tỉ USD trong ba năm tới. Riêng trong năm nay, thể chế tài chính này có thể tăng gần gấp ba lượng cho vay, lên mức 35 tỉ USD. Cùng ngày, WB thông qua khoản vay trị giá 500 triệu USD hỗ trợ chương trình bình ổn kinh tế của Pa-ki-xtan với lãi suất 0%.

8. Mỹ công bố chiến lược mới cho cuộc chiến ở Áp-ga-ni-xtan

Ngày 27-3-2009, sau gần 2 tháng ra lệnh xét duyệt lại chính sách của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma công bố chiến lược mới cho cuộc chiến ở quốc gia Nam Á này. Theo giới chức ở Mỹ, một trong những mục tiêu trọng tâm của chiến lược mới là ngăn chặn, triệt phá và cuối cùng là tiêu diệt toàn bộ nơi ẩn náu của An Kê-đa cũng như mạng lưới ủng hộ tổ chức ở Pa-lét-xtin, đồng thời ngăn cản An Kê-đa thiết lập những nơi trú ẩn an toàn ở Áp-ga-ni-xtan. Theo đó, Mỹ sẽ điều động thêm 4.000 quân tới Áp-ga-ni-xtan nhằm thực hiện nhiệm vụ đào tạo cho binh sĩ nước này và thành lập một nhóm liên lạc mới bao gồm cả I-ran để đẩy lui các phần tử khủng bố An Kê-đa và phiến quân Ta-li-ban tại quốc gia Nam Á này. Tổng thống Ô-ba-ma đã kêu gọi các đồng minh cùng thực hiện nỗ lực tái thiết Áp-ga-ni-xtan. Tháng trước, Tổng thống Mỹ đã cam kết tăng viện 17.000 binh lính cho chiến trường Áp-ga-ni-xtan, một quyết dịnh mà ông gọi là “khó khăn nhất kể từ lúc bước chân và Nhà Trắng”.

9. Chiến dịch "Giờ Trái Đất" năm 2009 chính thức bắt đầu với điểm xuất phát là thành phố cảng Xít-ni (Sydney) của Ô-xtrây-li-a

Ngày 28-3-2009, đúng 20h30' (giờ địa phương), toàn bộ vùng biển quanh cảng Xít-ni chìm trong bóng tối trong 1 giờ đồng hồ, để hưởng ứng chiến dịch chống biến đổi khí hậu toàn cầu mang tên "Giờ Trái Đất". Hàng triệu người dân thành phố cảng Xít-ni đã đổ ra đường để trải nghiệm một tối đặc biệt, ít lung linh hơn thường lệ nhưng đầy ý nghĩa. Hồng Công, khu hành chính đặc biệt vốn được mệnh danh là "thành phố không ngủ" với rừng ánh sáng rực rỡ suốt ngày đêm này, năm nay cũng tích cực hưởng ứng chiến dịch "Giờ Trái Đất". Du khách tới Hồng Công trong ngày 28-3-2009 không được chứng kiến “Bản giao hưởng ánh sáng” - màn trình diễn ánh sáng và âm thanh hoành tráng bậc nhất thế giới thu hút rất đông du khách. Nhiều hoạt động hưởng ứng chiến dịch cũng diễn ra tại các thành phố lớn trên thế giới như Pa-ri (Pháp), A-ten (Hy Lạp)... Tại các địa danh nổi tiêng trên thế giới như Thác Ni-a-ga-ra (biên giới Mỹ và Ca-na-đa), Lát-vê-gát (Mỹ), sân vận động Tổ chim (Bắc Kinh, Trung Quốc) v.v. cũng đã tắt điện trong 1 giờ để hưởng ứng chiến dịch.

10. Tuần biểu tình ở châu Âu chống khủng hoảng tài chính - kinh tế

Từ ngày 28-3, tại nhiều nước châu Âu, hàng chục nghìn người đã xuống đường biểu tình đòi việc làm, công bằng trong kinh tế, chống biến đổi khí hậu toàn cầu và xa hơn là chống toàn cầu hoá, mở đầu tuần hành động chống khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu. Tại Anh, khoảng 35 nghìn người tuần hành trên các đường phố chính ở Thủ đô Luân Ðôn rồi kéo đến Công viên Hai-đơ, hô vang các khẩu hiệu: "Hãy đặt con người lên vị trí hàng đầu", "Hãy hành động cho một thế giới tốt đẹp hơn", "Chủ nghĩa tư bản là sai lầm và không còn giá trị"... 150 tổ chức xã hội của Anh ủng hộ đợt đấu tranh dự kiến kéo dài một tuần này.

Tại Ðức, khoảng 55 nghìn người đã xuống đường tuần hành tại hai thành phố lớn Béc-lin và Phran-phuốc, mang theo các khẩu hiệu "Chúng tôi không trả tiền cho cuộc khủng hoảng của các vị", "Hãy tự trả giá". Tại Béc-lin, đã xảy ra xung đột giữa những người biểu tình và cảnh sát; nhiều ô-tô của cảnh sát bị đập phá.

Tại Rô-ma (I-ta-li-a), diễn ra những hành động phản kháng mạnh mẽ của sinh viên, như ném những túi sơn vào các toà nhà, nơi có trụ sở của những ngân hàng lớn để phản đối hoạt động của các ngân hàng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

Tại Pa-ri (Pháp), các cuộc tuần hành kéo dài liên miên với rất nhiều hình thức thể hiện sự phản đối và những khẩu hiệu mang theo là “hãy xoá bỏ các loại thuế”.../.