TCCS - Là một trong ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện Việt Nam, ngoại giao văn hóa được coi là một lĩnh vực quan trọng trong chính sách đối ngoại, được triển khai sâu rộng ở nhiều cấp độ và địa bàn trong cả nước. Từ mục tiêu góp phần xây dựng lòng tin và củng cố quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới nhằm nâng cao vị thế quốc gia, sau 10 năm, ngoại giao văn hóa đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào, đóng góp tích cực đối với sự phát triển của đất nước.
Nhận thức về ngoại giao văn hóa
Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, cùng với khái niệm “sức mạnh mềm”, khái niệm “ngoại giao văn hóa” (cultural diplomacy) ngày càng được sử dụng phổ biến, rộng rãi trong quan hệ quốc tế. Dù có nhiều cách tiếp cận khác nhau nhưng nội hàm của khái niệm này được thống nhất ở một điểm: Đó là sử dụng văn hóa để phục vụ các mục tiêu quốc gia, thông qua các hoạt động ngoại giao, đối ngoại.
Từ cách tiếp cận của phương Tây, Giáo sư Giô-xép Nai, nguyên trợ lý Thứ trưởng ngoại giao Mỹ giai đoạn 1977 - 1979, Đại học Harvard, cho rằng: “Ngoại giao văn hóa là một ví dụ hàng đầu về sức mạnh mềm hoặc khả năng thuyết phục thông qua văn hóa, giá trị và những tư tưởng trái với sức mạnh cứng, tức là chinh phục hoặc cưỡng ép thông qua sức mạnh quân sự”(1). S. A-đê-bo-lu, thành viên Hiệp hội các nhà ngoại giao thương mại Anh nhận định: “Ngoại giao văn hóa là một hình thức ngoại giao nhấn mạnh tới sự thừa nhận văn hóa và hiểu biết lẫn nhau như là một cơ sở của đối thoại”(2). Trong khi đó, Tạp chí Công tác ngoại giao của Đại học Quan hệ quốc tế Mát-xcơ-va cho rằng “đây là lĩnh vực đặc biệt của hoạt động ngoại giao, liên quan đến sử dụng văn hóa như là đối tượng và phương tiện nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản của chính sách đối ngoại của quốc gia, tạo hình ảnh tốt đẹp của đất nước, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ quốc gia trên thế giới”(3).
Ở phương Đông, theo nhà nghiên cứu Trung Quốc Bành Tân Lương, hàm nghĩa cụ thể của ngoại giao văn hóa là hoạt động ngoại giao của quốc gia có chủ quyền, lấy việc duy trì lợi ích văn hóa nước mình và thực thi chiến lược văn hóa đối ngoại quốc gia làm mục đích, dưới sự chỉ đạo của một chính sách văn hóa đối ngoại nhất định, triển khai dựa vào mọi thủ đoạn hòa bình bao gồm cả thủ đoạn văn hóa(4). Nhà nghiên cứu Nhật Bản O. Ka-du-ô nhấn mạnh: “mục tiêu chủ chốt của ngoại giao văn hóa là tăng cường, cải thiện hình ảnh và uy tín của quốc gia thông qua các khía cạnh văn hóa”(5).
Từ các quan điểm trên, khái niệm ngoại giao văn hóa trên thế giới được hiểu bao gồm ba nội dung chính: Một là, ngoại giao văn hóa thuộc chính sách ngoại giao của một quốc gia; hai là, ngoại giao văn hóa sử dụng văn hóa như là công cụ, phương tiện để đạt được mục tiêu đối ngoại; ba là, ngoại giao văn hóa giúp quảng bá văn hóa đất nước ra thế giới, cải thiện hình ảnh, uy tín quốc gia, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia.
Bên cạnh đó, khi nói tới ngoại giao văn hóa, các học giả cũng thường nhắc tới ngoại giao công chúng bởi những trùng khớp về nội hàm của hai lĩnh vực này. Bộ Ngoại giao Mỹ coi ngoại giao công chúng là “những chương trình do chính phủ bảo trợ, nhằm cung cấp thông tin hay tác động vào ý kiến công chúng các nước thông qua những công cụ chính là các ấn phẩm, phim ảnh, các hoạt động trao đổi văn hóa, đài phát thanh và truyền hình”(6). Điểm chung giữa ngoại giao văn hóa và ngoại giao công chúng là đều quảng bá văn hóa ra nước ngoài, xây dựng lòng tin với công chúng nước ngoài, từ đó ảnh hưởng đến quyết sách của chính phủ nước khác. Tuy nhiên, đối tượng hướng đến của ngoại giao văn hóa rộng hơn, bao gồm cả công chúng trong nước, công chúng nước ngoài, chính phủ nước ngoài, trong khi đối tượng của ngoại giao công chúng chủ yếu là công chúng nước ngoài, cộng đồng quốc tế. Nội dung của ngoại giao văn hóa là văn hóa còn nội dung của ngoại giao công chúng ngoài văn hóa còn bao gồm cả lĩnh vực kinh tế, quân sự, khoa học - công nghệ, kỹ thuật,...
Sự so sánh trên chỉ mang tính tương đối và tùy vào cách tiếp cận của từng quốc gia. Tại Mỹ và Đan Mạch, ngoại giao văn hóa được coi là một nhánh của ngoại giao công chúng, ngược lại, tại Anh, ngoại giao văn hóa được coi là lĩnh vực rộng hơn so với ngoại giao công chúng (do ngoại giao công chúng chỉ hướng tới công chúng nước ngoài; còn ngoại giao văn hóa hướng tới cả công chúng và chính phủ nước ngoài và trong nước).
Ở Việt Nam, khái niệm ngoại giao văn hóa được tiếp cận khá đa dạng, với nhiều quan điểm vừa có sự tương đồng, vừa có sự khác biệt. Tiếp cận dưới góc độ ngoại giao, ngoại giao văn hóa được coi là “một hình thức ngoại giao thông qua văn hóa để thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại”(7). Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO của Bộ Ngoại giao Việt Nam đưa ra định nghĩa: “Ngoại giao văn hóa là một hoạt động đối ngoại, được nhà nước tổ chức, ủng hộ hoặc bảo trợ. Hoạt động này được triển khai trong một thời gian nhất định nhằm đạt được những mục tiêu chính trị, đối ngoại xác định, bằng các hình thức văn hóa như: nghệ thuật, lịch sử, tư tưởng, truyền thống, ẩm thực, phim, ấn phẩm, văn học”(8). Từ góc độ văn hóa, có quan niệm cho rằng ngoại giao văn hóa là một hoạt động đặc thù, sử dụng công cụ văn hóa để đạt được mục tiêu của ngoại giao và sử dụng ngoại giao để tôn vinh vẻ đẹp của văn hóa”(9).
Có thể thấy, cách nhìn nhận về ngoại giao văn hóa ở Việt Nam tương đối đa dạng và theo nhiều xuất phát điểm khác nhau. Ngay trong “Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2011 cũng nêu rõ: “Ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị là ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của Việt Nam”.
Tổng hợp từ những quan điểm trên, cách tiếp cận về ngoại giao văn hóa của Việt Nam được hiểu là: Thứ nhất, là hình thức ngoại giao thông qua công cụ văn hóa; thứ hai, nhằm đạt được các mục tiêu lợi ích cơ bản của quốc gia là phát triển, an ninh và ảnh hưởng, đồng thời tôn vinh giá trị văn hóa; thứ ba, là kênh ngoại giao hữu hiệu, gia tăng sức mạnh mềm; xây dựng lòng tin, quảng bá hình ảnh quốc gia; thứ tư, là kênh tiếp thu văn hóa nhân loại, làm giàu, làm phong phú thêm nền văn hóa đất nước; thứ năm, được thực hiện đa dạng, không chỉ bằng con đường chính thức của Nhà nước mà còn bằng cả con đường không chính thức; thứ sáu, được áp dụng linh hoạt và đạt được hiệu quả lâu dài.
Những kết quả đạt được trong quá trình triển khai chính sách ngoại giao văn hóa mười năm qua
Trong một thập niên qua, ngoại giao văn hóa Việt Nam đã đặt những dấu mốc đáng ghi nhận cả về mặt lý luận, chính sách và triển khai trong thực tiễn của lĩnh vực hoạt động đối ngoại mới mẻ này. Việc xác định đúng và thông suốt về mặt lý luận, khái niệm, nội hàm, phương thức ngoại giao văn hóa đã giúp triển khai thành công trong thực tiễn. Đồng thời, thực tiễn ngoại giao văn hóa trong một thập niên qua cũng chính là “hàn thử biểu” kiểm nghiệm để rút ra những bài học sâu sắc hơn, góp phần nâng tầm hoạt động ngoại giao văn hóa ở giai đoạn tiếp theo.
Vấn đề lý luận và xây dựng chính sách của ngoại giao văn hóa đã được tiến hành rất bài bản. Từ những năm 2000, vấn đề ngoại giao văn hóa đã được các nhóm chuyên gia, cố vấn tại Bộ Ngoại giao khởi xuất, sau đó nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức để tham vấn ý kiến từ các nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao. Vấn đề ngoại giao văn hóa cũng được đưa ra bàn thảo trong các kỳ hội nghị ngoại giao của Bộ Ngoại giao. Việc xác định “ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế là ba trụ cột của Ngoại giao Việt Nam” tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 25 (năm 2006) và tới Hội nghị Ngoại giao lần thứ 26 (năm 2008), công tác ngoại giao văn hóa đã được coi là trọng tâm của toàn ngành ngoại giao. Tiếp đó, Chỉ thị số 4252/2008/CT-BNG, ngày 23-12-2008, của Bộ Ngoại giao, về Tăng cường công tác ngoại giao văn hóa tạo động lực mới cho Ngoại giao Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế đã được ban hành ngày 23-12-2008. Ngoại giao văn hóa tiếp tục được nâng tầm, khi được đề cập đến trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng (năm 2011): “Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước, đối ngoại nhân dân; đối ngoại, quốc phòng và an ninh; chính trị đối ngoại, kinh tế và văn hóa đối ngoại”(10). Ngày 14-2-2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 208/2011/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020, xác định 5 hoạt động chính của ngoại giao văn hóa, bao gồm: 1- Mở đường, khai thông quan hệ với các nước và khu vực có nhiều quan hệ với ta; 2- Xúc tiến, tăng cường và làm sâu sắc hiểu biết với các quốc gia; 3- Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế; 4- Vận động để Việt Nam có nhiều di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận; 5- Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc(11). Cũng từ đó, một số công trình nghiên cứu về ngoại giao văn hóa đã được xuất bản, đóng góp cơ sở lý luận quan trọng cho “địa hạt” khá mới mẻ này.
Song song với việc xây dựng lý luận và chính sách, các hoạt động thực tiễn đã được triển khai ở nhiều địa bàn trong và ngoài nước. Các hoạt động ngoại giao văn hóa được thực hiện thông qua việc phổ biến văn hóa, nghệ thuật qua các hoạt động ngoại giao hoặc qua thông tin, truyền thông, hội nghị, hội thảo để hỗ trợ cho công tác đối ngoại và ngoại giao của đất nước. Cụ thể, trong những năm qua, hàng nghìn sự kiện văn hóa đã được tổ chức ở trong và ngoài nước, song hành cùng các hoạt động ngoại giao từ cấp cao nhất đến các hoạt động tại địa phương với nội dung và hình thức đa dạng. Có thể khái lược công tác ngoại giao văn hóa được triển khai thông qua bốn hình thức sau:
Một là, gắn ngoại giao văn hóa với các hoạt động ngoại giao chính trị, như các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các hội nghị cấp cao có sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia hàng đầu thế giới. Từ năm 2007, trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Nhật Bản, các hoạt động ngoại giao văn hóa đã được lồng ghép vào chương trình nghị sự, tạo dấu ấn “mở đường” ấn tượng về chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Việt Nam sang Nhật Bản, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1973. Từ đó, thời gian hơn 10 năm qua đã chứng minh thành công của việc thúc đẩy quan hệ đối ngoại Việt Nam, lồng ghép các chương trình ngoại giao văn hóa. Tính riêng năm 2019, trong các chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới các nước, mục tiêu quảng bá hình ảnh Việt Nam đã được chú trọng và thực hiện thành công bên cạnh các mục tiêu về chính trị và kinh tế.
Hai là, thông qua các hoạt động vận động thế giới, nhất là việc UNESCO công nhận các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam; đồng thời, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài tăng cường quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua các sự kiện văn hóa tiêu biểu và đặc sắc của Việt Nam, nhằm tạo ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam. Trên diễn đàn văn hóa đa phương lớn nhất thế giới UNESCO, các hoạt động ngoại giao văn hóa của Việt Nam đã góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín Việt Nam trên thế giới. Việt Nam đã tăng cường quan hệ hợp tác tốt đẹp với UNESCO trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền. Nổi bật nhất là việc Việt Nam và UNESCO đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác giữa hai bên giai đoạn 2016 - 2020 trên cơ sở tổng kết MOU giai đoạn 2010 - 2015. Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò tích cực, chủ động tại UNESCO thông qua việc đảm nhiệm một số vị trí quan trọng tại các ủy ban chuyên môn của UNESCO, như Phó Chủ tịch Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương (MOWCAP) nhiệm kỳ 2014 - 2018; Phó Chủ tịch Ủy ban Hải dương học khu vực Tây Thái Bình Dương
(IOC/WESTPAC) nhiệm kỳ 2012 - 2015 và Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO thế giới nhiệm kỳ 2011 - 2015...
Hiện nay, Việt Nam đã vận động UNESCO công nhận 28 di sản tại Việt Nam bao gồm: 2 di sản thiên nhiên (Vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng); 5 di sản văn hóa (quần thể di tích Cố đô Huế, Đô thị Hội An, Khu đền tháp Mỹ Sơn, Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ); 1 di sản hỗn hợp (Quần thể danh thắng Tràng An); 13 di sản văn hóa phi vật thể (Nhã nhạc cung đình Huế, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca quan họ Bắc Ninh, Hát ca trù, Hội Gióng, Hát Xoan...); 6 di sản tư liệu (Bia đá các khoa thi tiến sỹ triều Lê và Mạc, Mộc bản triều Nguyễn, Mộc bản Kinh phật Thiền phái Trúc Lâm - Chùa Vĩnh Nghiêm, Châu bản triều Nguyễn, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế, Mộc bản trường học Phúc Giang); 1 công viên địa chất toàn cầu (cao nguyên đá Đồng Văn).
Ngoại giao văn hóa còn góp phần tích cực trong việc nâng cao hiểu biết về Việt Nam trong chính giới và nhân dân các nước trên thế giới. Đặc biệt, việc triển khai đề án “Tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam ở nước ngoài 2010 - 2020” trong những năm qua đã mang lại kết quả hết sức tốt đẹp. Nhiều tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài đã được duy tu, sửa chữa hoặc khánh thành, điển hình như hoàn thành công tác duy tu, sửa chữa tượng đài Bác Hồ ở Ma-đa-ga-xca, Nga, Cu-ba, khánh thành tượng đài Bác Hồ tại Chi-lê, Xin-ga-po... Đề án được đưa vào triển khai diễn ra gần như đồng thời với chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế được Đại hội Đảng lần thứ XI chính thức thông qua, trở thành một thành tố của đường lối, chính sách đối ngoại Việt Nam trong giai đoạn mới.
Ba là, các hoạt động ngoại giao văn hóa tại chỗ thông qua các diễn đàn, các hội nghị, hội thảo quốc tế hoặc các ngày lễ lớn, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước, hướng tới các chính khách và cộng đồng các nước đang công tác và sinh sống tại Việt Nam. Có thể kể đến các hoạt động điển hình, như “Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội” được tổ chức từ năm 2016 đến nay; “Lễ hội ẩm thực văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc” từ năm 2017 đến nay; “Những ngày Mát-xcơ-va tại Hà Nội - 2019”; “Lễ hội văn hóa Việt Nam - Đức - Octoberfest Việt Nam 2019”; Liên hoan ẩm thực quốc tế từ 2014 đến nay; Lễ hội Ném còn ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc từ năm 2014 đến nay; Ngày “Văn hóa các dân tộc Việt Nam” được tổ chức hằng năm... Đặc biệt, việc Việt Nam tổ chức thành công Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2014 và 2019 đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, luôn nỗ lực hành động vì hòa bình, hợp tác và tiến bộ xã hội trên thế giới. Các hoạt động Ngày văn hóa Việt Nam được tổ chức ở nhiều quốc gia trên thế giới, bên cạnh các hoạt động gắn kết cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài cũng dần định hình và đi vào hoạt động, là kênh giới thiệu và giao lưu văn hóa hữu hiệu của Việt Nam tại các nước khác trên thế giới.
Bốn là, tham gia tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả tại các tổ chức, diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)... với việc lồng ghép các hoạt động ngoại giao văn hóa. Trong năm 2019, việc tổ chức tốt Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai tại Hà Nội là cơ hội lớn để Việt Nam thực hiện sứ mệnh của các hoạt động ngoại giao văn hóa của đất nước, là thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam đến cộng đồng quốc tế về sự vươn lên, sẵn sàng của Việt Nam trong việc phát huy hơn nữa vai trò chủ động, tích cực đóng góp vào công việc chung của khu vực và thế giới.
Một số chương trình ngoại giao văn hóa thông qua kênh học giả cũng đóng góp những dấu ấn đặc biệt trong cộng đồng quốc tế. Đáng kể nhất là chuỗi các hội thảo Biển Đông do Học viện Ngoại giao tổ chức, được tiến hành liên tục trong suốt 10 năm qua, góp phần xây dựng nhận thức đúng đắn về vấn đề chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trong khu vực, với sự tham gia có trách nhiệm của nhiều học giả khắp nơi trên thế giới.
Từ các hoạt động này, ngoại giao văn hóa góp phần xây dựng nhận thức sâu đậm trong cộng đồng quốc tế về một đất nước Việt Nam đổi mới thành công. Hay nói cách khác, hình ảnh Việt Nam gắn liền với các cuộc chiến tranh thường xuất hiện trên truyền thông và nhận thức của cộng đồng thế giới trong một thời gian dài trước đây đã dần thay thế bởi hình ảnh một đất nước Việt Nam năng động và đang phát triển mạnh mẽ, bền vững và ổn định trong khu vực. Những năm gần đây, các hoạt động thực tiễn còn cho thấy, Việt Nam còn là một đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Thông điệp đó được thể hiện trong rất nhiều hoạt động chính thức của Đảng và Chính phủ, Bộ Ngoại giao, các tổ chức của Việt Nam.
Hướng tới một thập niên mới
Từ sau khi đất nước được hoàn toàn giải phóng năm 1975, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đất nước năm 1986, chúng ta đã nỗ lực xây dựng đất nước, thay đổi nhận thức của thế giới về Việt Nam. Và bây giờ là thời điểm để xây dựng thông điệp quốc gia, thể hiện những giá trị cốt lõi của đất nước trong thập niên mới. Thương hiệu của một quốc gia thường được nhìn nhận ở sáu khía cạnh nổi bật: Dân số/con người; văn hóa; du lịch; xuất khẩu; sự minh bạch trong quản trị của chính phủ; sự hấp dẫn về đầu tư và nhập cư (12). Do vậy, thông điệp quốc gia cần dựa trên những đặc điểm/thành tựu nổi bật từ những khía cạnh này của đất nước. Về con người, Việt Nam có nguồn lực lao động trẻ dồi dào và đang từng bước được trang bị tri thức, kỹ năng bước vào nền kinh tế tri thức để có thể chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Về du lịch, Việt Nam có nhiều kỳ quan thiên nhiên, đường bờ biển dài với những bãi biển thơ mộng trải dài từ Nam ra Bắc. Về văn hóa, Việt Nam có nền văn hóa truyền thống lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc. Về xuất khẩu, Việt Nam đã có những sản phẩm mang thương hiệu hàng đầu thế giới (như cà phê, gạo, những sản phẩm đặc sắc địa phương, vùng, miền, thậm chí cả một số hàng công nghệ chất lượng cao). Về yếu tố quản trị của chính phủ, đây trở thành một điểm nhấn được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, đặc biệt trong thời gian vừa qua khi Chính phủ Việt Nam chỉ đạo thành công công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (mà cho đến nay, truyền thông khắp thế giới đều thừa nhận Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trong cuộc chiến này). Chính những yếu tố nền tảng đó đang đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn về đầu tư, du lịch... trong thời gian tới. Vì vậy, ngoại giao văn hóa cần chuyển tải được thông điệp quốc gia dựa trên các tiêu chí này. Thông điệp quốc gia cũng cần tái khẳng định việc bảo vệ bản sắc văn hóa và bảo tồn di sản và sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Ngoài ra, thời gian tới cũng sẽ là thời điểm thuận lợi để hướng tới việc đổi mới cách thức tổ chức, triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa Việt Nam trong một thập niên tiếp theo. Đó cũng là nhiệm vụ đặt ra khi xây dựng Chiến lược Ngoại giao văn hóa trong bối cảnh mới. Khi Việt Nam trở thành một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, ngoại giao văn hóa sẽ là “cầu nối” giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, gắn kết các quốc gia, dân tộc, chia sẻ các giá trị tinh hoa văn hóa trên cơ sở tôn trọng sự khác biệt. Ngoại giao văn hóa sử dụng công cụ ngoại giao để tích cực đóng vai trò trung gian hòa giải trong tranh chấp giữa các quốc gia, các khu vực “nóng”, tạo niềm tin, sự thân thiện với các quốc gia khác. Ngoài ra, cũng cần nhận thức rằng việc “tăng cường chất lượng cuộc sống” là một trong những nội dung của chính sách ngoại giao văn hóa. Chất lượng cuộc sống là vấn đề sống còn trong quá trình lập ra các chính sách văn hóa quốc gia.
Trong 10 năm qua, ngoại giao văn hóa gắn liền với hoạt động của thể chế nhà nước, và trong thời gian tới đây, cần huy động mạnh mẽ hơn nữa mọi nguồn lực của xã hội tham gia các hoạt động của ngoại giao văn hóa. Lịch sử mấy nghìn năm của đất nước đã chứng minh rằng, trong bất kỳ hoàn cảnh, thời khắc quan trọng nào của đất nước, việc khơi dậy, huy động nội lực và sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc đều đưa đất nước đi đến thắng lợi. Do đó, phát huy nguồn lực này là một nội dung quan trọng của công tác ngoại giao văn hóa, thông qua đẩy mạnh truyền thông quốc tế, truyền thông xã hội, nhấn mạnh thông điệp về một Việt Nam hòa bình, thân thiện, an toàn và đáng sống, để tăng cường mức độ phủ sóng và nhận diện thương hiệu quốc gia.
Năm 2020 được coi là một bước ngoặt trong triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa - năm nhìn lại tiến trình 10 năm xây dựng và triển khai chính sách, và là năm bản lề cho một thập niên tiếp theo: hướng tới thập niên thứ hai triển khai hoạt động này. Chiến lược ngoại giao văn hóa giai đoạn 2011 - 2020 đã được triển khai và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Ở giai đoạn mới, nội dung, phương thức tổ chức và cách thức thực hiện cũng sẽ cần được đổi mới và phù hợp hơn trong bối cảnh xã hội trong và ngoài nước đang có những đổi thay hằng ngày. Do đó, tiếp cận vấn đề xây dựng chính sách ngoại giao văn hóa trên cơ sở có sự kế thừa nhưng phải sáng tạo, để khi triển khai trong thực tiễn đạt được hiệu quả cao hơn trong thập niên 2021 - 2030./.
------------------------------
(1) J.Nye: Soft Power and American Foreign Policy, Political Science Quarterly, Vol. 119, No. 2, 2004, tr. 255
(2) Nguyễn Thái Yên Hương: Ngoại giao văn hóa Việt Nam: Lý luận và thực tiễn thời kỳ hội nhập, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2011, tr. 2
(3) Bộ Ngoại giao: Ngoại giao văn hóa vì một bản sắc Việt Nam trên trường quốc tế, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2008, tr.123
(4) Bành Tân Lương: Ngoại giao văn hóa và sức mạnh mềm Trung Quốc: một góc nhìn toàn cầu hóa, Nxb. Bắc Kinh, 2008
(5) O. Ka-du-ô: Japan’s Postwar Cultural Diplomacy, Center for Area Studies, 2008, tr. 2
(6) Lê Thị Thu Hằng: “Ngoại giao công chúng trong triển khai một nền ngoại giao Việt Nam toàn diện”, Tạp chí Cộng sản điện tử, http://tapchicongsan.org.vn/web/guest/-oi-ngoai2/-/2018/812605/ngoai-giao-cong-chung-trong-trien-khai-mot-nen-ngoai-giao-viet-nam-toan-dien.aspx, ngày 25-9-2019
(7) Phạm Sanh Châu: “Ngoại giao văn hóa - một trụ cột quan trọng nền ngoại giao toàn diện Việt Nam”, Tạp chí Đối ngoại, số 3-2009
(8) Bộ Ngoại giao: Hội nhập quốc tế và giữ vững bản sắc, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.18
(9) Phạm Thái Việt, Lý Thị Hải Yến: Ngoại giao văn hóa - Cơ sở lý luận, kinh nghiệm quốc tế và ứng dụng, Nxb. Chính trị hành chính, Hà Nội, 2012, tr.77
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 47
(11) Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 14-2-2011, của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020, http://vbpl.vn/bongoaigiao/Pages/vbpq-print.aspx?ItemID=86745;
(12) Rated Ranking: Anholt-GfK Roper Nation Brands Index 2013, https://www.branding-institute.com/rated-rankings/anholt-gfk-roper-nation-brands-index, ngày 15-11-2013
Ngoại giao Việt Nam góp phần kiểm soát, khống chế đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế  (27/08/2020)
Về quan hệ nhân dân Việt Nam - Mỹ  (17/07/2020)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên