Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển đô thị văn minh
TCCS - Mảnh đất Thăng Long - Hà Nội sở hữu kho tàng di sản văn hóa phong phú về loại hình, đồ sộ về giá trị. Trong quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa nhanh chóng, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa được Hà Nội đặc biệt quan tâm nhằm nuôi dưỡng, lưu truyền bản sắc văn hóa dân tộc, khẳng định vị thế Thủ đô trong xây dựng, phát triển.
Chú trọng khai thác hiệu quả các di sản văn hóa
Quyết định số 222/QĐ-TTg, ngày 22-2-2012, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định một trong những vị thế, chức năng của Hà Nội là “trung tâm văn hóa lớn của cả nước và bản sắc trong khu vực; hội tụ tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến, hiện đại của Thủ đô và tiêu biểu của cả nước; khởi phát, sáng tạo, phát triển nền văn hóa tiên tiến, hiện đại, đa dạng và đặc trưng của Thủ đô, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Chiến lược nêu rõ: Mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu là trung tâm văn hóa lớn, tiêu biểu của cả nước và đặc sắc trong khu vực, có các công trình văn hóa lớn, ấn tượng dân tộc và hiện đại, tiêu biểu cho Thủ đô Hà Nội và Việt Nam. Hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và tinh hoa văn hóa truyền thống của Hà Nội được bảo tồn, phát triển và phát huy có hiệu quả, có nền văn hóa đặc trưng của Hà Nội, đa dạng, tiên tiến, hiện đại, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Hà Nội luôn tự hào là “Thủ đô của di sản văn hóa” với 5.922 di tích, đa dạng về loại hình, có mặt ở cả 30 quận, huyện, thị xã. Quá trình đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại làm cho Thủ đô ngày càng hiện đại, khang trang, hệ thống di sản của Thủ đô ngày càng được tôn vinh, tỏa sáng.
Nhìn lại lịch sử, quá trình giao thoa, tiếp biến văn hóa lâu dài để lại một diện mạo văn hóa Thăng Long - Hà Nội đa dạng, phong phú đặc sắc, đặc trưng với hệ thống di sản đồ sộ, đa dạng thuộc nhiều loại hình khác nhau, gồm: Di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu. Di sản văn hóa vật thể của Hà Nội gồm hàng loạt công trình kiến trúc lịch sử, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng,… được tích tụ trầm lắng qua nhiều thế kỷ, sau này có thêm kho tàng kiến trúc thời Pháp thuộc và hệ thống các di tích lịch sử cách mạng. Điểm nhấn đặc biệt trong số những di sản văn hóa vật thể của Hà Nội là Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (năm 2010). Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long nổi lên như một trong những di sản văn hóa lớn nhất của dân tộc Việt Nam và mang tầm vóc quốc tế, phản ánh sinh động về lịch sử phát triển lâu dài của kinh đô Thăng Long - Hà Nội. Di sản văn hóa phi vật thể của Hà Nội gồm kho tàng văn học dân gian hội tụ đầy đủ các thể loại tiêu biểu, như: Truyền thuyết, giai thoại văn học, truyện cười, tục ngữ và ca dao; hệ thống các nghề, phố nghề và làng nghề thủ công; hệ thống tôn giáo - tín ngưỡng, lễ hội truyền thống phong phú. Nổi bật là Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (huyện Sóc Sơn) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (tháng 11-2010); Nghệ thuật trình diễn truyền thống với niềm tự hào là một trong những chiếc nôi khởi sinh và phát triển của nghệ thuật ca trù truyền thống được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp… Di sản thư tịch (Hán Nôm và cả tiếng Pháp) của Hà Nội (đã được lưu trữ) dưới hình thức các văn bia, thần tích, thần phả, hương ước... (hoặc còn phân bố rải rác) tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng làng xã và dòng họ; di sản văn học Hán Nôm; sách địa chí, địa bạ, bản đồ… Trong đó có hệ thống 82 bia đá khắc tên những vị tiến sĩ trong các khoa thi triều Lê - Mạc (1442 - 1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu thuộc “Chương trình ký ức thế giới” (tháng 3-2010).
Hà Nội còn là nơi hội tụ tinh hoa di sản văn hóa làng nghề truyền thống của cả nước. Trong số khoảng 5.400 làng nghề ở Việt Nam, riêng Hà Nội chiếm 1/3 với khoảng 1.350 làng nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề truyền thống tiêu biểu. Mạng lưới làng nghề thủ công rộng khắp cùng cộng đồng sáng tạo mới mẻ chính là tiềm năng, lợi thế để đưa Hà Nội trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo lan tỏa trong xã hội, trở thành điểm đến đầy cuốn hút đối với bạn bè trong nước và quốc tế, tạo đà cho sức sáng tạo vươn xa. Việc bảo tồn các di sản văn hóa phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục kiến thức lịch sử, giáo dục, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đồng thời góp phần khơi dậy những tiềm năng ẩn chứa trong các di sản, tạo cơ sở cho sự phát triển du lịch bền vững…
Một số vướng mắc và giải pháp
Là một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước hoàn thành tổng kiểm kê di tích, triển khai có bài bản và hiệu quả công tác giáo dục di sản, hằng năm, Hà Nội huy động thành công nguồn tiền lớn cho hoạt động tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị di sản, phục vụ có hiệu quả công tác giáo dục lịch sử, bồi dưỡng nhân cách, xây dựng con người Thủ đô thanh lịch, văn minh, tạo cơ sở phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở Thủ đô còn không ít khó khăn, thách thức. Số lượng di tích đồ sộ, nhưng kết quả nghiên cứu xếp hạng di tích chưa tương xứng, chưa có quy hoạch tổng thể bảo tồn di tích lịch sử văn hóa. Số lượng di tích xuống cấp, xuống cấp nghiêm trọng, bị xâm phạm còn nhiều... Hiện, vẫn còn hơn 50% số di tích chưa được nghiên cứu đầy đủ, chưa lập hồ sơ đề nghị xếp hạng…Toàn thành phố có hơn 700 di tích xuống cấp từ nặng tới nghiêm trọng, 166 di tích bị vi phạm, với không ít vụ việc điển hình, như: Tự ý xây mới, lắp đặt nhiều hạng mục không phép tại chùa Khúc Thủy (huyện Thanh Oai); phá dỡ, xây mới cổng phụ hai bên gác chuông ở chùa Bối Khê (huyện Thanh Oai); tháo dỡ, xây mới toàn bộ đình cổ Lương Xá (huyện Ứng Hòa)...
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập, như nhận thức của cộng đồng chưa đầy đủ; chính quyền địa phương chưa tích cực vào cuộc; thực trạng thiếu, phải kiêm nhiệm nhiều việc của đội ngũ cán bộ, nhân viên văn hóa ở cơ sở... Nhiều di sản văn hóa phi vật thể gắn với các làng/xã ở vùng nông thôn của Hà Nội đang bị quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa “nuốt chửng”, “bức tử”. Nhiều di sản đã được “khai thác”, phát huy giá trị nhưng chưa tương xứng với giá trị di sản, giá trị khoa học, chưa hiệu quả, thậm chí có nơi phản tác dụng (làm cho di sản bị xuống cấp, biến dạng, hoặc di sản lại trở thành “gánh nặng” - cả về kinh phí lẫn trách nhiệm quản lý - cho các chủ thể sở hữu)…
Trước những khó khăn, thách thức kể trên, Hà Nội đang tập trung triển khai một số giải pháp trọng tâm, gồm: Tiến hành lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thành phố Hà Nội đến năm 2030; bổ sung hồ sơ xếp hạng di tích; định hướng kế hoạch hỗ trợ đầu tư, tu bổ di tích; hoàn thiện, phổ biến thủ tục hành chính về cấp phép tu bổ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương thực hiện đúng quy định. Trước mắt, cần xây dựng danh mục di tích theo hướng các nhóm ưu tiên, để có hoạt động đầu tư, tu bổ phù hợp. Ngoài ra, cần có biện pháp tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, ngành; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục trong nhân dân để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vi phạm trong tu bổ, tôn tạo.
Trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cần đặc biệt chú ý đến các chủ thể văn hóa (chủ thể sáng tạo và chủ thể sở hữu) để có được những giải pháp phù hợp. Chú ý đến việc bảo tồn và phát huy giá trị của cả các không gian văn hóa, môi trường văn hóa đã sinh ra và dung dưỡng di sản văn hóa. Đây là thách thức nan giải đặt ra trong thực tiễn phát triển, bởi dưới sức ép của quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa đã và đang làm biến dạng không ít không gian sinh tồn của di sản văn hóa. Ở Hà Nội, không chỉ có các di sản ở nhiều vùng nông thôn ngoại thành chịu ảnh hưởng, ngay ở khu vực nội thành, nhiều không gian của di sản văn hóa đã và đang bị xâm hại nghiêm trọng. Nhiều đền, chùa càng ngày càng bị kẹt cứng trong các phố xá, xe cộ…
Cần ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, kỹ thuật hiện đại trong khai thác di sản văn hóa để phát triển kinh tế du lịch. Khai thác di sản phải đi đôi với việc bảo tồn, gìn giữ di sản. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về di sản góp phần tạo lập các bằng chứng khoa học về di sản, là căn cứ để hình thành các bảo tàng ảo hoặc đề xuất giải pháp bảo tồn phù hợp. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin cũng là cách thức thuận tiện để kết nối du khách đến với di sản.
Có thể nói, các giá trị di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội là nguồn lực nội sinh giàu năng lượng, ngày càng hội tụ, lan tỏa rộng khắp để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Với Hà Nội, các giá trị di sản văn hóa góp phần tạo nên sức mạnh “mềm” cho quá trình phát triển của Thủ đô./.
Y tế cơ sở Hà Nội: Nhìn từ thực tiễn đại dịch COVID-19  (24/10/2020)
Hà Nội nỗ lực bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cho người dân  (18/10/2020)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay