Chuyển biến văn hóa - xã hội của Hà Nội trong bối cảnh hội nhập hiện nay
TCCS - Hà Nội với vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội của cả nước, hội tụ nền văn hóa truyền thống với nhiều giá trị, giàu bản sắc và mang tính nhân văn độc đáo. Cùng với sự phát triển của xã hội, tác động từ quá trình mở rộng địa giới hành chính và hội nhập kéo theo những biến đổi sâu sắc trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, những chuyển biến về văn hóa - xã hội được quan tâm, dành ưu tiên trong chiến lược phát triển Thủ đô hiện đại và hội nhập.
Những chuyển biến rõ nét
Từ năm 2008, khi thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội, địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng, những vấn đề văn hóa, xã hội, con người của Hà Nội có sự điều chỉnh, bổ sung về chính sách, chủ trương, kế hoạch, kinh phí, tổ chức lại hệ thống quản lý văn hóa trên địa bàn. Những thành tựu về xây dựng gia đình văn hóa, bảo tồn di sản, xây dựng làng nghề, phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh của Hà Tây cũ được Hà Nội tiếp nhận, phát triển trong những điều kiện mới. Những vấn đề về văn hóa dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo của các dân tộc ít người trở thành những vấn đề mới, lĩnh vực mới của văn hóa Hà Nội. Văn hóa đô thị và những bài học về quản lý văn hóa, hoạt động nghệ thuật, xây dựng công dân Thủ đô thanh lịch, văn minh, xây dựng nông thôn mới,... trở thành nhiệm vụ chung của thành phố.
Có thể nói, sau khi địa giới hành chính Hà Nội được mở rộng, nhiều vấn đề của văn hóa và con người Thủ đô được xem xét từ nhiều góc độ, trong đó mục đích đầu tiên là xóa nhòa những khoảng cách về hưởng thụ văn hóa của hai địa bàn, từ đô thị đến làng xã, khai thác những thế mạnh của văn hóa Thủ đô để xây dựng Hà Nội trở thành trung tâm văn hóa lớn, đầu tàu của cả nước. Điều dễ nhận thấy là trong hơn 10 năm, tốc độ đô thị hóa, xây dựng của Hà Nội phát triển một cách chóng mặt, đời sống của người dân được đổi thay theo hướng tích cực. Quá trình đô thị hóa không chỉ làm thay đổi phương thức, hình thức cư trú, thay đổi các phương thức sản xuất, tiến hành các hoạt động kinh tế mà còn là sự thay đổi lớn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và cá nhân. Đối với người dân, kinh tế gia đình phát triển, điều kiện hưởng thụ và chăm lo cuộc sống gia đình và bản thân tốt hơn, mức sống và sinh hoạt văn hóa được nâng lên.
Thành phố tập trung xây dựng các mô hình làng văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa; tăng cường giáo dục truyền thống lịch sử địa phương; nếp sống thanh lịch, văn minh. Việc ban hành, thực hiện hai Quy tắc ứng xử nơi công sở và nơi công cộng được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, góp phần bồi đắp nền tảng văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Thành phố còn đẩy mạnh các hoạt động hợp tác, giao lưu văn hóa, thực hiện đồng bộ các giải pháp: Xây dựng cơ chế, chính sách, khuyến khích, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị, các Đại sứ quán tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá văn hóa, đất nước, con người, du lịch tại Thủ đô Hà Nội. Các hoạt động giao lưu văn hóa được tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển. Thời gian qua, có gần 400 sự kiện văn hóa nghệ thuật, du lịch tổ chức trên phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, trong đó có 65 sự kiện quốc tế và 21 sự kiện của các tỉnh, thành phố trong nước. Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành sản phẩm văn hóa - du lịch nổi bật được đưa vào phục vụ nhân dân, du khách. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, phát huy các giá trị di sản văn hóa gắn với hoạt động xúc tiến du lịch trong nước và quốc tế được đẩy mạnh. Tăng cường tổ chức Ngày văn hóa Hà Nội tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và các thành phố trên thế giới, tổ chức hoạt động văn hóa, giao lưu quốc tế. Tham gia các liên hoan, lễ hội nghệ thuật quốc tế, tổ chức thành công chương trình biểu diễn giới thiệu một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam (hát chèo, ca trù, hát văn và trình diễn thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt) tại 3 thành phố của Ấn Độ là New Delhi, Guwahati và Kolkata… Xây dựng và triển khai các nội dung hợp tác với nhiều thành phố, quốc gia khác trên thế giới, trong đó có hợp tác về văn hóa.
Đặc biệt, thế giới và cả nước đã ghi nhận những nỗ lực của Thủ đô về phát triển văn hóa. Với việc tham gia “Mạng lưới các thành phố sáng tạo” của UNESCO, sở hữu những giá trị văn hóa đặc sắc của làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa ẩm thực độc đáo, Hà Nội coi hội nhập là động lực của sự phát triển bền vững. Là thành viên của “Mạng lưới các thành phố sáng tạo”, Hà Nội có cơ hội làm nổi bật đặc trưng văn hóa của Thủ đô đối với thế giới, đồng thời, xây dựng chiến lược văn hóa toàn diện, tổng thể, đổi mới tư duy về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội, vừa giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội, vừa tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại.
Mục tiêu phát triển văn hóa thời gian tới
Trong sự nghiệp xây dựng, phát triển, Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc phát triển văn hóa là nội dung trọng tâm, xuyên suốt, vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ cơ bản và lâu dài; văn hóa trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của Hà Nội; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa… Thành phố ban hành và đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình phát triển, trong đó có Chương trình số 04-CTr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Thời gian tới, để Hà Nội phát triển hơn về mọi mặt, nhất là về văn hóa, xứng tầm của một thành phố hàng triệu dân, còn rất nhiều việc phải làm.
Mục tiêu giai đoạn 2020 - 2025 được đề ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, đó là: Giải quyết hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Quản trị xã hội hiệu quả, bảo đảm an sinh, tiến bộ, công bằng xã hội; không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô. Tập trung xây dựng, phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, đậm đà bản sắc, anh hùng, vì hòa bình, hữu nghị gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô.
Theo đó, cần kiên trì phát triển, phát huy giá trị văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, tinh thần đổi mới, sáng tạo ở các cấp (nhất là người đứng đầu), các ngành và cộng đồng dân cư trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển sự nghiệp văn hóa. Có cơ chế, chính sách và nguồn lực đầu tư thích đáng phát triển văn hóa để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh, một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Quan tâm phát triển văn hóa ở vùng nông thôn, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, các khu công nghiệp, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các khu vực dân cư và giai tầng xã hội. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo, tín ngưỡng và giữ gìn, nâng cao đạo đức truyền thống, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội.
Chủ động và sáng tạo trong hội nhập quốc tế về văn hóa, tích cực đưa Hà Nội trở thành địa điểm hấp dẫn về giao lưu hợp tác, tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao trong nước và quốc tế. Tăng cường tổ chức các sự kiện và xây dựng các sản phẩm văn hóa mang tầm quốc tế. Quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch gắn với thiết kế sáng tạo, quản lý, khai thác hiệu quả các không gian văn hóa công cộng, cảnh quan, di tích; khuyến khích phát triển các không gian văn hóa sáng tạo trong cộng đồng; gắn phát triển công nghiệp văn hóa với kinh tế du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa bền vững, có giá trị kinh tế cao.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin truyền thông, báo chí về truyền thống thanh lịch, văn minh; khả năng tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại tạo nên những giá trị văn hóa mới của người Hà Nội; kịp thời biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt, tạo sự lan tỏa trong xã hội; xử lý, ngăn chặn hiệu quả những hiện tượng, hành vi xuống cấp về đạo đức, lối sống; đẩy lùi tiêu cực và các tệ nạn xã hội./.
Quyết tâm xây dựng Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần quan trọng xây dựng đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như mong ước của Bác Hồ kính yêu  (14/10/2020)
Đại hội Đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội: Tạo chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ, phát triển Hà Nội nhanh và bền vững hơn  (12/10/2020)
Vai trò của văn hóa trong Chiến lược phát triển của Thủ đô Hà Nội  (12/10/2020)
Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội (1010 - 2020)  (11/10/2020)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay