TCCS - Hà Nội là trung tâm đầu não về chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế, do đó, Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm, đầu tư toàn diện trên các lĩnh vực. Hà Nội luôn chú trọng mục tiêu “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước trong thời kỳ mới” với các chuẩn mực định hướng cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa. 

Lịch sử văn hiến hơn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội hun đúc nên giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Nét thanh lịch của người Hà Nội thể hiện trong lối sống, sinh hoạt gia đình và cộng đồng, trong giao tiếp, ứng xử, trong văn hóa ẩm thực,… Các thế hệ người Hà Nội luôn tự hào với giá trị truyền thống, quan tâm xây dựng và hoàn thiện nhân cách người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thông qua cách ứng xử với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, đặc biệt là trong mối quan hệ giữa con người với con người. Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng, thực hiện hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Thủ đô trong thời kỳ mới. 

Xây dựng văn hóa, con người Hà Nội luôn là một trong những nội dung quan trọng nhất của Hà Nội trong quá trình phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thành phố Hà Nội đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp từ giáo dục, xây dựng các mô hình văn hóa, thực hiện các quy tắc ứng xử… Trong đó, xây dựng văn hóa gia đình là nền tảng căn bản của xây dựng văn hóa, con người Thủ đô, nhất là mô hình Gia đình văn hóa. Công tác xây dựng, duy trì, phát huy các hệ giá trị tốt đẹp của gia đình và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Do đó, thành phố luôn chú trọng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ giá trị gia đình và việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, từ đó nâng cao ý thức tự giác thực hiện; đồng thời coi trọng công tác thi đua, khen thưởng, nhân rộng các mô hình hay, điển hình tiên tiến làm tốt công tác xây dựng hệ giá trị gia đình và thực hiện hai Quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố”. 

Thực tế triển khai những năm qua cho thấy, trên địa bàn xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều hoạt động sáng tạo trong xây dựng văn hóa người Hà Nội từ mỗi gia đình. Hầu hết các địa phương đều chú trọng các giải pháp gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, song song với chắt lọc những nét văn hóa thời hiện đại, thời công nghệ; chú trọng xây dựng tình cảm gia đình, nêu cao nét đẹp “kính già, yêu trẻ”. Với chủ trương xây song hành với chống, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, thành phố thường xuyên tổ chức tuyên dương những gia đình vừa gìn giữ nét đẹp văn hóa gia đình, vừa có những đóng góp tích cực cho xã hội trên các lĩnh vực, như giáo dục, khoa học - công nghệ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thực hiện công tác an sinh xã hội. Thành phố đã ban hành 2 Quy tắc ứng xử (Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội). Việc thực hiện 2 quy tắc ứng xử văn hóa đã góp phần tích cực trong việc xây dựng, lan tỏa nếp sống thanh lịch, văn minh, bồi đắp và hoàn thiện nhân cách con người Thủ đô. Công tác quy hoạch và quản lý nhà nước về văn hóa ngày càng đi vào nền nếp, từng bước nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý. Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng. Nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo và phát huy vai trò đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân Thủ đô. Hà Nội là đơn vị đi đầu trong cả nước tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể góp phần làm rõ hơn bản sắc văn hóa Thủ đô nghìn năm văn hiến. Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có nhiều khởi sắc. Công tác tuyên truyền, quảng bá về lịch sử, văn hóa của Hà Nội trên lĩnh vực thông tin đối ngoại có nhiều đổi mới, đạt hiệu quả cao.

Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 182/KH-UBND, ngày 14-6-2024 về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến năm 2025”. Kế hoạch nhằm tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, quan điểm đã nêu trong Chương trình hành động số 29- CTr/TU của Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 33, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và “Chương trình 06-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, giai đoạn 2021 - 2025… Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tạo sự thống nhất, đồng thuận và quyết tâm chính trị cao để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đạt kết quả, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Kế hoạch cũng đề cao và phát huy vai trò cá nhân của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và mỗi gia đình trong xây dựng và giữ gìn môi trường văn hóa lành mạnh. Phấn đấu xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử; xây dựng người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh, tiêu biểu cho văn hoá, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Trong thời gian tới, để xây dựng thành phố Hà Nội tiêu biểu về lối sống, phong cách ứng xử, xứng đáng là Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, cần tập trung thực hiện một số nội dung sau: 

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. 

Hai là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Xây dựng Người Hà Nội phát triển toàn diện, “Hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, văn minh” tiêu biểu cho văn hóa, lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. 

Ba là, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gồm: Xây dựng gia đình Thủ đô no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; Xây dựng môi trường văn hóa học đường; Xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa; xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa ở cơ sở và hoàn thiện nâng cao chất lượng hiệu quả của các thiết chế văn hóa. Nâng cao chất lượng việc xây dựng và bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái, gắn xây dựng môi trường văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế.

Ủy ban nhân dân thành phố đã giao Sở Văn hóa và Thể thao là cơ quan thường trực, phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể thành phố, các địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch. Phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố, các đơn vị có liên quan tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành văn hóa, thể thao trong Kế hoạch. Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, giáo dục truyền thống, đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh và triển khai các hoạt động giáo dục thể chất trong các cơ sở giáo dục. Xây dựng các mô hình phối hợp hiệu quả giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục nhân cách, văn hóa ứng xử cho học sinh các cấp; tôn vinh gương hiếu học, thực hiện tốt chương trình khuyến học, khuyến tài. Chỉ đạo toàn ngành giáo dục và đào tạo xây dựng văn hóa học đường trong các cơ sở giáo dục, xây dựng mô hình văn hóa ứng xử trong trường học phù hợp với từng cấp học, từng độ tuổi đáp ứng yêu cầu xây dựng con người văn hóa, phát triển toàn diện “đức - trí - thể - mỹ”. Chỉ đạo thực hiện hiệu quả, linh hoạt việc lồng ghép giáo dục kiến thức pháp luật vào các môn học, các hoạt động giáo dục ngoại khóa phù hợp với độ tuổi, cấp học; nhân rộng những mô hình “Trường học hạnh phúc” để tạo nên những ngôi trường có môi trường học tập thực sự an toàn, văn hóa góp phần giáo dục hình thành hệ giá trị tốt đẹp cho học sinh.

Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển người Hà Nội thanh lịch, văn minh theo nhiệm vụ đã được đề ra trong kế hoạch. Tham mưu xây dựng, phát huy hiệu quả “văn hóa trên môi trường số”, khai thác tốt các giá trị tryền thống hướng tới mục tiêu xây dựng “công dân số”, “công dân toàn cầu”. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với các loại hình thông tin trên mạng, đặc biệt là mạng xã hội. Thực hiện hiệu quả các nội dung xây dựng môi trường văn hóa trên không gian mạng.

Thành phố yêu cầu việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Thành ủy và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của cấp ủy, chính quyền, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, từ thành phố đến cơ sở với các giải pháp đồng bộ, đảm bảo tính khả thi. Các sở, ban, ngành, các đơn vị trực thuộc thành phố; ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện. Tích cực, chủ động trong việc tham mưu, đề xuất thành phố các cơ chế, chính sách và tổ chức triển khai thực hiện các nội dung theo kế hoạch đề ra một cách nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, khả thi, tránh hình thức./.