TCCSĐT - Vào trung tuần tháng 3-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra tuyên bố sẽ chống lại quyết định chặn sắc lệnh hạn chế nhập cảnh sửa đổi của Chính quyền Washington của thẩm phán liên bang tại Hawaii, đồng thời mô tả quyết định này là “vượt quá thẩm quyền”. Động thái này, cùng với những tranh cãi xung quanh sắc lệnh nhập cư mới, khiến dư luận Mỹ cho rằng, sự chia rẽ vốn tồn tại như một mối lo sau cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2016 vừa qua sẽ bị khoét sâu thêm.

Cuộc chiến pháp lý về nhập cư ở Mỹ tiếp tục “nóng”

 
 Thông tin về Thẩm phán liên bang tại Hawaii phán quyết chặn sắc lệnh hạn chế nhập cảnh của Tổng thống Mỹ D. Trump. Ảnh: baoquocte.vn

Đề cập đến sắc lệnh cấm nhập cảnh mới tại một cuộc mít tinh ở thành phố Nashville, bang Tennessee, Tổng thống D. Trump nêu rõ: “Hiến pháp Mỹ trao quyền cho tổng thống ngăn chặn hoạt động nhập cư khi xét thấy điều này phục vụ lợi ích quốc gia của Mỹ”. Ông D. Trump nhấn mạnh việc thẩm phán tại Hawaii chặn sắc lệnh nhập cư mới đã khiến hình ảnh nước Mỹ trở nên “yếu đuối”, đồng thời khẳng định, chính quyền Washington sẽ theo đuổi vụ kiện đến cùng, kể cả đưa ra Tòa án Tối cao.

Trước đó cùng ngày, thẩm phán liên bang Mỹ tại bang Hawaii D. Watson đã ra phán quyết ngăn chặn sắc lệnh nhập cư mới của Tổng thống D. Trump, chỉ vài giờ trước khi sắc lệnh này có hiệu lực vào ngày 16-3 (theo giờ Mỹ). Trong phán quyết, Thẩm phán D. Watson nêu rõ trong đơn kiện sắc lệnh mới này, bang Hawaii đã đưa ra được những lập luận rất thực tế để chứng minh rằng, lệnh cấm có thể gây ra những thiệt hại không thể sửa chữa. Phán quyết tại tòa cho phép tất cả các bang tại nước Mỹ không cần thực thi điều khoản thứ 2 trong sắc lệnh trên, liên quan đến việc cấm công dân 6 nước có người Hồi giáo chiếm đa số gồm Iran, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen trong 90 ngày. Điều khoản thứ 6 của sắc lệnh về việc đình chỉ chương trình nhập cư cho người tị nạn trong 120 ngày cũng bị đình chỉ theo phán quyết của tòa. Tòa án cũng tuyên bố phán quyết này sẽ không thể đình chỉ trừ trường hợp đơn kháng cáo được nộp.

Sự việc trên đánh dấu một thất bại lớn thứ hai của Tổng thống D. Trump trong nỗ lực theo đuổi chính sách nhập cư mà ông cho là thiết yếu để bảo vệ an ninh quốc gia. Trước đó, tòa án liên bang ở Seattle cũng đã quyết định tạm dừng thực thi sắc lệnh cấm nhập cảnh đầu tiên do Tổng thống D. Trump ký ban hành sau khi chính thức nắm quyền hồi tháng 01 vừa qua.

Mặc dù Tổng thống D. Trump khẳng định chính sách nhập cư ban hành là để bảo vệ an ninh quốc gia nhưng những người phản đối lại hoàn toàn phủ nhận. Thêm vào đó, các nhà phân tích cho rằng những tác động về kinh tế cũng là nguyên nhân khiến giới chức Mỹ phản đối sắc lệnh này. Thực tế cho thấy, kể từ khi Tổng thống D. Trump ban hành sắc lệnh nhập cư đã khiến nhiều du khách quốc tế không còn mặn mà với xứ Cờ hoa, gây ảnh hưởng không nhỏ đến ngành du lịch của Mỹ. Theo con số thống kê gần đây nhất, lượng tìm kiếm các chuyến bay từ châu Âu đến Mỹ đã giảm 23%. Trong khi đó, các chuyến du lịch đến Mỹ đã giảm 6,5%. Chưa dừng lại, mới đây, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) G. Infantino cho rằng, lệnh cấm nhập cảnh gây tranh cãi của Tổng thống D. Trump có thể dẫn đến khả năng Mỹ không thể tham gia bỏ thầu đăng cai tổ chức Giải vô địch bóng đá thế giới World Cup 2026. Lý do là trong số các nước bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm nhập cảnh của Mỹ có Iran, nước đứng ở vị trí thứ 33 trên bảng xếp hạng của FIFA và đủ năng lực tham gia thi đấu các vòng loại World Cup. Với việc Thẩm phán Mỹ chặn sắc lệnh nhập cư mới của Tổng thống D. Trump, dư luận Mỹ cho rằng, sự chia rẽ vốn tồn tại như một mối lo sau cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm 2016 vừa qua sẽ bị khoét sâu thêm.

Scotland thúc đẩy trưng cầu ý dân về việc rời khỏi Vương quốc Anh

 

 Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon. Ảnh: Sky News


Scotland vừa tuyên bố sẽ sớm thúc đẩy cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai về việc rời khỏi Vương quốc Anh. Động thái này của Scotland đã khiến Thủ tướng Anh Theresa May hết sức quan ngại khi Anh sẽ chính thức khởi động đàm phán với Liên minh châu Âu (EU) về Brexit vào cuối tháng 3-2017. Các nhà phân tích cho rằng, việc Scotland thúc đẩy trưng cầu ý dân rời Vương quốc Anh có thể sẽ gây ra những hệ quả nghiêm trọng đối với cả Scotland và Anh.

Ngày 13-3, Thủ hiến Scotland Nicola Sturgeon tuyên bố vùng lãnh thổ này sẽ sớm khởi động tiến trình yêu cầu Chính phủ liên hiệp Anh tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân lần hai về khả năng rời khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019. Thủ hiến N. Sturgeon cho biết, trong tuần tới sẽ nỗ lực tìm kiếm sự cho phép của Quốc hội Scotland trong việc nhất trí với Chính phủ liên hiệp Anh về tiến trình và thủ tục cho phép Scotland tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân về nền độc lập. Bà N. Sturgeon bày tỏ mong muốn cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai này sẽ được tổ chức vào giữa mùa Thu năm 2018 và mùa Xuân năm 2019 trước khi Anh rời EU. Theo quan điểm của bà, điều quan trọng là Scotland có thể thực hiện quyền lựa chọn tương lai của riêng mình vào thời điểm phù hợp khi các sự lựa chọn đã rõ ràng hơn, song vẫn phải bảo đảm trước khi quá muộn để quyết định đi hay ở lại Vương quốc Anh.

Ngay lập tức, Thủ tướng Anh T. May đã lên tiếng chỉ trích đề xuất của Thủ hiến Scotland N. Sturgeon và cho rằng thay vì “chơi trò chơi chính trị với tương lai đất nước”, chính quyền Scotland nên tập trung nâng cao chất lượng hoạt động chính phủ, bảo đảm người dân Scotland được hưởng các dịch vụ công tốt hơn.

Theo các nhà phân tích, đối với Anh, nếu Scotland độc lập thì sức mạnh kinh tế và quân sự của Anh sẽ bị giảm sút bởi Scotland hiện chiếm đến 1/3 diện tích đất liền ở Anh và quan trọng hơn, Scotland chính là nơi đặt hệ thống tên lửa đánh chặn Trident nổi tiếng của nước Anh. Sức mạnh của lực lượng vũ trang Anh, đặc biệt là lực lượng hải quân cũng sẽ có nguy cơ bị giảm sút khi không có trung đoàn Scotland. Thêm vào đó, nếu Scotland độc lập, Chính phủ Anh có thể sẽ bị rơi vào nỗi lo về vị thế của nước này trên trường quốc tế.

Trong khi đó, về phía Scotland, nếu chia tách, Scotland sẽ phải gây dựng từ đầu và không dễ dàng trở thành một quốc gia có vị thế trên thế giới. Tách khỏi Anh, Scotland sẽ trở thành ứng viên nếu muốn gia nhập EU hay NATO… Tuy nhiên, ngày 13-3, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu (EC) M. Schinas tuyên bố, một Scotland độc lập tách khỏi Anh sẽ phải làm đơn xin gia nhập EU và phải được sự chấp thuận của tất cả các nước thành viên. Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO J. Stoltenberg cũng cho biết, Scotland độc lập không có nghĩa tư cách thành viên NATO của Scotland cũng tự động được công nhận. Về kinh tế, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, Scotland độc lập sẽ tạo ra những thách thức và tác động không nhỏ tới các thị trường.

Quỹ Tiền tệ quốc tế hối thúc các nước hợp tác bảo vệ lợi ích của thương mại

 
 Ảnh minh họa. Ảnh: Reuteurs

Ngày 14-3, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn, song cảnh báo các chính sách hướng nội và các điều kiện tài chính toàn cầu ngày càng thắt chặt có thể đe dọa đến đà tăng trưởng này.

Trong bản theo dõi triển vọng và nguy cơ đối với nền kinh tế thế giới, IMF dự báo tăng trưởng toàn cầu trong ngắn hạn sẽ tăng lên, phản ánh sự gia tăng trong hoạt động tại các nền kinh tế phát triển, sự chuyển dịch trong chính sách kinh tế vĩ mô tại Mỹ và sự ổn định tại các nền kinh tế mới nổi. Thể chế tài chính này nhận định triển vọng tăng trưởng tại các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Nhật Bản và các nước châu Âu đã được cải thiện đáng kể, song cảnh báo các quốc gia này sẽ tiếp tục phải gánh chịu những tàn dư của khủng hoảng tài chính toàn cầu, như nợ doanh nghiệp cao hay mức tăng trưởng năng suất thấp. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi vẫn được đánh giá là động lực chính giúp thúc đẩy và củng cố triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu khi tiếp tục đóng góp hơn 3/4 tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2017. Để có thể duy trì đà tăng trưởng tích cực, IMF kêu gọi các nước thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) duy trì khung thương mại đa phương cởi mở, cũng như hoàn tất các cải cách tài chính và củng cố cấu trúc tài chính quốc tế. Dưới áp lực từ tâm lý bảo hộ thương mại đang gia tăng tại các nền kinh tế phát triển, trong đó có Mỹ, IMF cũng kêu gọi các nước G20 tăng cường hợp tác quốc tế để có thể duy trì những lợi ích của thương mại, cũng như động lực tăng trưởng kinh tế, vốn đã giúp hàng triệu người dân trên thế giới thoát khỏi đói nghèo. Thể chế tài chính này đồng thời hối thúc G20 ngừng thực hiện các chính sách gây méo mó thương mại quốc tế và hoạt động đầu tư, tránh chủ nghĩa bảo hộ, và giảm thiểu sự mất cân bằng thương mại.

Trước đó cùng ngày, trong thông điệp gửi đến Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên G20, Tổng Giám đốc IMF C. Lagarde cũng nhận định nền kinh tế toàn cầu đang trên đà phục hồi, song khuyến cáo các nước cần có những chính sách hợp lý để tránh tự gây ra “những tổn thương” không đáng có. Điều này đòi hỏi các nước loại bỏ những chính sách có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng tới thương mại, vấn đề di cư, lưu thông dòng vốn và việc chia sẻ công nghệ xuyên biên giới, bởi những biện pháp này sẽ đe dọa đến năng suất lao động, thu nhập và điều kiện sống của toàn bộ người dân. Cũng theo người đứng đầu IMF, để có thể duy trì đà tăng trưởng tích cực đòi hỏi các nước trên thế giới có những chính sách kinh tế vĩ mô mang tính hỗ trợ, trong bối cảnh nhu cầu còn yếu và lạm phát chưa về mức mục tiêu tại các nền kinh tế phát triển. Bà C. Lagarde đồng thời hối thúc các nước cần có những biện pháp để thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm việc đào tạo lao động tay nghề thấp, cũng như có những điều chỉnh hợp lý trong chính sách thu nhập và hệ thống thuế.

Những phản ứng tích cực từ việc FED tăng lãi suất

 
 Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%. Ảnh: baoquocte.vn

Ngày 16-3, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%. Quyết định tăng lãi suất lần thứ 3 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 này cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng tích cực của nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Quyết định tăng lãi suất lần này đã đánh dấu một nỗ lực lớn của FED nhằm đưa chính sách tiền tệ của Mỹ trở lại mức cân bằng hơn sau gần một thập niên nới lỏng nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính giai đoạn 2007 - 2008. Sau khi tăng, lãi suất ngắn hạn của đồng USD sẽ dao động trong khoảng từ 0,75% - 1%. Động thái của FED cũng khiến ngành ngân hàng lạc quan hơn vào việc mức lạm phát đang tăng ổn định và ngày càng tiến gần hơn đến mức mục tiêu 2% của FED.

Theo các nhà hoạch định chính sách của FED, mức lãi suất được điều chỉnh tăng là nhờ những tín hiệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ. Trong ba tháng qua, thị trường lao động tại Mỹ đã đều đặn tạo thêm được 209.000 việc làm/tháng và tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống chỉ còn 4,7%, khá gần với mức “mong đợi” 4,5% của FED trong năm 2017 và duy trì tới năm 2019. Chủ tịch FED J. Yellen cho rằng, trong thời gian qua, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng như kỳ vọng, không còn cần đến đòn bẩy lãi suất của FED. Người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ đủ khả năng chi trả lãi suất cao hơn cho các khoản vay ngân hàng. Vì vậy, FED tin tưởng vào hướng đi của nền kinh tế và dự kiến tăng lãi suất thêm hai lần nữa trong năm 2017 và ba lần khác trong năm 2018.

Quyết định tăng lãi suất lần này của FED không nằm ngoài dự đoán của thị trường. Sau nhiều năm giữ lãi suất đồng USD ở mức thấp để kích thích đầu tư sản xuất và chi tiêu tiêu dùng, giờ đây, điều kiện kinh tế đã chín muồi để FED tăng lãi suất. Trước quyết định này, một số tổ chức lao động tại Mỹ đã hối thúc ngân hàng này tăng lãi suất “theo lộ trình” và phù hợp với lộ trình tăng lương và thuê lao động. Mặc dù vậy, Chủ tịch FED J. Yellen cũng nhấn mạnh, vấn đề đặt ra là liệu các chỉ số kinh tế có tiếp tục tăng trưởng như kỳ vọng dưới thời Tổng thống D. Trump hay không vì điều này sẽ tác động trực tiếp đến quyết định lãi suất của FED trong thời gian tới.

Việc FED quyết định tăng lãi suất được cho là có thể hỗ trợ đáng kể cho các ngân hàng trung ương đang gặp khó khăn tại Nhật Bản và châu Âu, đồng thời báo hiệu sự kết thúc của một chu kỳ kích thích tiền tệ tại châu Á. Các ngân hàng trung ương từ Bắc Kinh (Trung Quốc), Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) cho tới London (Anh) đã nhanh chóng có phản ứng trước động thái thay đổi chính sách này. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới là Trung Quốc đã phản ứng trước động thái mới của FED bằng cách tăng lãi suất cơ bản vào ngày 16-3 nhằm chuẩn bị cho nguy cơ đồng nội tệ giảm giá. Các ngân hàng trung ương của Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE), Kuwait và Bahrain cũng đã siết chặt các chính sách lãi suất ngay sau khi FED công bố quyết định trên. Trong số các nền kinh tế lớn, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) vẫn đang chật vật với cuộc chiến chống lạm phát và tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, dù hai ngân hàng này khó có thể tăng lãi suất hay hạn chế việc mua trái phiếu - điều mà Thống đốc BOJ H. Kuroda tuyên bố ngày 16-3 khi khẳng định Nhật Bản sẽ giữ vững chính sách của mình - hai ngân hàng này bắt đầu đưa ra những tuyên bố có tính lạc quan hơn về thời điểm điều chỉnh chính sách và lãi suất của mình.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính, đây là lần thứ 3 FED tăng lãi suất. Kế hoạch này không nằm ngoài dự đoán, và mức tăng cũng chỉ tương đối, song lại diễn ra sớm hơn những gì mà giới đầu tư dự trù vài tuần trước. Quyết định của FED cũng tạo tiền đề cho khoảng hai đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ có dấu hiệu cải thiện nhất định.

Nhiều bất đồng tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20

 
 Hội nghị Bộ trưởng G20 diễn ra tại Baden-Baden (Đức). Ảnh: EPA

Các vấn đề liên quan đến tiền tệ, chủ nghĩa thương mại tự do, bảo hộ và biến đổi khí hậu đã trở thành chủ đề chính tại Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra trong hai ngày 17 và ngày 18-3 tại thành phố Baden-Baden (Đức).

Theo đó, tại Hội nghị, Mỹ đã tỏ rõ thiện chí sẵn sàng tham gia các cuộc thương lượng về thương mại. Giới phân tích đánh giá bài phát biểu của người đứng đầu Bộ Tài chính Đức S. Mnuchin, mang nhiều màu sắc của hòa đàm, thay vì một cuộc chiến “một mất, một còn”. Sắc thái này cũng thể hiện trong cuộc hội đàm bên lề giữa ông S. Mnuchin với người đồng cấp Đức W. Schauble khi đại diện Washington khẳng định Mỹ không muốn khơi mào một cuộc chiến thương mại với các cường quốc thế giới.

Tuy nhiên, giữa các nước vẫn tồn tại những khác biệt lớn về trong thương mại mở và biến đổi khí hậu, khi Mỹ và các nước khác có ý kiến trái ngược. Washington chủ trương theo đuổi chính sách “mua hàng Mỹ, thuê người Mỹ” và phản đối nội dung về biến đổi khí hậu trong dự thảo tuyên bố chung của Hội nghị G20 lần này. Trước đó, ngày 16-3, Tổng thống Mỹ D. Trump đề xuất cắt giảm 1/3 quỹ môi trường nội địa cũng như cắt giảm sự đóng góp của Mỹ liên quan đến các chương trình chống biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc.

Sự bất đồng giữa Mỹ và các nước tham dự hội nghị liên quan đến hai vấn đề nói trên đã khiến Hội nghị ra tuyên bố chung mà không có một cam kết rõ ràng về thương mại tự do và chống bảo hộ mậu dịch. Bằng việc chỉ nhắc chiếu lệ đến thương mại trong bản tuyên bố chung, các quan chức G20 đã phá vỡ truyền thống kéo dài một thập niên qua về ủng hộ thương mại mở. Đây là một thất bại rõ ràng đối với nước chủ nhà Đức, vốn đã nỗ lực để duy trì các cam kết trước đây của G20. Theo tin truyền thông trước đó, Hội nghị G20 lần này có thể sẽ đưa ra những cam kết rõ ràng về thương mại tự do và chống chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Tuy nhiên sau hai ngày, hội nghị chỉ đạt được sự thỏa hiệp tối thiểu và không có cam kết chung rõ rệt nào được đưa ra.

Trả lời họp báo sau cuộc gặp đầu tiên với lãnh đạo tài chính các nước G20, Bộ trưởng Tài chính Mỹ S. Mnuchin, khẳng định Mỹ vẫn giữ cam kết về thương mại tự do song cũng muốn xem xét lại một số thỏa thuận thương mại và hiệu chỉnh những điểm bất hợp lý. Theo Bộ trưởng Mỹ, cần xem xét lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thực thi tốt hơn một số quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và có thể cũng sẽ phải thương lượng lại những thỏa thuận cũ hơn.

Hội nghị Bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng G20 năm nay diễn ra trong bối cảnh có ngày càng nhiều quan ngại rằng cuộc chiến thương mại sẽ bùng nổ do chính quyền Tổng thống Mỹ Trump chủ trương bảo hộ thương mại. Trong nhiều năm qua, các nước thành viên G20 đã cam kết không định giá thấp tiền tệ, đồng thời chống lại “mọi hình thức bảo hộ thương mại”./.