TCCS - Những động thái ngoại giao gần đây cho thấy, cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc tại các khu vực địa - chính trị trước đây vẫn chưa được hai nước quan tâm thường xuyên, là Mỹ La-tinh, châu Phi và Trung Đông, đang ngày càng gay gắt, đồng thời cho thấy những biểu hiện mới trong tập hợp lực lượng của các nước lớn.

Mỹ cố gắng hàn gắn quan hệ với Mỹ La-tinh, châu Phi và Trung Đông

Với Mỹ La-tinh, chuyến thăm “làm lành” của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken tại 3 nước Mỹ La-tinh là Colombia, Chile và Peru hồi tháng 10-2022 vừa qua một lần nữa khẳng định mối quan tâm của Washington đối với các nước phía nam khu vực. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đã có buổi làm việc với người đồng cấp của 3 nước Colombia, Chile và Peru; hội kiến với Tổng thống Colombia Gustavo Petro, Tổng thống Chile Gabriel Boric và Tổng thống Peru Pedro Castillo. Tại các cuộc gặp gỡ, Mỹ đã phối hợp tích cực với các nước Mỹ La-tinh nhằm giải quyết gốc rễ nhiều vấn đề nan giải trong khu vực, như di cư, môi trường hay nạn buôn bán ma túy. Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken diễn ra trong bối cảnh xu hướng cánh tả đang chiếm ưu thế tại Mỹ La-tinh. Cả Colombia, Chile và Peru đều có lãnh đạo cánh tả mới được bổ nhiệm chưa đầy một năm. Việc Ngoại trưởng Mỹ lựa chọn thăm ba nước này là cách Washington khẳng định sẵn sàng hợp tác với bất cứ quốc gia nào miễn sao lợi ích của nước Mỹ vẫn được bảo đảm. Quan hệ giữa Mỹ với hai nước là Cuba và Venezuela gần đây cũng tiến triển tích cực. Mỹ đã nối lại quá trình cấp thị thực hoàn toàn cho người dân Cuba; còn Ngoại trưởng Venezuela Carlos Faria, tại phiên Thảo luận chung khóa 77 Đại hội đồng Liên hợp quốc cuối tháng 9-2022, nhấn mạnh, nước này sẵn sàng đối thoại với Mỹ.

Tại cuộc họp cấp bộ trưởng về vấn đề di cư bên lề kỳ họp lần thứ 52 của Đại hội đồng Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) diễn ra tháng 10-2022 tại Thủ đô Lima của Peru, Chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ phân bổ thêm 240 triệu USD viện trợ nhân đạo để các nước trong khu vực Mỹ La-tinh hỗ trợ và tiếp nhận những người nhập cư đi qua lãnh thổ của họ, cũng như tăng cường các hoạt động bảo vệ khu vực biên giới. Sự hiện diện của ông Blinken và đóng góp của Mỹ trong các vấn đề chung tại cuộc họp Đại hội đồng OAS ở Lima đang thể hiện mong muốn “làm lành” với Mỹ La-tinh khi trước đó Mỹ đã từ chối mời Cuba, Venezuela và Nicaragua tới dự Hội nghị Thượng đỉnh châu Mỹ lần thứ 9 diễn ra tại Los Angeles. Mặc dù hội nghị này sau đó cũng không ra được tuyên bố chung nhưng cũng khiến Mỹ "mất điểm" trong mắt các quốc gia Mỹ La-tinh này. Những động thái hâm nóng lại quan hệ giữa Mỹ và các nước Mỹ La-tinh được xem là cần thiết nhưng chưa đủ trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực này. Bất chấp tác động từ đại dịch COVID-19 toàn cầu, thương mại giữa Trung Quốc và các nước Mỹ La-tinh năm 2021 lên tới 450 tỷ USD cùng nhiều dự án hợp tác trị giá hàng tỷ USD nhằm xây dựng kết cấu hạ tầng lớn với các nước trong khu vực.

Với châu Phi, chuyến thăm ba nước châu Phi là Nam Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda của Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tháng 8-2022 cũng mang "sứ mệnh" duy trì tầm ảnh hưởng của cường quốc số một thế giới đối với "lục địa đen". Trong chuyến công du tới ba nước châu Phi lần này, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tuyên bố Washington mong muốn tìm kiếm mối quan hệ đối tác thực chất với châu Phi, thay vì cạnh tranh ảnh hưởng với những cường quốc khác tại châu lục này. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken nhấn mạnh bốn ưu tiên của Mỹ đối với khu vực châu Phi cận Sahara, gồm: Một là, Mỹ sẽ thúc đẩy sự cởi mở, trong đó nhấn mạnh đến năng lực của các cá nhân, cộng đồng và quốc gia châu Phi trong việc lựa chọn con đường phát triển của mình. Hai là, Mỹ sẽ sát cánh cùng các đối tác ở châu Phi thực hiện lời hứa thúc đẩy dân chủ ở châu lục này. Ba là, Mỹ sẽ cùng châu Phi tăng cường hợp tác để thúc đẩy phục hồi sau đại dịch COVID-19 và điều này sẽ đặt nền tảng cho cơ hội phát triển kinh tế bền vững trên diện rộng nhằm cải thiện cuộc sống của người dân. Bốn là, Mỹ sẽ cùng châu Phi thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng sạch để đối phó tốt hơn các tác động của biến đổi khí hậu và cung cấp năng lượng cho phát triển kinh tế.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo các nước châu Phi tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi ở Thủ đô Washington, ngày 15-12-2022_Ảnh: AP

Nhìn lại chính sách đối ngoại của Mỹ với châu Phi kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay, có thể thấy, Mỹ đã đưa ra không ít sáng kiến, chiến lược đối với châu lục này, như Đạo luật tăng trưởng và cơ hội cho châu Phi dưới thời Tổng thống Bill Clinton, sáng kiến lập Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Phi dưới thời Tổng thống George Bush, chiến lược thúc đẩy thịnh vượng, an ninh và ổn định cho châu Phi của Tổng thống Donal Trump hay Chiến lược đối với khu vực châu Phi cận Sahara vừa được chính quyền Tổng thống Joe Biden công bố. Tuy nhiên, chừng đó dường như là quá ít và chưa đủ để Mỹ gây ảnh hưởng đáng kể trong quan hệ với các nước châu Phi so với Nga và Trung Quốc.

Với Trung Đông, chuyến đi của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Israel và Saudi Arabia vào tháng 7-2022 là cơ hội để Washington điều chỉnh cách tiếp cận với một Trung Đông đang thay đổi nhanh chóng. Tại Israel, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden gặp gỡ cả Thủ tướng tạm quyền Yair Lapid lẫn lãnh đạo phe đối lập Benjamin Netanyahu là cách ông khẳng định rằng quan hệ Mỹ - Israel sẽ tiếp tục phát triển, bất chấp thay đổi trong bộ máy cầm quyền. Trong chuyến thăm Saudi Arabia, Tổng thống Joe Biden có cuộc gặp với Quốc vương Salman bin Abdulaziz và Thái tử Mohammed bin Salman. Việc lựa chọn di chuyển từ Israel, tới Saudi Arabia, Tổng thống Joe Biden mang theo thông điệp hòa bình và hy vọng thúc đẩy tiến trình bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel, cũng như kêu gọi chính quyền Thái tử Mohammad bin Salman tiếp tục ủng hộ thỏa thuận hòa bình tại Yemen. Tuy nhiên, hợp tác năng lượng chắc chắn vẫn là ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm của ông Joe Biden. Với chuyến thăm này, Washington muốn nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới tăng lượng xuất khẩu để hạ giá dầu đang tăng vọt, vốn đe dọa cơ hội của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Tuy nhiên, chỉ vài tuần sau chuyến thăm của ông Biden, Riyadh đã thúc đẩy cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+, khiến mối quan hệ giữa hai nước càng rạn nứt.

Thời gian qua, chính quyền Mỹ đã có điều chỉnh chính sách, coi Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu. Khi sự phụ thuộc của Mỹ vào năng lượng ở Trung Đông đã giảm bớt và Washington chuyển trọng tâm sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, các quốc gia Arab cảm thấy dường như bị Mỹ “coi nhẹ”. Tuy nhiên, khi cuộc xung đột Nga - Ukraine xảy ra, cuộc khủng hoảng năng lượng đã góp phần nhắc nước Mỹ về vai trò của khu vực Trung Đông, nơi nước này từng giữ vai trò quan trọng bậc nhất. Song giờ đây, mọi chuyện đã khác. Bản thân Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong bài viết trên The Washington Post ngày 9-7-2022 nhấn mạnh rằng, Trung Đông đang thay đổi theo hướng “ổn định, an toàn hơn so với 18 tháng trước, khi chính quyền của tôi vừa mới nhậm chức”. Giờ đây, Mỹ cần nỗ lực xây dựng lại hình ảnh của một đồng minh, một đối tác tin cậy sau thời gian dài “vắng bóng” tại khu vực Trung Đông, trước sự hiện diện, tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc tại đây.

Trung Quốc tăng cường và củng cố ảnh hưởng

Với Mỹ La-tinh, kể từ năm 2011, với chính sách xoay trục sang châu Á, Mỹ La-tinh đã bị Washington “ít quan tâm hơn”. Những chuyến thăm châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi ông còn tại vị cao hơn nhiều so với thời gian ông dành cho khu vực Mỹ La-tinh, trước đây vốn được coi là “sân sau” của Mỹ. Thực tế này càng rõ nét hơn dưới thời Tổng thống Donald Trump. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Donald Trump đã tái sử dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn chống các nước theo đường lối cánh tả, như Venezuela, Bolivia và Cuba... Hệ quả là Mỹ đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ các chính sách cực đoan này. Những gì mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden hiện đang cố gắng nhằm nỗ lực cải thiện quan hệ với Cuba và Venezuela được xem là bước đi cần, nhưng chưa đủ để Mỹ làm giảm đi ảnh hưởng của Trung Quốc tại Mỹ La-tinh.

Đối mặt với sự quyết đoán trong ngoại giao “quyền lực mềm” và sức mạnh thương mại của Trung Quốc, những chính sách cứng rắn của Mỹ càng có lợi cho Trung Quốc và gia tăng quan điểm thiếu thân thiện Mỹ trong khu vực. Với diện tích gần 20 triệu km² và gần 650 triệu dân, Mỹ La-tinh được ví như một bức tranh đa dạng về sắc tộc, ngôn ngữ, văn hóa, chính trị. Có nguồn tài nguyên khoáng sản lớn cùng vị trí địa lý giáp hai đại dương lớn, khu vực này từng là một trong những đầu tàu tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào đầu thế kỷ XXI. Khác với Washington, vốn thường gắn các khoản đầu tư với điều kiện chính trị, Bắc Kinh đã gạt bỏ khác biệt về ý thức hệ và dành cho các nước Mỹ La-tinh nhiều ưu đãi để phát triển kinh tế mà vẫn bảo đảm lợi ích chính trị.

Thương mại giữa Trung Quốc và các nước Mỹ La-tinh năm 2021 lên tới 450 tỷ USD, bất chấp tác động từ đại dịch COVID-19 toàn cầu. Trung Quốc đầu tư nhiều tỷ USD vào các dự án hợp tác xây dựng kết cấu hạ tầng lớn với nhiều nước trong khu vực. Hiện nay, Trung Quốc là nước tiêu thụ hàng đầu khoáng sản dãy núi Andes, dầu khí Nam Mỹ, cũng như sản phẩm nông nghiệp Argentina và Brazil. Trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ La-tinh đã tăng từ 18 tỷ USD năm 2003 lên 450 tỷ USD năm 2021. Bắc Kinh đang sử dụng một cách linh hoạt các khoản cho vay nhằm đa dạng hóa nguồn cung khoáng sản và nông nghiệp. Hiện Trung Quốc cho một số nước Mỹ La-tinh vay 180 tỷ USD. Nước này cũng “in dấu chân” tại nhiều dự án phát triển kết cấu hạ tầng quan trọng ở Colombia, dự án tàu điện ngầm ở Bogota, với sự hiện diện ở nhiều cảng biển lớn tại khu vực, hay sự hiện diện của tập đoàn năng lượng khổng lồ State Grid (Trung Quốc) cung cấp điện cho hơn 10 triệu hộ tại Brazil.

Tuy nhiên, sự quan tâm của Trung Quốc đối với Mỹ La-tinh không chỉ dừng ở thương mại và tài nguyên khoáng sản, mà còn trên bình diện ngoại giao. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã 11 lần đến thăm khu vực này kể từ năm 2013. Với phương châm “cùng tồn tại hòa bình”, “tôn trọng lẫn nhau”, “đoàn kết Nam - Nam” và “bảo vệ chủ quyền quốc gia”, Trung Quốc đã xây dựng một chiến lược tổng thể trong quan hệ với Mỹ La-tinh, hứa hẹn mối quan hệ “toàn diện và hợp tác bình đẳng”, “đôi bên cùng có lợi”, tạo cho Mỹ La-tinh một kênh quan trọng để mở rộng khả năng tiếp cận với chuỗi cung ứng toàn cầu, xây dựng kết cấu hạ tầng và các hệ thống năng lượng mới. Đến nay, đã có 21/33 nước trong khu vực Mỹ La-tinh tham gia Sáng kiến Con đường tơ lụa mới của Bắc Kinh. Quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Mỹ La-tinh cũng phát triển đa dạng và chặt chẽ hơn với sự thúc đẩy từ cả hai phía, tạo ra nhiều thay đổi trong khu vực, nơi Mỹ và châu Âu từng giữ vai trò thống trị trong nhiều thập niên.

Tại châu Phi, tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với châu lục này năm 2021 đạt 251 tỷ USD, trong khi tổng thương mại của Mỹ với châu Phi chỉ vào khoảng 58 tỷ USD, chưa bằng một phần tư so với Trung Quốc(1). Trung Quốc đang tìm cách gia tăng sức ảnh hưởng tại “miền đất hứa”, nơi chứa mỏ khoáng sản khổng lồ cũng như đặt căn cứ hải quân đầu tiên ở nước ngoài tại Djibout, một quốc gia có diện tích nhỏ hàng đầu lục địa châu Phi nhưng đóng vai trò trung tâm thương mại cho Trung Quốc trong việc đầu tư ra nước ngoài, phục vụ lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở lục địa châu Phi.

Chính sách đầu tư mạnh của Trung Quốc ở Djibouti có thể xem là bức tranh thu nhỏ của toàn bộ đầu tư của Trung Quốc trên khắp châu Phi, nơi Trung Quốc đã xác lập được thế đứng vững chắc. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của toàn châu Phi. Đặc biệt tại các nước Đông và Nam châu Phi, Trung Quốc đầu tư nhiều vào các dự án kết cấu hạ tầng; các nhà thầu Trung Quốc hiện diện gần như khắp nơi, giành được nhiều hợp đồng xây dựng lớn, làm việc đúng tiến độ, với mức chi phí thấp không có đối thủ. Để đổi lại các khoản cho vay ưu đãi, Bắc Kinh ký được các hợp đồng hấp dẫn về cung cấp nguyên liệu thô. Hiện khoản nợ của Djibouti với Trung Quốc được báo cáo là đã tăng lên mức 85% tổng thu nhập quốc nội (GDP) của nước này(2). Châu Phi là khu vực có tầm quan trọng chiến lược, là điểm ra vào chính của cả Biển Đỏ và Vịnh Aden, nơi có các cảng và tuyến đường biển lớn, cũng như là nơi đặt căn cứ quân sự của một số quốc gia. Djibouti là quốc gia ở gần Trung Đông, nằm trên các tuyến đường trung chuyển năng lượng, đồng thời án ngữ khu vực eo biển Bab al-Mandab - tất cả các yếu tố này khiến Djibouti có tầm quan trọng lớn đối với các cường quốc toàn cầu. Những khoản đầu tư lớn giúp Trung Quốc nắm giữ một vai trò quan trọng ở châu Phi. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), các quốc gia nợ Trung Quốc nhiều nhất chủ yếu ở châu Phi và Djibouti là một trong số đó(3).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng lãnh đạo các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) chụp ảnh chung tại hội nghị ở Riyadh, Saudi Arabia, ngày 9-12-2022_Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Trung Đông, kể từ khi Mỹ thúc đẩy khuôn khổ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thì Trung Quốc có động thái ngược lại, mời đại diện các nước Vùng Vịnh và Iran đến thăm Giang Tô, cùng hội đàm với Ngoại trưởng Vương Nghị để thiết lập mạng lưới thương mại, phát huy sức ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông. “Liên minh chống Trung Quốc”(4) của Mỹ và các đồng minh đã buộc Trung Quốc thay đổi thứ tự ưu tiên trong chiến lược toàn cầu, đặt ngoại giao khu vực ở vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự, trong đó chiến lược ngoại giao mới về Trung Đông trở thành điểm sáng ngay đầu năm 2022, tiếp sau chính sách ngoại giao châu Phi. Hiện Trung Quốc đang thay thế Liên minh châu Âu (EU) trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của các nước thuộc các nước Vùng Vịnh với trao đổi thương mại hai chiều đạt 229 tỷ USD năm 2021, đồng thời nhập khẩu khoảng 70% dầu mỏ từ khu vực này(5). Việc mở rộng ảnh hưởng ở Trung Đông có một ý nghĩa chiến lược quan trọng trong chính sách ngoại giao Trung Quốc, không chỉ giúp Bắc Kinh mở rộng chiến lược “Vành đai và Con đường”, củng cố cán cân Mỹ - Trung, mà còn tranh thủ sự ủng hộ của các nước Trung Đông, kiềm chế Mỹ, EU trong giải quyết các vấn đề quốc tế.

Đầu năm 2022, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hội kiến Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian tại Giang Tô, hai bên tuyên bố khởi động thỏa thuận hợp tác toàn diện kéo dài 25 năm. Với tư cách là đối tác thương mại lớn nhất của Iran, việc Bắc Kinh thông qua thỏa thuận hợp tác toàn diện Trung Quốc -Iran kéo dài 25 năm này chính là cách bảo đảm nền kinh tế thứ hai thế giới có được nguồn cung dầu mỏ ổn định. Thỏa thuận trên không chỉ tập trung vào Trung Quốc và Iran, mà còn kiềm chế và dẫn dắt tương đối tinh tế việc tái khởi động đàm phán hạt nhân mà Mỹ và các đồng minh đang tiến hành với Iran ở Vienna (Áo). Thỏa thuận đồng nghĩa tuyên bố với Washington rằng ngay cả khi đàm phán đổ vỡ, Trung Quốc cũng không thể một lần nữa tham gia các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran. Thêm vào đó, Bắc Kinh đã cùng Tehran ký chương trình hợp tác kinh tế trị giá 400 tỷ USD, giúp Iran có được quyền chủ động lớn hơn trong đàm phán.

Trong chiến lược ngoại giao Trung Đông lần này, Bắc Kinh đã thu được thành công tương đối lớn, khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad của Syria tuyên bố tham gia kế hoạch đầu tư “Con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc. Đây là phản ứng của Damascus đối với các lệnh trừng phạt kinh tế của Washington, đồng thời cũng giúp Trung Quốc gia tăng sức ảnh hưởng đối với Syria. Đến nay 21 quốc gia Arab đang là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Saudi Arabia lần lượt xếp thứ hai và thứ ba về số lượng dự án xây dựng của Trung Quốc trong khuôn khổ BRI. Kết quả này khiến Mỹ một lần nữa cảm thấy “tiếc nuối” vì đã "lạnh nhạt" với Trung Đông và đẩy các quốc gia vùng Vịnh tìm đến Trung Quốc với những cơ hội hợp tác mới. Tuy nhiên, trong tuyên bố công khai về chính sách ngoại giao Trung Đông, Bắc Kinh vẫn tránh trực tiếp thách thức Mỹ, mà nhấn mạnh xuất phát từ lợi ích cơ bản của nhân dân Trung Đông, phản đối trừng phạt phiến diện. Trung Quốc thúc đẩy đàm phán, thúc đẩy vòng tròn bạn bè BRI, xây dựng mạng lưới đối tác hợp tác cùng thắng. Có thể thấy, khi chiến lược mới về Trung Đông tiến triển, Bắc Kinh đang phát huy “sức mạnh mềm” để giành lòng tin của một trong những khu vực then chốt trên thế giới.

Có thể thấy, quan hệ giữa các nước lớn luôn là vấn đề phức tạp trong quan hệ quốc tế. Trong mối quan hệ ấy luôn có sự thỏa hiệp, hợp tác, đồng thời có cả sự cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau. Điều này xuất phát từ các yếu tố, như bối cảnh tình hình quốc tế, sự điều chỉnh chính sách của các nước lớn, sự dịch chuyển cán cân quyền lực trên toàn cầu. Sự va chạm, giằng co lợi ích giữa các nước lớn khiến cuộc cạnh tranh chiến lược mang tính đa chiều và có hệ thống, không đơn thuần mang tính chất ý thức hệ, mà còn lan ra nhiều lĩnh vực, ở nhiều địa bàn, khu vực khác nhau.

Việc Mỹ muốn khẳng định lại vị thế toàn cầu của mình, xây dựng một quốc gia có đủ nguồn lực nhằm cạnh tranh, kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại tất cả các khu vực trọng yếu trên thế giới là cả một chặng đường dài và gian nan phía trước. Quyết tâm của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn đảo ngược tình thế trên là rất lớn. Tuy nhiên, việc tạo vị thế mới và đan cài, thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc trong quan hệ với Mỹ La-tinh, châu Phi hay Trung Đông lúc này của Mỹ không chỉ cần có quyết tâm, mà còn cần phải có nguồn lực và một chính sách lâu dài, nhất quán./.

------------------------

(1) Khánh Hưng: “Vực dậy niềm tin với châu Phi”, báo Sài Gòn Giải phóng điện tử, ngày 3-12-2022, https://www.sggp.org.vn/vuc-day-niem-tin-voi-chau-phi-863311.html
(2) Hà Linh: “Bẫy nợ của Trung Quốc trong 'Vành đai và Con đường'”, Báo Tin tức điện tử của Thông tấn xã Việt Nam, ngày 27-3-2018, https://baotintuc.vn/the-gioi/bay-no-cua-trung-quoc-trong-vanh-dai-va-con-duong-20180326172430752.htm
(3) Đức Anh: “Những quốc gia mắc nợ Trung Quốc nhiều nhất”, báo VnEconomy điện tử, ngày 5-9-2022, https://vneconomy.vn/nhung-quoc-gia-mac-no-trung-quoc-nhieu-nhat.htm
(4) Kiều Anh: “Liên minh chống Trung Quốc “một lòng” ở Biển Đông”, báo VOV điện tử, ngày 9-5-2021, https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/lien-minh-chong-trung-quoc-mot-long-o-bien-dong-856147.vov
(5) Nguyễn Trường: “Triển vọng mở rộng phạm vi hợp tác Trung Quốc-GCC”, Trang thông tin kinh tế điện tử của Thông tấn xã Việt Nam, ngày 10-12-2022, https://bnews.vn/trien-vong-mo-rong-pham-vi-hop-tac-trung-quoc-gcc/271410.html