TCCS - Luận cứ về chính sách kích thích kinh tế cần được xây dựng dựa trên chiêm nghiệm lịch sử, phân tích, đánh giá hiện tại và tầm nhìn tương lai. Hiện tại, Việt Nam có cần một gói kích thích kinh tế nữa hay không? Nếu có thì sẽ như thế nào? Đâu là trọng tâm và trật tự ưu tiên của gói kích thích năm 2020? Câu trả lời phần nào được tìm thấy sau khi so sánh thực trạng kinh tế quý I và quý II-2009 với quý I và quý II-2020.
Khủng hoảng kinh tế toàn cầu xuất hiện từ đầu năm 2008 và chính thức bùng nổ vào cuối quý III-2008 với sự kiện phá sản của ngân hàng Leman Brother ngày 15-9-2008. Nhằm ứng phó với khủng hoảng này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP, ngày 11-12-2008,“Về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội”. Tuy nhiên, các mục tiêu kinh tế của Việt Nam đặt ra cho năm 2009 vẫn khá cao, với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) là 6,5%, xuất khẩu tăng 13%, đầu tư toàn xã hội đạt 39,5% GDP, lạm phát dưới 15%, thâm hụt ngân sách nhà nước (NSNN) 4,82% GDP. Đến hết quý I-2009, khi so với cùng kỳ, tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 3,1%, xuất khẩu chỉ tăng 2,4% (nếu loại trừ 2,3 tỷUSD tái xuất vàng thì kim ngạch xuất khẩu giảm tới 15%), vốn đầu tư tuy tăng 9%, song vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại giảm tới 32%. Tuy vậy, đến nửa cuối tháng 6-2009, chúng ta mới điều chỉnh các mục tiêu kinh tế cơ bản trong bối cảnh đã triển khai thực hiện gói kích cầu từ đầu tháng 2-2009.
Tương tự năm 2009, tăng trưởng kinh tế quý I-2020 giảm mạnh còn 3,82% do tác động của dịch bệnh và sang quý II-2020 thậm chí còn có 0,36% - mức tăng theo quý thấp nhất kể từ khi công bố chỉ số này đầu năm 2006 - ngược với quý II-2009 khi GDP phục hồi ngay lên 4,5% và trên 6% vào hai quý cuối năm 2009. Bên cạnh đó, đến đầu tháng 7-2020 vẫn không điều chỉnh các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả năm như GDP tăng trưởng 6,8% và CPI tăng dưới 4% hay kim ngạch xuất khẩu tăng 8% và tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ 33% đến 34%GDP.
Đối phó với tác động của đại dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg, ngày 4-3-2020, “Về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19”; sau đó Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP, ngày 9-4-2020, “Về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19”. Tuy nhiên, GDP quý II-2020 lại tạo đáy mới và triển vọng tăng trưởng hai quý còn lại cũng như cả năm 2020 vẫn còn khó khăn, theo đó cần xem xét sớm ban hành một gói kích thích kinh tế mới đủ liều lượng và đúng trọng tâm, trọng điểm để vực dậy nền kinh tế, vừa tránh tạo ra đáy tăng trưởng mới, vừa không rơi vào mô hình tăng trưởng nhiều đáy.
Nếu trong GDP quý I-2009, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,4%, còn khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,5%,song khu vực dịch vụ vẫn tăng 5,4%,thì trong GDP quý II-2020 khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,72% và khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,38%, nhưng khu vực dịch vụ lại giảm 1,76%. Như vậy, nếu năm 2009, khu vực dịch vụ là cứu cánh cho tăng trưởng kinh tế thì ngược lại, đến năm 2020, khu vực dịch vụ lại chịu tác động nặng nề nhất, theo đó chính khu vực dịch vụ (chiếm trên 42%GDP) cần hỗ trợ nhiều nhất để vượt qua khó khăn và phục hồi tăng trưởng.
Quý I-2009, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 13,5 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,6 tỷ USD, tăng tới 40,3% còn khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)(trừ dầu thô) đạt 4,5 tỷ USD, giảm 13%. Tuy nhiên, nếu không tính lượng vàng xuất khẩu thì kim ngạch hàng hóa xuất khẩu quý I-2009 đạt 11,2 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ năm trước. Quý II-2020, kim ngạch xuất khẩu đạt 57,98 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 121,21 tỷ USD, giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 41,38 tỷ USD, tăng 11,7%, còn khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 79,83 tỷ USD, giảm 6,7%. Như vậy là xuất khẩu cũng chịu tác động mạnh song mức độ thiệt hại thấp hơn nhiều so với năm 2009, theo đó kích thích xuất khẩu là cần thiết nhưng mức độ hỗ trợ cần điều chỉnh hợp lý và đặc biệt cần dự báo khả năng phục hồi của các thị trường xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong kết nối kinh tế trong nước với thị trường quốc tế, cả cung cấp máy móc thiết bị lẫn nguyên, nhiên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước cũng như tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Thực tế, quý II-2020, kim ngạch nhập khẩu đạt 57,68 tỷ USD, giảm 9,1% so với cùng kỳ năm trước và tính chung 6 tháng đầu năm 2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 117,17 tỷ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 51,55 tỷ USD, tăng 0,1%; khu vực FDI đạt 65,62 tỷ USD, giảm 5,4%. Trong khi đó, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu quý I-2009 chỉ đạt 11,8 tỷ USD, giảm tới 45% so với cùng kỳ năm 2008, bao gồm khu vực kinh tế trong nước đạt 7,5 tỷ USD, giảm 50,4%; khu vực FDI đạt 4,3 tỷ USD, giảm 32,4%. Rõ ràng, thương mại chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn 10 năm trước nặng nề hơn rất nhiều so với tác động của đại dịch COVID-19.
Vốn đầu tư thực hiện quý I-2009 theo đánh giá thực tế tăng 9% so với cùng kỳ năm trước; bao gồm vốn khu vực Nhà nước đạt 57,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 49,3% tổng số vốn thực hiện và tăng 20%; vốn khu vực ngoài Nhà nước đạt 39,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 34,1% và tăng 30%; vốn FDI đạt 19,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,6% và giảm 32%. Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý II-2020 theo giá hiện hành ước tính đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực Nhà nước tăng 7,8%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 4,9%; khu vực có vốn FDI giảm 2,4%. Như vậy là mặc dù có điểm chung là sụt giảm đầu tư nước ngoài song mức độ nghiêm trọng trong quý II-2020 thấp hơn nhiều so với quý I-2009. Hơn nữa, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2020 đang đứng trước cơ hội lớn từ dịch chuyển dòng vốn FDI do tác động của đại dịch COVID-19. Trong khi đó, mặc dù vẫn tăng song với tốc độ thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng quý I-2009 nên trọng tâm của kích thích kinh tế và đầu tưnăm 2020 không phải là khu vực FDI mà chính là khu vực ngoài Nhà nước, đặc biệt là khi khu vực kinh tế tư nhân đã được xác định là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Tăng đầu tư công là cần thiết song tăng đầu tư của khu vực kinh tế ngoài Nhà nước còn quan trọng hơn vì đó mới thật sự là cứu cánh vững chắc nhất và hiệu quả nhất cho phục hồi và vượt qua đáy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước cần được ưu đãi hỗ trợ đến mức cao nhất về vốn tín dụng, về thuế phí nói riêng và về điều kiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung.
Gói kích thích kinh tế năm 2009 còn được gọi là gói kích cầu do tập trung vào tăng đầu tư, chủ yếu là tăng đầu tư công bù đắp thiếu hụt từ đầu tư nước ngoài đi đôi với ưu đãi hỗ trợ đầu tư trong nước thông qua giảm lãi suất tín dụng ngân hàng và ưu đãi thuế mà không đặt trọng tâm vào kích cầu tiêu dùng do tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý I-2009 vẫn tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2008, trong đó kinh doanh thương nghiệp tăng 23,5%; khách sạn, nhà hàng tăng 15,8%; du lịch tăng 16,8%; dịch vụ tăng 13,5%. Tuy nhiên, do lạm phát cao nên nếu loại trừ yếu tố giá thì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 6,5%, thấp hơn mức tăng 11% của cùng kỳ năm 2008. Sang quý II-2020, so với quý trước và so với cùng kỳ năm 2019,tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng không những không tăng mà còn giảm 5,8% và giảm 4,6%, trong đó,doanh thu bán lẻ hàng hóa giảm 4% và tăng 1,2%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 14% và giảm 26,1%; doanh thu du lịch lữ hành giảm 68,2% và giảm 77,8%; doanh thu dịch vụ khác giảm 7,5% và giảm 14,4%.Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 5,3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%).
Khách quốc tế đến nước ta quý I-2009 đạt 992,2 nghìn lượt người, giảm 16,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến với mục đích du lịch, nghỉ dưỡng là 600,5 nghìn lượt người, giảm 18,9%; đến vì công việc là 162,5 nghìn lượt người, giảm 25,8%; thăm thân nhân là 164 nghìn lượt người, giảm 1%. Khách đến bằng đường hàng không là 856 nghìn lượt người, giảm 9,8% so với cùng kỳ năm 2008; đến bằng đường biển là 17,9 nghìn lượt người, giảm 59,2%; đến bằng đường bộ là 118,1 nghìn lượt người, giảm 37,5%. Sáu tháng đầu năm 2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3.744,5 nghìn lượt người, giảm 55,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 3.040,5 nghìn lượt người, chiếm 81,2% lượng khách quốc tế đến Việt Nam, giảm 54,3%; bằng đường bộ đạt 559,6 nghìn lượt người, chiếm 14,9% và giảm 66,8%; bằng đường biển đạt 144,3 nghìn lượt người, chiếm 3,9% và tăng 3,7%.
Rõ ràng trong năm 2020, kích cầu tiêu dùng đặc biệt quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn kích cầu đầu tư như năm 2009, trong đó kích cầu du lịch là ưu tiên hàng đầu.
Một bộ phận gắn bó hữu cơ với khu vực dịch vụ nói chung, du lịch nói riêng chính là giao thông vận tải. Vận chuyển hành khách quý I-2009 đạt 478,3 triệu lượt khách, tăng 6,8% và 20,3 tỷ lượt khách.km, tăng 4,3% so với quý I-2008. Vận tải đường bộ có tốc độ tăng cao nhất, đạt 431,1 triệu lượt khách, tăng 7,5% và 14,5 tỷ lượt khách.km, tăng 8,2%. Vận tải đường sông đạt 40,8 triệu lượt khách, tăng 2,3% và 813,1 triệu lượt khách.km, tăng 1,7%. Vận tải đường biển đạt 1,5 triệu lượt khách, tăng 3,2% và 95,5 triệu lượt khách.km, tăng 5,6% còn vận tải đường sắt lại giảm 12,2% về lượt khách và giảm 12% về lượt khách.km; đường hàng không giảm 5,7% về lượt khách và giảm 3,8% về lượt khách.km. Vận tải hành khách quý II-2020 đạt 681,1 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 44,4% so với cùng kỳ năm trước và luân chuyển 29,1 tỷ lượt khách.km, giảm 51,9%. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, vận tải hành khách đạt 1.812,6 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 27,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,7%) và luân chuyển 82,4 tỷ lượt khách.km, giảm 32,7% (cùng kỳ năm trước tăng 9,5%). Vận tải hành khách đường bộ 6 tháng đầu năm 2020 đạt 1.701,9 triệu lượt khách, giảm 27,8% so với cùng kỳ năm trước và 61,2 tỷ lượt khách.km, giảm 24,4%; đường thủy nội địa đạt 91,3 triệu lượt khách, giảm 10,3% và gần 2 tỷ lượt khách.km, giảm 12,7%; hàng không đạt 14,6 triệu lượt khách, giảm 46,1% và 18,2 tỷ lượt khách.km, giảm 51,2%; đường biển đạt 2,8 triệu lượt khách, giảm 27,4% và 176,9 triệu lượt khách.km, giảm 22,6%; đường sắt đạt 2 triệu lượt khách, giảm 53,7% và 897,1 triệu lượt khách.km, giảm 48,3%. Mức độ suy giảm đáng kể của vận tải hành khách ở tất cả các phương thức vận tải khiến cho ngành này cần được ưu tiên số một trong các biện pháp khẩn cứu, kể cả có hay không có gói kích thích kinh tế năm 2020.
Tóm lại, gói kích thích kinh tế năm 2020 nếu có sẽ cơ bản khác gói kích thích năm 2009 do trọng tâm cần kích thích là khu vực dịch vụ chứ không phải là khu vực công nghiệp và nông nghiệp như hơn 10 năm trước. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là du lịch và vận tải hành khách, đặc biệt là vận tải đường hàng không. Bên cạnh đó, ưu tiên kích cầu tiêu dùng cần đặt ở vị trí cao hơn kích cầu đầu tư và kích cầu đầu tư khu vực ngoài Nhà nước là quan trọng nhất. Theo đó, các ưu đãi hỗ trợ cần tập trung đủ nguồn lực, mức độ và thời gian dành cho các ưu tiên nêu trên./.
Kinh tế thế giới và Việt Nam sáu tháng đầu năm 2020  (11/08/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên