Nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam
TCCS - Nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức là một trong những điều kiện tiên quyết của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp đồng bộ trong thời gian tới.
Yêu cầu nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong Nhà nước pháp quyền
Theo quan niệm phổ biến, ý thức pháp luật là hệ thống tri thức, quan điểm, học thuyết về pháp luật thể hiện qua nhận thức, tư tưởng, ý chí, tình cảm, niềm tin, thái độ, sự đánh giá của con người (cá nhân, tổ chức, xã hội) về sự cần có của pháp luật, về bản chất và giá trị, tính đúng đắn, hợp lý, công bằng của pháp luật trong quá khứ, của pháp luật hiện hành và pháp luật cần phải có, về các mối quan hệ giữa pháp luật với hành vi của các chủ thể pháp luật trong các quan hệ pháp luật cụ thể(1). Ý thức pháp luật phản ánh quan điểm, trình độ nhận thức, sự hiểu biết, hệ thống tri thức về pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật cũng như thái độ, phản ứng của chủ thể đối với việc thực hiện pháp luật và hành vi vi phạm pháp luật của các chủ thể khác. Ý thức pháp luật bao gồm tư tưởng pháp luật và tâm lý pháp luật. Tư tưởng pháp luật phản ánh thông qua quan điểm, quan niệm, sự hiểu biết, nhận thức của cá nhân về pháp luật. Tâm lý pháp luật biểu hiện tâm trạng, xúc cảm, thái độ của con người đối với pháp luật và các hiện tượng pháp lý khác(2).
Để Nhà nước tổ chức và hoạt động, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật (khoản 1, Điều 8, Hiến pháp năm 2013), ngoài yêu cầu phải có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, thì đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần hội đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, phục vụ nhân dân vì sự phát triển bền vững của đất nước; tôn trọng pháp luật, có tình cảm và thái độ đúng đắn đối với pháp luật, tự giác và nghiêm túc chấp hành, tuân thủ, bảo vệ pháp luật, có tinh thần đấu tranh chống lại các hành vi coi thường và vi phạm pháp luật, thể hiện tâm lý pháp luật tích cực. Ngược lại, nếu cán bộ, công chức, viên chức không có niềm tin, không đồng tình với pháp luật hoặc không ủng hộ giải quyết vấn đề theo pháp luật thì sẽ phản ứng tiêu cực bằng cách không hành động hoặc phản đối, không tôn trọng pháp luật, người đại diện có thẩm quyền thực thi pháp luật. Nếu thiếu kiến thức pháp luật thì cán bộ, công chức, viên chức khó có thể hướng dẫn, tổ chức thực hiện, áp dụng pháp luật, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, xử lý vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân.
Ý thức pháp luật đối với người lãnh đạo, quản lý rất quan trọng. Người càng có nhiều mối quan hệ xã hội thì càng bị ràng buộc bởi nhiều quy tắc xử sự. Quyền hạn càng nhiều thì trách nhiệm càng lớn. Đằng sau mỗi quyết sách chính trị, công vụ là sự ràng buộc, trách nhiệm và rủi ro pháp lý. An toàn pháp lý trong quản lý chỉ có được khi người quản lý hành động và quyết định một cách hợp pháp. Việc xử lý hậu quả sẽ phức tạp và mất thời gian hơn nhiều so với thực hiện pháp luật ngay từ đầu một cách hợp pháp. Hơn nữa, khi vi phạm, người cán bộ bị giảm sút uy tín và mất niềm tin của nhân dân. Vì vậy, muốn tránh được các rủi ro pháp lý thì người cán bộ, công chức, viên chức phải có ý thức pháp luật, tôn trọng, nghiêm túc thực hiện, chấp hành và tuân thủ pháp luật.
Thực trạng ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức
Một là, ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Tư tưởng pháp luật là tiền đề, ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Xây dựng pháp luật bao gồm nhiều bước với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức của họ về nội dung của chính sách, về cách thức và kỹ thuật xây dựng pháp luật, về nội dung điều chỉnh của pháp luật và sử dụng các nguồn luật. Hệ thống pháp luật ở nước ta hiện nay ngày càng được hoàn thiện, do ý thức pháp quyền ngày càng nâng cao và sự nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tích cực tham gia xây dựng pháp luật. Tuy nhiên, trong công tác xây dựng pháp luật cũng còn một số hạn chế nhất định, như một số nội dung trong chủ trương của Đảng về công tác cán bộ chưa được thể chế hóa kịp thời; một số quy định trong hệ thống pháp luật thiếu thống nhất với nhau, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của thực tiễn... Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm nêu trên, trong đó có sự nhận thức chưa sâu sắc, thiếu thống nhất một số chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng còn hạn chế…(3).
Hai là, ý thức của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện pháp luật.
Ý thức thi hành (chấp hành), áp dụng, sử dụng, tuân thủ pháp luật là nội dung quan trọng nhất trong ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức. Ý thức pháp luật thấp là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hiệu quả thực hiện pháp luật thấp. Thông qua hành động thực hiện pháp luật của họ, pháp luật đã hiện thực và phát huy vai trò trong cuộc sống. Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức nhận thức rõ nguyên tắc sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật, có ý thức tổ chức kỷ luật. Ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trong thời gian qua đã có chuyển biến tích cực. Vai trò của pháp luật và thực thi pháp luật ngày càng được chú trọng trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội. Điều này góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân, an ninh, trật tự và phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Chấp hành pháp luật nhìn chung chưa nghiêm; kỷ cương, phép nước có nơi còn bị xem nhẹ. Công tác thông tin, tuyên truyền một số chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước chưa phong phú, thường xuyên, kịp thời. Ý thức chấp hành pháp luật trong quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu còn thấp. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện pháp luật vẫn còn hạn chế. Năng lực tổ chức thực hiện pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, làm cho pháp luật, nghị quyết chậm được thực hiện và hiệu quả thấp. Một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước(4).
Ba là, ý thức bảo vệ pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức.
Hầu hết cán bộ, công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước đều hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ tôn trọng pháp luật, có ý thức bảo vệ pháp luật. Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của tổ chức, cá nhân. Những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; kết quả giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, hạn chế các trường hợp khởi tố oan và bỏ lọt tội phạm là đáng ghi nhận. Qua đó cho thấy, các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, tạm giữ, tạm giam, thi hành án ngày càng tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật(5). An ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Những kết quả đó phản ánh sự cố gắng của các cơ quan bảo vệ pháp luật, của đội ngũ cán bộ, công chức ngành tư pháp trong công tác bảo vệ pháp luật.
Cùng với các thành tựu nêu trên, cũng còn một số hạn chế trong ý thức pháp luật của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác bảo vệ pháp luật. Đó là việc xử lý vi phạm pháp luật chưa kịp thời, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm một số nơi còn hình thức. Một số cán bộ thực thi pháp luật có ý thức kỷ luật kém, làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Vẫn còn một số quyết định không khởi tố vụ án bị hủy, quyết định khởi tố vụ án thiếu căn cứ pháp luật, bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung do vi phạm tố tụng. Một số trường hợp oan, kháng nghị phúc thẩm có căn cứ được hội đồng xét xử chấp nhận. Những khuyết điểm nêu trên một phần do nhận thức, đánh giá không đúng về hành vi, mức độ phạm tội, sai sót trong áp dụng pháp luật và do cố ý, với động cơ vụ lợi của một số cán bộ tư pháp.
Tiếp tục nâng cao ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức
Ý thức pháp luật hình thành từ sự tự giác của cán bộ, công chức, viên chức; nhưng tiền đề, điều kiện để xây dựng ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức là cần có hệ thống pháp luật đầy đủ, hoàn chỉnh. Vì vậy, Nhà nước cần quan tâm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu của Nhà nước pháp quyền; nâng cao năng lực cụ thể hóa, thể chế hóa kịp thời chủ trương, nghị quyết của Đảng, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đặt ra(6). Cùng với nâng cao năng lực xây dựng thể chế, cần nâng cao năng lực tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật. Trong thực thi chức trách, nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải giữ vững nguyên tắc luật định, có kỹ năng sử dụng pháp luật, chọn lọc, tiếp thu và phản biện, vận dụng sáng tạo và áp dụng linh hoạt pháp luật để vừa đạt được mục đích trong giải quyết công việc nhưng vẫn bảo đảm tính hợp pháp của quá trình ra quyết định.
Cần bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật để công lý và trật tự pháp quyền được thực thi; bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Pháp luật nghiêm minh tạo niềm tin và sự tôn trọng của cán bộ, công chức, viên chức đối với pháp luật; đồng thời răn đe, phòng ngừa làm cho họ không dám vi phạm pháp luật. Sự nghiêm minh của pháp luật đòi hỏi các hành vi vi phạm cần được xử lý kịp thời, triệt để, xác định đúng người, đúng hành vi vi phạm, không có ngoại lệ và vùng cấm, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Thứ nhất, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo pháp luật, bồi dưỡng kiến thức pháp lý cho cán bộ, công chức, viên chức.
Để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao, cán bộ, công chức, viên chức phải tự trang bị cho mình kiến thức, tri thức nền tảng, trong đó có tri thức, hiểu biết về pháp luật, kiến thức, tri thức theo ngành, lĩnh vực chuyên sâu, phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi của nhiệm vụ được giao. Đổi mới giáo dục, đào tạo pháp luật, bồi dưỡng kiến thức pháp lý theo yêu cầu đổi mới hệ thống giáo dục và đào tạo quốc dân, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật hướng đến xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, có năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, có phẩm chất chính trị, đạo đức, uy tín, có ý thức trách nhiệm công dân và trách nhiệm xã hội, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tôn trọng và chấp hành pháp luật. Nhiệm vụ giảng dạy pháp luật, bồi dưỡng pháp lý không chỉ giúp người học hiểu rõ, hiểu đúng pháp luật mà còn trang bị cho người học phương pháp, kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề pháp lý, cách tư duy lô-gíc, hệ thống, sáng tạo và liên ngành. Thu hút sự tham gia giảng dạy của các nhà khoa học, luật sư, luật gia, người làm thực tiễn. Trong nội dung đào tạo pháp luật cần tăng hàm lượng tri thức về pháp luật quốc tế, cung cấp cho người học tư duy sáng tạo ứng dụng thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ứng phó với biến đổi xã hội do tác động của đại dịch COVID-19 và chủ động định hình quá trình chuyển đổi của xã hội, chuyển đổi số. Chú trọng giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống và lịch sử dân tộc, ý thức trách nhiệm xã hội, tôn trọng và chấp hành pháp luật, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ, công chức, viên chức. Đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại, đồng thời chú trọng chất lượng, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương của hoạt động bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp(7).
Thứ hai, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác tư tưởng chính trị và ý thức tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức, trách nhiệm, năng lực và động cơ đúng đắn, thực sự tiên phong, gương mẫu, luôn đặt lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, thực sự là cán bộ của dân, phục vụ nhân dân. Thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban chấp hành Trung ương Đảng, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””, Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về những điều đảng viên không được làm”, sẽ góp phần tích cực vào việc tăng cường ý thức pháp luật của cán bộ, đảng viên. Ngoài ra, để tăng cường ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức thì cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị khóa XIII, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””.
Thứ ba, phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Phong cách lãnh đạo, quản lý, điều hành, đạo đức, văn hóa ứng xử của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị tác động trực tiếp đến hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị. Nếu người đứng đầu biết lắng nghe, tiếp thu những ý kiến tham mưu, tư vấn đúng pháp luật, những ý kiến phản biện hợp lý có tính xây dựng, biết đánh giá đúng năng lực, sở trường của cán bộ, công chức, viên chức, biết động viên, khích lệ, tạo thuận lợi cho họ cống hiến, quan tâm lợi ích và công bằng trong đãi ngộ thì sẽ phát huy được năng lực, sở trường của họ; ngược lại sẽ khiến giảm sút động lực phấn đấu. Nếu người đứng đầu tôn trọng và làm việc đúng pháp luật thì sẽ bảo đảm an toàn pháp lý cho cộng sự và cả hệ thống giúp việc. Vì vậy, cần phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tôn trọng, chấp hành, tuân thủ và bảo vệ pháp luật, duy trì kỷ luật lao động, nội quy cơ quan, văn hóa công sở.
Thứ tư, xây dựng môi trường văn hóa công sở văn minh, lành mạnh, dân chủ, đoàn kết, nhân văn.
Văn hóa tác động rất lớn đến tâm lý pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng môi trường làm việc văn minh, lành mạnh, kỷ luật, dân chủ, đoàn kết, chân thành, thân thiện, mọi người tự giác làm việc, tôn trọng, tin cậy, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, chia sẻ giá trị và phấn đấu vì mục tiêu chung giúp cho cán bộ, công chức, viên chức có tâm lý thoải mái, yên tâm công tác, gắn bó với cơ quan, đơn vị. Ngược lại, nếu trong cơ quan có cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật lao động, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, không còn uy tín đối với quần chúng nhưng không bị xử lý kịp thời thì sẽ gây ra phản ứng tiêu cực của cán bộ, công chức, viên chức, giảm niềm tin vào sự nghiêm minh của pháp luật và ảnh hưởng không tốt đến tâm lý pháp luật của họ.
Nhà nước pháp quyền cần có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có ý thức thượng tôn pháp luật. Xây dựng ý thức pháp luật và lối sống tuân thủ pháp luật vừa là trách nhiệm, sự rèn luyện của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, đồng thời vừa là yêu cầu, nhiệm vụ của các cấp ủy, chính quyền các cấp. Việc xây dựng và thực hiện Chiến lược hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, chiến lược pháp luật, chiến lược cải cách tư pháp trong thời gian tới cần rất quan tâm nội dung về tăng cường ý thức pháp luật nói chung, ý thức pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức nói riêng./.
--------------------------------
(1) Xem: Nguyễn Minh Đoan: Hướng dẫn môn học Lý luận nhà nước và pháp luật, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2014, tr. 471; Hoàng Thị Kim Quế (Chủ biên): Giáo trình lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb. Đại học quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 430
(2) Xem: Nguyễn Minh Đoan, Nguyễn Văn Năm (chủ biên): Giáo trình Lý luận chung về nhà nước và pháp luật, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2020, tr. 445 - 446
(3) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 89, 91, 93 - 94
(4) Xem: Kết luận số 80-KL/TW, ngày 20-6-2020, của Ban Bí thư, “Về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 09-12-2003 của Ban Bí thư”; Kết luận 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị khóa XIII, “Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh””.
(5) Xem: “Báo cáo tóm tắt tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao”, Cổng thông tin điện tử Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, https://www.vksndtc.gov.vn/tin-hoat-dong-vksnd-toi-cao/bao-cao-tong-ket-cong-tac-nhiem-ky-quoc-hoi-khoa-x-d2-t9125.html?Page=4 new-related, ngày 09-4-2021
(6), (7) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I tr. 175, 182 - 183
Những vấn đề lý luận và thực tiễn về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam  (12/12/2021)
Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng trên nền tảng văn hóa, khoa học và hiện đại  (10/12/2021)
Danh dự  (09/12/2021)
Nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức Việt Nam hiện nay  (03/12/2021)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên