Tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giải quyết lợi ích chính trị giữa Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 1945 - 1946
TCCSĐT - Trong những năm 1945 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có một tầm nhìn chính trị vượt trội, mang tính cách mạng và khoa học khi giải quyết vấn đề lợi ích chính trị giữa cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ trong bối cảnh lịch sử đầy biến động của thời đại sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc với những thay đổi bước đầu trong vị thế chính trị của các nước lớn và sự lớn mạnh của phong trào đấu tranh giành độc lập của các dân tộc thuộc địa.
Giai đoạn 1945 - 1946: Hợp tác giữa Việt Minh và Hoa Kỳ trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa phát xít
Mặt trận Việt Minh thành lập vào ngày 19-5-1941 với mục đích công khai là “liên hiệp tất cả các tầng lớp nhân dân, các đảng phái cách mạng, các đoàn thể dân chúng yêu nước, đang cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Có thể nhận thấy rằng, Mặt trận Việt Minh là đại biểu cho sự đoàn kết, thống nhất ý chí, nguyện vọng của dân tộc Việt Nam.
Trên cơ sở thực tiễn cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1945 - 1946, xuất phát từ xu hướng chính trị và tương quan lực lượng chính trị giữa các giai cấp, các đảng phái cách mạng trong và ngoài nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định rằng, cách mạng Việt Nam mà trực tiếp là Mặt trận Việt Minh - lực lượng yêu nước Việt Nam cần có chân trong phe Đồng Minh chống phát xít Nhật ở Viễn Đông. Có như vậy, cách mạng Việt Nam mới nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện và giúp đỡ của các nước Đồng Minh trong công cuộc giải phóng dân tộc. Trong đó, Hoa Kỳ là lực lượng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm và mong muốn được cộng tác hơn cả.
Trong quá trình ra đi tìm con đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã học hỏi và rút ra được nhiều kết luận quan trọng. Trong tác phẩm Đường Kách Mệnh (năm 1927), Người nhận định: “Cách mạng Việt Nam cũng là một bộ phận trong cách mạng thế giới. Ai làm cách mạng trên thế giới đều là đồng chí của nhân dân Việt Nam”(1). Trước bối cảnh Việt Nam giai đoạn 1945 - 1946, Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhãn quan chính trị sáng suốt đã nhận định cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới đều chung một mặt trận, những chiến sĩ cách mạng trên thế giới đều là đồng chí của cách mạng Việt Nam, sát cánh cùng nhân dân Việt Nam.
Khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra, phe phát xít đã châm ngòi và gây ra hàng loạt các cuộc chiến tranh. Nhân dân tiến bộ trên thế giới không ngừng lên án cuộc chiến tranh của quân phát xít. Nhân dân thế giới phải liên minh với nhau trong phe Đồng minh để chống phát xít, chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình và quyền con người của nhân loại.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã chứng minh, mỗi khi đất nước bị ngoại quốc xâm lăng, đô hộ, nhân dân Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục, luôn đứng lên khởi nghĩa, chiến đấu để giải phóng dân tộc. Khi phát xít Nhật nhảy vào Việt Nam thì thực dân Pháp đã nhanh chóng dâng Đông Dương cho Nhật. Nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã phải đảm nhận thêm một nhiệm vụ cách mạng, đó là đánh đuổi Nhật - Pháp giành độc lập dân tộc. Cuộc đấu tranh của dân tộc ta vì vậy đã không còn bó hẹp trong phạm vi quốc gia mà trở thành một nhân tố tích cực trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít cùng với các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
Do vậy, mọi dân tộc trên thế giới đang chống phát xít, chống chiến tranh trên thế giới đều là bè bạn của cách mạng Việt Nam, “dù ở châu Á, châu Phi hay Mỹ Latinh, các dân tộc đấu tranh cho hòa bình và nhân dân các nước chiến đấu để tự giải phóng đều chung tay trong một mặt trận”(2). Hoa Kỳ là một nước nằm trong phe Đồng minh chống phát xít và tham gia chống phát xít Nhật ở Viễn Đông. Như vậy, nhân dân, cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ có kẻ thù chung, chung một mặt trận, điều này giúp cho hai bên hợp tác với nhau vì mục tiêu chung. Đoàn kết, thống nhất, xây dựng và tập hợp lực lượng, tìm bạn đồng minh và phân hóa kẻ thù vừa là chiến lược cách mạng, vừa thể hiện sự chỉ đạo sách lược của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh. “Đoàn kết các lực lượng trong một mặt trận chung, dựa trên nền tảng những giai cấp cơ bản và những lợi ích chung là vấn đề được Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh rất quan tâm và thực hiện trong quá trình lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc”(3). Mục tiêu của cách mạng Việt Nam lúc này là giải phóng dân tộc, tất cả các mục tiêu khác đều phải gác lại và phục vụ cho mục tiêu chung nhất.
Phong trào cách mạng Việt Nam trong năm 1945 có những bước phát triển to lớn là bởi sự thay đổi chiến lược trong tư duy của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh trong việc xác định phương pháp cách mạng đúng đắn, sáng tạo, đặc biệt trong việc hợp tác với Cơ quan tình báo chiến lược Hoa Kỳ (OSS). “Dưới mật danh Licius, Hồ Chí Minh đã cung cấp cho tổ chức tình báo Mỹ OSS những tin tức tình báo về lực lượng Nhật (ở Đông Dương) (…) và các du kích quân của ông đã cứu thoát 17 phi công Mỹ bị (Nhật) bắn hạ”(4) trong lúc tiến hành các cuộc ném bom ở Đông Dương. Chính mối quan hệ hợp tác này đã tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng Việt Nam và Hoa Kỳ có thể bắt tay với nhau vì mục tiêu chung trước mắt.
Giai đoạn 1945 - 1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định Hoa Kỳ là bạn đồng minh trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của cách mạng Việt Nam
Độc lập dân tộc là vấn đề quan trọng hàng đầu của cách mạng Việt Nam giai đoạn 1945 - 1946. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh trong cuộc nói chuyện với L. A. Patti: “Quyền sống - sự sống còn - đó là lý tưởng cao cả nhất của cuộc cách mạng”. Khi liên hệ cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của cách mạng Việt Nam năm 1945 với cuộc đấu tranh chống lại sự cai trị của người Anh do 13 thuộc địa của Mỹ tiến hành năm 1775 và Tuyên bố độc lập năm 1776, ta thấy có nhiều sự liên hệ và tương đồng. Bởi cuộc Cách mạng Mỹ cũng là cuộc đấu tranh chống lại chế độ thực dân để giành lại độc lập và thống nhất quốc gia. Nhà khoa học chính trị S. M. Lipset nhận định, “Hoa Kỳ là thuộc địa lớn đầu tiên thành công chống lại sự cai trị của chính quyền thuộc địa. Trong ý nghĩa này, đây là 'quốc gia mới' đầu tiên”. Chính vì vậy, mới có sự việc năm 1919, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Bản yêu sách tám điểm tới Hội nghị Véc-xây đòi các quyền tự do, dân chủ cho nhân dân An Nam - một nước thuộc địa nhỏ bé ở Đông Dương. Như vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm tìm hiểu, nghiên cứu nước Mỹ và Cách mạng Mỹ để có những nhận thức khách quan, khoa học về hai cuộc đấu tranh giành độc lập của hai nước với những khác biệt về địa chính trị - xã hội. Từ đó, việc thiết lập mối quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ trong cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc những năm 1945 - 1946 đã thể hiện một tầm nhìn chính trị mang tính lịch sử và chứa đựng những giải pháp chính trị mang dấu ấn cá nhân đặc sắc của lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Trong những năm từ 1942 đến 1944, vấn đề tự do của tất cả các dân tộc phụ thuộc đã trở thành một vấn đề quan trọng và Hoa Kỳ đã cam kết thực hiện nguyên tắc về quyền tự quyết của các dân tộc thông qua việc cùng với Anh ra Tuyên bố chung Đại Tây Dương. Vào năm 1942, vấn đề này một lần nữa được nhấn mạnh và khẳng định trong dịp 26 quốc gia thông qua Hiến chương Đại Tây Dương. Tháng 6-1945, Hiến chương Liên hợp quốc được ký kết nhằm thống nhất tư tưởng chung trong việc thiết lập, xây dựng hòa bình và an ninh quốc tế. Bản Hiến chương đã thừa nhận nguyên tắc đặt quyền lợi của nhân dân các lãnh thổ không tự trị lên hàng đầu. Như vậy, trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai đã xuất hiện các điều kiện, những cơ hội, cũng như khả năng cho các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc thực hiện quyền dân tộc tự quyết. Và Hoa Kỳ là một nước nổi lên trong việc cam kết thực hiện và tôn trọng “quyền tự do phát triển”, “quyền lựa chọn được sống dưới một chính thể nào đó của các dân tộc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhìn thấy điều này và Người đã sớm rút ra kết luận là phải tranh thủ cảm tình của nước Hoa Kỳ trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam. Bởi, Người hiểu rất rõ rằng: Nhất định là khi có cơ hội, Pháp sẽ đòi lại Đông Dương làm thuộc địa.
Sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc với thắng lợi thuộc về phe Đồng minh, tương quan lực lượng chính trị giữa các nước lớn như Mỹ, Anh, Pháp, Liên Xô, Trung Quốc đã có những thay đổi. Nắm rõ sự thay đổi này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những trù tính trong việc xác định các mối quan hệ đồng minh chiến lược, sách lược nhằm mang lại những thuận lợi, dù là nhỏ bé nhất cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã không ngừng xây dựng mối quan hệ có tính cách mạng với Hoa Kỳ trong những năm 1944 - 1945. Mặt khác, khi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam đang bước vào giai đoạn quyết định với những tình thế và thời cơ hiếm có trong năm 1945, việc Chủ tịch Hồ Chí Minh nỗ lực thiết lập mối quan hệ với một nước lớn như Hoa Kỳ là một bước đi chính trị khôn ngoan nhằm tạo uy thế lớn cho nền độc lập và cuộc đấu tranh chính nghĩa của cách mạng Việt Nam.
Hoa Kỳ là một nước đế quốc mang tư tưởng chống lại chế độ thực dân (tất nhiên tư tưởng này là để phục vụ cho lợi ích của đế quốc Mỹ), trong đó có sự cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương. Là một nhà chính trị lão luyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ được tâm tư của Mỹ trong vấn đề Đông Dương và Việt Nam khi Tổng thống Mỹ F. D. Roosevelt mong muốn thiết lập một chế độ ủy trị ở đây. Tuy tư tưởng đó không giải quyết được một cách triệt để vấn đề độc lập cho Việt Nam nhưng đây vẫn là một tư tưởng tiến bộ hơn so với sự cai trị của thực dân của Pháp ở Việt Nam. Do đó, trong giai đoạn 1945 - 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự thông hiểu sâu sắc tình hình chính trị thế giới, bằng mọi nỗ lực chính trị của bản thân, Người đã cố gắng xây dựng mối giao hảo tốt đẹp với cơ quan tình báo OSS để tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của Hoa Kỳ trong cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam.
Trong và sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô chưa thực sự quan tâm đến vấn đề Đông Dương, cũng như cuộc đấu tranh giành độc lập của Việt Nam bởi nước này còn nhiều vấn đề trong và ngoài nước phải thực hiện sau khi cuộc chiến tranh kết thúc. Hiểu rõ được điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định cách mạng Việt Nam cần phải tìm kiếm sự công nhận và ủng hộ từ một lực lượng khác và Người đã chia sẻ với L. A. Patti suy nghĩ của mình trong vấn đề tìm kiếm bạn đồng minh cho cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam: “Tôi đặt nhiều tin tưởng vào Mỹ trong việc ủng hộ cho nền độc lập của Việt Nam, trước khi tôi có thể hy vọng vào sự giúp đỡ của Liên Xô”(5). Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh hợp tác với OSS, cũng như tiếp xúc với các cá nhân L. A. Patti, C. Penn…, đã trở thành một phương pháp cách mạng mẫu mực, điển hình trong việc tìm kiếm bạn đồng minh; phân hóa, cô lập kẻ thù để từng bước mang lại những lợi ích thiết thực, cụ thể cho công cuộc giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam. Nhờ đó mà cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1945 - 1946 đã tránh được những sự đụng độ không đáng có với quân đội của Tưởng Giới Thạch và các lực lượng phản động trong và ngoài nước. Qua đó, có thể nhận thấy rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng một tầm nhìn vượt trội và khả năng định hướng tâm lý, cảm hóa, thuyết phục xuất chúng đã có những giải pháp chính trị cụ thể, hiệu quả với từng tổ chức, cá nhân của quân đội Hoa Kỳ.
Tầm nhìn chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ giai đoạn 1945 - 1946, một mặt được thể hiện trong đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với những vấn đề lớn của quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đó là: chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, góp phần giữ gìn ổn định ở Đông Dương và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Mặt khác, mối quan hệ chính trị đặc biệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong giai đoạn này thể hiện nhãn quan chính trị nhạy bén, sáng suốt và bản lĩnh chính trị kiên cường của nhà cách mạng Hồ Chí Minh. Với một tư duy mạnh mẽ, sáng tạo và những phương pháp cách mạng đúng đắn, hiệu quả, nền độc lập dân tộc của Việt Nam đã được giành lại sau hơn 80 năm bị thực dân Pháp đàn áp, thống trị.
Không chỉ có vậy, tầm nhìn chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã vượt qua những hạn chế về mặt lịch sử của thời đại, của cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, của bối cảnh lịch sử hai nước trong những năm 40 của thế kỷ XX. Cơ sở sâu xa của tầm nhìn đó là yêu cầu, khát vọng hòa bình, độc lập của dân tộc Việt Nam. Bằng khả năng nhận biết và xử lý mâu thuẫn dân tộc và thời đại một cách sáng tạo, linh hoạt với một nghệ thuật chính trị khoa học, điển hình, mẫu mực, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt những nền móng đầu tiên cho mối quan hệ lịch sử giữa Việt Nam và Hoa Kỳ bằng chính khát vọng tự do và thực tiễn cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam trong những năm 1945 - 1946.
Thế giới ngày nay đã và đang trải qua những thay đổi lớn lao về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; cục diện địa chính trị toàn cầu đã có bước đảo chiều theo xu hướng đa phương. Vì vậy, mối quan hệ giữa các quốc gia, các vùng lãnh thổ cũng có sự biến thiên không ngừng và tiềm ẩn những nhân tố hết sức phức tạp. Các vấn đề của toàn cầu hóa, an ninh quốc tế, phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường… đặt các quốc gia có cùng lợi ích hướng đến các mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và phát triển bền vững. Trong bối cảnh ấy, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước phát triển theo phương châm: Khép lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai. Trong những năm gần đây, tầm nhìn cho quan hệ hai nước là hướng đến mục tiêu: làm sâu sắc quan hệ đối tác lâu dài, toàn diện và tăng cường hợp tác, đối thoại trên các vấn đề khu vực và toàn cầu; vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới./.
----------------------
(1), (2) Chí Thắng - Kim Dung, Danh ngôn Hồ Chí Minh, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, 2007, tr. 125
(3) Nguyễn Văn Hoàn, Nghiên cứu lịch sử chính trị và liên hệ kinh tế - xã hội, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, 2010, tr. 52
(4) Báo The Time, 12-9-1969
(5) Archimedes L. A. Patti, Why Viet Nam, Nxb. Đà Nẵng, 2001, tr. 609
Đà Nẵng tập trung hoàn thiện chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC  (10/10/2017)
Việt Nam thể hiện trách nhiệm khi tranh cử Tổng Giám đốc UNESCO  (10/10/2017)
Việt Nam và Sierra Leone tăng cường hợp tác nhiều mặt  (10/10/2017)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm