Phát triển kinh tế số tại Hà Nội: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra
TCCS - Tại Việt Nam, chuyển đổi số quốc gia bao gồm 3 trụ cột là chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đã được thúc đẩy phát triển. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 thể hiện rõ quan điểm thúc đẩy các trụ cột, trong đó có kinh tế số. Là một trong 3 thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh năm 2024. Theo đó, Hà Nội sẽ phát triển kinh tế số với 4 trụ cột, gồm: công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số.
Phát triển kinh tế số đã được Đảng và Nhà nước chú trọng. Ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW, về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đặt mục tiêu tới 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP); Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số phải đạt khoảng 20% GDP và đạt khoảng 30% GDP vào năm 2030.
Hiện nay, thành phố Hà Nội thuộc nhóm 3 địa phương (Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội) dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, chỉ số cạnh tranh, đổi mới sáng tạo, an toàn, an ninh mạng. Bên cạnh các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi, như dân cư, doanh nghiệp bảo hiểm... được duy trì, khai thác hiệu quả, thành phố ban hành các văn bản, kế hoạch để khuyến khích, định hướng người dân, tổ chức và doanh nghiệp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn; xây dựng, phát triển thương mại điện tử; triển khai hóa đơn, biên lai điện tử...
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, với vai trò, vị thế đặc biệt quan trọng là thủ đô, trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, đầu tàu kinh tế - văn hóa - khoa học - giáo dục của cả nước, Hà Nội cần phấn đấu là địa phương đi đầu trong công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế số, xã hội số, công dân số, hướng tới xã hội văn minh, hiện đại. Trong đó, tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1- Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp theo thẩm quyền các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân. Phấn đấu cắt giảm, đơn giản hóa theo thẩm quyền ít nhất 50% số quy định, thủ tục hành chính và cắt giảm ít nhất 50% chi phí tuân thủ.
2- Xây dựng mô hình thí điểm Trung tâm phục vụ hành chính công một cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố - là cơ quan hành chính có chức năng tiếp nhận, giải quyết và kiểm soát, theo dõi, đánh giá thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên địa bàn thành phố theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, thí điểm thực hiện từ tháng 9-2024 đến ngày 30-11-2025.
3- Đẩy mạnh tái cấu trúc xây dựng dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia bảo đảm chất lượng, hiệu quả và vượt chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin, cơ cở dữ liệu của Hà Nội bảo đảm hoạt động ổn định, kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành phục vụ chia sẻ, khai thác thông tin dữ liệu trực tuyến giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp. Bảo đảm đồng bộ 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ cấp kết quả giải quyết thủ tục hành chính điện tử đạt 100%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt tối thiểu 80%; tỷ lệ khai thác, sử dụng lại thông tin, dữ liệu số hóa đạt tối thiểu 50%.
4- Triển khai hiệu quả việc lập hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử trên địa bàn, phấn đấu 100% người dân được cấp hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân. Đẩy mạnh triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, phấn đấu 100% giáo viên, nhân viên được cấp chữ ký số cá nhân.
5- Đẩy mạnh làm giàu thông tin, cung cấp các tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên nền tảng VNeID, cấp tài khoản định danh cấp độ 2 cho 100% dân số Hà Nội.
6- Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, phí và lệ phí trên địa bàn. Thực hiện quyết liệt các giải pháp về hóa đơn điện tử, nhất là hóa đơn điện tử bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng.
7- Phát triển hạ tầng số, nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả các công cụ chuyển đổi số, như: trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, trợ lý ảo..., gắn với bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.
8- Thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về các kết quả, ứng dụng của Đề án 06 theo tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Từ thực trạng phát triển kinh tế số Hà Nội thời gian qua, có thể thấy:
Về hạ tầng kỹ thuật, Hà Nội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đơn cử như Khu công nghệ cao Hòa Lạc thu hút được trên 94 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 89,3 tỷ đồng, trong đó có 52 dự án đang hoạt động. Nhiều dự án của các tập đoàn hàng đầu trong và ngoài nước đang có mặt và hoạt động tại đây như: Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Tập đoàn Nidec và Tập đoàn Nissan Techono (Nhật Bản) và các tập đoàn lớn của Việt Nam, như: Viettel, VNPT, Vingroup, FPT…
Nhiều sản phẩm công nghệ cao như công nghệ 4G, 5G, thiết bị y tế kỹ thuật số, cấu kiện động cơ máy bay, các giải pháp phần mềm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp lớn trên nền tảng Akaminds IOT, Akabot, điện thoại thông minh… đã được sản xuất tại đây. Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, triển khai xây dựng nền tảng dữ liệu não người Việt tại Hệ tri thức Việt số hóa…
Về doanh nghiệp công nghệ số, đến năm 2022, trên địa bàn Thủ đô có hơn 9.300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp điện tử với tổng doanh thu khoảng 12,8 tỷ USD, thu hút hơn 207.000 lao động. Tại Hà Nội, nhiều doanh nghiệp công nghệ đã làm chủ các công nghệ “lõi”, phát triển khoảng 40 nền tảng “Make in Viet Nam”, như Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel; Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC; VNPT Hà Nội; Công ty Công nghệ DTT; Công ty cổ phần Công nghệ Phenikaa Maas… Hà Nội cũng đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (SMEdx); các chương trình hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh.
Về phát triển thương mại điện tử, quy hoạch Thủ đô đưa ra giải pháp xây dựng, phát triển các hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ cho thương mại điện tử. Phát triển thanh toán số theo hướng phổ cập tài chính toàn diện, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, làng nghề truyền thống tại Hà Nội chuyển đổi số, làm kinh tế số.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được kinh tế số Hà Nội vẫn còn nhiều hạn chế như:
Thể chế, chính sách còn chưa đồng bộ, chặt chẽ, ví dụ như các quy định liên quan đến quản lý hoạt động thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số…
Hạ tầng số mặc dù phát triển nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh chóng của kinh tế số. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hai chiều từ hệ thống thông tin của các bộ, ngành với dữ liệu quốc gia chưa đầy đủ mà nguyên nhân chủ yếu là do hệ thống thống tin chưa đồng bộ, đồng thời tỷ lệ cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước còn thấp. Vấn đề bảo mật thông tin còn nhiều thách thức.
Nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số, phát triển kinh tế số còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng. Đặc biệt là nguồn nhân lực chuyên trách về an toàn thông tin, kỹ thuật. Nhân lực được đào tạo chuyên sâu và có kinh nghiệm còn thiếu. Điều này đặt ra không ít thách thức khi Hà Nội trong tương lai sẽ làm chủ một số thiết bị viễn thông, công nghệ quan trọng góp phần chuyển đổi số như các thiết bị mạng 5G và các thế hệ tiếp theo, thiết bị IoT nhằm thúc đẩy thông minh hóa trong các lĩnh vực sản xuất, y tế, nông nghiệp./.
Quảng Ninh: Phát triển bền vững kinh tế, xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh  (18/11/2024)
Thủ đô Hà Nội trong dòng chảy hiện đại hóa của đất nước: Yêu cầu đồng bộ cơ chế, chính sách  (18/11/2024)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm