Tác động của trí tuệ nhân tạo trong quan hệ quốc tế: Cơ hội, thách thức và đề xuất chính sách tham chiếu đối với Việt Nam
TCCS - Trí tuệ nhân tạo (AI) được cho là một trong những công nghệ chính trong thế kỷ XXI có tác động mạnh mẽ đến sự vận hành của quan hệ quốc tế. Theo giới phân tích, quốc gia nào trên thế giới có khả năng dẫn dắt sự sáng tạo và kiểm soát được công nghệ AI sẽ nâng cao được sức mạnh quốc gia, năng lực kinh tế, quốc phòng, từ đó làm thay đổi sự cân bằng lực lượng trong môi trường chính trị - kinh tế quốc tế. Có thể thấy, AI đang và sẽ là xu hướng có nhiều tác động đa chiều đối với quan hệ quốc tế nói chung và từng quốc gia nói riêng trong tương lai.
Trên thế giới hiện nay có khá nhiều cách hiểu về công nghệ AI, tuy nhiên, cách tiếp cận công nghệ AI là các hệ thống thiết bị kỹ thuật số có khả năng thực hiện những nhiệm vụ mà bình thường phải cần tới trí thông minh của con người(1), được xem là phổ biến nhất. Đặc trưng của công nghệ AI là năng lực “tự học” của máy tính, do đó có thể tự phán đoán, phân tích trước các dữ liệu mới mà không cần sự hỗ trợ của con người, đồng thời có khả năng xử lý dữ liệu với số lượng rất lớn và tốc độ cao. Hiện mỗi ngày trên toàn cầu có khoảng 2,2 tỷ Gb dữ liệu mới (tương đương 165.000 tỷ trang tài liệu) được tạo ra và được các công ty, như Google, Twitter, Facebook, Amazon, Baidu, Weibo, Tencent hay Alibaba thu thập để tạo thành “dữ liệu lớn” (big data). Giám đốc điều hành của Tập đoàn công nghệ đa quốc gia Google (Mỹ) đánh giá, sự ra đời của công nghệ AI có ý nghĩa to lớn hơn cả việc phát minh ra lửa và điện(2).
Thế giới hiện có bốn nhóm nước (theo năng lực trình độ công nghệ khác nhau) nghiên cứu về AI: Nhóm thứ nhất, gồm Mỹ và Trung Quốc, là hai quốc gia đi đầu về phát triển AI. Nhóm thứ hai, gồm Đức, Nhật Bản, Ca-na-đa, Anh và các nền kinh tế hội nhập toàn cầu cao, như Hàn Quốc, Xin-ga-po, Thụy Điển, Bỉ..., là những nước có khả năng sáng tạo khoa học - công nghệ và có năng lực mạnh trong ứng dụng AI. Nhóm thứ ba, gồm các nước như Bra-xin, Ấn Độ, I-ta-li-a..., là những nền kinh tế có trình độ công nghệ thấp hơn nhưng có lợi thế trong một số lĩnh vực của công nghệ AI. Nhóm thứ tư là các nền kinh tế với hạ tầng số kém phát triển, năng lực sáng tạo và nguồn lực hạn chế, có khả năng sẽ bị “tụt hậu” nhanh hơn(3).
Tác động của trí tuệ nhân tạo trong quan hệ quốc tế
Trí tuệ nhân tạo được đánh giá có mức độ tác động rất sâu rộng, làm mờ ranh giới giữa thế giới thực và thế giới ảo, qua đó có thể tạo ra những vấn đề chưa từng có tiền lệ đối với chính trị, an ninh, kinh tế và xã hội của các quốc gia trên thế giới. Theo Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, AI là công nghệ chiến lược dẫn đầu cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và chuyển đổi công nghiệp, có thể tạo ra những ảnh hưởng sâu rộng với sức lan tỏa mạnh mẽ... Các tính năng mới của AI đang có tác động lớn và sâu rộng đến phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội và cơ cấu kinh tế, chính trị quốc tế(4).
Về chính trị - đối ngoại: AI được cho là: 1- Có tiềm năng thay đổi cân bằng quyền lực hay định hình lại nền tảng của trật tự toàn cầu nếu các chính phủ triển khai những chiến lược AI không minh bạch và bất thường. Năm 2017, Tổng thống Nga Vla-đi-mia Pu-tin đã nhận định: “AI là tương lai không chỉ cho nước Nga mà đối với tất cả nhân loại. Bất kỳ ai trở thành lãnh đạo trong lĩnh vực này sẽ là người trị vì thế giới”(5). 2- Sẽ thúc đẩy quá trình cạnh tranh Mỹ - Trung Quốc trong quan hệ quốc tế hiện nay. 3- Giúp thu hẹp khoảng cách giao tiếp giữa công chúng nước ngoài và chính phủ của họ bằng cách giảm rào cản ngôn ngữ giữa các quốc gia, hỗ trợ các hoạt động nhân đạo quốc tế thông qua việc giám sát các cuộc bầu cử, củng cố an ninh cho các cơ quan ngoại giao... 4- Có thể đảm nhận các vai trò dự đoán khác liên quan đến địa - chính trị, như dự báo chính xác hơn về kết quả của các cuộc bầu cử, hoạt động kinh tế và những sự kiện liên quan.
Về an ninh - quân sự, AI có thể tạo ra những mối đe dọa đến an ninh quốc tế. Nhiều ứng dụng AI hiện nay được sử dụng cho mục đích quân sự hoặc thực hiện tấn công mạng, đôi khi dẫn đến tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” về an ninh. Trung Quốc chủ trương “đi tắt đón đầu” về năng lực quân sự, đẩy mạnh đầu tư vào AI, coi đây là cơ hội để tạo ra những bước đột phá trong công nghệ quân sự và được dự báo có khả năng vượt Mỹ(6). Báo cáo NSCAI (tháng 11-2019) trình Quốc hội Mỹ đánh giá sự phổ biến của công nghệ AI tạo ra các thách thức đối với Mỹ; nhấn mạnh các “đối thủ”, như Trung Quốc, Nga, có thể ứng dụng AI làm suy giảm vị thế vượt trội của Mỹ về quân sự. Tháng 3-2021, báo cáo của NSCAI cũng đánh giá Trung Quốc sở hữu sức mạnh, tài năng và tham vọng vượt Mỹ để trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới về AI trong thập niên tới nếu các xu hướng hiện nay không thay đổi.
Ngoài ra, các nước hiện cũng rất quan tâm đến những nguy cơ từ việc sử dụng công nghệ AI trong hỗ trợ chống khủng bố, leo thang xung đột không chú ý cũng như tiến hành chiến tranh dữ liệu. Các chuyên gia dự báo, những tiến bộ trong công nghệ máy bay không người lái được hỗ trợ bởi AI sẽ sớm đưa các loại vũ khí có độ chính xác cao với chi phí thấp vào thực địa để tiến hành xung đột vũ trang mà không gây ra rủi ro về con người. Nhiều chủ thể phi nhà nước, tổ chức cực đoan, như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng..., được cho là đã trang bị các loại vũ khí này.
Về kinh tế - phát triển, các đánh giá nghiên cứu thời gian qua cho thấy: 1- Việc áp dụng AI vào các hoạt động kinh tế mang lại không ít tác động tích cực trong tương lai. Hãng tư vấn Merri Lynch (Mỹ) cho rằng, rô-bốt và AI sẽ giúp tạo ra giá trị tác động từ 14 - 33 nghìn tỷ USD/năm. Năm 2017, Công ty tư vấn quản lý toàn cầu McKinsey (Mỹ) dự đoán tự động hóa sẽ giúp tăng sản lượng tăng trưởng toàn cầu từ 0,8% - 1,4%/năm. Công ty kiểm toán PWC (Anh) dự báo, GDP toàn cầu năm 2030 có thể cao hơn 14% do các công nghệ AI, đóng góp khoảng 15,7 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu(7). Nhiều dự báo cho thấy, Trung Quốc là quốc gia thu được nhiều lợi ích nhất từ AI, với mức tăng GDP lên tới 26% vào năm 2030(8). AI sẽ giúp Trung Quốc tăng 12% số lượng việc làm trong hai thập niên tới. 2- Việc tập trung phát triển và ứng dụng AI mang lại lợi thế cạnh tranh gia tăng trong thương mại quốc tế. Đối với một số nước vừa và nhỏ, AI giúp tăng cường khả năng bảo đảm các thỏa thuận thương mại và đầu tư ưu đãi với các quốc gia khác, nâng cao vị thế toàn cầu. 3- AI được sử dụng trong hỗ trợ đàm phán các hiệp định thương mại giữa các nước trong quan hệ quốc tế. Chương trình AI mang tên CTA(9) do Tập đoàn công nghệ máy tính đa quốc gia IBM (Mỹ) phát triển và áp dụng trong đàm phán thương mại giữa Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MECOSOUR) và Ca-na-đa, là một trong những minh chứng điển hình. CTA giúp các nhà đàm phán thương mại nắm bắt rõ hơn chiến lược của các đối tác thương mại và tối đa hóa chính sách thương mại trên cơ sở dữ liệu sắp có.
Những vấn đề đặt ra hiện nay
Một là, thách thức về ngăn chặn hiệu quả các nguy cơ phá vỡ cân bằng quyền lực trong quan hệ quốc tế do sự phát triển AI vào những mục đích không minh bạch. Chiến lược phát triển AI của các nước lớn, như Mỹ, Nga và Trung Quốc đang có xu hướng cạnh tranh với nhau và với các quốc gia có thể làm phá vỡ cân bằng quyền lực. Mỹ đánh giá Trung Quốc coi AI sẽ là công cụ chiến lược để nhanh chóng hiện đại hóa các khả năng quốc phòng, vượt qua Mỹ, cũng như phát triển các chiến thuật nhằm vào điểm yếu của Mỹ(10).
Hai là, xuất hiện những lo ngại về việc hệ thống quân sự tích hợp AI và việc lãnh đạo quân đội có quyền ra quyết định cuối cùng sẽ làm suy yếu các phương pháp tiếp cận hiện có để ngăn chặn và giảm leo thang xung đột. Các thể chế và hiệp ước về giải quyết các vấn đề quốc tế trong thế kỷ XX (như việc kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt) chưa đề cập đến vấn đề AI. Sự phát triển của vũ khí sát thương tự động (LAW) được tích hợp AI đã làm dấy lên những quan ngại, tranh cãi đối với an ninh quốc tế và khía cạnh đạo đức trong chiến tranh, đặc biệt là tại Liên hợp quốc trong thời gian qua.
Ba là, việc thiếu kiến thức về AI có thể gây nguy hiểm cho các quốc gia kém phát triển và đang phát triển, làm tăng khoảng cách về công nghệ khiến các quốc gia này phụ thuộc nhiều hơn vào các quốc gia “thống trị” về AI. Bên cạnh đó, các chính phủ và các nhà ngoại giao cũng chưa có nhiều thông tin về hoạt động của công nghệ vũ khí tích hợp AI và cách tiếp cận cũng như lựa chọn phù hợp để áp dụng ngăn chặn, chống lại những loại vũ khí này. Hiện các chính phủ đã bắt đầu lên kế hoạch và đầu tư cho tương lai AI, nhưng chưa có chính phủ nào đề cập về “giới hạn đỏ” liên quan đến việc sử dụng AI hoặc công nghệ liên quan đến AI được áp dụng, sử dụng theo các tiêu chuẩn của luật pháp quốc tế hiện hành.
Bốn là, thách thức về sự khác biệt trong cách hiểu, vận dụng và ràng buộc của các quốc gia trong việc tuân thủ các “nguyên tắc đạo đức” và thực hiện “kiểm soát chéo” về phát triển, áp dụng cũng như tích hợp AI trong tất cả các lĩnh vực đời sống của một quốc gia nói riêng và quan hệ quốc tế nói chung. Ngoài ra, vai trò điều hướng công nghệ AI nên thuộc về nhà nước, các chủ thể phi nhà nước hay khối tư nhân(11), cũng là vấn đề cần làm rõ.
Năm là, ở các nước đang phát triển, thất nghiệp do tự động hóa (có tích hợp AI) sẽ không chỉ làm gia tăng nghèo đói mà còn góp phần vào tình trạng bất ổn chính trị khi các xu hướng mở rộng dịch chuyển kinh tế đình trệ hoặc thậm chí đảo ngược. Nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đang có kế hoạch nâng cấp các nhà máy trở thành nhà máy “tắt đèn” - nơi các rô-bốt làm việc 24giờ/7 - để sản xuất, đóng gói và vận chuyển sản phẩm mà không cần đến sự giám sát của con người. Nhờ vào việc triển khai lực lượng lao động là những rô-bốt, hãng bán lẻ lớn nhất toàn cầu Amazon đã giảm thời gian “ấn phím để giao hàng” từ 60 - 75 phút xuống còn 15 phút”(12).
Sáu là, công nghệ AI có thể là phương tiện để tăng cường sự đối nghịch về ý thức hệ, phục vụ việc can thiệp vào các vấn đề chính trị trong nước của quốc gia khác, như can thiệp sâu hơn vào các cuộc bầu cử, bao gồm cả việc cải thiện khả năng nhắm trúng mục tiêu và thuyết phục các nhóm bỏ phiếu cụ thể của đối thủ(13). AI có thể xây dựng và triển khai các chiến dịch thông tin, tin giả nhằm gây ảnh hưởng, chia rẽ nội bộ, ảnh hưởng các cuộc bầu cử (thông qua thuật toán deepfakes...)(14).
Cơ hội, thách thức và đề xuất chính sách tham chiếu đối với Việt Nam
Trong bối cảnh phát triển và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0), việc xây dựng, phát triển và áp dụng AI trong hoạch định chính sách đối ngoại, tham gia quan hệ quốc tế, xử lý quan hệ đối ngoại..., bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức.
Về cơ hội
Thứ nhất, việc nghiên cứu và triển khai sử dụng AI trong hoạch định chính sách đối ngoại trong quan hệ quốc tế vẫn đang trong quá trình xây dựng và triển khai giúp Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia học hỏi, nghiên cứu, chia sẻ và nắm bắt được xu hướng xây dựng và phát triển AI trong quan hệ quốc tế, nhất là về chính trị, an ninh và kinh tế và không gian mạng. Qua đó, góp phần vào việc giữ gìn môi trường hòa bình, phục vụ phát triển nhanh và bền vững, cũng như đóng góp vào việc thực hiện nhiệm vụ giữ nước từ sớm, từ xa.
Thứ hai, Việt Nam có cơ hội tham gia, thảo luận, đối thoại ở cấp quốc tế và khu vực với các đối tác cùng chí hướng, qua đó góp phần thúc đẩy lợi ích chung, nhất là về chính sách quản lý liên quan đến AI. Công tác đối ngoại có thể hỗ trợ tăng cường nghiên cứu về AI thông qua thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới và hỗ trợ các cơ chế, thể chế hiện có. Ngoài ra, hợp tác khoa học - công nghệ quốc tế về AI góp phần cải thiện, thúc đẩy quan hệ giữa các quốc gia.
Thứ ba, với môi trường kinh doanh mở và nguồn nhân lực trẻ, nhiệt huyết và đam mê công nghệ, việc ứng dụng AI trong các lĩnh vực đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực y tế về truy vết, cảnh báo nguy cơ đại dịch COVID-19; các cơ quan phụ trách đối ngoại Việt Nam, nhất là Bộ Ngoại giao, có thể tranh thủ cơ hội này để thu hút những nguồn lực cần thiết để hỗ trợ, hợp tác xây dựng, phát triển công cụ AI phục vụ công tác chính trị, đối ngoại trong thời gian tới. Các đánh giá bổ sung trên cơ sở phân tích, tổng hợp do AI đưa ra có thể hỗ trợ, đóng góp cho công tác hoạch định chính sách đối ngoại, đưa ra kiến nghị, ban hành chính sách(15).
Thứ tư, cơ hội thúc đẩy các hoạt động kinh tế, đầu tư đối ngoại liên quan đến thu hút hợp tác, đầu tư và chia sẻ về công nghệ AI với các đối tác, tổ chức quốc tế. Việc phát triển công nghệ AI được dự báo giúp GDP của Việt Nam tăng 109 tỷ USD vào năm 2030. Báo cáo Quỹ đầu tư toàn cầu về đổi mới, sáng tạo của Xin-ga-po (EDBI) và Hãng tư vấn Mỹ Kearny năm 2020 cho biết, AI có thể giúp tăng thêm 1 nghìn tỷ USD cho GDP của khu vực Đông Nam Á đến năm 2030 nếu các quốc gia trong khối này bắt kịp tốc độ áp dụng(16).
Thứ năm, Việt Nam có cơ hội thụ hưởng, tham khảo từ các thành quả về phát triển AI đối với vấn đề quản lý, quản trị trong quan hệ quốc tế. AI hiện đang dần trở thành công cụ chính trong quan hệ quốc tế, nhất là trong lĩnh vực an ninh quốc tế, bởi AI đang được khá nhiều quốc gia ứng dụng, áp dụng trong việc sử dụng hệ thống vũ khí tự động, theo dõi những thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, theo dõi sức mạnh quân sự hay những mối đe dọa và chiến tranh(17).
Về thách thức
Một là, so với các nước đi đầu về công nghệ AI, như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Xin-ga-po..., Việt Nam được cho là đi sau khá xa; các nhóm nghiên cứu của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin chưa kết hợp được với nhau để tạo ra những sản phẩm lõi cho AI. Thêm nữa, tại Việt Nam, mặc dù nhiều cộng đồng AI đã được hình thành, song phần lớn đều do khối tư nhân tự thành lập, phát triển.
Hai là, mặc dù các sản phẩm AI đã và đang được ứng dụng mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông, thương mại điện tử... nhưng lại chưa có sản phẩm AI công khai nào liên quan đến các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại tại Việt Nam. Đây sẽ là thách thức cần sớm có hướng giải quyết trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, đặc biệt là hội nhập quốc tế kỷ nguyên số.
Ba là, AI có thể đóng góp vào việc làm tăng tốc độ chia sẻ thông tin nhanh chóng, là lợi thế lớn nhưng cũng kèm theo nhiều bất lợi, như tin giả, thông tin sai lệch, độc hại, tấn công mạng, các mối đe dọa tới bảo mật và an ninh an toàn thông tin, thậm chí đe dọa tới an ninh quốc gia(18). Công nghệ AI có thể giúp tạo ra một khối lượng thông tin ảo và phổ biến với tốc độ cao và quy mô lớn trên mạng xã hội, từ đó có thể tạo ra những hiệu ứng bất ổn xã hội, kích động người dân và làm phân hóa sâu sắc hơn các vấn đề xã hội cũng như làm sai lệch công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Do vậy, làm tăng nguy cơ sử dụng AI can thiệp vào các vấn đề của Việt Nam từ các thế lực nước ngoài.
Bốn là, thách thức về hạ tầng, công nghệ, cũng như việc phụ thuộc vào linh kiện cao cấp đến từ các nhà cung cấp của Mỹ và phương Tây, như Intel, Qualcom, AMD... trong xây dựng, phát triển các nền tảng liên quan đến AI hoặc tích hợp AI trong các cơ quan nhà nước của Việt Nam, trong đó có các khối cơ quan liên quan đến đối ngoại. Hiện Tập đoàn Intel (Mỹ) chiếm 70% thị phần toàn cầu về bộ xử lý hình ảnh (GPU), còn các doanh nghiệp Mỹ chiếm 90% thị phần chíp toàn cầu.
Từ năm 2014, AI được đưa vào danh mục công nghệ cao ưu tiên đầu tư phát triển của Việt Nam. Tháng 1-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030; đặt mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam. Đến năm 2030, phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm danh sách bốn nước dẫn đầu trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nhóm 50 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực. Trên thực tế tại Việt Nam, AI cũng bắt đầu được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực thực tế, như y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông và thương mại điện tử..., nhất là trong hệ thống truy vết dịch bệnh COVID-19 phục vụ đắc lực Chính phủ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động ngày càng phức tạp và khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt với những điều chỉnh cả về mức độ và phương thức, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có tiền lệ đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, đồng thời làm gia tăng các nguy cơ về xung đột, bất ổn đối với hòa bình, an ninh quốc tế cũng như đe dọa đảo ngược, phá hủy những thành quả đạt được nhiều năm qua của thế giới về phát triển bền vững; trên cơ sở những phân tích, đánh giá về cơ hội, thách thức và những vấn đề đặt ra nêu trên, để phát triển ứng dụng và áp dụng AI về khía cạnh chính trị, đối ngoại thời gian tới cần chú trọng một số biện pháp sau:
Ở cấp độ toàn cầu: 1- Tiếp tục chủ động thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại được đề ra trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 8-8-2018, của Ban Bí thư, “Về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, theo đó cân nhắc tập trung chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, nhất là tại ASEAN, Liên hợp quốc... và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, trong những vấn đề quan trọng có tầm chiến lược, phù hợp với yêu cầu, khả năng và điều kiện cụ thể. Qua đó, có thể cân nhắc chủ động tham gia thảo luận liên quan đến việc xây dựng các khuôn khổ, chính sách lớn về công nghệ, đổi mới, sáng tạo, hợp tác số, AI tại các cơ chế, diễn đàn đa phương khu vực và quốc tế, đặc biệt là Liên hợp quốc và các cơ quan chuyên môn(19).
2- Chủ động tham gia hoặc đề xuất các sáng kiến liên quan đến việc xây dựng chính sách toàn cầu về giám sát, an ninh, ngoại giao công chúng, đạo đức AI và khung chính sách dữ liệu toàn cầu tổng thể cần được xây dựng thông qua sự trợ giúp của các tổ chức đa phương. 3- Nghiên cứu, tìm hiểu và đóng góp vào việc thúc đẩy nhận thức của các quốc gia về các mối đe dọa tiềm ẩn của các ứng dụng AI hết sức cần thiết, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phổ biến toàn cầu về các kiến thức và chuyên môn về AI nhằm tránh sự mất cân bằng quyền lực và phân cực.
Ở cấp độ khu vực: 1- Chủ động tham gia đóng góp vào việc xây dựng các quy định về xây dựng, phát triển quản lý AI của ASEAN liên quan, bảo đảm thực hiện lợi ích quốc gia - dân tộc cũng như đóng góp vào công việc chung của ASEAN. 2- Thúc đẩy việc hợp tác, chia sẻ kiến thức, tri thức, dữ liệu liên quan đến AI trong khu vực và thảo luận về xây dựng các biện pháp ngoại giao phòng ngừa, chú trọng đến xây dựng lòng tin trong phát triển AI tại các diễn đàn quan trọng, như Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+). 3- Thúc đẩy việc hợp tác về AI giữa ASEAN với các đối tác quan trọng, các tổ chức quốc tế, như Liên hợp quốc, các tổ chức khu vực, qua đó tranh thủ được các nguồn lực cần thiết về đào tạo, xây dựng năng lực về AI cho Việt Nam.
Ở cấp độ quốc gia: 1- Sớm triển khai Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Chiến lược AI) và Chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó cân nhắc có điều chỉnh ưu tiên cho lĩnh vực đối ngoại. 2- Thúc đẩy hợp tác quốc tế, tham khảo kinh nghiệm của mạng lưới hơn 30 đối tác, gồm đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện, các nước trong khu vực, qua đó đóng góp vào việc hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách liên quan đến yếu tố AI trong các lĩnh vực đối ngoại, quốc phòng và an ninh. 3- Tìm hiểu, bổ sung các nội dung, thành tố quan trọng về đối ngoại trong quá trình thực hiện Chiến lược AI, góp phần vào việc thực hiện các chiến lược quan trọng trong tình hình mới, như chiến lược bảo vệ Tổ quốc, chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, chiến lược an ninh mạng quốc gia... 4- Đối với các cơ quan đối ngoại, nên cân nhắc: nghiên cứu, xây dựng kế hoạch xây dựng hệ thống AI trong xây dựng, chuẩn hóa hệ thống dữ liệu, nghiên cứu, hoạch định, triển khai chính sách đối ngoại, xử lý quan hệ đối ngoại, công tác lãnh sự, bảo hộ công dân, công tác biên giới, lãnh thổ...; sớm có kế hoạch xây dựng và phát triển nguồn nhân lực về AI phục vụ các công tác đặc thù trong lĩnh vực đối ngoại; hợp tác, đặt hàng với các trường đại học, viện nghiên cứu uy tín, các tập đoàn công nghệ nổi tiếng (Viettel, VNPT, FPT, Bkav,...) để xây dựng bộ công cụ AI về đối ngoại(20); thông qua mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, tìm kiếm cơ hội hợp tác, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các nước sở tại liên quan đến đối ngoại về triển khai, áp dụng AI trong hoạch định chính sách và quan hệ quốc tế(21); lồng ghép AI là một trong những ưu tiên trong các chiến lược, kế hoạch của các ban chỉ đạo quốc gia về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, an ninh mạng... cũng như của các cơ quan đối ngoại, như Bộ Ngoại giao./.
------------
(1) Công nghệ AI được phát triển nhằm hướng tới ba mục tiêu theo ba cấp độ: 1- Xây dựng các hệ thống có khả năng suy nghĩ như con người (AI trình độ cao); 2- Xây dựng các hệ thống vận hành tự động nhưng chưa đạt được cách tư duy như con người (AI trình độ trung bình); 3- Ứng dụng một số tư duy của con người vào các dịch vụ, sản phẩm nhằm tăng giá trị của các dịch vụ, sản phẩm này (AI trình độ thấp). Hiện nay, sự phát triển của công nghệ AI chủ yếu mới ở cấp độ thứ ba, thể hiện rõ nhất qua các ứng dụng về trợ lý ảo, dịch vụ trực tuyến, ứng dụng vào sản xuất, ma-két-tinh...
(2) Google CEO: “A.I. is more important than fire or electricity”, https://www.cnbc.com/2018/02/01/google-ceo-sundar-pichai-ai-is-more-important-than-fire-electricity.html
(3) Nguyễn Việt Lâm, Lê Trung Kiên: Cạnh tranh công nghệ Mỹ - Trung Quốc thời đại 4.0, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, 2020, tr. 155 - 166
(4) Xem: 习近平:推动我国新一代人工智能健康发展, http://cpc.people.com.cn/n1/2018/1031/c64094-30374719.html?mc_cid=2c65101867&mc_eid=86e1c4303b
(5) Xem: “Whoever leads in AI will rule the world”: Putin to Russian children on Knowledge Day, https://www.rt.com/news/401731-ai-rule-world-putin/
(6) Đơn cử như, Chính phủ Trung Quốc đầu tư vào chương trình công nghệ AI “Deep Blue” nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và lợi ích chiến lược với công nghệ cao chiến lược. Deep Blue có nhiều dự án nghiên cứu tại Mỹ, châu Á, châu Phi và hợp tác nghiên cứu với các trường đại học lớn của Trung Quốc, như Thanh Hoa, Giao thông Thượng Hải (Shanghai Jiaotong University). Xem: Roberts, H., Cowls, J., Morley, J. et al:“The Chinese approach to artificial intelligence: an analysis of policy, ethics, and regulation. AI & Soc”, 2020, https://doi.org/10.1007/s00146-020-00992-2
(7) M. L. Cummings, Heather M. Roff, Kenneth Cukier, Jacob Parakilas and Hannah Bryce: Artificial Intelligence and International Affairs Disruption Anticipated, Chatham House Report,2018, tr. 30
(8) Anand S. Rao and Gerard Verweij: “Sizing the prize: What’s the real value of AI for your business and how can you capitalise?”, PwC, 2017, https://www.pwc.com/gx/en/issues/analytics/assets/pwc-ai-analysis-sizing-the-prize -report.pdf
(9) CTA được xây dựng nhằm mục đích hỗ trợ các nhà đàm phán xử lý các quy tắc xuất xứ (tiêu chí được sử dụng để xác định xuất xứ/quốc tịch của sản phẩm) bằng cách trả lời những câu hỏi liên quan đến các hiệp định thương mại hiện có, thuế quan tương ứng với các quy tắc xuất xứ khác nhau và thậm chí cả hồ sơ đàm phán của các bên có lợi ích
(10) Xem: “2019 Report to Congress of the US-China Economic and Security Review Commission”, https://www.uscc.gov/sites/default/files/2019-11/2019%20Annual%20Report%20to%20Congress.pdf, tr. 205 - 207
(11) Có ý kiến cho rằng, nếu chính phủ chi phối công nghệ AI sẽ dẫn đến chạy đua vũ trang, do đó, khu vực tư nhân nên trở thành “người dẫn đường”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị nên trao quyền kiểm soát việc phát triển công nghệ AI cho các chính phủ, song các chuyên gia cho rằng, vấn đề này cần có sự nghiên cứu sâu và đa chiều
(12) McKinsey Global Institute: “Artificial Intelligence. The next Digital Frontier?”, McKinsey Global Institute, https://www.mckinsey.com/~/media/mckinsey/industries/advanced%20electronics/our%20insights/how%20artificial%20intelligence%20can%20deliver%20real%20value%20to%20companies/mgi-artificial-intelligence-discussion-paper.ashx
(13) Ryan Hass, Zach Balin: “US-China relations in the age of artificial intelligence”, https://www.brookings.edu/research/us-china-relations-in-the-age-of-artificial-intelligence/
(14) Ryan Dukeman: “Winning the AI revolution for american diplomacy”, https://warontherocks.com/2020/11/winning-the-ai-revolution-for-american-diplomacy/
(15) Các khả năng được hỗ trợ bởi AI, như tìm kiếm nâng cao, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và tạo ngôn ngữ tự nhiên có thể tăng cường loại công việc này để giúp các nhà ngoại giao nhanh chóng tạo ra các kết nối mà nếu không họ sẽ không phát hiện ra, chẳng hạn như bằng cách phát hiện các mẫu hành vi của nhà nước, phân tích các tương tác trong quá khứ với nước ngoài của các nhà lãnh đạo và đánh giá các hướng hành động thay thế
(16) Dylan Loh: “ASEAN faces wide AI gap as Vietnam and Philippines lag behind”, https://asia.nikkei.com/Business/Technology/ASEAN-faces-wide-AI-gap-as-Vietnam-and-Philippines-lag-behind2
(17) Preethi Amaresh: “Artificial Intelligence: A New driving horse in International Relations and Diplomacy”,https://diplomatist.com/2020/05/13/artificial-intelligence-a-new-driving-horse-in-international-relations-and-diplomacy/
(18) Ilan Manor:“The age of conspiracies: why are conspiracy theories flourishing online?”, https://digdipblog.com/2019/06/06/the-age-of-conspiracies-why-are-conspiracy-theories-flourishing-online
(19) Hai chiến lược đáng chú ý hiện nay của Liên hợp quốc về AI, gồm: Chiến lược của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về công nghệ mới và phương pháp tiếp cận chiến lược toàn hệ thống và Lộ trình hỗ trợ phát triển năng lực về AI, đặc biệt là cho các nước đang phát triển và kém phát triển. Cân nhắc tham gia vào việc thúc đẩy xây dựng các quy định quản lý các hệ thống vũ khí tự động mới, đặc biệt là vũ khí giết người tự động (LAW) tại Ủy ban 1 và các diễn đàn của Liên hợp quốc
(20) Bộ công cụ AI về đối ngoại có thể gồm: hoạch định chính sách, ngoại giao công chúng, các can dự đa phương và song phương, thu thập và phân tích thông tin
(21) Nắm bắt thông tin, nghiên cứu về khả năng các nước phát triển các vũ khí từ AI, sẽ thay thế vũ khí hạt nhân trong tương lai và có thể là vũ khí hủy diệt hàng loạt; nghiên cứu, xây dựng và thí điểm triển khai việc giả lập khả năng trong tương lai về sự vận hành của quan hệ quốc tế, triển khai chính sách đối ngoại trong môi trường thực tế - ảo
Nước Mỹ: Những thách thức sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ  (13/02/2021)
Hệ điều hành VOS của VinSmart đạt chuẩn FIDO2, hỗ trợ xác thực mạnh không cần mật khẩu  (02/10/2020)
Tiếp cận khái niệm “địa - chiến lược” trong bối cảnh mới: Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam đến năm 2030  (18/09/2020)
“Ngoan đột xuất, tốt nhất thời”  (10/09/2020)
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Nhận diện một số tiêu chí cơ bản của xã hội văn minh ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình trong xây dựng chính sách gia đình hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm