Về quan hệ nhân dân Việt Nam - Mỹ
TCCS - Đối ngoại nhân dân là một trong những nội dung quan trọng của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, luôn được Đảng và Nhà nước ta vận dụng thành công trong thực tiễn, trong đó nổi bật là quan hệ nhân dân Việt Nam - Mỹ.
Lịch sử quan hệ nhân dân Việt Nam - Mỹ
Ngay từ những năm 40 của thế kỷ XX, Mặt trận Việt Minh đã có liên hệ với Cơ quan Dịch vụ Chiến lược (Office of Strategic Services - OSS). Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Việt - Mỹ thân hữu Hội được thành lập ngay sau khi nước ta giành được độc lập, vào ngày 17-10-1945, được coi là hội hữu nghị song phương đầu tiên của Việt Nam.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta vẫn tiếp tục tận dụng mọi cơ hội để duy trì quan hệ với nhân dân Mỹ. Cuộc gặp gỡ nhân dân Việt Nam - Mỹ tháng 9-1967 tại Bra-ti-xla-va (Tiệp Khắc) và việc thành lập Ủy ban Việt Nam đoàn kết với nhân dân Mỹ (gọi tắt là Ủy ban Việt - Mỹ) tháng 10-1968 có ý nghĩa rất lớn đối với quan hệ Việt Nam - Mỹ và quan hệ nhân dân hai nước, góp phần định hướng cho sự phát triển của phong trào hòa bình và phản đối chiến tranh tại Việt Nam ngay trong lòng nước Mỹ, tạo thuận lợi cho việc ký kết Hiệp định Pa-ri về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975.
Năm 1992, Ủy ban Việt - Mỹ đổi tên thành Hội Việt - Mỹ, chuyên trách về hoạt động đối ngoại nhân dân giữa hai nước Việt Nam và Mỹ. Hội Việt - Mỹ đã cùng các tổ chức nhân dân Việt Nam tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân ở mọi tầng lớp, góp phần quan trọng vào việc phá thế bao vây, cấm vận, thúc đẩy hòa giải, tăng cường hiểu biết lẫn nhau. Cùng với giao lưu giữa các cựu chiến binh, học giả của hai nước, nhiều tổ chức phi chính phủ Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh, nhất là hậu quả của chất độc da cam/dioxin và bom mìn/vật liệu chưa nổ, các dự án xã hội về xóa đói, giảm nghèo.
Những phát triển quan trọng trong quan hệ nhân dân Việt Nam - Mỹ
Từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 12-7-1995 đến nay, đặc biệt là từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác toàn diện vào tháng 7-2013, quan hệ nhân dân Việt Nam - Mỹ có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hai nước, thể hiện trên những điểm sau:
Thứ nhất, giao lưu nhân dân Việt Nam - Mỹ đã góp phần hiện thực hóa chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, biến “tinh thần” thành “hành động cụ thể”, tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, Hội Việt - Mỹ, thành viên tích cực của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, đã phát triển mạnh mẽ mạng lưới bạn bè, đối tác làm cơ sở cho hợp tác giao lưu hữu nghị, tham gia vào đối thoại, vận động chính trị, đấu tranh dư luận, đối thoại theo kênh nhân dân với Mỹ trên những vấn đề nhạy cảm.
Hội Việt - Mỹ đã tăng cường quan hệ với các tổ chức hòa bình, cánh tả tiến bộ ở Mỹ, các nhóm ủng hộ và kêu gọi đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam, một số tổ chức cựu chiến binh ở Mỹ, trong đó có các tổ chức lớn, có uy tín và ảnh hưởng đối với chính quyền ở Mỹ, như “Cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam” (The Vietnam Veterans of America, Inc. - VVA), “Quỹ Tưởng niệm Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam” (The Vietnam Veterans Memmorial Fund - VVMF), “Quỹ Cựu chiến binh Chiến tranh Việt Nam” (The Vietnam Veterans of America Foundation - VVAF), “Cựu chiến binh vì Hòa bình” (The Veterans For Peace - VFP), “Cựu chiến binh các cuộc chiến tranh ở nước ngoài” (The Veterans of Foreign Wars of the United States - VFW), “Liên đoàn Cựu binh Mỹ” (The American Legion)... là các tổ chức tiêu biểu đi đầu trong quá trình vận động hòa giải, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau, bình thường hóa và phát triển quan hệ Việt Nam - Mỹ. Thông qua hợp tác với tổ chức “Sức mạnh Hữu nghị quốc tế” (The Friendship Force International - FFI), Hội thiết lập quan hệ với hơn 50 câu lạc bộ Sức mạnh hữu nghị (Friendship Force Club) thành viên ở Mỹ và hàng chục câu lạc bộ Sức mạnh hữu nghị ở nhiều nước trên thế giới, đón hàng chục đoàn vào tìm hiểu Việt Nam, triển khai phương thức “ở nhà dân” (homestay) cho một số đoàn học sinh, sinh viên Mỹ tại Hà Nội và một số địa phương, được phía Mỹ đánh giá cao. Hội đã cử nhiều đoàn “Sứ giả hữu nghị Việt Nam” (Friendship Force Ambassador) tới thăm tìm hiểu và giao lưu với nhân dân Mỹ.
Chương trình trao đổi đoàn giữa Hội Việt - Mỹ với “Hội đồng các lãnh đạo chính trị trẻ Mỹ” (The American Council of Young Political Leaders - ACYPL) từ năm 1996, tiếp tục được triển khai, có kết quả tích cực, giúp các thành viên tham gia với độ tuổi dưới 40 là các nhà lãnh đạo trẻ trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội hiểu biết thêm và chia sẻ kinh nghiệm về hệ thống chính trị, công quyền, quá trình hoạch định chính sách ở mỗi nước.
Hội có quan hệ với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, trường trung học Mỹ, đón nhiều đoàn học giả, giáo sư, sinh viên Mỹ vào tìm hiểu lịch sử, văn hóa, đất nước, con người Việt Nam, tìm hiểu lịch sử quan hệ Việt Nam - Mỹ, trong đó có quan hệ nhân dân hai nước, kết hợp lao động tình nguyện và hỗ trợ tại các cơ sở nhân đạo. Từ năm 2015, Hội đã thiết lập quan hệ với tổ chức “Dự án hai phía” (2 Side Project - 2SP) với hoạt động giao lưu hữu nghị, hòa giải sâu sắc, đầy chất nhân văn giữa con em của các tử sĩ/binh sĩ Mỹ mất tích với con em của các liệt sỹ Việt Nam.
Nhiều người Mỹ, trong đó có các cựu chiến binh, nghị sỹ... sau khi thăm Việt Nam, được chứng kiến những hậu quả nặng nề của chiến tranh mà sau gần nửa thế kỷ qua người dân Việt Nam vẫn đang phải chịu đựng, đã nhận thức rõ tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh mà Mỹ đã gây ra ở Việt Nam, từ đó đi đến những quyết định cá nhân của mình là cần làm gì đó để đóng góp vào việc khắc phục hậu quả chiến tranh và sự phát triển của Việt Nam cũng như quan hệ hai nước.
Một số học giả, nhà nghiên cứu, phóng viên báo chí đến Việt Nam lấy tư liệu viết sách, báo, làm phim, ảnh đã phản ảnh trung thực, khách quan về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam và hậu quả của nó, cũng như thành tựu và khó khăn của Việt Nam trong phát triển, xây dựng đất nước.
Cảm kích trước tấm lòng vị tha, hào hiệp của nhân dân Việt Nam trong việc giúp tìm kiếm hài cốt của binh lính Mỹ mất tích trong khi bao người mẹ, người vợ và gia đình Việt Nam chưa tìm ra dấu tích của người thân đã hy sinh, ngày càng có thêm nhiều cựu binh Mỹ và gia đình tới Việt Nam, mang theo hàng trăm hồ sơ, tài liệu, kỷ vật chiến trường để trao cho các cơ quan chức năng, gia đình liệt sỹ hoặc các bảo tàng của Việt Nam, giúp tìm kiếm hài cốt của bộ đội ta hy sinh, mất tích trên các chiến trường năm xưa.
Thứ hai, sự ủng hộ, viện trợ của nhiều tổ chức phi chính phủ Mỹ trong việc xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh. Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ với trên 1.000 tổ chức phi chính phủ nước ngoài mà 1/3 trong số đó đến từ Mỹ, với giá trị giải ngân đạt khoảng 300 triệu USD/năm, hoạt động trải rộng trên hầu hết các lĩnh vực. Theo thống kê, hiện có 159 tổ chức phi chính phủ Mỹ đang hoạt động thường xuyên tại Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, phát triển kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh. Giá trị viện trợ của các tổ chức phi chính phủ Mỹ luôn chiếm từ 45% - 50% tổng giá trị viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, và tăng dần qua từng năm (trung bình đạt hơn 100 triệu USD/năm). Có thể nói, các tổ chức phi chính phủ Mỹ là một trong những tổ chức hàng đầu trong hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng và kỹ thuật cho ngành y tế của Việt Nam.
Với đặc thù hoạt động chuyên nghiệp, trên quy mô lớn, đạt giá trị giải ngân cao, cam kết lâu dài, phối hợp hiệu quả với các đối tác Việt Nam, nhóm các tổ chức phi chính phủ Mỹ đóng vai trò quan trọng trong số các nước có viện trợ phi chính phủ cho Việt Nam. Trong quá trình bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Mỹ, nhiều tổ chức phi chính phủ Mỹ đã có vai trò tích cực, tiên phong trong việc góp phần “phá băng” quan hệ hai nước, mở ra kênh giao lưu nhân dân thiết thực, hiệu quả. Tổ chức phi chính phủ Mỹ đã hỗ trợ rất hiệu quả để Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh thông qua các dự án toàn diện về khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, nâng cao nhận thức của xã hội về người khuyết tật,... mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, thúc đẩy phát triển cộng đồng và tăng cường kỹ năng quản lý cho nhiều cơ quan, tổ chức của Việt Nam.
Hoạt động của tổ chức phi chính phủ Mỹ đã trở thành một hình thức ngoại giao nhân dân đặc biệt. Bên cạnh hiệu quả về kinh tế - xã hội, các dự án của tổ chức phi chính phủ Mỹ đã đóng góp đáng kể vào việc nâng cao hiểu biết và mở rộng quan hệ giữa nhân dân hai nước, đồng thời thúc đẩy quá trình bình thường hóa quan hệ hai nước trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp công việc nội bộ của nhau và hợp tác bình đẳng vì lợi ích chung.
Thứ ba, đóng góp vào việc tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực như: Vận động phía Mỹ hỗ trợ kỹ thuật giúp Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), không áp dụng thuế chống bán phá giá đối với một số mặt hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ; kết nối thúc đẩy giao lưu văn hóa, nghệ thuật, tham quan, du lịch Việt Nam, cũng như trao đổi thông tin, tìm cơ hội hợp tác, kinh doanh giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa của hai nước.
Thứ tư, tích cực triển khai kênh đối thoại không chính thức về nhân quyền, tôn giáo với Mỹ, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thông qua kênh nhân dân vận động để phía Mỹ không thông qua các dự luật, nghị quyết sai trái về Việt Nam. Chúng ta đã đón nhiều đoàn của Viện Liên kết toàn cầu (The Institute for Global Engagement - IGE), một tổ chức phi chính phủ về tôn giáo vào tìm hiểu tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam; phối hợp mở các khóa tập huấn về chính sách tôn giáo, tọa đàm, hội thảo quốc tế về tôn giáo và pháp quyền, với sự tham gia của nhiều học giả, nhà nghiên cứu, chức sắc tôn giáo, nhà hoạt động xã hội.
Thứ năm, với nhiều hình thức chia sẻ, trao đổi thông tin, chúng ta đã kịp thời thông tin với bạn bè, đối tác Mỹ về tình hình Biển Đông, chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông và lập trường chính nghĩa của Việt Nam. Nhiều bạn bè, đối tác của Hội Việt - Mỹ đã lên tiếng bày tỏ ủng hộ quan điểm của Việt Nam.
Quan hệ nhân dân Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới
Bối cảnh tình hình quốc tế hiện nay đang diễn biến rất phức tạp và khó lường, thuận lợi và thách thức đan xen. Cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở châu Á - Thái Bình Dương. Tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh ở khu vực và chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Việt Nam đang trong quá trình phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần môi trường hòa bình, ổn định, huy động được nguồn lực vốn, công nghệ, tri thức và sự ủng hộ quốc tế để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quan hệ giữa hai nước Việt Nam và Mỹ trong khuôn khổ “đối tác toàn diện” đang phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Trong 10 năm tới, quan hệ nhân dân Việt Nam - Mỹ cần được đẩy mạnh hơn nữa, tương xứng với tiềm năng của hai nước, với mục tiêu là huy động được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân Mỹ đối với sự phát triển ổn định và vững mạnh của Việt Nam, ủng hộ tăng cường quan hệ Việt Nam - Mỹ, ủng hộ các nỗ lực duy trì hòa bình, ổn định, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Quan hệ nhân dân Việt Nam - Mỹ mà hai nước hướng tới sẽ có những đặc điểm sau:
Quan hệ mở rộng, bên cạnh việc tăng cường quan hệ với các đối tác truyền thống và các đối tác đã có, thiết lập quan hệ rộng rãi với các tổ chức nhân dân đại diện cho các tầng lớp nhân dân Mỹ, có ảnh hưởng trong xã hội và chính trường Mỹ, các cộng đồng dân cư, đặc biệt là cộng đồng người Mỹ gốc Việt Nam và giới trẻ.
Quan hệ toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật.
Quan hệ có chiều sâu và hiệu quả thiết thực góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại, tháo gỡ, giải tỏa các vướng mắc, rào cản trong quan hệ hai nước.
Quan hệ chân thành, tin cậy: Hòa giải sâu sắc, tăng hiểu biết và tăng sự tin cậy giữa nhân dân hai nước.
Để tầm nhìn này trở thành hiện thực, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân, phát huy vai trò, thế mạnh đặc thù của đối ngoại nhân dân. Đối ngoại nhân dân có dư địa lớn, có thể chủ động với những bước đi linh hoạt, gia tăng tiếp xúc, đối thoại để xây đắp tình hữu nghị sâu sắc với nhân dân Mỹ, từng bước hóa giải bất đồng, đặc biệt là trong các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo và một số quan tâm của cộng đồng người Mỹ gốc Việt Nam.
Thời gian tới, chúng ta cần tăng cường lực lượng của Hội Việt - Mỹ và các hội thành viên ở các địa phương, thu hút sự tham gia của giới doanh nghiệp, học giả, các nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử, sinh viên, học sinh, để thiết lập mạng lưới quan hệ, kết nối giữa các tổ chức nhân dân trong nước với các cá nhân, tổ chức nhân dân Mỹ và người Việt Nam tại Mỹ. Quan tâm làm sâu sắc hơn hợp tác với các tổ chức hòa bình, cánh tả, các tổ chức phi chính phủ, thiện nguyện tích cực của Mỹ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, đường lối tấn công vào lòng người, chinh phục bằng đạo lý, chuyển hóa bằng nhân tình, thuyết phục lòng người để nhân lên sức mạnh của chính nghĩa. Tăng cường hiểu biết về nhu cầu, lợi ích của nhau, giải quyết cơ bản những hậu quả của quá khứ và những vấn đề còn tồn tại, gia tăng lòng tin giữa người dân hai nước sẽ là cơ sở cho quan hệ hai nước phát triển lên mức cao hơn, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước Việt Nam và Mỹ, góp phần củng cố hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới./.
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam