Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông: Thực trạng và giải pháp
TCCSĐT - Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, kết cấu hạ tầng giao thông của nước ta có bước chuyển rất lớn, được các tổ chức quốc tế và trong nước đánh giá cao. Để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển đề ra trong giai đoạn 2016-2020, cần đánh giá thực trạng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2011-2015, phân tích những kết quả, hạn chế, kinh nghiệm để từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục.
Huy động vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Theo Đề án Chương trình và Chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào giao thông vận tải đến năm 2020 của Bộ Giao thông vận tải, tổng chi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông do Bộ quản lý bình quân năm đã liên tục tăng trong thời gian qua. Tương ứng các giai đoạn 2001 - 2005 và 2006 - 2010 là 12.000 tỷ đồng/năm (khoảng 0,76 tỷ USD) và 36.000 tỷ đồng/năm (khoảng 1,9 tỷ USD). Và con số bình quân của hiện nay là khoảng 70.000 tỷ đồng/năm (khoảng 3,1 tỷ USD)(1).
Thống kê của Bộ Giao thông vận tải cho thấy, nguồn vốn nước ngoài được thu hút và đầu tư vào ngành giao thông vận tải hiện có nguồn ODA (và vốn vay ưu đãi) và vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Vốn nước ngoài chiếm gần 32% tổng chi đầu tư vào ngành giao thông, trong đó ODA chiếm 28% và còn lại là FDI (số liệu ước tính, chưa được thống kê đầy đủ).
Vốn ODA tập trung bố trí phần lớn cho lĩnh vực hạ tầng đường bộ (cao tốc, quốc lộ, cầu lớn, đường tỉnh, giao thông nông thôn), một phần cho lĩnh vực hạ tầng cảng hàng không, hạ tầng hàng hải, hạ tầng đường thủy, hạ tầng đường sắt (tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị).
Chi tiêu công cho lĩnh vực giao thông ở nước ta khá cao. Tỷ trọng của chi đầu tư công cho xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở cả trung ương và địa phương (bằng khoảng 1,2 lần chi ngân sách trung ương) bình quân giai đoạn 2009-2013 là 3,5%. Con số này là một mức cao hơn so với một số nước trong khu vực.
Biểu đồ cơ cấu chi cho hạ tầng giao thông và bến bãi
trong tổng GDP của Việt Nam giai đoạn 1995-2013
Trong 5 năm qua, ngành giao thông vận tải đã thực hiện rà soát quy mô đầu tư, tiêu chuẩn, phân kỳ đầu tư hợp lý, lựa chọn giải pháp thiết kế phù hợp... nên đã tiết giảm được hơn 57.000 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư các dự án. Đồng thời, ngành đã tạo được bước đột phá trong việc thu hút các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Trong giai đoạn 2011-2015, đã kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho kết cấu hạ tầng giao thông được trên 410.000 tỷ đồng.
Từ năm 2012 đến nay, số vốn tư nhân tham gia đầu tư vào phát triển hạ tầng giao thông tăng đột biến. Riêng năm 2014, ngành giao thông vận tải đã huy động được gần 43.000 tỷ đồng vốn tư nhân tham gia đầu tư vào các dự án giao thông. Tính đến cuối năm 2014, trong 63 dự án PPP do Bộ Giao thông vận tải quản lý, các ngân hàng thương mại đã tham gia tài trợ tới 135.000 tỷ đồng (chiếm trên 89% tổng mức đầu tư). Tuy nhiên, các dự án đầu tư hạ tầng giao thông thường có thời gian thu hồi vốn dài lên đến hàng chục năm. Đây là thách thức lớn đối với các ngân hàng thương mại trong việc thu hồi vốn, quản lý rủi ro thanh khoản, rủi ro kỳ hạn. Động thái chính sách mới đây của Ngân hàng Nhà nước về việc siết cho vay trung và dài hạn đang đặt ra thách thức không nhỏ cho việc tìm kiếm nguồn vốn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Ngân sách hạn hẹp, khả năng nguồn vốn tín dụng trung và dài hạn sắp tới bị hạn chế mức cho vay, cộng với việc giảm nguồn vốn ODA vay ưu đãi khi Việt Nam bước vào ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình là những thách thức không nhỏ trong việc huy động vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Phát triển hạ tầng giao thông vận tải: Những kết quả ấn tượng
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 4 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW ngày 16-01-2012 của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, kết cấu hạ tầng giao thông của nước ta có bước chuyển rất lớn, mang tính đột phá được các tổ chức quốc tế và trong nước đánh giá cao.
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có bước tiến vượt bậc, lọt top 10 sự kiện kinh tế - xã hội tiêu biểu trong năm 2015, được nhiều tờ báo có uy tín của Việt Nam bình chọn. Về phía quốc tế, Ngân hàng Thế giới đánh giá, thị trường logistics ở Việt Nam có tốc độ phát triển trung bình đạt từ 16 - 20%/năm. Trong khi đó, Báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới cho thấy, kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam trong giai đoạn 2010 - 2015 đã tăng 36 bậc (từ vị trí 103 đã lên vị trí 67). Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hệ thống đường cao tốc mới hoàn thành đã đưa nước ta đứng vào top 3 các nước có đường cao tốc lớn và hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.
Tính đến hết năm 2015, trong đầu tư phát triển đường bộ, đã đưa vào khai thác toàn tuyến đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn 1,5 năm; hoàn thành mở rộng Quốc lộ 1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ sớm hơn 1 năm. Đây là 2 trục giao thông quan trọng nhất, có tác động lớn đến phát triển kinh tế đất nước, kết nối các khu vực tăng trưởng, các đầu mối giao thông đối ngoại trọng yếu.
Cùng với đó, đã có trên 700km đường bộ cao tốc được đưa vào khai thác (vượt hơn 100km so với mục tiêu Nghị quyết số 13-NQ/TW đề ra). Các tuyến quốc lộ hướng tâm quan trọng khu vực phía Bắc; các đường vành đai biên giới; các tuyến quốc lộ quan trọng khu vực miền Trung, Tây Nguyên, khu vực miền Nam; nhiều công trình lớn (cầu Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Hạc Trì,...) đã được ưu tiên đầu tư xây dựng.
Kết cấu hạ tầng, dịch vụ đường sắt; đường thuỷ nội địa; hệ thống cảng biển; nhiều công trình tại các cảng hàng không quan trọng, hệ thống giao thông đô thị, giao thông nông thôn… đều có bước tiến vượt bậc.
Bằng việc triển khai đồng bộ, tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chính sách, trong đó đặc biệt chú trọng tăng thu hút đầu tư ngoài ngân sách, 5 năm qua, kết cấu hạ tầng giao thông đã có sự phát triển vượt bậc, nhiều công trình quan trọng, thiết yếu được đưa vào sử dụng, tạo diện mạo mới cho đất nước, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh. Công tác đầu tư phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông được gắn liền với công tác tái cơ cấu, sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…
Mặc dù vậy, kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng đủ nhu cầu, một số nơi như các đô thị tập trung đông dân cư, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,… kết cấu hạ tầng giao thông vẫn chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế của đô thị, tình trạng kẹt xe, ách tắc giao thông vẫn thường xuyên xảy ra,… Một số khu vực vùng sâu, vùng xa, nông thôn miền núi đường đi lại vẫn khó khăn. Nhiều tuyến đường, cầu, … xuống cấp, hư hại nghiêm trọng nhưng chưa có đủ vốn để đầu tư sửa chửa, xây mới.
Trong thu hút vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chưa thu hút được nhà đầu tư và tổ chức tín dụng nước ngoài tham gia đầu tư theo hình thức PPP; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn rất hạn chế.
Định hướng và giải pháp phát triển giai đoạn 2016 - 2020
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khoá XI đã đề ra mục tiêu trọng tâm về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế lớn với nhau và với các đầu mối giao thông cửa ngõ bằng hệ thống giao thông đồng bộ, năng lực vận tải được nâng cao, giao thông thông suốt, an toàn, với một số công trình hiện đại, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững.
Chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải xác định mục tiêu tổng quát đến năm 2020 Việt Nam sẽ hình thành được một hệ thống giao thông vận tải hợp lý giữa các phương thức vận tải, phát triển một cách đồng bộ, từng bước tiến tới hiện đại nhằm góp phần đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Một số mục tiêu cụ thể gồm: Đến năm 2020 có trên 2.000km đường bộ cao tốc; hoàn thành hơn 600km đường Hồ Chí Minh; tốc độ bình quân chạy tàu tuyến Bắc - Nam là 80 - 90km/h đối với tàu khách và 50 - 60km/h đối với tàu hàng; đưa tổng năng lực các cảng hàng không đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm; tổng công suất các cảng biển đạt khoảng 800 triệu tấn/năm vào năm 2020;...
Để thực hiện các mục tiêu đó, theo ước tính của Bộ Giao thông vận tải, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 1.015.000 tỷ đồng (khoảng 48 tỷ USD), trong đó, nhu cầu phân theo các lĩnh vực lần lượt là: đường bộ khoảng 651.000 tỷ đồng, đường sắt khoảng 119.000 tỷ đồng, hàng không khoảng 101.000 tỷ đồng, hàng hải 68.000 tỷ đồng và đường thủy nội địa hơn 33.000 tỷ đồng. Cũng theo Bộ Giao thông vận tải, khoảng hơn 300.000 tỷ đồng (14 tỷ USD) sẽ huy động từ nguồn ngoài ngân sách, đặc biệt là vốn đầu tư từ nước ngoài.
Như vậy, nhu cầu về vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là rất lớn. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách hạn hẹp, khả năng huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã giảm khi Việt Nam bước vào ngưỡng quốc gia có mức thu nhập trung bình và trần nợ công bị khống chế. Điều này đang đặt ra nhiều thách thức và áp lực không nhỏ trong việc huy động vốn cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong bối cảnh hiện nay và trong những năm tới. Để vượt qua những thách thức về huy động vốn xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:
Một là, cần ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các công trình có tính lan tỏa, bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế, các vùng kinh tế trọng điểm và các phương thức vận tải thông qua việc rà soát, điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế nước ta.
Hai là, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ, giảm chi phí và nâng cao hiệu quả trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Thực hiện triệt để giải pháp này giúp giảm suất đầu tư cho các công trình giao thông, qua đó, có thể tăng quy mô đầu tư với một nguồn vốn đầu tư nhất định.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh thu hút mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, bao gồm cả nguồn lực trong và ngoài nước bằng cơ chế, chính sách phù hợp. Nhà nước cần rà soát, sửa đổi, ban hành các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, đặc biệt là hoàn thiện hệ thống chính sách thu hút đầu tư theo hình thức PPP, nhằm tạo sự đột phá trong thu hút vốn tư nhân tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Xem xét xây dựng Luật về PPP trên cơ sở nâng cấp các quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP để tạo cơ sở pháp lý cao nhất, thống nhất, đồng bộ cho việc xã hội hóa thu hút đầu tư, trong đó có xã hội hóa thu hút đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
Bốn là, thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ các dự án, qua đó, nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí khi dự án bị chậm tiến độ do vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Bộ Giao thông vận tải, các chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương huy động hệ thống chính trị cơ sở vào cuộc để thúc đẩy công tác giải phóng mặt bằng, bảo đảm tiến độ thi công các dự án. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các vấn đề liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình.
Năm là, đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản; nâng cao năng lực của các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng giao thông. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính tạo môi trường thông thoáng cho hoạt động đầu tư, trong đó có đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng giao thông./.
-------------------------------------------
(1) Trong bài sử dụng số liệu của Bộ Giao thông vận tải
Chính phủ và Quốc hội điện mừng Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội Ukraine  (21/04/2016)
Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% năm 2016  (21/04/2016)
Thành phố Hồ Chí Minh: Hội đồng nhân dân tiếp tục đổi mới, nâng chất lượng hoạt động  (21/04/2016)
Hoa Kỳ rất coi trọng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama  (21/04/2016)
Tập đoàn Hong Kong muốn đầu tư về thực phẩm sạch ở Việt Nam  (21/04/2016)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên