TCCS - Trong những năm qua, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ngày càng trở thành khu vực trung tâm quan trọng trong không gian địa chính trị toàn cầu. Dự báo trong thập niên tới, khu vực này sẽ tiếp tục là tiêu điểm chiến lược của các nước, nhất là các nước lớn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong cuộc họp 3 bên, bên lề Thượng đỉnh G20 tại thành phố Osaka (Nhật Bản), ngày 28-6-2019_Ảnh: AP

Khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” lần đầu tiên xuất hiện trong diễn ngôn chính trị quốc tế vào năm 2007 trong một bài báo của nhà nghiên cứu Ấn Độ Gurpreet Khurana, được định nghĩa là một không gian hàng hải nối Ấn Độ Dương với Tây Thái Bình Dương, giáp với tất cả các quốc gia ở châu Á (bao gồm cả Tây Á, Trung Đông) và Đông Phi. Trong những năm 2010, các chiến lược, chính sách đối ngoại và nghiên cứu của chuyên gia ở nhiều nước bắt đầu quan tâm đặc biệt đến khu vực xuyên khu vực dọc theo bờ biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương này. Tuy nhiên gần đây, khi Mỹ công bố chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11-2017, khái niệm này mới được nhắc đến nhiều trong các tài liệu ngoại giao và học thuật trên thế giới. Ngoài tham chiếu địa lý đơn thuần về sự kết nối giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, khái niệm này cũng có ý nghĩa chiến lược và địa - chính trị, phản ánh những thay đổi chiến lược, trong đó thay đổi đáng kể nhất là lĩnh vực an ninh hàng hải. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, trọng tâm chiến lược toàn cầu đã chuyển dịch từ Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, được thúc đẩy bởi các yếu tố, như: sự trỗi dậy của Trung Quốc, sự gia tăng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược của Ấn Độ cũng như tầm quan trọng ngày càng tăng của Ấn Độ Dương; sự lớn mạnh của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trước những thay đổi nhanh chóng của cục diện toàn cầu và khu vực, khái niệm về một không gian Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, bao trùm của các nước trong khu vực đã ra đời nhằm đối phó cũng như tận dụng cơ hội từ những sự đổi thay đó. Ngoài chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) của Mỹ, các quốc gia khác trong khu vực như Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, ASEAN... cũng lần lượt đưa ra các tầm nhìn chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình. Trên cơ sở nhận thức rõ tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một số nước châu Âu cũng bắt đầu chú ý đến khu vực. Sau khi Pháp, Đức công bố chính sách hướng tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Hà Lan cũng đã công bố tài liệu chiến lược chính thức đầu tiên về khu vực có vị trí then chốt này trên toàn cầu.

Thúc đẩy tầm nhìn của các bên tham gia chủ chốt

Trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, một trong những trụ cột chính để hiện thực hóa chiến lược kết nối giữa hai bờ đại dương này là sự hình thành liên minh Bộ Tứ hay còn gọi là “tứ giác kim cương”, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Mục đích của liên minh này là cùng chia sẻ lợi ích, giá trị và nhận thức chung về các mối đe dọa về an ninh giữa bốn quốc gia, nhằm tạo sự cân bằng quyền lực thuận lợi cho việc duy trì trật tự “dựa trên luật lệ” ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

1- Trong những năm gần đây, Mỹ đã phản ứng với những thay đổi địa - chính trị toàn cầu bằng cách phát triển một chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm tìm kiếm sự tái cân bằng của Mỹ ở châu Á, như một đối trọng với sự trỗi dậy của Trung Quốc, phát triển các liên minh và quan hệ đối tác để củng cố lợi ích của Washington trên một khu vực rộng lớn trải dài từ bờ biển phía Tây của Ấn Độ đến bờ biển phía Tây của Mỹ. 

Mặc dù không phải là nước đầu tiên đề xuất khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhưng Mỹ là nước tiên phong trong thực hiện và triển khai chiến lược FOIP. Tại hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập đến FOIP, được thể hiện rõ hơn trong Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ năm 2017. Ngày 2-6-2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là James Mattis đã công bố FOIP trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La tại Singapore, đồng thời xác định rõ phương hướng, mục tiêu, con đường thúc đẩy chiến lược này. Đầu tháng 6-2019, Mỹ phát hành báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và đến cuối tháng 6-2019, triển vọng ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã được công bố. Tiếp đó, tháng 11-2019, Bộ Ngoại giao Mỹ công bố Báo cáo tiến độ thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều này cho thấy sự tham gia của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ D. Trump.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis công bố chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La tại Singapore, ngày 2-6-2018_Ảnh: Tư liệu

FOIP của Mỹ được xây dựng dựa trên ba trụ cột là an ninh, kinh tế và quản trị. Phiên bản FOIP của Mỹ kết hợp một số yếu tố trong chiến lược “tái cân bằng sang châu Á” của chính quyền Tổng thống Barak Obama trên cơ sở điều chỉnh lại chính sách thương mại của Mỹ, thể hiện qua việc nước này rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Mục tiêu của chiến lược FOIP của Mỹ là: 1- Duy trì sự lãnh đạo lâu dài của Mỹ tại khu vực và trên toàn cầu, trong bối cảnh Trung Quốc (và Nga) bị Mỹ công khai xác định là đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu của Mỹ trong Chiến lược An ninh quốc gia năm 2017 và Chiến lược Quốc phòng quốc gia năm 2018; 2- Thúc đẩy thương mại tự do, bình đẳng và có đi có lại. Mỹ không chấp nhận tình trạng thâm hụt thương mại và lạm dụng thương mại bởi các quốc gia khác. Thay vào đó, Mỹ yêu cầu các nước đối tác thương mại hành xử một cách bình đẳng và có trách nhiệm với Mỹ; 3- Duy trì không gian biển và bầu trời mở trong khu vực; 4- Đương đầu một cách hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó có chương trình hạt nhân của Triều Tiên; 5- Bảo đảm tôn trọng luật lệ và quyền cá nhân.

Mỹ tăng cường thúc đẩy các mạng lưới đối tác, cơ chế tập hợp lực lượng ba bên (trên cơ sở các tam giác chiến lược Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc; Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản...), bốn bên (như nhóm Bộ Tứ) một cách thực dụng, linh hoạt. Mỹ tiếp tục đề cao vai trò của ASEAN - khu vực được coi là trung tâm trong chiến lược FOIP của Mỹ, nhất là khi vị thế chiến lược cũng như sức mạnh của ASEAN không ngừng tăng lên trong những năm gần đây. Mỹ tăng cường can dự vào khu vực thông qua các cơ chế đa phương và song phương, từng bước cụ thể hóa các nội dung hợp tác với các nước Đông Nam Á dựa trên hai trụ cột chính là an ninh và kinh tế. Cùng với đó, sự hiện diện về an ninh và quân sự của Mỹ ở Đông Nam Á cho thấy Mỹ tích cực lôi kéo Đông Nam Á, coi đây như một “chiến tuyến” để ngăn chặn sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc, duy trì ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực.

Những bước đi của Mỹ trong việc thúc đẩy hợp tác chiến lược, tăng cường can dự trên khắp các mặt trận kinh tế - chính trị - an ninh, xây dựng quan hệ đối tác và liên minh với các nước trong khu vực cho thấy quyết tâm lâu dài của Mỹ: Mỹ đang và sẽ là một quốc gia  Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương(1)

2- Với tư cách là đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và thúc đẩy chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tháng 8-2007, trong bài phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhắc đến khu vực là “nơi hợp lưu của hai đại dương”. Kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trở lại nắm quyền lần thứ hai vào năm 2012 và nhất là trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Nhật Bản mới thực sự dành sự quan tâm đối với Ấn Độ Dương. Tiếp đó, tháng 4-2017, Chính phủ của Thủ tướng S. Abe đưa ra “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP), xác định Tokyo sẽ mở rộng vai trò chiến lược và tầm nhìn của mình, “đóng góp tích cực cho hòa bình” trong khu vực rộng lớn này. Mục tiêu chính của FOIP của Nhật Bản là: 1- Thúc đẩy kết nối giữa châu Á, Trung Đông và châu Phi, trong đó Ấn Độ Dương có tầm quan trọng về địa - chính trị chiến lược đối với an ninh của Nhật Bản; 2- Củng cố hình ảnh, tăng cường vị thế toàn cầu của Nhật Bản với vai trò là một nước lớn; 3- Thắt chặt thêm quan hệ đồng minh với Mỹ; 4- Cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc.

Sự quan tâm của Nhật Bản khác với Mỹ và Australia nhấn mạnh hợp tác an ninh quân sự là cốt lõi, Nhật Bản lại nhấn mạnh các vấn đề về tự do hàng hải, tôn trọng và tuân thủ luật pháp, bởi theo Nhật Bản, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về bản chất là khu vực hàng hải. Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản năm 2012 đã xác định: “An ninh hàng hải dựa trên sự tôn trọng quyền và tự do hàng hải là nền tảng của hòa bình và an ninh đối với Nhật Bản - một quốc gia biển”(2). Trong một bài báo với tiêu đề: “Viên kim cương an ninh dân chủ của châu Á” đăng trên website của tổ chức phi lợi nhuận Project Syndicate ngày 27-12-2012, Thủ tướng S. Abe cho rằng, hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Thái Bình Dương không tách rời hòa bình, ổn định và tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương(3).

Trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, cựu Thủ tướng S. Abe cam kết tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với Ấn Độ như một trụ cột thiết yếu. Dưới thời cầm quyền của Thủ tướng S.Abe, quan hệ chiến lược Nhật Bản - Ấn Độ đã được thúc đẩy mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh - quân sự. Hợp tác ba bên giữa Nhật Bản, Mỹ và Ấn Độ và giữa các nước trong nhóm Bộ Tứ, cũng là một phần quan trọng trong cách tiếp cận của Nhật Bản đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, hợp tác với các nước Liên minh châu Âu (EU), Anh và Pháp theo hình thức bốn bên, cũng nằm trong chương trình nghị sự của Nhật Bản.

Ngoài ra, Nhật Bản còn quan tâm và can dự về kinh tế, chính trị, an ninh ở châu Phi, mong muốn đưa châu lục này vào chiến lược FOIP của mình. Trong bài phát biểu tại Cuộc họp thượng đỉnh hội nghị quốc tế Tokyo về phát triển châu Phi (TICAD) tháng 8-2016, Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố: "Nhật Bản chịu trách nhiệm thúc đẩy sự hợp lưu của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng như châu Á và châu Phi tạo nên một khu vực tự do, dựa trên pháp luật và nền kinh tế thị trường, không bị áp lực hoặc ép buộc, các bên cùng thịnh vượng”(4).

Để thực hiện chiến lược FOIP của mình, Nhật Bản đã triển khai một loạt biện pháp, như: tăng cường tham gia hợp tác quân sự đa phương với các nước Đông Nam Á, tham gia tập trận chung với Ấn Độ, Australia, thiết lập căn cứ quân sự tại Djibouti để hỗ trợ cho các hoạt động gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan, tham gia chương trình huấn luyện các lực lượng ở Djibouti. Một phương thức hiệu quả, đóng vai trò quan trọng như một nguồn “sức mạnh mềm” để tăng cường ảnh hưởng ngoại giao, phục vụ lợi ích trực tiếp của Nhật Bản trong không gian Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là hỗ trợ tài chính cho hàng loạt quốc gia trong khu vực như Nam Á, Đông Nam Á, châu Phi. Tháng 5-2015, Nhật Bản đã công bố kế hoạch sử dụng 110 tỷ USD cho “Hành lang tăng trưởng Á - Phi” trong 5 năm để đầu tư vào các dự án hạ tầng kết nối giữa hai lục địa.

Hiện nay, Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thâm hụt tài chính khổng lồ do phải chi tiêu quá nhiều cho công tác phòng, chống tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, song nhiều khả năng chính quyền mới của Thủ tướng Suga Yoshihide,  Nhật Bản sẽ tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm, trong đó có FOIP.

Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga (phải) và Thủ tướng Australia Scott Morrison tại Tokyo, ngày 17-11-2020_Ảnh: Reuters

Mặc dù còn gặp nhiều trở ngại trong chiến lược FOIP song Nhật Bản đã dần thiết lập một chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm củng cố các quan hệ đối tác trên cơ sở phát triển kinh tế và an ninh. Tất cả những động thái và chính sách trên cho thấy sự nỗ lực, tích cực của Nhật Bản trong việc tham gia vào khu vực chiến lược quan trọng này.

3- Ấn Độ là một trong những quốc gia ủng hộ quan trọng nhất cho chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Năm 2015, trong Báo cáo “Bảo đảm an ninh biển: Chiến lược an ninh biển của Ấn Độ”, Ấn Độ nêu rõ tầm nhìn môi trường chiến lược khu vực và toàn cầu đã chuyển từ châu Âu - Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Sau đó, tầm nhìn chiến lược của Ấn Độ dần chuyển sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, liên kết với chính sách “Hành động phía Đông” của Ấn Độ. Bài phát biểu của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Đối thoại Shangri-La (tháng 6-2016) đã vạch ra tầm nhìn của Ấn Độ về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhấn mạnh sự tham gia của Ấn Độ vào các tổ chức, lấy ASEAN làm trung tâm ở khu vực, như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+).

Với việc công bố tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, quan hệ đối tác đã trở thành trụ cột trong chiến lược của Ấn Độ trong việc hiện thực hóa tầm nhìn này. Đối với Ấn Độ, tăng cường hợp tác an ninh với Mỹ, thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt với Nhật Bản, duy trì mối quan hệ với Australia là trọng tâm chiến lược trong việc định hình một cấu trúc kinh tế và an ninh trong khu vực, dựa trên liên minh “tứ giác kim cương”. Đồng thời, để kết nối với không gian Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, Ấn Độ còn tăng cường quan hệ với các nước châu Á, châu Âu và châu Phi. Riêng đối với châu Phi, Ấn Độ có những nỗ lực đáng kể trong việc thiết lập mối quan hệ đối tác mới, không chỉ thực hiện các chuyến thăm lịch sử đến các nước này mà còn tuyên bố mở thêm 18 cơ quan đại diện ngoại giao ở châu Phi nhằm tăng cường các lợi ích chính trị và chiến lược của mình. Một sự đổi mới trong tư duy chiến lược khác của Ấn Độ là đặt các quốc đảo ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương trong tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của mình. Các quốc đảo này không chỉ có vị trí chiến lược quan trọng đối với Ấn Độ mà còn có tầm quan trọng đối với an ninh hàng hải của Ấn Độ.

Đối với đối tác chiến lược Đông Nam Á, Ấn Độ luôn khẳng định ASEAN là trọng tâm trong chính sách Hành động hướng Đông, cam kết sâu hơn và hành động thiết thực hơn đối với khu vực. Ấn Độ tăng cường hợp tác toàn diện về các lĩnh vực chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội với các nước Đông Nam Á và tiểu vùng sông Mekong; coi trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hưởng ứng tích cực “Tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” của ASEAN được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 34 (tháng 6-2019). Mới đây, Ấn Độ đã đưa ra Kế hoạch Hành động Ấn Độ - ASEAN 2021 - 2025 với các mục tiêu thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ với các quốc gia ASEAN. Theo đó, sự hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, chống khủng bố, tăng cường các cuộc diễn tập phòng thủ, tuần tra phối hợp và các cơ chế hỗ trợ hậu cần hiệu quả trong thời gian hỗ trợ nhân đạo và thiên tai... sẽ được triển khai.

Như vậy, việc Ấn Độ phát huy vai trò nòng cốt của mình trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ góp phần tạo ra một không gian địa chính trị chiến lược mới có ảnh hưởng to lớn đến đời sống kinh tế, chính trị quốc tế trong thế kỷ XXI.

4- Australia là một trong những quốc gia ủng hộ và phổ biến khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ khá sớm. Trong Sách trắng Quốc phòng năm 2009 của Australia nêu rõ: “Trong giai đoạn đến năm 2030, Ấn Độ Dương sẽ cùng với Thái Bình Dương mang tính trung tâm đối với chiến lược biển và kế hoạch của Australia”(5). Tiếp đó, thuật ngữ Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được đề cập đến trong Sách trắng “Australia trong thế kỷ châu Á” của Chính phủ năm 2012. Trong Sách trắng Quốc phòng năm 2013, Australia đã xác định “sự nổi lên của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một vòng cung chiến lược”. Tiếp đó, Sách trắng Quốc phòng năm 2016 và Sách trắng Chính sách đối ngoại 2017 đã đề cập tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương như một cấu trúc địa chính trị quan trọng để định hướng chính sách đối ngoại và an ninh của Australia. Từ đó, khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã trở thành chủ đề trung tâm trong giới lãnh đạo và học thuật Australia. Ngày 1-7-2020, Australia đã công bố chiến lược quốc phòng mới, theo đó, lực lượng quốc phòng sẽ chuyển trọng tâm sang nâng cao sức mạnh quân sự trên khắp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trước những thay đổi về môi trường an ninh khu vực, cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt để mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các cường quốc trong khu vực, Australia đã nỗ lực chuyển hướng chiến lược mạnh mẽ sang châu Á; tích cực ủng hộ chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Mỹ thúc đẩy, nhấn mạnh vị trí quan trọng của mình trong chiến lược, thúc đẩy quan hệ với các nước châu Á, cải thiện sự hiện diện và phạm vi quan tâm của mình ở Đông Nam Á, nhằm tìm kiếm một vai trò mới nổi bật hơn trong khu vực. Hội nghị Bộ trưởng đặc biệt ASEAN - Australia theo hình thức trực tuyến vào ngày 30-6-2020 cũng đã được tổ chức nhằm tăng cường quan hệ ngoại giao và kinh tế. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Marise Payne tái khẳng định, Australia coi trọng vai trò ASEAN, đặt ASEAN ở vị trí trung tâm trong chiến lược của Australia tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. 

Ngoài việc thúc đẩy quan hệ với các nước châu Á, Australia còn tiếp tục thắt chặt quan hệ hợp tác với Mỹ, coi quan hệ đồng minh Australia - Mỹ là trụ cột trong chính sách đối ngoại của mình. Bên cạnh đó, Australia tăng cường hợp tác với các đối tác chiến lược hàng đầu như Ấn Độ, Nhật Bản.  

Như vậy, dù chưa có một chiến lược cụ thể cả về kinh tế và quân sự cho khu vực này, nhưng Chính phủ Australia thời gian gần đây có nhiều động thái thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn đối với khu vực, như đẩy mạnh hợp tác quân sự, thông qua đối thoại quốc phòng chiến lược với các quốc gia ASEAN, tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung hằng năm và các chiến dịch tự do hàng hải với các đồng minh.

Khả năng hiện thực hóa của chiến lược 

Theo một số nhà phân tích, mặc dù các nước trong và ngoài khu vực đã đưa ra các tầm nhìn chiến lược của mình đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó Mỹ là nước thúc đẩy mạnh mẽ nhất chiến lược này, song việc hiện thực hóa chiến lược này đến đâu còn là một vấn đề cần bàn.

Thứ nhất, chính sách biệt lập của Mỹ ở châu Á là một trong những cản trở của sự phát triển khuôn khổ mới. Nếu Mỹ chủ trương xây dựng một không gian Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng lớn thì liệu nước này có đủ sức mạnh và nguồn lực để gánh vác trọng trách này hay không là điều đáng được quan tâm. Các chi phí và trách nhiệm cần thiết để duy trì hệ thống cấu trúc Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương về an ninh quân sự, hợp tác kinh tế... phải được chia sẻ giữa các đồng minh ở châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Điều này đã đặt ra thách thức đối với các đồng minh, đối tác của Mỹ trong khu vực. Bên cạnh đó, chính quyền mới của Mỹ sau bầu cử Tổng thống năm 2020 tiếp tục thực hiện những toan tính đối ngoại của mình như thế nào vẫn còn là một câu hỏi để ngỏ trong thời gian tới. 

Thứ hai, sự hình thành chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ không chỉ nhằm tạo ra sự hợp tác sâu rộng trong khu vực mà còn là cách thức để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Chính điều này sẽ hạn chế không gian hợp tác khu vực bởi các nước không muốn bị “kẹt” vào thế khó xử, khi Trung Quốc có vị trí quan trọng trong sự phát triển ở khu vực. 

Thứ ba, các đồng minh và đối tác của Mỹ đều ủng hộ các mục tiêu an ninh cốt lõi của Mỹ là duy trì một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”, “trật tự dựa trên luật lệ” và các chuẩn mực hành vi quốc tế nhằm giảm thiểu những thách thức trong khu vực và trên toàn cầu. Tuy nhiên, sự khác biệt nhận thức về các thách thức an ninh, khả năng quân sự, ưu tiên chiến lược dẫn đến lợi ích và cách tiếp cận tầm nhìn đối với khu vực cũng sẽ có những điểm khác nhau, từ đó triển khai chính sách của mỗi nước cũng có những điểm riêng. Khoảng cách địa lý giữa các nước này trong việc phối hợp, “phân vai” cũng là yếu tố hạn chế. Sự phối hợp về quân sự hay bảo đảm an ninh biển đòi hỏi phải có kinh phí, năng lực quản trị và sự hiểu biết lẫn nhau tương đối sâu sắc. 

Thứ tư, xu thế đan xen lợi ích khiến các nước đồng minh, đối tác trong khu vực cũng sẽ có những phản ứng chính sách khác nhau đối với chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các nước cũng không hoàn toàn dựa vào Mỹ, trở nên độc lập hơn, duy trì mức độ tự do đáng kể trong hợp tác và thực thi chính sách. Điều này ít nhiều tác động trong việc thay đổi và định hình chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tương lai. 

Thứ năm, chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương chỉ nhấn mạnh đến bốn nước trụ cột, trong khi vai trò của các nước ASEAN, Hàn Quốc cũng như các nước châu Phi là nhân tố cần được tính tới trong tổng thể chiến lược này để bảo đảm một khu vực liên kết, bao trùm, rộng mở.

Tóm lại, còn nhiều vấn đề cần đặt ra trong việc hiện thực hóa chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Mức độ triển khai chiến lược như thế nào, cũng như tác động của chiến lược đối với khu vực ra sao còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chủ quan và khách quan của chiến lược này./.

-----------------
(1) https://www.state.gov/wp-content/uploads/2019/11/Free-and-Open-Indo-Pacific-4Nov2019.pdf
(2) Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặc biệt, ngày 25-11-2019
(3) https://www.project-syndicate.org/onpoint/a-strategic-alliance-for-japan-and-india-by-shinzo-abe
(4) http://www.ispionline.it/it/publiccazionne/japan-indo-pacific-engagement-rationale-and-challenges-20691
(5) Thông tấn xã Việt Nam: Tài liệu tham khảo đặc biệt, tháng 8-2012, tr. 52