Từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đến những vấn đề đặt ra đối với ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh, quốc phòng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng
TCCS - Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu là một thảm họa đối với nhân loại, với nền kinh tế thế giới và với nền kinh tế của mỗi quốc gia. Hậu quả của nó tác động đến tất cả các mặt của đời sống: kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh, quốc phòng. Đã có nhiều cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu làm sụp đổ không chỉ nền kinh tế của một số nước mà còn làm thay đổi các thể chế chính trị, các chế độ và các nhà cầm quyền.
1- Dưới tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, các hoạt động thương mại, đầu tư, tiêu dùng của mỗi quốc gia đều sụt giảm mạnh, dẫn tới nguy cơ suy thoái kinh tế của mỗi nước. Thậm chí, nhiều nước lâm vào tình trạng phá sản cấp quốc gia.
Biểu hiện của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu thường là gây ra những ảnh hưởng vĩ mô nghiêm trọng, các cân đối vĩ mô bị phá vỡ, đồng tiền mất giá, tỷ giá hối đoái biến động đột biến theo hướng phá giá, lạm phát cao và phi mã xuất hiện, gánh nặng nợ công tăng nhanh, thị trường chứng khoán sụp đổ, tài sản ở các nước bị giảm giá mạnh, nhiều doanh nghiệp, ngân hàng và các định chế tài chính phá sản, tình trạng mất việc làm và thất nghiệp tăng cao, hàng triệu người bị lâm vào cảnh đói nghèo, rối loạn và xung đột xã hội nảy sinh, bạo loạn và chiến tranh xuất hiện.
Có thể thấy, các cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây ra những hậu quả vô cùng kinh hoàng. Cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu giai đoạn 1929 - 1933 đã đẻ ra chủ nghĩa phát-xít trong thập niên 30 của thế kỷ XX và là nguyên nhân chính dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ hai tàn khốc. Hậu quả của cuộc khủng hoảng này và của Chiến tranh thế giới thứ hai là nhiều chế độ đã bị sụp đổ, nhiều nền kinh tế đã bị tan rã. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 - 1998 bắt đầu từ Thái Lan đã dẫn đến sự sụp đổ của một số nền kinh tế và một vài chế độ chính trị. Những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính này là In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc và Thái Lan. Bên cạnh những tác động tàn phá đến các nền kinh tế của các nước, khủng hoảng kinh tế giai đoạn 1997 - 1998 đã dẫn tới xung đột xã hội, mất ổn định chính trị ở một số nước mà đỉnh điểm của nó là sự ra đi của Tổng thống Xu-hác-tô (Suharto) ở In-đô-nê-xi-a và Thủ tướng Chao-va-lít I-oong-chai-i-út ở Thái Lan. Các tổ chức Hồi giáo cực đoan và phong trào ly khai phát triển mạnh ở In-đô-nê-xi-a khi chính quyền trung ương của nước này suy yếu. Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 xuất phát từ khủng hoảng nợ dưới chuẩn của Mỹ năm 2007, mà nguyên nhân của nó bắt nguồn từ những chính sách tín dụng dễ dãi của các ngân hàng và tổ chức đầu tư bất động sản, thông qua mối quan hệ kinh doanh chằng chịt của hệ thống ngân hàng thời đại toàn cầu hoá. Cuộc khủng hoảng này đã xuất hiện khi hàng loạt các định chế tài chính lớn lần lượt sụp đổ, nhất là sự phá sản của Ngân hàng Lehman Brothers. Đây là ngân hàng mà chỉ một năm trước đó còn được đánh giá là ngân hàng đầu tư bất động sản tốt nhất nước Mỹ. Sau Ngân hàng Lehman Brothers là các ngân hàng lớn khác, như Bradford and Bingley (Anh), Hypo Real Estate (Đức), Fortis (Bỉ), Dexia (Pháp), Yamamoto Life (Nhật Bản)... Năm 2008, 22 ngân hàng thương mại ở Mỹ phá sản (trong đó đứng đầu danh sách những thể chế tài chính xấu số này là Washington Mutual với tổng tài sản 307 tỷ USD). Riêng quý III-2008 có 171 ngân hàng nằm trong danh sách “có vấn đề”, mức cao nhất kể từ năm 1995.
Bản chất của các cuộc khủng hoảng đã được các nhà kinh tế hệ thống lại, như Khủng hoảng cơ cấu (1929 - 1933) thể hiện trên các mặt như đầu tư quá nhiều, quá tập trung vào lĩnh vực bất động sản và thị trường chứng khoán; Khủng hoảng hàng hóa (1973-1975) là khủng hoảng năng lượng và lương thực, thực phẩm; Khủng hoảng thể chế quản lý kinh tế - tài chính thể hiện ở việc sự điều tiết của nhà nước bị giảm dần và quản lý nhà nước lỏng lẻo. Những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng khủng hoảng là: nhiều hoạt động của các định chế tài chính ngân hàng và định chế tài chính phi ngân hàng đã vượt tầm kiểm soát của nhà nước, sự ra đời, vận hành thiếu kiểm soát các định chế trung gian trong nền kinh tế thị trường, các hoạt động đầu cơ quốc tế không được quản lý, thị trường tự do tuyệt đối được khuyến khích, nhà nước hầu như buông lỏng sự quản lý, điều tiết đối với thị trường...
2- Khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu có tác động phức tạp đến an ninh, quốc phòng và bảo vệ quốc gia. Có thể liệt kê một số ảnh hưởng như:
Thứ nhất, nguồn lực kinh tế bị giảm sút, tiềm lực an ninh, quốc phòng của không ít quốc gia bị thu hẹp.
Khi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu diễn ra, các quốc gia khó tránh khỏi bị ảnh hưởng tác động của nó, nhiều quốc gia cũng lâm vào khủng hoảng và chịu tổn thất nặng nề. Khi lâm vào tình trạng khủng hoảng, các quốc gia thường gặp phải tình trạng vốn bị chuyển ồ ạt ra bên ngoài, đầu tư giảm sút mạnh, nền kinh tế hầu như bị tê liệt. Các tổ chức kinh tế không có khả năng và điều kiện để vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Niềm tin thị trường bị mất, giá trị tài sản của cá nhân và tổ chức, kể cả của nhà nước giảm sút nghiêm trọng. Hậu quả của nó là các định chế tài chính và doanh nghiệp sụp đổ, phá sản, nhà nước phải dành một lượng tài chính để can thiệp vào nền kinh tế; nhiều vấn đề xã hội phức tạp xuất hiện đòi hỏi phải được giải quyết, các khoản nợ bỗng chốc tăng cao, trong khi nền kinh tế không tăng trưởng hoặc tăng trưởng thấp đã làm cho tiềm lực kinh tế của các nước này bị cạn kiệt. Khi nguồn lực kinh tế bị cạn kiệt thì nguồn lực cho quốc phòng, an ninh cũng giảm theo. Các nhu cầu trang bị khí tài sẽ không được đáp ứng, các nguồn lực để nuôi quân bị cắt giảm, các hoạt động quốc phòng - an ninh bị thu hẹp.
Bên cạnh những hệ lụy trên, nhiều quốc gia còn phải chịu gánh nặng nợ công tăng đột biến, nên mọi nguồn lực chỉ còn tập trung vào trả nợ và giải quyết những vấn đề phát sinh, không còn khả năng lo cho quốc phòng - an ninh. Từ đây khả năng tác chiến bảo đảm an ninh - quốc phòng và bảo vệ đất nước gặp khó khăn một cách rõ nét và sẽ giảm sút. Khi tiềm lực tài chính và nguồn lực an ninh, quốc phòng bị giảm sút thì nguy cơ đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ sẽ hiện hữu nếu có dã tâm xâm lược từ bên ngoài. Hơn nữa, khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ làm cho các quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào nước ngoài và nội lực kinh tế thấp sẽ bị ảnh hưởng khi phải chấp nhận những điều kiện ràng buộc của các nước mạnh hơn và của các tổ chức tài chính quốc tế. Ví dụ, để hỗ trợ hệ thống tài chính toàn cầu, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Ngân hàng Thế giới (WB) đã thiết lập hoạt động và các chương trình cho vay khẩn cấp trị giá nhiều tỷ USD. Các quốc gia mạnh hơn và các tổ chức tài chính quốc tế thường đưa ra các điều kiện ràng buộc phức tạp đối với khoản vay, trong đó có việc cho phép các nước và các tổ chức quốc tế can thiệp sâu không chỉ vào quá trình hoạch định chính sách vĩ mô mà cả vấn đề an ninh - quốc phòng và bảo vệ tổ quốc của các nước có nền kinh tế phụ thuộc. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng tài chính Đông Nam Á năm 1997, Chính phủ In-đô-nê-xi-a, Thái Lan,... đã chịu tác động của IMF. Bên cạnh đó, một số nước lớn muốn nhân cơ hội khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế của các nước nhỏ để ràng buộc các nước nhỏ hơn phải phụ thuộc vào mình nhiều hơn trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội và ngoại giao và có khi cả lãnh thổ.
Thứ hai, xã hội biến đổi phức tạp làm cho sức mạnh an ninh - quốc phòng bị giảm sút.
Trước thực tế tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã đưa đến sự phá sản của các doanh nghiệp, ngân hàng, đời sống của người dân bị giảm sút, tình trạng không có việc làm tăng nhanh và thất nghiệp tăng đột biến. Khi giá cả tăng cao, đồng lương và thu nhập của người dân không bảo đảm cho cuộc sống của họ và nhiều người không có thu nhập lâm vào cảnh cùng cực thì tất yếu sinh ra biến loạn. Xã hội biến loạn sẽ kéo theo biểu tình, bãi công, trộm cắp xuất hiện, gây rối sẽ phát triển..., đe dọa đến sự an bình của xã hội. Gặp phải hoàn cảnh này, không ít chính trị gia đứng đầu nhà nước phải từ chức, các chính phủ phải ra đi và có trường hợp cả một chính thể, bộ máy cầm quyền bị thay đổi. Khi chính thể cầm quyền sụp đổ thì lực lượng quốc phòng - an ninh cũng từ đó xáo trộn, sức chiến đấu vì thế giảm sút nghiêm trọng, khả năng bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ đất nước bị yếu đi đáng kể. Đồng thời, khi trong nước rối ren, thù trong xuất hiện thì giặc ngoài sẽ có cơ hội nhòm ngó nên sự toàn vẹn lãnh thổ rất dễ bị xâm phạm, chủ quyền quốc gia bị lung lay. Thực tế cho thấy, nước lớn sẽ rất dễ xâm lược lãnh thổ của nước nhỏ hơn khi nước đó phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế đã diễn ra trên thế giới. Nguy cơ đe dọa chủ quyền lãnh thổ đối với những nước nhỏ là luôn hiện hữu.
Thứ ba, rối loạn toàn cầu, xung đột xảy ra nhiều nơi sẽ tác động mạnh đến an ninh - quốc phòng và bảo vệ tổ quốc của mỗi nước.
Thực tế các cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cho thấy, trong và sau mỗi cuộc khủng hoảng đã diễn ra sự bất ổn chính trị ở nhiều nước và xung đột vũ trang ở nhiều khu vực trên thế giới. Sự lây lan của các cuộc xung đột vũ trang ở các khu vực kéo theo sự sụt giảm và đổ bể của nền kinh tế thế giới. Khi kinh tế toàn cầu sụt giảm thì các quốc gia đều bị ảnh hưởng (vì hiện nay đã toàn cầu hóa rất cao, không có một nền kinh tế nào có thể biệt lập mà phát triển được, đồng thời cũng không có nền kinh tế nào có thể tránh được tác động khi có biến động của nền kinh tế thế giới). Điều này tác động rất lớn đến các nước về vấn đề an ninh - quốc phòng và bảo vệ tổ quốc.
Thứ tư, khủng bố và di chuyển dân cư làm cho quốc phòng, an ninh của nhiều quốc gia bị đe dọa.
Hoạt động khủng bố ngày một lan rộng cùng với làn sóng người tị nạn đến từ Xy-ri dường như là một đại họa đối với châu Âu và tác động không tốt đến cả thế giới. Khi khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế lên cao thì hành vi phạm tội càng trở nên cực đoan, các tổ chức khủng bố sẽ hoạt động tàn bạo hơn và làn sóng tị nạn sẽ tăng mạnh hơn làm cho tình hình của các quốc gia có người tị nạn và hoạt động khủng bố hoành hành càng trở nên phức tạp. Với lý do đó, chi phí cho an ninh, quốc phòng của các nước phải tăng đột biến mới mong bảo đảm được trật tự.
3- Đối với Việt Nam, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững an ninh, quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp, không vững chắc cần thực hiện tốt các nội dung sau:
Một là, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững. Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ: “Cần đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát huy mọi nguồn lực và động lực để phát triển đất nước nhanh, bền vững...”(1). Muốn vậy, ngay từ những giai đoạn phát triển ổn định ở trong nước và thế giới phải có chiến lược phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Chiến lược này phải được xây dựng trên cơ sở khoa học với các cân đối vĩ mô chặt chẽ và các bảo đảm nguồn lực đầy đủ cho phát triển, trong đó lường hết các yếu tố biến động bất thường có thể xảy ra ở trong nước và thế giới.
Hai là, đẩy mạnh đổi mới tư duy, đổi mới thể chế theo tinh thần xây dựng nền kinh tế “vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường...” và là “nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế...” và “có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế...”(2) để tạo động lực phát triển cho nền kinh tế, khơi dậy và giải phóng mọi nguồn lực và sức sáng tạo cho phát triển, đặc biệt là phát động phong trào “khởi nghiệp làm giàu” của mọi người dân, phát động phong trào vì một đất nước Việt Nam phồn vinh và giàu đẹp.
Ba là, không ngừng xây dựng nền an ninh, quốc phòng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, xã hội trong mọi tình huống nhằm phục vụ phát triển kinh tế. Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu bảo đảm an ninh - quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc được triển khai trong thực tế, cụ thể là: “Phát huy mạnh mẽ sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc...”(3). Với việc coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, Đảng ta luôn luôn quan tâm phát triển mạnh mẽ kinh tế nhằm tạo nên một tiềm lực kinh tế đủ mạnh và tiềm lực quốc phòng vững chắc trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là không thể để nền kinh tế nước ta tụt hậu so với các nước. Phát triển kinh tế để tạo điều kiện giữ vững ổn định chính trị, xã hội, và ngược lại, ổn định về chính trị, xã hội để bảo đảm phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Bốn là, đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng trên cơ sở giữ độc lập, tự chủ trong điều hành kinh tế vĩ mô. Đây là vấn đề cốt lõi trong điều hành nền kinh tế. Trong xu thế toàn cầu hóa, việc Đảng ta đưa ra quan điểm chủ động và tích cực hội nhập quốc tế đã cho thấy, quyết tâm hội nhập sâu rộng với thế giới là xu thế không thể đảo ngược của chúng ta. Tuy nhiên, hội nhập sâu rộng nhưng bảo đảm độc lập, tự chủ trong quyết định chính sách kinh tế, cụ thể là trong điều hành các lĩnh vực tài chính, năng lượng, lương thực, thông tin; an ninh kinh tế, tài chính, an ninh năng lượng, an ninh lương thực,... là những vấn đề chúng ta luôn chủ động quan tâm và bảo đảm.
Năm là, nêu cao cảnh giác và không chủ quan trong điều hành nền kinh tế. Thực hiện Chính phủ kiến tạo và phát triển. Nhạy bén trước những biến động của nền kinh tế thế giới và nền kinh tế trong nước để luôn có những giải pháp phù hợp, linh hoạt, điều chỉnh kịp thời nhằm thích ứng nhanh với những biến động không thuận trên thế giới và trong nước. Đặc biệt, không để tình trạng nợ công tăng nhanh; tiết kiệm chi tiêu, sử dụng hiệu quả nguồn lực hiện có, khơi dậy tối đa nguồn lực tiềm năng; kiên quyết thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Sáu là, chú trọng nguyên tắc điều hành nền kinh tế thị trường hiện đại. Thị trường luôn tồn tại hai mặt: tích cực và tiêu cực, do vậy cần nhận thức đầy đủ về nền kinh tế thị trường, xây dựng cơ chế phản ứng linh hoạt và điều hành nhanh nhạy với mức độ can thiệp, kiểm soát tốt các hoạt động thị trường. Bên cạnh sự phát triển nhanh của nền kinh tế, kinh tế thị trường vẫn có nguy cơ đưa đến khủng hoảng, do vậy cần nêu cao cảnh giác, có biện pháp điều chỉnh kịp thời để tránh các cuộc khủng hoảng diễn ra, đặc biệt là tránh sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
An ninh, quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc sẽ gặp nhiều khó khăn khó lường trước tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Trên tinh thần “chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi...”(4) của Đại hội Đảng lần thứ XII và sự quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, nhất định chúng ta sẽ phát triển kinh tế nhanh, bền vững và bảo đảm tốt an ninh, quốc phòng trong tình hình mới./.
-------------------------------------------
(1), (2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 431, 102 - 103
(3), (4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 147, 149
Chính sách cấm vận Nga của Mỹ và phương Tây sẽ đi đến đâu?  (30/09/2016)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Tổng thống Philippines  (29/09/2016)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Chủ tịch Quốc hội Myanmar Mahn Win Khaing Than  (29/09/2016)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm