Ph.Ăng-ghen với C.Mác và chủ nghĩa Mác - Lê-nin
TCCS - Cống hiến khoa học của Ph.Ăng-ghen nói riêng, học thuyết Mác nói chung là khoa học thực sự, cách mạng triệt để, là chân lý thời đại nên có sức sống mãnh liệt. Từ khi hình thành, phát triển và được xác lập vào cuối thế kỷ XIX, hệ thống các tư tưởng, quan điểm và những quy luật kinh tế - xã hội mà hệ thống khoa học đó phát hiện ngày càng được chứng minh bằng thực tiễn, được thừa nhận rộng rãi và trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của giai cấp công nhân thế giới.
Những cống hiến khoa học của Ph.Ăng-ghen ngay trong thời trẻ (qua các tác phẩm đầu tay như Lược thảo phê phán khoa kinh tế chính trị, Tình cảnh giai cấp công nhân ở Anh, cùng những bài viết nhỏ lẻ về kinh tế, chính trị, xã hội của xã hội nước Anh tư bản chủ nghĩa đã phát triển đến chế độ công xưởng...) có ý nghĩa là vũ khí đắc lực trong cuộc đấu tranh tư tưởng và lý luận chống những trào lưu tư tưởng, lý luận tiểu tư sản, tư sản phản động, đề xuất những quan điểm, tư tưởng có tính chất khoa học và cách mạng. Qua các tác phẩm đó, Ph.Ăng-ghen bác bỏ những quan điểm lý luận tôn sùng chế độ tư hữu nói chung, chế độ sở hữu tư sản nói riêng, vạch trần chế độ bóc lột, áp bức, chế độ cạnh tranh vô chính phủ dẫn đến khủng hoảng và thất nghiệp, nạn bần cùng đói khổ, địa vị kinh tế - xã hội thấp kém của giai cấp công nhân trong xã hội tư bản. Trên cơ sở một dự cảm khoa học và cách mạng, một bản chất nhân văn sâu sắc, Ph.Ăng-ghen truy tìm nguyên nhân sâu xa của những tệ nạn xã hội, những nỗi thống khổ của giai cấp công nhân một cách đúng đắn: đó là chế độ sở hữu tư nhân, nhất là chế độ tư hữu tư sản. Trong chế độ sở hữu này, lực lượng sản xuất công nghiệp đã phát triển và tạo ra nhiều của cải nhưng lại tồn tại "nạn nghèo nàn đau khổ do sự thừa thãi đẻ ra". Từ việc trực tiếp tiếp xúc với quần chúng công nhân và phong trào đấu tranh của họ, Ph.Ăng-ghen cảm nhận được sức mạnh tiềm ẩn của giai cấp công nhân và phát hiện vai trò lịch sử của giai cấp này, giai cấp có khả năng và tất yếu sẽ là lực lượng đấu tranh tiêu diệt chế độ tư hữu tư sản, xây dựng chế độ công hữu cộng sản chủ nghĩa, xóa bỏ nạn bóc lột, áp bức, bất bình đẳng, xây dựng xã hội thành "một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người"(1). Những quan điểm, tư tưởng đó có tác dụng thức tỉnh, cổ vũ giai cấp công nhân đứng lên đấu tranh giải phóng cho mình và cho xã hội. Điều đáng chú ý là với những phát hiện và những tư tưởng, quan điểm thể hiện trên các công trình nghiên cứu đầu tay như nói ở trên, Ph.Ăng-ghen đã gợi mở cho C.Mác một hướng nghiên cứu mới, đúng đắn về xã hội tư bản, hướng nghiên cứu chuyển từ triết học và luật học sang nghiên cứu kinh tế học chính trị. Từ đi sâu nghiên cứu kinh tế học chính trị, C.Mác đã đi đến hai phát hiện vĩ đại: Chủ nghĩa duy vật lịch sử và học thuyết giá trị thặng dư. V.I.Lê-nin đã đặc biệt nhấn mạnh rằng: "Việc liên hệ với Ph.Ăng-ghen rõ ràng đã thúc đẩy C.Mác quyết định nghiên cứu kinh tế học chính trị là ngành khoa học trong đó những tác phẩm của ông đã thực hiện cả một cuộc cách mạng"(2). Với hai phát hiện vĩ đại đó của C.Mác, chủ nghĩa xã hội đã phát triển từ không tưởng thành khoa học.
Tuy nhiên, có thể đánh giá rằng, những phát hiện của Ph.Ăng-ghen qua những tác phẩm đầu tay nói trên mới chỉ là những dự cảm khoa học, hay những "trực giác thiên tài"**. Dự cảm khoa học và những trực giác thiên tài đó đã có tác dụng tạo cảm hứng cho C.Mác đi sâu nghiên cứu và từ đó C.Mác đã phát hiện ra những quy luật của hiện tượng và quá trình xã hội tư bản nói riêng và của xã hội loài người nói chung: quy luật duy vật lịch sử và quy luật sản xuất giá trị thặng dư. Nói là dự cảm khoa học hay trực giác thiên tài vì những điều phát hiện và dự báo của Ph.Ăng-ghen chưa đi tới phát hiện những quy luật kinh tế - xã hội chi phối những hiện tượng và quá trình xã hội mà ông dự báo. Chỉ đến C.Mác thì những quy luật ấy mới được phát hiện và chứng minh một cách rõ ràng, triệt để. Chính vì vậy mà Ph.Ăng-ghen đã nhiều lần khẳng định rằng, hai phát hiện vĩ đại đó có tác dụng làm cho chủ nghĩa xã hội từ không tưởng chuyển thành khoa học là công trình hoàn toàn và tuyệt đối của C.Mác.
Những cống hiến của Ph.Ăng-ghen về giải thích, hoàn chỉnh và truyền bá ba bộ phận cấu thành học thuyết Mác (triết học, kinh tế học chính trị, chủ nghĩa xã hội khoa học); về đấu tranh chống các trào lưu tư tưởng cải lương, xét lại; về bảo vệ sự trong sáng của học thuyết Mác; cống hiến về sự kết hợp lý luận của chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân, xây dựng và hiệu chỉnh các cương lĩnh của đảng vô sản...; đã được phản ánh rõ trong các công trình nghiên cứu và tác phẩm được ông viết trong những năm cuối đời (1871 - 1895), nhất là sau khi C.Mác mất. Có thể kể ra một số tác phẩm chủ yếu của Ph.Ăng-ghen thuộc ba bộ phận cấu thành đó của chủ nghĩa Mác là: Lútvích Phơbách và sự cáo chung của triết học cổ điển Đức; Biện chứng của tự nhiên; Những bức thư về chủ nghĩa duy vật lịch sử; Chống Đuyrinh; Nguồn gốc của gia đình, của chế độ tư hữu và của nhà nước; Nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản; Phê phán cương lĩnh Ecphuốc; Bản thảo cuốn "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản"(3)... Tất cả đã trở thành bộ Từ điển bách khoa độc đáo của chủ nghĩa Mác. Việc giải thích, bình luận và biên tập, xuất bản các tác phẩm của C.Mác còn ở dạng bản thảo (chẳng hạn quyển II và quyển III bộ Tư bản) đã "dựng cho người bạn thiên tài của mình một đài kỷ niệm nghiêm trang trên đó không ngờ cũng khắc luôn cả tên mình bằng những chữ không bao giờ phai mờ được"(4) và đã "tự đặt mình bên cạnh C.Mác là cây vĩ cầm thứ hai"(5). Không thể không kể đến công lao to lớn của Ph.Ăng-ghen về quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng của giai cấp công nhân thế giới suốt 50 năm và làm cố vấn lý luận cho các đảng cách mạng của giai cấp công nhân trên toàn thế giới cũng trong hơn 50 năm đó, nhất là trong thời gian sau khi C.Mác mất.
Cống hiến khoa học của Ph.Ăng-ghen nói riêng, học thuyết Mác nói chung là khoa học thực sự, cách mạng triệt để, là chân lý thời đại nên có sức sống mãnh liệt. Từ khi hình thành, phát triển và được xác lập vào cuối thế kỷ XIX, hệ thống các tư tưởng, quan điểm và những quy luật kinh tế - xã hội mà hệ thống khoa học đó phát hiện ngày càng được chứng minh bằng thực tiễn, được thừa nhận rộng rãi và trở thành nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cách mạng của giai cấp công nhân thế giới.
Cách mạng vô sản đã nổ ra và thành công, chính quyền công - nông đã được xác lập trong thực tiễn; chủ nghĩa xã hội hiện thực đã tồn tại với tất cả ưu việt và sức mạnh của nó trên 70 năm với tư cách là hệ thống thế giới. Sau khi Liên Xô và các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa sụp đổ, những nước kiên định con đường xã hội chủ nghĩa (Trung Quốc, Việt Nam...) vẫn phát huy tính ưu việt và sức sống của mình. Mặc cho sự phản kích điên cuồng của các lực lượng chống cộng, chống Ph.Ăng-ghen và C.Mác, chủ nghĩa cộng sản vẫn phát triển, "chủ nghĩa Mác vẫn giữ nguyên ý nghĩa và tầm quan trọng của nó trong thế giới hiện đại..."(6), "vẫn luôn luôn là một căn cứ quyết định cho các tổ chức cách mạng của giai cấp công nhân quốc tế - cho các đảng cộng sản chân chính đề ra đường lối chiến lược, sách lược cách mạng của mình"(7). Trong khi đó, như C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã vạch rõ, bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản vẫn không thay đổi, bản chất phản động của chính trị tư sản vẫn tồn tại hiện thực, bản chất mâu thuẫn, khủng hoảng và xu hướng diệt vong tất yếu của chủ nghĩa tư bản vẫn là vấn đề thời sự của thời đại ngày nay. Trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới trầm trọng của chủ nghĩa tư bản hiện đang diễn ra, nhiều nhà lãnh đạo các nước tư bản lớn đã trở lại tìm đọc bộ Tư bản của C.Mác, để mong từ đó tìm được giải pháp cho cuộc đại khủng hoảng kinh tế hiện nay.
Phải khẳng định rằng tư tưởng, quan điểm khoa học của Ph.Ăng-ghen nói riêng, học thuyết Mác nói chung đánh dấu trí tuệ của nhân loại thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa cộng sản. Nó là chân lý thời đại, thời đại xã hội loài người sẽ tiêu diệt hoàn toàn chủ nghĩa tư bản và thực hiện thành công chủ nghĩa cộng sản.
Học thuyết Mác, trong đó có những cống hiến khoa học của Ph.Ăng-ghen, sau đó là những phát triển của V.I.Lê-nin đã và vẫn là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chúng ta biết rằng, C.Mác và Ph.Ăng-ghen đã xuất phát từ giả thiết chủ nghĩa xã hội tương lai sẽ thắng lợi đồng thời ở các nước tư bản có nền công nghiệp phát triển cao, ở đó tiểu sản xuất của nông dân và thợ thủ công đã căn bản bị đại tư bản xóa bỏ, do đó không còn những thành phần kinh tế khác nhau, thậm chí đối lập nhau giữa công hữu và tư hữu; chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa được xây dựng trên một hình thức công hữu toàn dân (hay sở hữu nhà nước) duy nhất, cho nên không còn cơ sở kinh tế khách quan (phân công xã hội và chế độ tư hữu hay sở hữu khác nhau) cho sự tồn tại tất yếu của sản xuất và lưu thông hàng hóa, không còn kinh tế thị trường.
Trong thực tế, cách mạng vô sản (do tác động của quy luật phát triển không đều của chủ nghĩa tư bản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa) lại nổ ra trước tiên ở nước Nga không phải là nước có nền công nghiệp phát triển cao mà kinh tế tiểu nông và tiểu sản xuất còn rộng khắp; bước vào thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế bao gồm nhiều thành phần với nhiều hình thức sở hữu khác nhau, thậm chí đối lập với nhau giữa công hữu và tư hữu, nên còn sản xuất và lưu thông hàng hóa là tất yếu. Chính từ thực tiễn đó, khi kết thúc thời chiến chuyển sang thời kỳ khôi phục và hòa bình xây dựng, tại Đại hội X của Đảng Cộng sản Liên Xô, V.I.Lê-nin đặt ra vấn đề đổi mới chiến lược kinh tế: thay thế chính sách cộng sản thời chiến (sản phẩm tất yếu của thời chiến) bằng chính sách kinh tế mới (NEP) với nội dung thực chất là chuyển từ chế độ kinh tế tập trung tuyệt đối sang chế độ kinh tế thị trường có sự điều tiết của nhà nước chuyên chính vô sản hướng lên nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thuần túy với hai hình thức sở hữu: toàn dân và tập thể. V.I.Lê-nin nhận thức rõ rằng, kinh tế thị trường tự do với nhiều hình thức sở hữu khác nhau, thậm chí đối lập nhau giữa công hữu và tư hữu, giữa tập thể và cá nhân, một mặt, sẽ khuyến khích phát triển sản xuất, khôi phục nông nghiệp và công nghiệp; mặt khác, sẽ khôi phục thương nghiệp tư nhân và chủ nghĩa tư bản nhưng không đáng sợ vì có sự điều tiết và quản lý của nhà nước chuyên chính vô sản. Bên cạnh đó, chúng ta đã có khu vực kinh tế công hữu của nhà nước do quá trình quốc hữu hóa, "chuộc lại" và xây dựng mới làm nền tảng. Không những thế, V.I.Lê-nin còn chủ trương và thực hiện chế độ tô nhượng, cho phép tư bản quốc tế được đầu tư vào nền kinh tế để tranh thủ vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, phát triển nền đại công nghiệp; nhượng quyền kinh doanh một số ngành cho tư sản dân tộc bằng cách cho thuê những xí nghiệp nhà nước mà nhà nước không cần giữ độc quyền kinh doanh; cho nhà tư bản, nông dân, công nhân, cán bộ, nhân viên nhà nước bao thầu để khai thác một khoảnh đất, một số khu rừng, một số vùng mỏ mà nhà nước chưa cần thiết và chưa có khả năng đầu tư. Nhà nước sẽ thu địa tô hiện vật, từ đó mà có sản phẩm cho xã hội; sử dụng các hợp tác xã của những người tiểu sản xuất do các nhà tư bản nhỏ lãnh đạo để làm cung tiêu sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp; thành lập những công ty thương mại hỗn hợp vốn của nhà nước, của tư bản trong nước và tư bản ngoài nước để phát triển ngoại thương... V.I.Lê-nin coi đó là những hình thức cơ bản của chủ nghĩa tư bản nhà nước dưới nền chuyên chính vô sản. Chủ nghĩa tư bản nhà nước này, theo V.I.Lê-nin, là những quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa được phép tồn tại và phát triển dưới sự kiểm soát của nhà nước vô sản. Nó là một "bước lùi" cần thiết và bao hàm mâu thuẫn nhưng nếu được sử dụng đúng đắn, nó sẽ có tác dụng to lớn đối với quá trình tiến từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn cơ khí hóa xã hội chủ nghĩa. Có ưu thế của sản xuất lớn cơ khí hóa, xí nghiệp tư bản nhà nước sẽ là trợ thủ đắc lực của xí nghiệp xã hội chủ nghĩa trong việc phát triển lực lượng sản xuất. Nó sẽ tạo hình thức cạnh tranh giữa xí nghiệp xã hội chủ nghĩa với xí nghiệp tư bản chủ nghĩa để tăng sản xuất xã hội và kỷ luật lao động. Sản phẩm do xí nghiệp tư bản nhà nước cung cấp có thể nhanh chóng thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng và nhu cầu sản xuất. Kỹ thuật do tư bản quốc tế nhận tô nhượng cung cấp có thể giúp nhanh chóng cải tạo kỹ thuật cho các ngành sản xuất của nền kinh tế quốc dân. Với những tác dụng như vậy, theo V.I.Lê-nin, chủ nghĩa tư bản nhà nước là "cái cầu trung gian để quá độ dần từ chủ nghĩa tư bản nhà nước lên chủ nghĩa xã hội". Tuy nhiên, con đường chủ nghĩa tư bản nhà nước trong thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội không phải là hòa bình giai cấp, mà là đấu tranh giai cấp dưới hình thức khác, "một cuộc chiến tranh kinh tế", như V.I.Lê-nin nói; và không loại trừ âm mưu lật đổ, nhưng giai cấp công nhân không có lý do để sợ điều đó vì "... chính quyền nằm trong tay chúng ta" và "nhà nước vô sản nắm những khâu kinh tế chủ chốt và có thể trừng trị thẳng tay bọn tư bản không nghiêm chỉnh chấp hành những thể lệ, quy định...".
C.Mác cũng như Ph.Ăng-ghen chưa xây dựng nên một học thuyết về chủ nghĩa tư bản nhà nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, và các ông đã khẳng định học thuyết của mình không nhất thành bất biến. V.I.Lê-nin cũng nói rằng: C.Mác và Ph.Ăng-ghen không trói buộc những nhà cách mạng tương lai vận dụng sáng tạo học thuyết và tư tưởng của mình. Điều đó là vì học thuyết của C.Mác và Ph.Ăng-ghen là "biện chứng tức là học thuyết về sự phát triển dưới hình thức hoàn bị nhất, sâu sắc nhất...". Là học thuyết về sự phát triển, học thuyết của C.Mác và Ph.Ăng-ghen mang tính sáng tạo. Nó cũng phát triển và biến đổi cùng với sự phát triển và biến đổi của thực tiễn cuộc sống trên cơ sở những nguyên lý cơ bản bất biến của học thuyết đó. Chủ nghĩa giáo điều và tính cứng nhắc mâu thuẫn với nguyên tắc vận động mãi mãi và không ngừng của phép biện chứng mác-xít. Chính vì vậy, Ph.Ăng-ghen đã nhắc đi nhắc lại tư tưởng của ông và của C.Mác khi viết lời tựa cho Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, xuất bản bằng tiếng Anh năm 1888 rằng: "Chính ngay Tuyên ngôn cũng đã giải thích rõ rằng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào, việc áp dụng những nguyên lý đó cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời, và do đấy, không nên quá câu nệ vào những biện pháp cách mạng nêu ra ở cuối chương II"(8). Tư tưởng quá độ dần lên chủ nghĩa xã hội cũng được Ph.Ăng-ghen đề cập. Trong tác phẩm Nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản, câu hỏi đặt ra là: "Liệu có thể thủ tiêu chế độ tư hữu ngay lập tức được không? Trả lời: Không thể được và cũng y như không thể làm cho lực lượng sản xuất hiện có tăng lên ngay lập tức đến mức cần thiết để xây dựng một nền kinh tế công hữu". Vì "bất cứ một sự thay đổi nào của chế độ xã hội, bất cứ một sự cải biến nào về mặt quan hệ sở hữu cũng đều là kết quả tất yếu của việc tạo nên những lực lượng sản xuất mới"(9). Như vậy là Ph.Ăng-ghen đã rất chú trọng việc vận dụng một cách đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Khuyết điểm cơ bản của cơ chế kinh tế xã hội chủ nghĩa theo mô hình Liên Xô trước đây là tập trung quan liêu, kế hoạch hóa phạm sai lầm mà V.I.Lê-nin đã phê phán là theo đuổi "một kế hoạch hoàn chỉnh, toàn vẹn, chân chính", "một thứ không tưởng quan liêu chủ nghĩa"(10). Mặt khác, thừa nhận sản xuất và lưu thông hàng hóa về mặt lý luận nhưng phủ nhận về mặt thực tế bằng chế độ tập trung quan liêu, bao cấp. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của cơ chế kinh tế đó.
Ở Việt Nam, chúng ta đã giáo điều trong vận dụng cơ chế kinh tế đó khi đã ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước nhưng vẫn còn đang ở những bước đầu của thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sai lầm đó đã dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trong những năm 80 của thế kỷ XX.
Với sự tỉnh táo cách mạng, Đảng ta đã thấy sai lầm trong việc duy trì quá lâu cơ chế kinh tế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu, bao cấp; thấy cần thiết một cuộc đổi mới cơ chế kinh tế, đổi mới tư duy. Trên 20 năm qua, công cuộc đổi mới ở nước ta đã giành được những thắng lợi to lớn có ý nghĩa lịch sử. Đảng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăng-ghen về "việc áp dụng những nguyên lý đó (của Tuyên ngôn Đảng cộng sản) cũng phải tùy theo hoàn cảnh lịch sử đương thời" và tư tưởng của V.I.Lê-nin về chính sách kinh tế mới với "việc trao đổi hàng hóa tức là đòn xeo chủ yếu của chính sách kinh tế mới được đặt lên hàng đầu..."(11), với việc sử dụng các thành phần kinh tế, thực hiện cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước do Đảng lãnh đạo cũng như với việc vận dụng đúng đắn mối quan hệ biện chứng giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.
(1) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 4, tr 628
(2) V.I.Lê-nin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1974, t 2, tr 9
** Ph.Ăng-ghen đã dùng từ ngữ "trực giác thiên tài" để chỉ quan niệm của những nhà sáng lập ra triết học Hy Lạp cổ đại cho rằng toàn bộ thế giới tự nhiên, từ cái nhỏ nhất đến cái lớn nhất, từ hạt cát cho đến mặt trời, từ những sinh vật nguyên thủy cho đến con người đều nằm trong trạng thái không ngừng sinh ra và diệt vong, không ngừng vận động và biến hóa bất tận. (Xem C.Mác - Ph.Ăng-ghen: Sđd, t 20, tr 471)
(3) V.I.Lê-nin viết: "Trong bức thư đề ngày 24 tháng 11 năm 1847, Ph.Ăng-ghen đã báo tin cho C.Mác biết rằng ông đã soạn xong bản thảo cuốn: "Tuyên ngôn của Đảng cộng sản", ngoài ra ông còn nói thêm rằng: ông không thích cái hình thức vấn đáp mà trước đây ông đã chủ trương..." (Xem V.I.Lê-nin: Sđd, t 24, tr 331
(4) (5) V.I.Lê-nin: Sđd, t 2, tr 12
(6) Đánh giá của Đại hội Mác quốc tế diễn ra từ ngày 27 đến 30-9-1995 nhân kỷ niệm 100 năm chủ nghĩa Mác với sự tham dự của 50 viện nghiên cứu, tạp chí mác-xít và 30 trường đại học đến từ 22 nước trên thế giới (Xem: Tạp chí Cộng sản, số 9, tháng 5-1996)
(7) Đánh giá của tuần báo Giải phóng (7-7-1995), tiếng nói của hàng vạn chiến sĩ cách mạng các nước Mỹ La-tinh cư trú ở Thụy Điển (Xem Tạp chí Cộng sản, số 1, tháng 1-1996)
(8), (9) C.Mác - Ph.Ăng-ghen: Sđd, t 21, tr 524, 467
(10) V.I.Lê-nin: Sđd, t 52, tr 96
(11) V.I.Lê-nin: Sđd, t 43, tr 400
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 92 (4-12-2009)  (02/12/2009)
Gần 26 ngàn tỉ đồng đầu tư đào tạo nghề cho lao động nông thôn  (01/12/2009)
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ ngày 1-12-2009  (01/12/2009)
Lực kéo tăng trưởng kinh tế thế giới chuyển hướng  (01/12/2009)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên