Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế
TCCS - Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 22-2-2022, của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đưa công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ chuyên môn cao trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.
1- Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt để bảo đảm và thúc đẩy sự phát triển hiệu quả và bền vững các ngành kinh tế, các lĩnh vực xã hội nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng. Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa có tính đặc thù cao, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ các kỹ năng giao tiếp, ứng xử có văn hóa, có trình độ ngoại ngữ, năng lực tiếp thu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là có tư duy thẩm mỹ, sự đam mê sáng tạo. Trước yêu cầu đặt ra của thực tiễn, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực có trình độ chuyên môn cao, tạo tiền đề, cơ sở để thúc đẩy kinh tế nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô nói riêng ngày càng phát triển.
Trong giai đoạn 2016 - 2020, Thành ủy Hà Nội đã đề ra Chương trình hành động số 04-CTr/TU, ngày 26-4-2016, “Về phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016 - 2020”, trong đó đề ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ngày 17-4-2017, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2315/QĐ-UBND, phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực của một số ngành công nghiệp văn hóa, như du lịch văn hóa... Kết quả là, từ 53,14% năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo nói chung của Hà Nội đã tăng lên 70,25% năm 2020; tỷ lệ lao động chất lượng cao (có bằng cấp, chứng chỉ) đạt 48%; tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo đạt trên 70%, trong đó có lao động trong một số ngành công nghiệp văn hóa. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo nghề nghiệp trên địa bàn thành phố cũng chủ động hợp tác quốc tế, xây dựng chuẩn hóa khung chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn của khu vực cũng như quốc tế. Các cơ sở đại học đóng trên địa bàn Thủ đô đào tạo các chuyên ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa, như điện ảnh, kiến trúc, mỹ thuật… là Trường Đại học Sân khấu, Điện ảnh Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Trường Đại học Văn hóa, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Trường Cao đẳng Truyền hình, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội,… cũng không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực một số ngành công nghiệp văn hóa mà Hà Nội có nhiều thế mạnh để phát triển.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội tham gia, hợp tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp hợp tác với khoảng hơn 800 doanh nghiệp theo nhiều nội dung và hình thức liên kết khác nhau, nhằm gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hằng năm, Hà Nội đều mở các khóa học dưới nhiều hình thức cho hàng nghìn người, gồm các cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch, cộng đồng dân cư tại điểm đến… Các hoạt động bồi dưỡng kiến thức cho cộng đồng dân cư giúp người dân nâng cao nhận thức về du lịch văn hóa, về các ngành, nghề công nghiệp văn hóa có thế mạnh của địa phương, tạo môi trường thân thiện, chuyên nghiệp để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng khi đến thăm quan, trải nghiệm, sử dụng sản phẩm và dịch vụ văn hóa.
Bên cạnh đó, các trại sáng tác trong các lĩnh vực kiến trúc, thiết kế, mỹ thuật, văn học… cũng được Hà Nội tổ chức để khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho các văn nghệ sĩ, góp phần tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa có giá trị trên thị trường. Trong khuôn khổ Liên hoan phim quốc tế, Hà Nội cũng tổ chức các khóa đào tạo cho các nhà làm phim trẻ nâng cao tay nghề, như khóa làm phim “48h”, lớp học làm phim “TOTO”, cuộc thi nhà biên kịch tài năng, “trại sáng tác”, thu hút được đông đảo nhà làm phim trẻ trong và ngoài nước tham dự và sáng tạo các tác phẩm điện ảnh. Hà Nội cũng cử một số sinh viên tham gia các hội thảo về sản xuất phim quốc tế, như Hội thảo sản xuất phim KTS Nhật Bản tại Malaysia 2018; Hội thảo sản xuất phim và dựng phim tại Malaysia 2019; khuyến khích sinh viên đăng ký học tập tại nước ngoài (học chuyên ngành quay phim điện ảnh tại Mỹ)…; qua đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực điện ảnh, thúc đẩy ngành công nghiệp thế mạnh này của Hà Nội ngày càng phát triển, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng.
Hiện nay, bối cảnh nền kinh tế số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với sự phát triển như vũ bão của khoa học - công nghệ đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với lực lượng lao động nói chung và lao động trong các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô nói riêng. Đó là yêu cầu về kiến thức công nghệ thông tin và truyền thông, khả năng ứng dụng công nghệ, năng lực tiếp cận và thích ứng nhanh với sự phát triển của công nghệ số và một số xu hướng hình thành, thưởng thức sản phẩm và dịch vụ văn hóa mới. Do đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17-3-2021, “Về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, trong đó đề ra mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Để thực hiện mục tiêu phát triển nguồn nhân lực, trong Kế hoạch số 176/KH-UBND ban hành ngày 30-7-2021, về thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, Hà Nội yêu cầu sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành nhằm huy động các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cho giáo dục theo hướng hiện đại hóa, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào đào tạo nguồn nhân lực; khuyến khích xã hội hóa, huy động sự tham gia đóng góp của cộng đồng xã hội, doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố cùng tham gia vào nhiệm vụ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa.
2- Thời gian tới, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, đưa các ngành công nghiệp văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn quan trọng của Thủ đô, Hà Nội cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp để tiếp tục phát triển nguồn nhân lực công nghiệp văn hóa đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.
Một là, xây dựng chiến lược phát triển giáo dục sáng tạo, trong đó chú trọng tạo lập môi trường nuôi dưỡng sáng tạo văn hóa, hình thành hệ sinh thái giáo dục sáng tạo trong cộng đồng, gắn với thúc đẩy giáo dục mở, xây dựng nhà trường sáng tạo, đào tạo chuyên gia và công dân sáng tạo. Ban hành chương trình giáo dục sáng tạo và triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về phát triển nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Cải thiện điều kiện lao động và nâng cao chất lượng hoạt động các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Có chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề trong các ngành công nghiệp văn hóa. Tiếp tục tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề, đổi mới nội dung chương trình đào tạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế thi tuyển, lựa chọn, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý tham mưu lĩnh vực văn hóa có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ ngang tầm nhiệm vụ. Thực hiện tốt chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, ưu đãi, vinh danh văn nghệ sĩ, nghệ nhân, các nhà khoa học, các nhà sáng tạo có quá trình cống hiến, có nhiều tác phẩm tốt, ảnh hưởng tích cực trong xã hội; hỗ trợ trao truyền tri thức, kỹ năng, bí quyết thực hành, một số hoạt động khác có liên quan trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Ba là, tiếp tục đổi mới công tác đào tạo nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng đào tạo gắn liền với thực tế và nhu cầu của người sử dụng lao động; đề cao việc học lý thuyết đi đôi với thực hành đối với sinh viên các ngành công nghiệp văn hóa. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo sự liên kết giữa người lao động, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa. Triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh sự gắn kết doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo, giải quyết việc làm. Đẩy mạnh công tác tư vấn, tuyển sinh, phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông, xây dựng kế hoạch tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp hằng năm; tư vấn tuyển sinh trực tuyến trên website, fanpage, các kênh liên kết tuyển sinh online; tổ chức ngày hội tư vấn, tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp; hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, nhất là thị trường lao động trong các ngành công nghiệp văn hóa… Đổi mới công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo, kết hợp đào tạo trực tiếp và trực tuyến, ưu tiên đào tạo chất lượng cao cho người lao động phù hợp với xu hướng phát triển kinh tế - xã hội nói chung và các ngành công nghiệp văn hóa nói riêng…
Bốn là, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đào tạo, thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư vào giáo dục và đào tạo, nhất là trong một số ngành công nghiệp văn hóa thế mạnh của Hà Nội. Đào tạo và đào tạo lại, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan, nguồn nhân lực văn hóa, du lịch, hình thành đội ngũ chuyên gia chuyên nghiệp và liên ngành. Xây dựng các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm gắn kết giữa các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu và cộng đồng xã hội.
Tiếp tục tổ chức bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức văn hóa - du lịch các địa phương trên địa bàn Hà Nội; tổ chức các khóa bồi dưỡng về du lịch văn hóa, du lịch có trách nhiệm dành cho người dân tham gia tại một số quận, huyện, thị xã nhằm nâng cao trình độ nhận thức, khả năng giao tiếp, thái độ văn minh của cộng đồng dân cư tại các điểm đến du lịch, các làng nghề truyền thống… Có cơ chế bồi dưỡng, đào tạo các nghệ nhân trẻ có tay nghề bảo tồn, duy trì, phát triển các sản phẩm văn hóa truyền thống phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường phối hợp liên ngành trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp văn hóa đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Tham khảo kinh nghiệm phát triển nhân lực các ngành công nghiệp văn hóa của một số quốc gia trên thế giới, trong đó có kinh nghiệm về xã hội hóa việc đào tạo nhân lực, cách quản lý, triển khai các chương trình, dự án trong du lịch, cách quản lý chất lượng nhân lực, cách thức đào tạo và tuyển sinh lao động trong các ngành công nghiệp văn hóa. Thực hiện hiệu quả chính sách thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, các chuyên gia quốc tế, góp phần khơi dậy cảm hứng và năng lực sáng tạo của đông đảo đội ngũ trí thức, từ đó tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm và dịch vụ văn hóa có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu mới trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế./.
Hà Nội đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí  (09/11/2022)
Hà Nội quyết tâm xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu  (06/11/2022)
Phát triển công nghiệp văn hóa, góp phần tạo sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững của Thủ đô Hà Nội  (05/11/2022)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam