TCCS - Năm 2022 đã khép lại, nhưng những biến động về quan hệ quốc tế liên quan đến cuộc xung đột Nga - U-crai-na cùng các hệ lụy của nó được dự báo sẽ tiếp tục đẩy thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng phức tạp hơn trong năm 2023, thậm chí là nhiều năm tới; đồng thời, tác động to lớn không chỉ đối với thị trường, chính sách, mà còn cả các nền kinh tế trên phạm vi toàn cầu, dù ở quy mô lớn hay nhỏ.
Nguồn năng lượng và cách tiếp cận lý thuyết về vấn đề năng lượng
Theo Từ điển Cambridge, nguồn năng lượng bao gồm dầu, than đá hay mặt trời, là thứ có thể được sử dụng để tạo ra năng lượng cho ánh sáng, nhiệt, máy móc,...(1). Trong khi đó, tại trang thông tin điện tử studysmarter.co.uk(2), nguồn năng lượng được định nghĩa là vật liệu hay chất liệu được sử dụng để tạo ra năng lượng. Có ba dạng năng lượng chính yếu, đó là năng lượng hóa thạch (than, dầu mỏ, khí tự nhiên), năng lượng hạt nhân và năng lượng tái tạo.
Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), an ninh năng lượng được hiểu là tình trạng năng lượng và phản ứng trước sự khan hiếm năng lượng. Theo cách hiểu thứ nhất, an ninh năng lượng được định nghĩa là sự sẵn có về năng lượng mà không bị đứt quãng ở mức giá có thể chi trả. Theo cách hiểu thứ hai, an ninh năng lượng được chia làm hai nhóm(3): an ninh năng lượng lâu dài (chủ yếu liên quan đến việc đầu tư kịp thời để bảo đảm nguồn cung năng lượng phù hợp với mức độ phát triển kinh tế và các yêu cầu về môi trường) và an ninh năng lượng ngắn hạn (chủ yếu tập trung về hệ thống năng lượng hiện có để có thể phản ứng mau lẹ trước những thay đổi đột ngột trong cán cân cung - cầu năng lượng). Theo IEA, các phương tiện giúp đạt được an ninh năng lượng ngay lập tức, bao gồm điện, các nhà máy lọc cũng như các phương thức vận chuyển, như mạng lưới chuyển tải điện, ống dẫn dầu, cảng và tàu thuyền để ngăn chặn, thậm chí loại bỏ nguy cơ đứt quãng nguồn cung.
Tầm quan trọng của năng lượng thể hiện ở nhiều khía cạnh, từ đời sống sinh hoạt đến hoạt động sản xuất và an ninh quân sự. Do nguồn dự trữ năng lượng có giới hạn nên mô hình khan hiếm năng lượng được sử dụng để đo lường mức độ thiếu hụt năng lượng giúp các nước có thể ứng phó một cách nhanh chóng và hiệu quả. Theo mô hình này, có ba loại khan hiếm năng lượng, bao gồm khan hiếm năng lượng xuất phát từ nhu cầu (nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu về năng lượng tăng cao, trong khi mức độ sẵn có về dầu mỏ và khí đốt trên đầu người sụt giảm), khan hiếm năng lượng xuất phát từ nguồn cung (nhu cầu năng lượng tăng, song không có nguồn dự trữ năng lượng mới) và khan hiếm năng lượng mang tính cấu trúc (hành động có chủ đích của các siêu cường, các chủ thể phi nhà nước hay các nhà sản xuất để tạo ra sự khan hiếm năng lượng nhằm vào các nước đồng minh, đối thủ cạnh tranh...). Theo học giả M.P. A-mi-nếch (Mehdi Parvizi Amineh) và H. Hâu-oen-linh (Henk Houweling)(4), khan hiếm năng lượng xuất phát từ nguồn cung và khan hiếm năng lượng mang tính cấu trúc liên hệ chặt chẽ với nhau theo nghĩa các quốc gia hùng mạnh ngăn chặn quân sự đối với việc vận chuyển dầu mỏ và khí đốt qua đường biển để làm suy yếu tình trạng thiếu hụt nguồn cung tại các quốc gia đối thủ.
Trong khi đó, học giả Đa-ni-en Y-ơ-gin (Daniel Yergin) - tác giả và đồng tác giả của nhiều cuốn sách về vấn đề năng lượng, cho rằng để bảo đảm an ninh năng lượng, các quốc gia cần tuân thủ một số nguyên tắc chính sau(5): 1- Đa dạng hóa nguồn cung; 2- Thông suốt thông tin về giá cả và nguồn dự trữ dầu mỏ giữa các chính phủ và doanh nghiệp tư nhân; 3- Thiết lập nền công nghiệp năng lượng lành mạnh dựa trên công nghệ. Trên thực tế, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ như hiện nay, sẽ ngày càng có nhiều cách thức bảo đảm an ninh năng lượng, trong đó có việc phát triển năng lượng xanh, sạch, để vừa giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng bên ngoài, nhất là đối với các nước hạn chế về nguồn dự trữ năng lượng tự nhiên sẵn có, vừa góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu do tiêu thụ năng lượng của con người gây ra.
Trên lý thuyết cũng như trong thực tế hành xử giữa các quốc gia trong quan hệ quốc tế, vấn đề năng lượng lâu nay vẫn bị lấn át bởi các thành tố khác của an ninh quốc gia và an ninh quốc tế, chủ yếu là an ninh quân sự. Tuy nhiên, chủ nghĩa hiện thực cổ điển cũng như chủ nghĩa hiện thực mới, vốn luôn đề cao vai trò của quân sự trong quan hệ quốc tế, đã sớm chỉ ra rằng, dưới tác động mạnh mẽ, nhanh chóng của quá trình toàn cầu hóa và sự gia tăng lệ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia, lợi ích của các nước đạt được không chỉ bằng hành động quân sự, mà còn thông qua công cụ hiệu quả hơn là ngoại giao năng lượng. Do đó, chính sách nguồn cung năng lượng cũng chính là một phần của nguồn chính sách, bên cạnh chính sách an ninh quân sự của quốc gia. Những người theo chủ nghĩa hiện thực cho rằng, quốc gia nào càng sở hữu nhiều nguồn năng lượng thì quốc gia đó càng mạnh.
Để lý giải rõ hơn luận điểm trên, những người theo chủ nghĩa hiện thực đã đưa ra định nghĩa và phân tích các cấu phần tạo nên nguồn chính sách này. Cụ thể, nguồn năng lượng là vật chất cứng nằm trong lãnh thổ quốc gia, có tác động sâu sắc đối với năng lực của quốc gia và được xếp là cấu phần của “sức mạnh cứng”(6). Sức mạnh quốc gia dựa trên khả năng chiết xuất dầu, vận chuyển nguồn năng lượng cũng như nhu cầu toàn cầu về năng lượng. Theo học giả G. Lúp-phtơ (Gal Luft) và A. Cô-rin (Anne Korin)(7), những hàng hóa nhất định, nhất là các mặt hàng về năng lượng, khoáng chất, nước và thực phẩm, có giá trị chiến lược vượt trên giá thị trường, được nhiều nhà xuất khẩu sử dụng như công cụ chính sách đối ngoại và là một trong những chất xúc tác chính của xung đột quân sự. Trong khi đó, người sáng lập chủ nghĩa hiện thực mới H. Gi. Mo-gân-thâu (Hans J. Morgenthau)(8) nhấn mạnh, sức mạnh quân sự không phải là nhân tố vật chất duy nhất trong chủ nghĩa hiện thực, mà còn tồn tại những nhân tố khác, bao gồm địa lý, nguồn tài nguyên thiên nhiên (hàm ý nguồn năng lượng), sức mạnh công nghiệp, quân sự, dân số, bản sắc quốc gia và đạo đức, nền ngoại giao và quản trị chính phủ. Học giả Mai-cơn T. Cla-ri (Michael T. Klare)(9) thậm chí còn dự báo về khả năng có thể xảy ra một cuộc chiến tranh giữa các cường quốc liên quan đến việc ai sẽ kiểm soát nguồn năng lượng. Trong trường hợp này, nguồn năng lượng không chỉ là nhân tố sức mạnh duy nhất có thể thay thế nhân tố sức mạnh quân sự, mà còn là mục tiêu của hành động quân sự. Các quốc gia có thể sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự để chiếm giữ nguồn năng lượng.
Một trong những luận điểm quan trọng của mô hình chủ nghĩa hiện thực chính là việc xem chủ thể chính yếu trong hệ thống quốc tế là các quốc gia - dân tộc có chủ quyền, trong khi các chủ thể khác, như các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các tập đoàn đa quốc gia, các nhóm hay các cá nhân không có vai trò đáng kể. Khi đã xem năng lượng là một phần của nguồn chính sách, các nhà theo chủ nghĩa hiện thực cũng tin rằng, quốc gia - dân tộc cũng chính là chủ thể chính yếu xác định các mối quan hệ năng lượng toàn cầu, hành động duy lý để tối đa hóa sức mạnh năng lượng quốc gia. Quốc gia không sẵn sàng trao quyền kiểm soát nguồn năng lượng cho các tập đoàn năng lượng toàn cầu, các thể chế thị trường tự do hay các tổ chức siêu quốc gia. Theo học giả G. Lúp-phtơ và A. Cô-rin(10), nhiều quốc gia đang tiến hành quốc hữu hóa ngành công nghiệp năng lượng nhằm thu hẹp không gian cho khu vực tư nhân và các nhà đầu tư nước ngoài trong khi tăng cường sử dụng năng lượng là công cụ thúc đẩy chương trình nghị sự trong chính sách đối ngoại. Tuy nhiên, chủ nghĩa hiện thực mới xác định chủ thể chính trong hệ thống quốc tế không phải là quốc gia, mà là “lãnh đạo quốc gia”, nghĩa là tập trung vào yếu tố cá nhân, con người. Học giả Ph. Da-ca-ri-a (F. Zakaria) cho rằng, “lãnh đạo quốc gia” không sử dụng tất cả sức mạnh quốc gia để đạt mục tiêu quốc gia, bất kể đó là sức mạnh quân sự, kinh tế hay năng lượng(11).
Mục tiêu của các quốc gia theo chủ nghĩa hiện thực là thông qua hành động tự cứu một cách duy lý để tìm cách tăng cường quyền lực càng nhiều càng tốt nhằm tự bảo đảm an ninh và sự tồn vong trong hệ thống quốc tế. Dưới khía cạnh năng lượng, tính duy lý của quốc gia thể hiện rõ qua ba dạng quốc gia trong cấu trúc năng lượng toàn cầu: các quốc gia sản xuất năng lượng, các quốc gia trung chuyển và các quốc gia tiêu thụ(12). Tuy nhiên, tính duy lý của quốc gia trong hệ thống quốc tế không nhất thiết gắn liền với tính duy lý kinh tế, các lợi ích kinh tế ngắn hạn có thể bị tổn thương nhằm tăng cường sức mạnh địa - chính trị và chính trị của quốc gia. Sự thiếu hụt tính duy lý về kinh tế thể hiện rõ thông qua tính toán của các quốc gia sản xuất năng lượng, theo đó một số quốc gia chấp nhận bán năng lượng ở mức giá thấp hơn giá thị trường cho các quốc gia khác nhằm đạt các mục tiêu về an ninh quốc gia, chính trị đối nội và đối ngoại. Theo chủ nghĩa hiện thực mới, không phải tất cả sức mạnh kinh tế của quốc gia có thể chuyển đổi thành sức mạnh quân sự và không phải tất cả sức mạnh kinh tế có thể được huy động để đạt mục tiêu quốc gia cũng như sức mạnh năng lượng hay bất kỳ loại sức mạnh nào khác. Năng lượng không phải là cấu phần của chính sách đối ngoại đến khi có thể sử dụng để đạt mục tiêu quốc gia(13).
Sức mạnh từ nguồn năng lượng không cố định mà mang “tính chuyển đổi”, có khả năng làm gia tăng hoặc chuyển hóa thành sức mạnh quân sự, công nghiệp, tài chính và ngoại giao. Theo học giả Ph. Da-ca-ri-a(14), sự gia tăng sức mạnh vật chất (hay sức mạnh năng lượng) là nguyên nhân dẫn tới tăng cường sức mạnh tổng thể và ảnh hưởng bên ngoài, từ đó kéo theo sự mở rộng các nguồn tài nguyên cũng chính là sức mạnh vật chất. Kết quả là, sức mạnh năng lượng, sức mạnh quốc gia cũng như ảnh hưởng bên ngoài tích lũy, bổ sung cho nhau. Các nguồn năng lượng mới được khám phá sẽ tạo ra khả năng mở rộng ảnh hưởng của quốc gia ra bên ngoài do các nước nhập khẩu năng lượng và các nước trung chuyển tìm kiếm các mối quan hệ tốt hơn để tiếp cận nguồn năng lượng. Khi sức mạnh năng lượng tăng sẽ giúp các quốc gia mở rộng lợi ích ra bên ngoài, qua đó tăng cường sức mạnh quốc gia.
Cuộc xung đột Nga - U-crai-na và chính sách năng lượng của Mỹ
Hệ lụy về an ninh năng lượng từ cuộc xung đột Nga - U-crai-na
Cuộc xung đột Nga - U-crai-na bùng nổ cuối tháng 2-2022 đến nay đã tạo ra cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng nhất tại châu Âu kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đặt ra nhiều hệ lụy cho thế giới nói chung và nước Mỹ nói riêng, trong đó có thách thức về an ninh năng lượng. Cụ thể, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga ở U-crai-na và một loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây nhằm vào Nga đã tạo áp lực to lớn đối với nguồn cung dầu khí toàn cầu vốn đã căng thẳng vì quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 càng trở nên trầm trọng hơn. Trong thời kỳ cao điểm của khủng hoảng (tháng 3-2022), giá khí đốt tự nhiên bị đẩy lên mức cao nhất trong nhiều năm, trong khi giá dầu gần chạm ngưỡng 140 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008(15). Theo báo cáo của IEA vào tháng 11-2022(16), nguồn cung dầu thế giới đã tăng 410 nghìn thùng/ngày vào tháng 10-2022, đạt mức 101,7 triệu thùng/ngày, nhưng dự báo sẽ tiếp tục giảm 1 triệu thùng/ngày sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) cắt giảm sản lượng và lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô của Nga có hiệu lực. Xuất khẩu dầu mỏ của Nga tăng 165 nghìn thùng/ngày, đạt mức 7,7 triệu thùng/ngày trong tháng 10-2022 do số lượng dầu mỏ vận chuyển sang EU, Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục được duy trì; tuy nhiên, dầu thô xuất khẩu sang EU giảm 1 triệu thùng/ngày so với mức trước khi xảy ra cuộc xung đột Nga - U-crai-na. Ngày 12-12-2022(17), IEA cảnh báo dù EU hiện vẫn đủ khí đốt, song có nguy cơ thiếu hụt 27 tỷ m3 khí đốt trong năm 2023 nếu Nga tiếp tục cắt giảm nguồn cung, tương đương 7% nhu cầu tiêu thụ của châu lục này.
Tuy nhiên, bên cạnh những thách thức nêu trên, cuộc xung đột Nga - U-crai-na nổ ra trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ của cử tri Mỹ đối với Tổng thống Mỹ Giô Bai-đơn đang ở mức rất thấp kể từ khi ông lên nắm quyền vào tháng 1-2021, vô hình trung đã tạo đà để Mỹ khuyến khích châu Âu giảm lệ thuộc về năng lượng, cũng như về địa - chính trị, địa - chiến lược vào Nga; tranh thủ cơ hội tăng tốc nguồn cung ứng năng lượng cho châu Âu, nhất là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) mà Mỹ có lợi thế; đồng thời, thúc đẩy thế giới chuyển đổi năng lượng sạch vốn là ưu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn.
Chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đối với Nga từ góc độ lý thuyết về năng lượng
Trước nỗ lực của Nga nhằm ngăn chặn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mở rộng ra khu vực “vùng đệm” của Nga là U-crai-na, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã sớm đưa ra các biện pháp ứng phó toàn diện. Về chính trị - ngoại giao, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn, một mặt, lên án Nga tấn công U-crai-na; mặt khác, mong muốn Nga và U-crai-na tìm kiếm cơ hội đàm phán để chấm dứt xung đột. Kể từ tháng 1-2021, Mỹ đã đầu tư hơn 30 tỷ USD viện trợ an ninh cho U-crai-na, trong đó có 29,3 tỷ USD kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt nhằm vào U-crai-na.
Ngoài các biện pháp chính trị - ngoại giao, an ninh - quân sự, năng lượng cũng là một cấu phần quan trọng trong ứng phó của chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đối với Nga. Được thành lập vào năm 1975 sau lệnh cấm vận dầu mỏ A-rập (1973 - 1974), kho dự trữ dầu mỏ chiến lược (SPR) của Mỹ được biết đến là kho dự trữ chiến lược lớn nhất thế giới(18), được sử dụng làm công cụ để bình ổn thị trường trước những tình thế xảy ra, như chiến tranh, thiên tai... Trong giai đoạn cao điểm, SPR lưu trữ 727 triệu thùng dầu (năm 2009)(19) nhưng hiện đã giảm dần xuống còn khoảng 586 triệu thùng(20). Trước những hệ lụy mạnh mẽ về năng lượng từ “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga nhằm vào U-crai-na, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đã liên tiếp tiến hành một loạt động thái chưa từng có trong lịch sử ở cả trong nước và ngoài nước.
Cụ thể, ở trong nước, chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn nhiều lần xả kho dự trữ dầu mỏ. Tháng 4-2022, Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn tuyên bố bắt đầu từ tháng 5-2022, Mỹ sẽ xả 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong 6 tháng từ SPR(21). Đây là lần giải phóng dự trữ dầu lớn nhất trong lịch sử của Mỹ. Đồng thời, Mỹ cũng tìm kiếm cách thức tăng nguồn cung dự trữ năng lượng. Ngày 18-10-2022, Nhà Trắng công bố kế hoạch chi tiết(22) của Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn nhằm tăng cường an ninh năng lượng của Mỹ, khuyến khích sản xuất và giảm chi phí năng lượng, bao gồm ba bước: Thứ nhất, Bộ Năng lượng công bố xả 15 triệu thùng dầu từ SPR vào tháng 12-2022 nhằm “ổn định thị trường dầu thô và giảm giá dầu mỏ”. Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn cũng yêu cầu Bộ Năng lượng Mỹ sẵn sàng tiếp tục các đợt xả dầu mới vào mùa đông trong trường hợp thị trường toàn cầu bị đứt gãy. Thứ hai, Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn tuyên bố chính quyền Mỹ cần làm đầy dầu thô cho kho SPR để bảo đảm giá dầu mỏ dao động ở mức 67 - 72 USD/ thùng; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào sản xuất ngay lập tức, giúp tăng cường an ninh năng lượng và giảm giá năng lượng đã bị đẩy lên cao do cuộc xung đột tại U-crai-na. Thứ ba, kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất, khai thác năng lượng Mỹ giảm giá cho người dân.
Theo chủ nghĩa hiện thực, nền chính trị liên quốc gia là trò chơi “mặc cả không ngừng” về việc phân bổ và tái phân bổ nguồn tài nguyên khan hiếm, trong trường hợp này được hiểu là công cụ mà Nga tích cực sử dụng để gây sức ép đối với các đồng minh thân cận của Mỹ ở châu Âu. Ước tính, số lượng dầu mỏ của Nga vận chuyển bằng đường biển chiếm 2/3 số lượng nhập khẩu mặt hàng này của EU, còn lại là qua đường ống. Để khống chế công cụ chiến lược này của Nga, Mỹ chủ trương áp giá trần, theo đó, các tập đoàn bảo hiểm và doanh nghiệp vận chuyển dầu mỏ bằng đường biển chỉ có thể giao dịch với Nga nếu dầu mỏ được định giá bằng hoặc thấp hơn giá trần. Mục tiêu cuối cùng của Mỹ là cho phép nguồn cung dầu mỏ của Nga tiếp tục đưa ra thị trường, song hạn chế lợi nhuận mà Nga có thể thu được từ xuất khẩu dầu mỏ, nhưng không tạo ra đứt gãy nghiêm trọng nguồn cung toàn cầu. Mỹ quan ngại phương án cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga vào EU, đồng thời cắt dịch vụ bảo hiểm và tài chính đối với các chuyến hàng vận chuyển dầu mỏ Nga đến bất kỳ nơi nào trên thế giới, theo EU khuyến nghị sẽ cắt giảm khoảng 5 triệu thùng dầu của Nga khỏi thị trường mỗi ngày, từ đó khiến giá dầu mỏ toàn cầu có nguy cơ tăng lên 150 USD/thùng(23).
Tuy nhiên, biện pháp áp giá trần dầu mỏ Nga của Mỹ cũng vấp phải một số khó khăn, hạn chế:
Một là, luận điểm của chủ nghĩa hiện thực cho rằng, các thể chế siêu quốc gia khu vực chỉ hành động hiệu quả khi lợi ích của phần lớn các quốc gia thành viên tương đồng. Trong trường hợp này, có thể hiểu là Mỹ và các nước đồng minh phương Tây chỉ có thể thống nhất mức giá trần khi lợi ích song trùng. Tuy nhiên, điều này là không dễ dàng. Mỹ và các đối tác thuộc Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) cho rằng, mức giá trần quá thấp có thể làm giảm đáng kể nguồn cung toàn cầu và đẩy giá dầu mỏ tăng cao, giúp Nga tiếp tục thu lợi nhuận lớn dù số lượng dầu mỏ bán thấp hơn. Tuy nhiên, theo các quốc gia Vùng Ban-tích, mức giá trần 65 - 70 USD/thùng mà EU đưa ra cao hơn giá thị trường dầu mỏ của Nga. Do đó, các nước này đề nghị mức giá trần 30 USD/thùng trong các cuộc đàm phán trước khi nhất trí với mức 60 USD/thùng. Thế nhưng, ngay cả khi các nước đạt được sự nhất trí về mức giá trần thì vẫn không thể bảo đảm được mục tiêu tạo khủng hoảng tài chính với Nga song song với việc ổn định nguồn cung dầu mỏ toàn cầu do còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.
Hai là, việc áp giá trần không những không hạn chế được việc tiếp cận dầu mỏ của Nga trên phạm vi toàn cầu, mà còn khiến các nước vốn mua rất nhiều dầu từ Nga, như Ấn Độ và Trung Quốc, tiếp tục được Nga tạo điều kiện mua với giá rẻ. Hơn nữa, Nga và các nước nhập khẩu dầu mỏ truyền thống của Nga cũng có nhiều biện pháp linh hoạt, như thành lập các doanh nghiệp bảo hiểm để thay thế những doanh nghiệp bảo hiểm bị cấm theo quyết định của Mỹ, Anh và EU...
Ba là, để “tự giải cứu”, Nga cũng dùng chính các công cụ năng lượng để gây sức ép ngược lại đối với Mỹ và phương Tây. Cụ thể, Nga cảnh báo có khả năng cắt nốt lượng khí đốt còn lại đang xuất khẩu sang châu Âu qua đường ống, trong bối cảnh châu Âu bước vào mùa đông, đối mặt với khủng hoảng năng lượng cũng như chi phí sinh hoạt tăng cao. Với U-crai-na, Nga nhiều lần tấn công hạ tầng năng lượng của U-crai-na; từ đó, giúp chuyển hóa sức mạnh năng lượng trước tình trạng gián đoạn nguồn cung điện nghiêm trọng của U-crai-na thành sức mạnh quân sự, nhằm tiến tới giành thế thắng trên thực địa.
Bốn là, chính sách của Mỹ và các nước phương Tây chịu tác động bởi nhân tố thứ ba, đó là OPEC+. Theo lý thuyết của chủ nghĩa hiện thực về năng lượng, các thể chế siêu quốc gia, như IEA và OPEC (hay OPEC+), chỉ hành động khi các thành viên cùng đối mặt với các mối đe dọa hiện hữu và rõ ràng về lợi ích. Trong trường hợp này, A-rập Xê-út là khách hàng mua vũ khí nhiều nhất của Mỹ, do đó có lợi ích qua lại về an ninh - quân sự với Mỹ; trong khi đó, Nga lại xung đột lợi ích sâu sắc với Mỹ trước mong muốn mở rộng NATO của Mỹ tại khu vực. Tuy nhiên, việc OPEC+ quyết định giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11-2022 mặc dù có thể đẩy A-rập Xê-út xích lại gần với Nga, song xét cho cùng, lại giúp các nước thành viên OPEC+ đạt mục tiêu về năng lượng, từ đó chuyển hóa thành sức mạnh tài chính, kinh tế, tiếp đó là sức mạnh an ninh - quân sự (mua sắm trang thiết bị vũ khí từ các nước khác). Ngoài ra, việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ cho thấy các nước xuất khẩu dầu mỏ trong OPEC, nhất là các nước Vùng Vịnh Péc-xích quan ngại sau khi các chính sách cấm vận của châu Âu phát huy đầy đủ hiệu lực, sản lượng dầu mỏ cung ra thị trường của Nga sụt giảm sâu hơn vào năm 2023, buộc OPEC phải cung cấp thêm dầu để ổn định thị trường. Trong khi đó, sản lượng dầu còn dư của khối hiện nay đã cạn kiệt. Do đó, cắt giảm lúc này được cho là bước đi phòng xa để OPEC hay OPEC+ đề phòng cho biến động năm 2023. Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng thực chất không phải là bước lùi trên bàn cờ năng lượng, mà là bước đi cần thiết nhằm “giữ giá”, giữ thế chủ động cũng như dùng làm phép thử cho các nước liên quan trước khi đưa ra bất cứ chính sách năng lượng đột phá nào như áp mức giá trần.
Dự báo chính sách năng lượng của Mỹ
Ngay từ khi Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn lên nắm quyền vào tháng 1-2021, chính quyền Mỹ đã sớm triển khai cam kết từ khi tranh cử là thúc đẩy nỗ lực toàn cầu về chuyển đổi năng lượng xanh, sạch nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. Trước một khu vực châu Âu lâu nay vốn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung năng lượng của Nga, “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga nhằm vào U-crai-na có thể được xem là cơ hội “có một không hai” để Mỹ thúc đẩy các nước châu Âu giảm bớt sự tổn thương sẵn có về năng lượng, chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch thay thế. Tuy nhiên, đây là vấn đề không đơn giản, không chỉ xuất phát từ chính nội tại các nước châu Âu, mà còn từ chính nước Mỹ.
Thứ nhất, trước nhiều sức ép, nhất là sức ép nội bộ trong nước, tình trạng lạm phát..., các nước EU phải tìm mọi cách để duy trì và ổn định nguồn cung, trong đó có việc đa dạng hóa nguồn cung dầu, như thị trường Trung Đông. Song, giải pháp này gặp khó khăn do đây cũng là địa bàn cạnh tranh với nhiều nước châu Á, như Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Trong khi đó, việc lấp đầy kho dự trữ năng lượng bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của EU cũng vấp phải cạnh tranh mạnh mẽ từ các nước châu Á. Thời gian qua, Mỹ không ngừng tăng cường cung cấp LNG cho châu Âu. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA)(24), Mỹ xuất khẩu gần 3/4 tổng lượng LNG sang châu Âu và trở thành nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, vượt Nga năm 2022. Theo Tập đoàn xuất khẩu LNG lớn nhất của Mỹ Cheniere Energy, khoảng 70% xuất khẩu LNG của tập đoàn có đích đến là châu Âu(25). Tuy nhiên, giá LNG do các doanh nghiệp của Mỹ bán cho Nga được xem là cao gấp từ 3 - 4 lần so với khí đốt của Nga, là điều mà chính quyền Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn khó kiểm soát và lường trước, được quyết định bởi quy luật cung - cầu thị trường, buộc châu Âu phải đặt lên bàn cân trong “trò chơi” năng lượng với Nga và Mỹ.
Thứ hai, chuyển đổi năng lượng xanh giúp tạo ra nguồn năng lượng an toàn, ổn định; tuy nhiên, buộc châu Âu phải đáp ứng ít nhất hai điều kiện: 1- Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ và công nghệ phát thải các-bon thấp; 2- Nguồn cung kim loại đằng sau năng lượng sạch. Theo IEA, đồng, lithium hay một số kim loại hiếm khác là chìa khóa để xây dựng và phát triển năng lượng sạch. Dự báo đến năm 2040, thế giới sẽ có nhu cầu kim loại gấp 2 lần hiện nay để sản xuất năng lượng sạch bằng cách áp dụng công nghệ mới(26). Trong khi đó, theo Reuters, giá kim loại đang có xu hướng tăng.
Thứ ba, Mỹ cần tính đến vai trò của bên thứ ba là OPEC+ trong triển khai chính sách năng lượng do OPEC+ chịu sự dẫn dắt của Nga, cũng như bị ảnh hưởng bởi tính toán nhiều chiều từ các nước thành viên OPEC. Ngoài ra, với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nga hoàn toàn có thể dùng sức mạnh lá phiếu để xoay chuyển tình thế, nhất là các vấn đề liên quan mật thiết đến Nga, cũng như tìm cách tác động đến các nước đồng minh của Mỹ.
Nhìn chung, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - U-crai-na vẫn diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, vấn đề năng lượng được dự báo sẽ tiếp tục là chủ đề nóng, đòi hỏi sự xử lý “tỉnh táo” của các nước liên quan, từ đó giúp mang lại sự ổn định, dễ dự báo hơn cho bức tranh năng lượng toàn cầu năm 2023./.
-----------------------------------
(1) Cambridge Dictionary: “Energy source” (Tạm dịch: Nguồn năng lượng), Cambridge University Press, 2022, https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/energy-source
(2) Studysmarter: “Energy resources” (Tạm dịch: Nguồn năng lượng), 2022, https://www.studysmarter.co.uk/explanations/environmental-science/energy-resources/
(3) IEA: “Ensuring the uninterrupted availability of energy sources at an affordable price” (Tạm dịch: Bảo đảm sự sẵn có liên tục của các nguồn năng lượng với giá cả phải chăng), ngày 2-12-2019, https://www.iea.org/areas-of-work/ensuring-energy-security
(4) Mehdi Parvizi Amineh - Henk Houweling: “Global energy security and its geopolitical impediments: The case of the Caspian Region” (Tạm dịch: An ninh năng lượng toàn cầu và những trở ngại địa - chính trị: Trường hợp của Vùng Ca-xpi), Brill, ngày 1-1-2007, https://brill.com/view/journals/pgdt/6/1-3/article-p365_17.xml?language=en; Dwight Haase: “Perspectives on Global Development and Technology” (Tạm dịch: Quan điểm về phát triển và công nghệ toàn cầu), Vol. 8, No. 1, 2009, https://brill.com/view/journals/pgdt/pgdt-overview.xml
|(5) Daniel Yergin: “Ensuring energy security” (Tạm dịch: Bảo đảm an ninh năng lượng), Tạp chí Foreign Afffairs, 2006, tr. 69 - 82
(6), (7), (8), (9), (10), (11) Giedrius Cesnakas: “Energy Resources in foreign policy: A theoretical approach” (Tạm dịch: Tài nguyên năng lượng trong chính sách đối ngoại: Tiếp cận lý thuyết), Tạp chí Baltic Journal of Law & Politics, 2010, tr. 37, 30, 33, 34, 34, 46
(12), (13), (14) Giedrius Cesnakas: “Energy Resources in foreign policy: A theoretical approach” (Tạm dịch: Tài nguyên năng lượng trong chính sách đối ngoại: Tiếp cận lý thuyết), Tlđd, tr. 37. Tính duy lý của các quốc gia tiêu thụ năng lượng và trung chuyển năng lượng được hiểu là sự sẵn có đủ nguồn cung năng lượng ở mức giá có thể chi trả được. Trong khi đó, các nước sản xuất năng lượng tìm kiếm an ninh nguồn cung, được hiểu là sự bảo đảm rằng năng lượng sẽ được mua ở mức giá phù hợp về lâu dài, từ đó giúp bảo đảm nguồn thu ngân sách cho quốc gia, tr. 47, 37
(15) Dailymail: “Oil price surges 125 barrel highest level” (Tạm dịch: Giá dầu mỏ tăng cao nhất 125 thùng), 2008, https://www.dailymail.co.uk/news/article-10585147/Oil-price-surges-125-barrel-highest-level-2008.html
(16) Xem: “Oil market report” (Tạm dịch: Báo cáo thị trường dầu mỏ), IEA, tháng 12-2022, https://www.iea.org/reports/oil-market-report-november-2022
(17) H. Hà: “IEA cảnh báo nguy cơ EU thiếu hụt khí đốt trong năm 2023”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 31-12-2022, https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/iea-canh-bao-nguy-co-eu-thieu-hut-khi-dot-trong-nam-2023-627410.html
(18) US Department of Energy: “Strategic petroleum reserves United States” (Tạm dịch: Chiến lược dự trữ xăng dầu của Mỹ), The Geography of Transport Systems, 2016, https://transportgeography.org/contents/applications/petroleum-transportation-resource/strategic-petroleum-reserves-united-states/
(19) U.S. Government Accountability Office: “Strategic Petroleum Reserve” (Tạm dịch: Chiến lược dự trữ dầu mỏ), GAO, ngày 24-8-2006, https://www.gao.gov/products/gao-06-872
(20) Reuters: “Explainer: How the US’s strategic petroleum reserve works” (Tạm dịch: Dự trữ xăng dầu chiến lược của Mỹ hoạt động như thế nào), Aljazeera, ngày 31-3-2022, https://www.aljazeera.com/news/2022/3/31/explainer-how-the-us-strategic-petroleum-reserve-works
(21) Thomas Franck: “US to release 1 million barrels of oil per day from reserves to help cut gas prices” (Tạm dịch: Mỹ xả 1 triệu thùng dầu mỗi ngày từ kho dự trữ để giúp giảm giá khí đốt), CNBC, ngày 31-2-2022, https://www.cnbc.com/2022/03/31/us-to-release-1-million-barrels-of-oil-per-day-from-reserves-to-help-cut-gas-prices.html
(22) White House: “Factsheet President Biden to announce new actions to strengthen US energy security encourage production and bring down costs” (Tạm dịch: Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn công bố các hành động mới nhằm tăng cường an ninh năng lượng của Mỹ để khuyến khích sản xuất và giảm chi phí), ngày 18-10-2022, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/statements-releases/2022/10/18/fact-sheet-president-biden-to-announce-new-actions-to-strengthen-u-s-energy-security-encourage-production-and-bring-down-costs/
(23) Will Daniel: “Biden’s ban on Russian imports means $150 per barrel of oil, a $5 gallon of gas or higher, and a 1 in 3 recession risk” (Tạm dịch: Lệnh cấm của Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn đối với hàng nhập khẩu của Nga có nghĩa là 150 USD/thùng dầu, 5 gallon xăng trở lên và rủi ro suy thoái là 1/3), Fortune, ngày 9-3-2022, https://fortune.com/2022/03/08/biden-ban-russian-imports-means-oil-gas-price-jump-risk-recession-moodys/
(24) White House: “Remarks by President Biden and European Commission President Ursula vonder Leyen in joint-press statement” (Tạm dịch: Phát biểu của Tổng thống Mỹ G. Bai-đơn và Chủ tịch Ủy ban châu Âu U-su-la von-đơ Lay-en trong thông cáo báo chí chung), 2022, https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2022/03/25/remarks-by-president-biden-and-european-commission-president-ursula-von-der-leyen-in-joint-press-statement/
(25) Lucy Hine: “Cheniere energy delivered 70 of its LNG exports to Europe in first half 2022” (Tạm dịch: Tập đoàn Năng lượng Cheniere đã giao 70 lô LNG xuất khẩu sang châu Âu trong nửa đầu năm 2022), Trade Winds, 2022, https://www.tradewindsnews.com/gas/cheniere-energy-delivered-70-of-its-lng-exports-to-europe-in-first-half-2022/2-1-1272696?zephr_sso_ott=P3Gnmg
(26) IEA: “The role of critical minerals in clean energy transitions” (Tạm dịch: Vai trò của các khoáng chất quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng sạch), 2022, https://www.iea.org/reports/the-role-of-critical-minerals-in-clean-energy-transitions/executive-summary
Một số vấn đề nổi bật của thế giới hiện nay (15/02/2023)
Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 nâng công suất ở mức tải 602MW thành công (17/11/2022)
Quan điểm về đoàn kết quốc tế trong tác phẩm “Đường Cách mệnh” và sự vận dụng của Đảng ta trong thời kỳ đổi mới (09/09/2022)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay