Ngày 7-2-2011, các nhà kinh tế thế giới lên tiếng báo động lạm phát đã trở thành hiểm họa lớn nhất đe dọa các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi. Hiểm họa này ngày càng phức tạp và khó xử lý do kết hợp giữa hoạt động quá nóng của nền kinh tế trong nước với giá hàng hóa tăng cao trên toàn cầu.

Mạng phân tích và tư vấn kinh tế (EIU) thuộc Tạp chí "Nhà kinh tế" cho rằng, năm 2010 là một năm gặt hái đối với các nhà đầu tư tại các thị trường đang nổi do nhìn chung các tài sản của những thị trường đang nổi đều tạo ra lợi nhuận rất cao. Tuy nhiên, trong năm 2011, dù các thị trường đang nổi vẫn năng động hơn các thị trường phát triển, nhưng triển vọng lợi nhuận sẽ giảm đi.

Ở nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi, như In-đô-nê-xi-a, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Bra-xin…, lạm phát đã lên tới mức cao nhất của trần cho phép. Mai-cơn Saun (Michel Shaoul), nhà kinh tế của Ngân hàng Oscar Gruss của Mỹ chuyên cung cấp các dịch vụ tư vấn buôn bán và đầu tư quốc tế cho biết: chỉ số MSCI về hoạt động của thị trường vốn doanh nghiệp của những nền kinh tế mới nổi đã mất 2% và các quỹ cổ phần ở các thị trường mới nổi phải trải qua cơn lốc rút vốn lớn nhất kể từ quý 3 năm 2008.

Lo ngại hiểm họa lạm phát đã khiến hầu hết các nhà quan sát thị trường đều cảnh báo thận trọng về triển vọng của các chứng khoán ngắn hạn bằng những đồng tiền nội tệ, vốn là các đầu tư đặc biệt hấp dẫn trong năm 2010. Trong khi đổ xô mua tới 9,4 tỉ USD trái phiếu chính phủ của In-đô-nê-xi-a trong năm 2010, chỉ trong 20 ngày tháng 1-2011, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán tháo tới 1,3 tỉ USD nguồn trái phiếu này, khiến trái phiếu bằng đồng nội tệ của In-đô-nê-xi-a mất 5% giá trị chỉ trong tháng Giêng này. Đồng ru-pi Ấn Độ đã mất giá 4% trong tháng 1-2011 buộc Ngân hàng Trung ương Ấn Độ phải tăng lãi suất, nhưng vẫn không làm dịu được lo ngại của các nhà đầu tư. Thị trường chứng khoán Ấn Độ đã giảm 10% trong tháng 1-2011 và bị đánh giá là thị trường hoạt động tồi tệ nhất thế giới.

Nhà kinh tế Na-ta-li-a Gu-ru-si-na (Natalia Gurushina) của tập đoàn tài chính quốc tế "Roubini Global Economics" khuyến cáo các nhà đầu tư thận trọng hơn nữa đối với những trái phiếu bằng các đồng tiền nội tệ ở các nền kinh tế thị trường mới nổi, đặc biệt ở châu Á, trong nửa đầu năm 2011, vì hiểm họa lạm phát ở những nền kinh tế này.

Trong năm tài chính 2010 cho đến nay, WB đã dành 11,8 tỉ USD cho các giao dịch bảo hiểm tiền tệ và lãi suất. Các nền kinh tế thị trường mới nổi đã sử dụng các giao dịch này cùng với sự hỗ trợ nghiệp vụ của WB để thực hiện các chiến lược quản lý nợ. WB nhấn mạnh, hiểm họa nợ của một nước được thể hiện thông qua tiền tệ và lãi suất trong đó hiểm họa nợ ngắn hạn có thể gây mấy ổn định tài chính. WB hỗ trợ các nền kinh tế thị trường mới nổi thiết lập các cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả để bảo vệ và quản lý tốt hơn các nguồn lực của chính phủ.

Phi-líp An-đơ-sơn (Phillip Anderson), trợ lý giám đốc quản lý nợ và ngân hàng của Kho bạc WB cho rằng chính sách kinh tế vĩ mô được cải thiện và quản lý nợ công đã giúp các nền kinh tế thị trường mới nổi tránh được khủng hoảng nợ chủ quyền trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009. WB đã hợp tác với các nền kinh tế này trong nhiều năm qua, cung cấp trợ giúp kỹ thuật và các sản phẩm quản lý rủi ro để các nền kinh tế này đạt được các mục tiêu quản lý nợ dài hạn. Trung bình, Kho bạc WB thực hiện các giao dịch bảo hiểm tiền tệ và lãi suất lên tới 25-30 tỉ USD/năm để quản lý rủi ro cho cán cân tài chính của WB và khách hàng. Năm tài chính 2009, các giao dịch bảo hiểm rủi ro cho khách hàng đã tăng gấp 3 lần so với năm tài chính trước khủng hoảng.

Các nhà kinh tế quốc tế nhấn mạnh uy tín nhiều năm của WB trong các thị trường vốn toàn cầu đã giúp WB thực hiện các giao dịch bảo hiểm rủi ro tốt hơn nhiều nước mặc dù các nước này có khả năng tự bảo hiểm rủi ro, đặc biệt trong môi trường khủng hoảng vì WB luôn có sẵn cho tất cả các thành viên các loại dịch vụ tài chính dựa trên kinh nghiệm 60 năm của một thể chế hàng đầu trong thị trường tài chính quốc tế./