Bệnh “lệnh ông không bằng cồng bà”!
Lẽ thường, ai cũng hiểu câu “lệnh ông không bằng cồng bà” theo nghĩa bóng, ám chỉ vai trò làm chủ của người vợ, chứ không phải người chồng trong gia đình và cụ thể hơn là ảnh hưởng quá lớn của các bà vợ sếp tới mọi công việc của các ông xã, can thiệp quá sâu vào những việc bên ngoài gia đình, thậm chí là cả những công việc liên quan đến quyền hạn, trách nhiệm, phận sự của người chồng đang làm lãnh đạo ở cơ quan, đơn vị, trong đó có công tác hết sức quan trọng của Đảng là công tác cán bộ.
Ở một số nơi, dư luận râm ran kháo nhau, muốn được bổ nhiệm, lên chức nhanh chóng thì cán bộ nhất định phải qua nhà riêng “gặp chị” mà nhờ vả. Bởi lẽ, anh đồng ý rồi mà chị chưa xuôi thì nhân sự ấy cũng còn phải đợi... “đến mùa quýt”; còn ngược lại, trường hợp nào chị nhà đã “chấm”, đã ủng hộ rồi thì anh nhà cũng khó mà làm trái ý được. Ở một cơ quan nọ, các nhân viên rỉ tai nhau, vợ sếp mới là “Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ” đích thực của cơ quan! Đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ có gặp chị thì cũng chỉ biết tấm tắc xuýt xoa, gật đầu lia lịa “vì chị cao siêu quá”! Mọi thứ ở cơ quan cứ thế mà “đi vào nền nếp”, cho dù ai cũng biết nhưng chẳng dám nói ra và lời ca thán của cán bộ, nhân viên dưới quyền tuy vẫn có nhưng “quân lệnh như sơn”, “sếp ông” đừng hòng mà dám ho he, cứ thế mà thi hành!
Dĩ nhiên, “sếp ông” ở cơ quan oai hùng là thế nhưng về nhà thì “cũng thầm khâm phục vợ mình”. Bao nhiêu khẩu hiệu, quyết định, quy trình về công tác cán bộ ban hành ở cơ quan tuy rất bài bản, chi tiết, nhưng chẳng “xi-nhê” tẹo nào, chỉ có quyết tâm của “chị nhà” mới làm nên chuyện, nhất là việc chị luôn có ý kiến đề nghị cất nhắc những “đứa em” rất “yêu quý chị”, hết mực quan tâm, “chăm sóc” chị và con cái.
Lệnh ông không bằng cồng bà là thế!
Vô số giai thoại về các “chị nhà”, phu nhân sếp lớn, xứng đáng “lưu danh sử sách” cơ quan trong những câu chuyện phiếm của cán bộ lúc “trà dư, tửu hậu” đã chứng thực điều ấy!
Thế mới biết, tại sao trong Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 23-9-2019 tại Điều 6, mục c, Đảng ta đã nghiêm cấm các hành vi, trong đó có cấm “để người khác, nhất là vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em ruột lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ”. Và trước đó, trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng cũng đã chỉ ra biểu hiện là: “Sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”.
Hiện nay, khi các bộ, ban, ngành, địa phương đang tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng thì vấn đề lựa chọn được người cán bộ đủ đức, đủ tài, vừa “hồng” vừa “chuyên” là công việc rất hệ trọng. Cán bộ lãnh đạo nào mắc phải bệnh “lệnh ông không bằng cồng bà” trong lựa chọn nhân sự sẽ gây tác hại cho công tác cán bộ của Đảng nói chung và của cơ quan, đơn vị nói riêng, vì nó gây ra nguy cơ đưa những người không đủ đức, đủ tài lên vị trí lãnh đạo, “y phục không xứng với kỳ đức”.
Cần phải quyết liệt “vạch mặt, chỉ tên” và có chế tài răn đe, xóa bỏ căn bệnh này trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, cho dù đây là việc không hề dễ dàng. Nó làm giảm sút tinh thần làm việc, ý chí phấn đấu của những cán bộ có tâm và tầm, có đức, có tài và nếu nhìn rộng hơn nữa, còn làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng!
Do vậy, cần quyết liệt hơn nữa trong phòng, chống căn bệnh “lệnh ông không bằng cồng bà” hết sức nguy hại này. Đây cũng là một trong các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong công tác lựa chọn quy hoạch và giới thiệu nhân sự cho đại hội đảng các cấp./.
Chọn vỏ, bỏ lõi  (10/03/2020)
Phát huy dân chủ trong công tác cán bộ ở nước ta hiện nay: Thực trạng và giải pháp  (25/02/2020)
Triển khai quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ của Tạp chí Cộng sản  (12/02/2020)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
- Quản trị di sản bền vững để góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Thư ký Đảng Hành động Nhân dân, Thủ tướng Singapore
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay