Tính khoa học và cách mạng trong học thuyết của C. Mác về hình thái kinh tế - xã hội
TCCS - Hội nghị 81 đảng cộng sản và công nhân quốc tế họp tại Mát-xcơ-va (tháng 11-1960) đã đưa ra quan điểm chung về thời đại ngày nay - đó là thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, được mở đầu bằng Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại. Quan điểm đó thể hiện sự trung thành và vận dụng sáng tạo học thuyết của C. Mác về hình thái kinh tế - xã hội, một học thuyết mang tính khoa học và cách mạng sâu sắc trong toàn bộ quan niệm về lịch sử xã hội, làm cơ sở phương pháp luận trong phân tích khoa học về quá trình vận động và phát triển xã hội theo lịch sử - tự nhiên.
Trong nhiều thập niên qua, nhất là sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở các nước Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, chủ nghĩa xã hội (CNXH) dần lâm vào thoái trào và dẫn đến khủng hoảng nghiêm trọng. Nhân cơ hội đó, các học giả tư sản, các thế lực phản động quốc tế và phần tử cơ hội núp dưới mọi màu sắc chính trị liên tục tung ra và cổ súy mạnh mẽ cho những quan điểm khác nhau về thời đại. Họ không ngớt rêu rao rằng, chủ nghĩa Mác - Lê-nin là “không tưởng”; “mô hình CNXH sụp đổ thì học thuyết cũng sụp đổ theo”... Họ còn gán cho “học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác là phiến diện, áp đặt!”, là một nguyên nhân cản trở nhân loại tiến lên xây dựng xã hội tư bản chủ nghĩa (TBCN) - xã hội được họ coi là một “mô hình thời đại” mà loài người cần vươn tới.
Vậy, nếu cứ theo những quan điểm khác về thời đại đang được các học giả tư sản rao giảng và các phần tử phản động, cơ hội chính trị tung hô, cổ súy, thì phải chăng phương pháp tiếp cận thời đại theo học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác đến nay không còn phù hợp?
Trước hết, chúng ta cần thấy rõ, cách đây hơn một thế kỷ rưỡi, kể từ khi chủ nghĩa Mác mới chỉ là “bóng ma” ở châu Âu, các nhà lý luận của giai cấp tư sản, cùng các phần tử cơ hội chính trị đã dấy lên biết bao chiến dịch vu cáo, xuyên tạc, phản bác toàn bộ quan điểm, luận điểm lý luận do C. Mác và Ph. Ăng-ghen nêu ra, như lý luận về vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản thế giới, học thuyết giá trị thặng dư, học thuyết đấu tranh giai cấp... Ngày nay, các thế lực thù địch vẫn không ngừng công kích, tìm mọi cách phản bác chủ nghĩa Mác - Lê-nin, trong đó học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác là một trọng điểm mà họ chống phá với tính chất hết sức nham hiểm, quyết liệt.
Đúng là bối cảnh thế giới hiện nay có nhiều biến đổi lớn so với thời kỳ C. Mác và Ph. Ăng-ghen sống. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại trên thế giới phát triển như vũ bão với những mũi nhọn tin học, sinh học, vật liệu mới, năng lượng mới và hiện nay đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (công nghiệp 4.0) tác động mạnh mẽ, sâu sắc đến quá trình lao động, sản xuất của nhiều quốc gia, dân tộc; đến tâm lý, lối sống con người và đến cả quá trình đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc, đấu tranh giữa các lực lượng không đồng quan điểm. Trong tình hình như vậy, cũng dễ hiểu có những lực lượng đưa ra quan điểm tiếp cận thời đại theo nền văn minh, nhằm muốn thay thế cách tiếp cận thời đại theo học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác. Quan điểm của các lực lượng này cho rằng, xuất phát điểm của cách tiếp cận thời đại theo nền văn minh là dựa trên văn minh hậu công nghiệp, cao hơn cách tiếp cận theo hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác, là cách tiếp cận chỉ dựa trên nền văn minh công nghiệp. Họ lập luận: Thời đại văn minh tin học vừa thu nhỏ trái đất lại, vừa gắn bó các dân tộc, các quốc gia, các giai cấp, các nền văn minh của nhân loại, vừa thay đổi bản chất các quan niệm cũ về không gian và thời gian, về hiện tại và tương lai, về giống nòi và đồng loại.
Lợi dụng sự khủng hoảng nghiêm trọng của CNXH hiện nay, các thế lực thù địch ra sức cổ súy cho phương pháp tiếp cận thời đại theo nền văn minh. Họ tập trung bài xích, công kích vào những luận điểm riêng lẻ của học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội, cho đây là một học thuyết “duy kinh tế”. Thậm chí, họ còn võ đoán và gán cho học thuyết hình thái kinh tế - xã hội chỉ xem xét thế giới một cách phiến diện, theo cách nhìn “lưỡng phân”, chỗ nào cũng thấy mâu thuẫn, xung đột, đối kháng. Như vậy, họ đã bộc lộ rất rõ dụng ý xuyên tạc, cố tình đánh tráo khái niệm một cách trắng trợn, phản khoa học nhằm phủ nhận học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác. Trong khi đó, họ ra sức khuếch trương quan điểm và phương pháp tiếp cận thời đại theo nền văn minh, coi đây là một “phát kiến khoa học của nhân loại”; rằng, nội dung và phương pháp tiếp cận này toàn diện hơn, lấy sự thống nhất, hòa hợp làm cơ sở cho đường hướng phát triển của nhân loại.
Trong xã hội cũng xuất hiện cả quan niệm mang tính dung hòa, được lập luận rằng, thời đại ngày nay là thời đại mà các quốc gia, dân tộc dù có chế độ chính trị, xã hội khác nhau, nhưng cùng hợp tác và cạnh tranh, thi đua với nhau để tồn tại và phát triển. Tính chất nổi trội của thời đại ngày nay là hòa hoãn và đối thoại, đấu tranh và bảo vệ môi trường hòa bình, bảo vệ “trái đất - ngôi nhà chung”, cùng hợp lực tìm ra các phương sách tối ưu để giải quyết những vấn đề toàn cầu cấp bách đang đặt ra cho toàn nhân loại.
Ở đây, cần phân tích để thấy rõ sự phi lý của quan điểm cho rằng, học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội chỉ nhấn mạnh đến yếu tố kinh tế trong phát triển xã hội, là một học thuyết “duy kinh tế”. Cần khẳng định rằng, trong toàn bộ nội dung cơ bản của học thuyết này, C. Mác không đề cập đến phạm vi một nền văn minh nhất định của nhân loại, đồng thời cũng không coi nhẹ vai trò của lực lượng sản xuất. Trong tác phẩm “Sự khốn cùng của triết học” (năm 1847), C. Mác nêu rõ: “Những quan hệ xã hội đều gắn liền mật thiết với những lực lượng sản xuất. Do có được những lực lượng sản xuất mới, loài người thay đổi phương thức sản xuất của mình, và do thay đổi phương thức sản xuất, cách kiếm sống của mình, loài người thay đổi tất cả những quan hệ xã hội của mình. Cái cối xay quay bằng tay đưa lại xã hội có lãnh chúa, cái cối xay chạy bằng hơi nước đưa lại xã hội có nhà tư bản công nghiệp”(1). Như vậy, ngay từ thời đó, C. Mác đã thể hiện nhãn quan của một nhà khoa học lớn, nhà chính trị vượt thời đại. Ông luôn đề cao vai trò của lực lượng sản xuất, tức vai trò trình độ văn minh vật chất của nhân loại đối với sự phát triển xã hội. Trong bức thư gửi I-ô-dép Blốc ở Khuê-ních-xbuốc ngày 21-9-1890, Ph. Ăng-ghen viết: “theo quan niệm duy vật về lịch sử, nhân tố quyết định trong quá trình lịch sử xét đến cùng là sản xuất và tái sản xuất ra đời sống hiện thực. Cả tôi lẫn Mác chưa bao giờ khẳng định gì hơn thế. Còn nếu có ai đó xuyên tạc luận điểm này theo ý nghĩa nhân tố kinh tế là nhân tố quyết định duy nhất, thì người đó biến lời khẳng định này thành một câu trống rỗng, trừu tượng, vô nghĩa”(2). Ph. Ăng-ghen còn nêu rõ: Sự phát triển của các học thuyết chính trị, pháp lý, triết học, các quan điểm tôn giáo... đều dựa trên sự phát triển về kinh tế. Nhưng sự phát triển của tất cả các yếu tố đó có sự tác động qua lại lẫn nhau, trong đó sự vận động kinh tế như một cái tất yếu. “Chúng ta tự làm nên lịch sử của chúng ta, nhưng, thứ nhất, chúng ta làm ra lịch sử với những tiền đề và những điều kiện rất xác định. Trong số những tiền đề và điều kiện ấy thì những tiền đề và điều kiện kinh tế, rốt cục giữ vai trò quyết định. Nhưng, những điều kiện chính trị, v.v., ngay cả những truyền thống tồn tại trong đầu óc con người cũng đóng một vai trò nhất định, tuy không phải là vai trò quyết định”(3). Như vậy, C. Mác và Ph. Ăng-ghen nhấn mạnh đến vai trò của kinh tế là khi nói “xét đến cùng”, chứ các ông không nói đó là nhân tố quyết định trực tiếp và duy nhất đến sự phát triển xã hội.
Trong khi đó, những người đề cao phương pháp tiếp cận thời đại theo nền văn minh đã phạm một sai lầm cơ bản, đó là chỉ coi trình độ phát triển của khoa học - công nghệ, của lực lượng sản xuất là yếu tố quyết định duy nhất, mà không thấy được (hoặc họ cố tình không thấy) vai trò của các quan hệ kinh tế, quan hệ giai cấp, quan hệ chính trị - pháp lý, quan hệ dân tộc...
Cũng cần phân tích để thấy rõ sự mơ hồ và áp đặt của quan điểm cho rằng, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác là phiến diện, xem xét sự vật, hiện tượng theo cách nhìn “lưỡng phân”; lấy mâu thuẫn của các mặt đối lập làm động lực cho sự phát triển xã hội. Thực tế cuộc đời và sự nghiệp của C. Mác đã chứng minh, khi xây dựng học thuyết hình thái kinh tế - xã hội, ông đã có những tổng kết khoa học đồ sộ cả về mặt lý luận và thực tiễn; đặc biệt là việc vận dụng phép biện chứng duy vật vào nghiên cứu lịch sử phát triển xã hội của nhân loại và khẳng định đó là quá trình lịch sử - tự nhiên. C. Mác và Ph. Ăng-ghen cũng là người đặt nền móng xây dựng triết học mác-xít, nhấn mạnh thế giới là sự thống nhất của các mặt đối lập và các mặt đó luôn vận động, phát triển trong không gian và thời gian. Các ông còn cho rằng, sự mâu thuẫn, xung đột đối kháng trong thế giới hiện thực là một thực tế khách quan, không phải do cách xem xét chủ quan của con người tạo ra, có điều là chúng ta có nhận thức được thực tế khách quan đó đã và đang diễn ra hay không mà thôi. Trong khi đó, phương pháp tiếp cận thời đại theo nền văn minh chỉ nhấn mạnh một chiều, tuyệt đối hóa mặt thống nhất của các mặt đối lập mà không thấy được sự đấu tranh của các mặt đối lập. Vì vậy, ở đây, không thể đem phương pháp tiếp cận thời đại theo nền văn minh thay thế cho phương pháp tiếp cận thời đại theo hình thái kinh tế - xã hội của học thuyết Mác.
Hiện nay, tồn tại khá phổ biến quan điểm nhấn mạnh nội dung và tính chất của thời đại ngày nay - là thời đại các quốc gia, dân tộc cùng hợp tác và thi đua để tồn tại, phát triển, không phân biệt chế độ chính trị - xã hội, là thời đại hòa hoãn và đối thoại, đấu tranh và bảo vệ môi trường hòa bình trên thế giới, môi trường và hệ sinh thái của trái đất, ngăn chặn sự gia tăng biến đổi khí hậu toàn cầu... Chúng ta không phản đối, bác bỏ quan điểm đó, mà coi đây là một phương pháp tiếp cận thời đại có yếu tố hợp lý cần được tiếp thu, tham khảo. Tuy nhiên, cần thấy rõ bản chất cố hữu của giai cấp tư sản mà C. Mác đã chỉ ra trong học thuyết của mình. Bản chất đó sẽ không bao giờ thay đổi, cũng như sẽ không thể và không bao giờ có sự nhân đạo TBCN. Nói cách khác, giai cấp tư sản vì quyền lợi ích kỷ nên không thể xóa nhòa được được mâu thuẫn giữa giai cấp công nhân, nhân dân lao động với nó, giữa bóc lột và bị bóc lột, giữa xâm lược và bị xâm lược, giữa độc lập dân tộc và phụ thuộc...
Trong một thế giới hội nhập nhưng đầy biến cố chính trị như hiện nay, việc xuất hiện các phương pháp tiếp cận về thời đại cũng là điều dễ hiểu. Nếu gạt bỏ mục đích chính trị của một số phương pháp tiếp cận, thì cũng thấy hàm chứa yếu tố hợp lý và có giá trị nhất định. Những người cộng sản chân chính muốn bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đòi hỏi phải đẩy mạnh nghiên cứu, tổng kết lý luận và thực tiễn trên quan điểm duy vật biện chứng về lịch sử; vạch rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan hàm chứa trong các quan điểm khác nhau về thời đại ngày nay, để từ đó vừa làm phong phú thêm nhận thức của mình, vừa có những kiến giải thuyết phục về con đường phát triển hợp quy luật của nhân loại đã được các nhà kinh điển mác-xít nêu ra trong học thuyết hình thái kinh tế - xã hội.
Thế giới đang phát triển theo xu hướng toàn cầu hóa, một thế giới đa cực. Lực cản xu hướng đó chủ yếu do thế giới còn đang bị sự chi phối rất lớn của chủ nghĩa tư bản (CNTB) độc quyền, các công ty tư bản xuyên quốc gia, các tổ hợp công nghiệp quân sự ngày càng phình to. Trong khi lợi nhuận của giới chủ tư bản ngày càng tăng lên cấp số nhân, thì ở lục địa châu Phi hiện nay có tới trên 3/4 dân số đang bị đói; mỗi ngày có hàng nghìn trẻ em trên thế giới bị chết yểu vì bệnh tật, nhưng ở các nước TBCN phát triển lại dư thừa lương thực, thực phẩm, vật dụng tiêu dùng. Vì thế, trong một “thế giới phẳng”, chúng ta càng phải nhấn mạnh đến mâu thuẫn giữa bóc lột và bị bóc lột, giữa giàu có và nghèo đói, giữa bất bình đẳng và khát vọng bình đẳng, giữa CNTB và CNXH. Không thể chấp nhận các quan điểm “hội tụ”, “hội nhập” giữa các chế độ chính trị, các giai cấp xã hội với nhau. Đến nay, những mâu thuẫn cơ bản của thời đại vẫn tồn tại, phát triển và ngày càng thêm chồng chất, gay gắt. Đó chính là thực trạng phát triển khách quan của nhân loại hiện nay, không phải do ý muốn chủ quan của ai, mà trước hết là do sự phát triển của lực lượng sản xuất. Vì vậy, có thể khẳng định, thời đại ngày nay vẫn là tiến trình lịch sử của đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa hai con đường (CNXH và CNTB) bằng những phương pháp, hình thức phù hợp trong điều kiện lịch sử mới.
Đến nay, tất cả những nguyên lý lý luận đã được C. Mác chỉ ra trong học thuyết hình thái kinh tế - xã hội tuy chưa được chứng minh đầy đủ trong thực tiễn, song cũng chưa ai có thể bác bỏ được, chưa học thuyết xã hội nào có thể vượt qua. Một số lý luận gia và chính khách tư sản chủ yếu dựa vào những sự kiện diễn ra vào cuối thế kỷ XX ở Liên Xô và các nước Đông Âu để phủ nhận tư tưởng XHCN và lý luận mác-xít về hình thái kinh tế - xã hội. Chúng ta không thể xem xét nội dung và tính chất cơ bản của thời đại ngày nay mà chỉ căn cứ vào những diễn biến trong một giai đoạn lịch sử ngắn như vậy. Mặc dù những diễn biến đó rất quan trọng, nhưng nếu cắt rời chúng với những thời kỳ có liên quan thì dễ rơi vào phiến diện, chủ quan, thiếu căn cứ khoa học. Vấn đề ở đây là, khi xem xét, phân tích nội dung và tính chất của thời đại ngày nay, phải gắn nó với một hình thái kinh tế - xã hội nhất định và đi đôi với nó là một giai cấp tiêu biểu cho hình thái kinh tế - xã hội đó. Điều này đã được Ph. Ăng-ghen nhấn mạnh: “trong mỗi thời đại lịch sử, phương thức chủ yếu của sản xuất kinh tế và trao đổi, cùng với cơ cấu xã hội do phương thức đó quyết định, đã cấu thành cơ sở cho lịch sử chính trị của thời đại và lịch sử của sự phát triển trí tuệ của thời đại, cái cơ sở mà chỉ có xuất phát từ đó mới cắt nghĩa được lịch sử đó”(4).
Như vậy, học thuyết Mác không chỉ xác định các yếu tố cấu thành nên hình thái kinh tế - xã hội, mà còn phân tích sự vận động của xã hội trong một quá trình phát triển liên tục theo quy luật khách quan. Đó là một học thuyết cho đến nay vẫn tràn đầy sức sống và sẽ mãi trường tồn mãnh liệt, là cơ sở phương pháp luận để nghiên cứu, xem xét, phân tích lịch sử xã hội và nhận thức đúng đắn về nội dung, tính chất của thời đại ngày nay. Điều đó được thực tiễn chứng thực vào năm 2008 - 2009, khi cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu diễn ra ngày càng trầm trọng, một số nhà tư bản ở I-ta-li-a, Anh, Đức... đổ xô đi mua bộ “Tư bản” của C. Mác để nghiên cứu với hy vọng tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Rõ ràng, khi nhân loại bước vào thế kỷ XXI, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác vẫn tỏ rõ là một học thuyết tràn đầy tính khoa học và cách mạng sâu sắc, chưa có học thuyết nào thay thế được. Từ đó có thể khẳng định, quan điểm về thời đại mà Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân quốc tế nêu ra năm 1960, đến nay vẫn giữ nguyên giá trị.
Với phương pháp tiếp cận thời đại ngày nay trên cơ sở nắm vững linh hồn của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác, cần phải luôn khẳng định, thời đại ngày nay là thời đại quá độ từ CNTB lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới, được đánh dấu bằng thắng lợi của Cách mạng XHCN Tháng Mười Nga vĩ đại năm 1917. Từ sau thắng lợi của Cách Mạng Tháng Mười Nga, thế giới trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, gắn với sự ra đời và phát triển của hệ thống XHCN thế giới hùng mạnh, đứng đầu là Liên Xô, với sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào công nhân và cộng sản quốc tế. Điều đó đã trở thành động lực cho các dân tộc bị áp bức, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đấu tranh chống CNTB, chế độ áp bức, bóc lột, giành độc lập, tự do cho dân tộc, trong đó có nhiều dân tộc lựa chọn con đường XHCN. Tuy nhiên, lịch sử cũng đã chứng kiến sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, hệ thống CNXH thế giới lâm vào thoái trào. Song, sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu lại không hẳn là sự sụp đổ của CNXH và càng không thể coi đây là minh chứng về sự sai lầm của học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội. Đó chỉ là sự sụp đổ của một mô hình cụ thể về xây dựng CNXH, chưa phải là mô hình CNXH mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác mong muốn. Suy cho cùng, sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô và Đông Âu là do sự thiếu hiểu biết cặn kẽ về chủ nghĩa Mác nói chung và học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của Mác nói riêng; cũng như tình trạng quá giáo điều, cứng nhắc, chủ quan, duy ý chí của những thế hệ lãnh đạo sau V. I. Lê-nin trong quá trình vận dụng chủ nghĩa Mác vào thực tiễn. Cần thấy rằng, ngày nay thế giới đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của một số nước XHCN trên con đường đổi mới, cải cách (như Trung Quốc, Việt Nam, Cu-ba, Lào,...). Điều đó đã, đang và sẽ củng cố vị thế, vai trò của CNXH trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, xu hướng đi lên CNXH vẫn là sự lựa chọn của không ít quốc gia, dân tộc trên thế giới hiện nay.
Hiện nay, thế giới vẫn đang trong bước quá độ vĩ đại để đến với CNXH và chủ nghĩa cộng sản. Những yếu tố quan trọng đầu tiên của một hình thái kinh tế - xã hội mới đã bắt đầu xuất hiện, đó là nền kinh tế tri thức và xu hướng toàn cầu hóa. Đây là những bảo đảm quan trọng cho một xã hội mới ra đời với những kiểu tổ chức lao động xã hội cao hơn, trong đó tư liệu sản xuất chính là khoa học, tri thức, tin học - tài sản thuộc sở hữu của đại đa số người lao động trong tất cả những ngành sản xuất quan trọng, như công nghiệp, dịch vụ, thương nghiệp, nông nghiệp... Xã hội mới sẽ đạt năng suất lao động cao hơn nhiều so với năng suất lao động mà kiểu tổ chức kinh tế của hình thái kinh tế - xã hội TBCN đã tạo ra. Nó sẽ tiến tới chỗ thỏa mãn ngày càng tốt hơn những nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi người lao động trên cơ sở sự tham gia ngày càng tích cực, tự giác của họ vào quá trình lao động xã hội với đặc trưng xã hội hóa lao động ngày càng cao. Vì vậy, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, khó lường hiện nay, chủ nghĩa Mác nói chung và học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội nói riêng vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi. Phương pháp tiếp cận thời đại theo học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của C. Mác vẫn luôn là cơ sở phương pháp luận khoa học và mang tính cách mạng sâu sắc, phản ánh khách quan quá trình lịch sử - tự nhiên của sự phát triển xã hội loài người./.
------------------------------------------
(1) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 4, tr. 187
(2), (3) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 37, tr. 641, 642
(4) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 21, tr. 523
Thúc đẩy quan hệ Việt Nam - El Salvador thông qua đối ngoại nhân dân  (29/08/2017)
Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi nỗ lực cải thiện quan hệ với Triều Tiên  (29/08/2017)
Lộc giời?  (29/08/2017)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay