Ngoại giao Việt Nam góp phần kiểm soát, khống chế đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế
TCCS - Đại dịch COVID-19 được cho là xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm 2019 và nhanh chóng lan rộng ra toàn cầu, gây ra những hậu quả chưa từng có trong lịch sử nhân loại, nhất là về tính mạng con người và sự suy thoái kinh tế nghiêm trọng trên toàn thế giới. Trong khi vắc-xin phòng bệnh chưa được sản xuất hàng loạt thì các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh và phục hồi kinh tế, ổn định xã hội liên tục được các chính phủ thực hiện. Ngoại giao Việt Nam đã phát huy vai trò hết sức nhanh nhạy trong việc kết nối, chia sẻ thông tin, cộng hưởng sức mạnh để phòng, chống COVID-19 hiệu quả, đồng thời tích cực tạo môi trường hòa bình, an toàn và ổn định để phục hồi phát triển kinh tế ở Việt Nam.
Ngoại giao Việt Nam góp phần kiểm soát, đẩy lùi và không chế dịch bệnh, giữ vững ổn định xã hội
Do có chung đường biên giới khá dài với Trung Quốc, nơi khởi phát dịch bệnh, nên Việt Nam phải chịu rất nhiều tác động từ đại dịch này. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đã chủ động đưa ra các biện pháp kịp thời để phát hiện nguồn phát dịch bệnh, khoanh vùng cách ly và từng bước kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh với phương châm lấy sự an toàn tính mạng của người dân là mục tiêu hàng đầu. Ngoại giao Việt Nam đã chủ động và thực hiện hiệu quả sự chỉ đạo tổng thể, xuyên suốt của Chính phủ, nắm bắt kịp thời các diễn biến của dịch bệnh ở trong và ngoài nước, tuyên truyền để nhân dân trong nước và kiều bào trên toàn thế giới hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, chủ trương và chính sách của Đảng và Chính phủ, từ đó, yên tâm, tin tưởng thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nhất, bảo vệ tính mạng bản thân, gia đình và đồng bào.
Theo đó, ngoại giao Việt Nam đã đưa ra các giải pháp, khuyến nghị trong phòng, chống dịch COVID-19, tích cực thuyết phục nhân dân đồng sức, đồng lòng thực hiện sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ với quan điểm thống nhất và xuyên suốt là “chống dịch như chống giặc”; “khóa chặt nguy cơ lây bệnh từ bên ngoài, kiên quyết cách ly, tập trung khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, chữa trị hiệu quả” và “chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt sức khỏe, tính mạng của người dân” (1). Tính đến ngày 6-8-2020, Việt Nam đã tổ chức hơn 80 chuyến bay, đưa về nước hơn 21 nghìn công dân từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ (2).
Để phục hồi, phát triển nền kinh tế trong nước và bảo đảm an sinh xã hội, Chính phủ Việt Nam đưa ra 3 nhóm giải pháp với 33 nhiệm vụ cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và một số giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là vốn đầu tư công (3). Nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch được triển khai như “các gói hỗ trợ về tiền tệ khoảng 300.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ về tài khóa khoảng 180.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ an sinh xã hội trên 62.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ giá điện 12.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ viễn thông 15.000 tỷ đồng và miễn giảm khoảng 20.000 tỷ đồng các loại thuế, phí, lệ phí cho doanh nghiệp, người dân,…” (4). Đồng thời, Chính phủ tổ chức hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn với các doanh nghiệp và đưa ra 5 mũi “giáp công” để phục hồi nền kinh tế, đó là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy đầu tư công, khuyến khích tiêu dùng nội địa và thu hút FDI. Các vùng kinh tế trọng điểm phải đi đầu trong phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, “đề cao trách nhiệm trong phát triển kinh tế vùng,… thực sự tận tâm, tận lực vì sự phát triển của cả vùng, của đất nước và từng địa phương” (5).
Cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi kinh tế tại Việt Nam cần có sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và nhân dân trong nước cùng với kiều bào ta ở nước ngoài. Do đó, sự đồng hành và phối hợp chặt chẽ cùng quyết tâm cao của ngành ngoại giao và Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn với tinh thần “biến nguy cơ thành thời cơ” là vô cùng quan trọng. Ngay từ giai đoạn đầu khi dịch bệnh xuất hiện cho đến nay, ngoại giao Việt Nam đã phát huy hết sức mình, thông tin đầy đủ và tuyên truyền hiệu quả tới người dân trong và ngoài nước, làm cầu nối giữa Đảng và Nhà nước, với nhân dân, góp phần tạo niềm tin trong nhân dân về các biện pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy sự hợp tác của người dân đồng lòng, cộng hưởng sức mạnh với Nhà nước, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế.
Tính đến ngày 24-8-2020, Việt Nam có 1.016 ca nhiễm COVID-19, chữa khỏi 577 người, đang điều trị 411 người và tử vong 27 người. Tâm dịch tại Đà Nẵng, Quảng Nam và một số tỉnh, thành phố đã được kiểm soát. Đây được ghi nhận là những kết quả quan trọng, thể hiện sự thống nhất ý chí, hành động, sự đồng lòng, chung tay ủng hộ, sức mạnh đại đoàn kết, truyền thống yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái của nhân dân Việt Nam.
Việt Nam tích cực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ và giúp đỡ quốc tế, tạo ra môi trường đầu tư ổn định trong nước
Với tinh thần quốc tế cao cả được kế thừa từ truyền thống lịch sử, Chính phủ và nhân dân Việt Nam mặc dù đang còn nhiều khó khăn, nhưng đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, hợp tác, chia sẻ với 20 quốc gia, tổ chức quốc tế (6). Thực hiện phương châm “Giúp bạn là tự giúp mình”, Việt Nam đã tặng "hai nước Lào, Campuchia các trang thiết bị y tế gồm quần áo bảo hộ, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, hệ thống xét nghiệm cùng bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2, trị giá hơn 7 tỷ đồng cho mỗi nước" (7); đồng thời tặng Indonesia 500 dụng cụ xét nghiệm, Myanmar 50.000 USD để chung sức phòng, chống COVID-19; dành tặng Đảng, Nhà nước và nhân dân Cuba 5.000 tấn gạo. Ngay khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã tặng Đảng, Chính phủ, nhân dân Trung Quốc vật tư, trang thiết bị y tế gồm máy thở, quần áo sát khuẩn, găng tay, khẩu trang y tế với tổng trị giá 500.000 USD. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp hỗ trợ nhân dân Trung Quốc số vật tư y tế trị giá 100.000 USD để phòng, chống dịch” (8) …
Đối với các đối tác chiến lược, bạn bè truyền thống, Việt Nam đã dành một phần nguồn lực của mình giúp đỡ Chính phủ các nước Nhật Bản, Nga, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha và Anh, Hoa Kỳ, Thụy Điển… phòng, chống dịch COVID-19. Số hàng hỗ trợ gồm khẩu trang, vải kháng khuẩn chống giọt bắn, quần áo bảo hộ DuPont do Việt Nam tự sản xuất, giúp các nước có thêm phương tiện bảo vệ sức khỏe cho người dân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng Văn phòng Tổng thống Liên bang Nga, Văn phòng Nội các Nhật Bản, Văn phòng Nhà Trắng (Hoa Kỳ) mỗi nơi 50.000 khẩu trang y tế (9).
Về phương diện kết nối và hợp tác quốc tế, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, Việt Nam đã cùng Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand tiến hành điện đàm không chính thức “cùng các nước tập trung cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước, tại khu vực và trên thế giới; chia sẻ kinh nghiệm và biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng như các hình thức hợp tác hiệu quả trong công tác bảo hộ công dân, cung ứng trang thiết bị y tế, phối hợp trong các hình thức viện trợ nhân đạo, duy trì giao thông và giao thương cũng như việc tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mở cửa và hồi phục nền kinh tế hậu COVID-19” (10).
Việt Nam đã tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao tích cực như: Chủ tịch Quốc hội gửi thư tới các nghị viện thành viên Hội đồng Liên nghị viện ASEAN (AIPA) kêu gọi chung tay chống dịch COVID-19; với cương vị Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Tuyên bố Chủ tịch ASEAN, khẳng định quyết tâm và cam kết chính trị ở mức cao của ASEAN để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh; chủ trì Hội đồng điều phối ASEAN để trao đổi về các biện pháp phối hợp và hợp tác trong ASEAN cũng như với các đối tác để ứng phó dịch bệnh; tổ chức Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ với chủ đề hợp tác quốc tế phòng, chống dịch COVID-19; khởi động cơ chế ứng phó dịch bệnh khẩn cấp của khu vực ASEAN và với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3); tham gia Hội nghị Thượng đỉnh G20, Hội nghị cấp cao trực tuyến phong trào không liên kết về phòng, chống dịch bệnh…
Như vậy, trong điều kiện còn khó khăn nhiều mặt, Việt Nam vừa phải lo chống dịch, vừa lo ổn định kinh tế, đồng thời trong khả năng của mình đã nỗ lực hỗ trợ, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và những vật tư y tế cần thiết, khan hiếm để nhân dân các nước trên thế giới phòng, chống dịch. Điều đó đã nhận được sự cảm kích của nhiều nước trên thế giới, “77 tổ chức phi chính phủ nước ngoài và trung tâm dữ liệu phi chính phủ nước ngoài, liên hiệp hữu nghị gửi thư chung bày tỏ sự biết ơn, đánh giá và ủng hộ các biện pháp chống dịch COVID-19 hiệu quả của Chính phủ Việt Nam” (11).
Ngoại giao góp phần phục hồi, phát triển kinh tế
Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra nhiều tổn thất nền kinh tế Việt Nam. GDP 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011 - 2020.
Trong bối cảnh đó, ngoại giao Việt Nam xác định thực hiện “mục tiêu kép” vừa quyết liệt phòng, chống dịch bệnh, vừa duy trì và phát triển các hoạt động ngoại giao nhà nước trên tất cả các lĩnh vực, nhất là ngoại giao kinh tế, nhằm góp phần giữ vững ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế. Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin kịp thời cho các phóng viên trong nước và quốc tế hiểu rõ về các biện pháp của Việt Nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, khẳng định: “Mặc dù dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp ở nhiều nước trên thế giới và khu vực, nhưng với việc thực hiện quyết liệt các biện pháp hiệu quả trong phòng, chống dịch, đến nay, Việt Nam cơ bản đã kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Đây là một cơ sở rất quan trọng để củng cố niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với Việt Nam” (12).
Yêu cầu đặt ra cho ngoại giao Việt Nam là đồng hành cùng Chính phủ hóa giải các nguy cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo ra những cơ hội phát triển mới cho đất nước; tận dụng lợi thế sớm kiểm soát được dịch bệnh, nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam. Bộ Ngoại giao phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách, biện pháp phục hồi kinh tế trong và sau khủng hoảng COVID-19 như bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, giao thương hàng hóa, dịch vụ trong nước cũng như giữa Việt Nam với nước ngoài; tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm thủ tục, chi phí cho doanh nghiệp, phát triển kết cấu hạ tầng, logistics…; tích cực triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác; hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài đều bày tỏ sự tin tưởng, coi Việt Nam là điểm đến an toàn, có nhiều lợi thế để đón các làn sóng đầu tư, nhất là tập trung vào các lĩnh vực mà các tập đoàn quốc tế có xu hướng chuyển dịch về Việt Nam là công nghệ thông tin và công nghệ cao, thiết bị điện tử; thương mại điện tử; logistics; hàng tiêu dùng và hàng bán lẻ.
Đại dịch COVID-19 tác động lớn đến toàn thế giới, trong đó Việt Nam cũng gánh chịu không ít những khó khăn, thách thức. Ngoại giao Việt Nam đã góp phần quan trọng vào thành công trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và phục hồi kinh tế đất nước, giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo lập môi trường hòa bình để tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Những thành công đó của ngành ngoại giao Việt Nam góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân trong nước và thế giới đối với Đảng, Chính phủ Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc để phục hồi và phát triển đất nước./.
----------------------------
(1) Trung tá, TS Hà Sơn Thái: “Chống dịch như chống giặc”, http://dangcongsan.vn/tieu-diem/chong-dich-nhu-chong-giac-551842.html, ngày 3-6-2020
(2) Việt Nam đã đưa về nước 21 ngàn công dân vì dịch COVID-19, https://plo.vn/dich-covid-19/viet-nam-da-dua-ve-nuoc-21-ngan-cong-dan-vi-dich-covid19-929579.html, ngày 6-8-2020
(3) Nguyễn Đức: 3 nhóm giải pháp, 33 nhiệm vụ để tháo gỡ khó khăn, vực dậy nền kinh tế, https://baodautu.vn/3-nhom-giai-phap-33-nhiem-vu-de-thao-go-kho-khan-vuc-day-nen-kinh-te-d119831.html, ngày 3-6-2020
(4) TS. Nguyễn Minh Phong: Động lực mới cho nền kinh tế thời hậu COVID-19, http://baochinhphu.vn/Kinh-te/Dong-luc-moi-cho-nen-kinh-te-thoi-hau-COVID19/395336.vgp, ngày 3-6-2020
(5) Đức Tuân: Thủ tướng: Vùng kinh tế trọng điểm phải đi đầu phục hồi phát triển kinh tế sau dịch, http://baochinhphu.vn/Phuc-hoi-nen-kinh-te/Thu-tuong-Vung-KTTD-phai-di-dau-phuc-hoi-phat-trien-kinh-te-sau-dich/396548.vgp, ngày 3-6-2020
(6) Báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, http://baochinhphu.vn/Cac-bai-phat-bieu-cua-Thu-tuong/Bao-cao-cua-Chinh-phu-tai-phien-khai-mac-ky-hop-thu-9-Quoc-hoi-khoa-XIV/396026.vgp, truy cập ngày 3-6-2020
(7), (8), (9), Việt Nam tích cực hỗ trợ các quốc gia phòng, chống đại dịch COVID-19, http://danvan.vn/Home/Phong-chong-dich-viem-duong-ho-hap-cap-do-chung-moi-cua-virus-corona-Covid-19/11825/Viet-Nam-tich-cuc-ho-tro-cac-quoc-gia-phong-chong-dai-dich-COVID-19, ngày 3-6-2020
(10) Gia Huy: Trao tặng vật tư y tế hỗ trợ Nhật Bản, Hoa Kỳ, Nga, http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Trao-tang-vat-tu-y-te-ho-tro-Nhat-Ban-Hoa-Ky-Nga/393242.vgp, ngày 3-6-2020
(11) Ngọc Vân, Bạn bè nước ngoài cảm ơn Việt Nam bảo vệ cộng đồng trước COVID-19, https://laodong.vn/the-gioi/ban-be-nuoc-ngoai-cam-on-viet-nam-bao-ve-cong-dong-truoc-covid-19-802203.ldo, ngày 3-6-2020
(12) Phát biểu của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng liên quan đến câu hỏi đề nghị cho biết các biện pháp của Việt Nam nhằm thu hút đầu tư nước ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/tt_baochi/pbnfn/ns200514165859, ngày 3-6-2020
Sở Y tế Hà Nội: Vinmec là bệnh viện an toàn nhất trong đợt kiểm tra phòng dịch COVID-19  (25/08/2020)
MB đồng hành cùng tỉnh Quảng Nam chống dịch COVID-19  (20/08/2020)
Ngân hàng Quân đội đồng hành cùng ngành ngân hàng hỗ trợ thành phố Đà Nẵng chống dịch COVID-19  (20/08/2020)
Lựa chọn gói kích thích kinh tế phù hợp cho năm 2020  (19/08/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên