Đông Á mười năm sau cuộc khủng hoảng tài chính

Trần Bá Khoa
10:53, ngày 17-12-2007

Cuốn sách “Một châu Á phục hưng” (An Asia Renaissance) do Ngân hàng thế giới xuất bản (3 - 2007) có đoạn: “Cuộc khủng hoảng có thể sẽ nhấn chìm Đông Á vào sự đình trệ và có thể khu vực này sẽ mất nhiều năm tăng trưởng”. Tuy nhiên, trên thực tế Đông Á hiện đã phục hồi và đang lấy lại vị trí trên trường quốc tế, mặc dù vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức ở phía trước.

Phục hồi và phát triển

Báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới (WB) về tình hình kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương viết: “Một thập kỷ sau cuộc khủng hoảng tài chính, khu vực này hiện giầu có hơn, có ít người nghèo khổ hơn và đóng vai trò lớn hơn trên trường quốc tế” [1]. Cũng theo báo cáo trên, Đông Á (trừ Nhật Bản) hiện có tổng sản phẩm trên 5.000 tỉ USD, tức gấp đôi so với thời kỳ trước khủng hoảng. Thu nhập thực tế đầu người của In-đô-nê-xi-a, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a, Phi-líp-pin và Thái Lan, các nền kinh tế bị tác động nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng, vượt xa mức trước khủng hoảng. Đối với toàn bộ Đông Á, thu nhập thực tế đầu người cao hơn 75% so với trước khủng hoảng; tăng trưởng kinh tế năm 2006 đạt 8,1%. Đây là tỷ lệ tăng trưởng cao nhất kể từ 10 năm qua. Dự trữ ngoại tệ của khu vực đạt trên 2.000 tỉ USD và nếu tính cả Nhật Bản đạt 3.147 tỉ USD, chiếm 2/3 dự trữ ngoại tệ của thế giới. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo cũng đạt thành tựu lớn hơn các khu vực khác của thế giới. Thu nhập dưới 1 USD/đầu người/ngày giảm từ 40,1% năm 1981 xuống 18,1% năm 2004, hiện nay còn khoảng 8% và dự kiến đến năm 2015 còn dưới 2%. Kể từ năm 2001, tổng số người dân Đông Á sống dưới 2 USD/ngày đã giảm bớt 228 triệu, cao hơn mức giảm thiểu đói nghèo thời kỳ “bùng nổ” phát đạt 1991 -1996. Nếu các nước trong khu vực tiếp tục khắc phục được những sự bất cập trong quản lý vĩ mô nền kinh tế và tài chính, duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững thì công cuộc xóa đói, giảm nghèo còn thu được thành quả lớn hơn.

Ngày nay, Đông Á là một trong các điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu. Khu vực này đã biết chuyển hóa khủng hoảng thành cơ hội. Thời gian thử thách trong những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ XX đã nhen nhóm ý thức khu vực, cùng chia sẻ vận mệnh kinh tế khu vực và bản sắc khu vực. Nhiều diễn đàn khu vực về hợp tác, hội nhập khu vực đã được tổ chức. Nhiều sáng kiến được đưa ra, như Quỹ dự trữ Chiềng Mai và dự án Quỹ trái phiếu châu Á, đã góp phần bình ổn nền tài chính các nước Đông Á và có khả năng kịp thời ứng phó với các cú “sốc” tiền tệ trong bối cảnh toàn cầu hóa và khu vực hóa nhanh chóng. Nợ xấu của các công ty và ngân hàng ở các nước bị khủng hoảng nặng nhất đã giảm bớt nhiều và nằm trong tầm kiểm soát. Ví dụ nợ khó đòi trên tổng số dư nợ của ngân hàng Thái Lan từ tỷ lệ 45% thời khủng hoảng nay còn 4%, Hàn Quốc từ 30% xuống dưới 1%, Ma-lai-xi-a từ 21% xuống 9% và In-đô-nê-xi-a từ 49% xuống còn 7% [2].

Đông Á (trừ Nhật Bản) hiện có tổng sản phẩm trên 5.000 tỉ USD. Thu nhập thực tế đầu người cao hơn 75% so với trước khủng hoảng. Tăng trưởng kinh tế năm 2006 đạt 8,1%. Dự trữ ngoại tệ của khu vực bằng 2/3 dự trữ ngoại tệ của thế giới.

Tăng cường hợp tác, hội nhập khu vực và đổi mới, cải cách

Cuộc khủng hoảng tài chính 1997 - 1998 tuy đã gây tác hại lớn đối với nhiều nền kinh tế Đông Á nhưng cũng là một vòng xoáy thúc đẩy các nước cơ cấu lại, tiến hành cải cách, đổi mới mạnh mẽ, tìm cách vượt qua yếu kém và hội nhập sâu hơn vào khu vực và thế giới. Tính nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng đối với thị trường tài chính khu vực cũng như đối với hệ thống tài chính và nền kinh tế của các nước đòi hỏi các nền kinh tế đề cao ý thức và trách nhiệm chung, thường xuyên giám sát và chuẩn bị biện pháp đối phó hữu hiệu. Sự đa dạng về cơ cấu kinh tế, chênh lệch về mức thu nhập, khác biệt về nguồn tài nguyên giữa các nước không ngăn trở mà ngược lại là cơ sở đẩy nhanh quá trình hội nhập khu vực, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh với các nước lớn và các tổ chức kinh tế khu vực khác cũng như hợp lực, giúp nhau phát triển mạnh mẽ, bền vững đồng đều hơn. Khu vực Đông Á đã bắt đầu gặt hái được những thành quả của việc gia tăng hội nhập trên nhiều lĩnh vực. Thương mại trong nội bộ khu vực nay chiếm trên một nửa thương mại khu vực. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nền kinh tế lớn châu Á và sự phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế Đông - Nam Á đang tạo ra thị trường xuất khẩu ngày càng rộng lớn cho các nước trong khu vực và từ đó giúp các nước giảm bớt sự lệ thuộc quá nhiều vào thị trường xuất khẩu truyền thống Mỹ, Nhật, EU. Do những nỗ lực cải cách về cơ cấu và thể chế tài chính kinh tế của các nước trong khu vực, hệ thống ngân hàng, thị trường tài chính tiền tệ, thị trường vốn trở nên linh hoạt hơn, đa dạng hơn cùng với nguồn dự trữ lớn về ngoại tệ là những đòn bẩy chống đỡ những dao động, đảo lộn trên thị trường tài chính quốc tế.

Chênh lệch thu nhập gia tăng

Trong 10 năm qua, hệ số Gi-ni - tính khoảng cách thu nhập - ở các nước Đông Á gia tăng rất nhiều, thậm chí tăng nhanh hơn cả Mỹ hay Nga. Nguyên nhân dẫn tới sự gia tăng chênh lệch thu nhập ở Đông Á rất phức tạp và có nhiều. Song, nhân tố chính dẫn tới sự phân hóa giàu nghèo và chênh lệch thu nhập giữa các vùng (thành thị, nông thôn) là sự quá độ từ nông nghiệp sang công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển và tiến bộ về kỹ năng công nghệ ở các nền kinh tế tiên tiến. Toàn cầu hóa tất nhiên tạo ra bối cảnh rộng lớn cho sự thay đổi mau lẹ công nghệ và mô hình sản xuất. Đây là gốc rễ của sự chênh lệch tiền lương và sự phát triển các ngành nghề.

Đáng lưu ý là mặc dù Đông Á đã thu được thành tựu lớn về giảm đói nghèo nhưng vẫn còn trên 600 triệu người trong tổng số trên 900 triệu người nghèo khổ nhất toàn thế giới. Phần lớn số người nghèo này sống ở nông thôn, miền núi. Nếu sự chênh lệch giàu nghèo không được từng bước giải quyết vững chắc sẽ có thể không những làm mất ổn định sự phát triển kinh tế vĩ mô mà còn làm căng thẳng các quan hệ xã hội, sắc tộc. Quá trình phát triển “quá nóng” của Trung Quốc và vài nước khác đã làm mất cân đối nền kinh tế, khu vực công nghiệp phát triển vượt trội hơn hẳn khu vực dịch vụ (nông nghiệp: 12,5%, công nghiệp: 47,3%, dịch vụ: 40,3%) kéo theo hậu quả tài nguyên cạn kiệt, ô nhiễm môi trường nặng nề, chênh lệch thu nhập giữa các tầng lớp xã hội và giữa các vùng miền ngày càng gia tăng.

Luồng vốn lưu chuyển thất thường và các rủi ro khủng hoảng tín dụng, tiền tệ

Một thách thức lớn đối với Đông Á liên quan tới việc hội nhập sâu hơn của thị trường vốn khu vực và toàn cầu. Thặng dư lớn cán cân vãng lai của các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản, là cơ sở của thặng dư lớn cán cân thanh toán. Tình hình này tạo ra sự mất cân đối của nền kinh tế tài chính toàn cầu. Để kịp thời ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính thế giới các ngân hàng trung ương Mỹ, châu Âu và châu Á đã nhanh chóng rót ra trên 300 tỉ USD. Bài học từ cuộc khủng hoảng tài chính châu á năm 1997 cho thấy, các nền kinh tế Đông Á dựa nhiều vào xuất khẩu và nguồn vốn đầu tư nước ngoài, dễ bị tác động bởi các biến động thất thường trên thị trường xuất khẩu thế giới và thị trường tín dụng, luồng vốn đầu tư lưu chuyển qua biên giới quốc gia.

Tổng vốn vào và vốn ra của các nước Đông Á cao ở mức kỷ lục. Năm 2006, tổng vốn vào đạt 455 tỉ USD (tính cả Ấn Độ) chiếm 8% GDP, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là thành phần chính của vốn vào chiếm 40%. Tính theo tỷ lệ phần trăm với GDP, tổng đầu tư tiếp tục tăng lên mấy năm gần đây chiếm hơn 3% GDP và trên 2% GDP (nếu không tính Hồng Kông và Xin-ga-po, hai trung tâm tài chính lớn). Đầu tư trực tiếp trong 4 năm qua tăng cao hơn giữa những năm 90 của thế kỷ XX, chiếm trung bình từ 1 - 2% GDP. Đầu tư vào chứng khoán, cổ phiếu và trái phiếu cũng tăng nhiều thời gian gần đây. Một loại đầu tư khác từ bên ngoài, không phải là đầu tư trực tiếp hay đầu tư gián tiếp mà là những giao dịch tín dụng, cho vay mượn của các tổ chức tài chính không phải là ngân hàng. Luồng vốn này gần đây gia tăng mạnh, lưu chuyển ra vào thất thường, rất khó nắm bắt và kiểm soát, thường châm ngòi cho những chấn động rủi ro khó lường.

Sức ép đô thị hóa nhanh chóng

Hai đặc điểm của đô thị hóa ở Đông Á so với các khu vực khác là mức độ đô thị hóa thấp và mật độ dân số cao ở các thành phố lớn. Mật độ dân cư ở các thành phố Đông Á là khoảng từ 10.000 đến 15.000 người/km2, cao gấp đôi so với mật độ dân cư ở Mỹ La-tinh, gấp ba châu Âu và gấp mười lần Mỹ.

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tháng 4 - 2007, vào khoảng năm 2025 dân số thành thị ở Đông Á dự kiến sẽ tăng 65% hay 500 triệu người. Điều này sẽ tạo ra sức ép căng thẳng đối với kết cấu hạ tầng vốn chưa đầy đủ như điện, nước, trường học, bệnh viện, nhà ở... Hai đặc điểm của đô thị hóa ở Đông Á so với các khu vực khác là mức độ đô thị hóa thấp và mật độ dân số cao ở các thành phố lớn. Đông Á hiện có số dân đô thị thấp hơn châu Âu và châu Mỹ. Nếu tính theo thu nhập thực tế/đầu người, việc đô thị hóa vẫn tương đối thấp tại nhiều nước Đông Á. Ví dụ Trung Quốc có thu nhập thực tế đầu người bằng 75% GDP bình quân tính theo giá sức mua tương đương của Bra-xin, nhưng trong khi 84% dân Bra-xin sống ở thành thị thì Trung Quốc chỉ có 40%. Ngay cả Hàn Quốc có mức thu nhập GDP/đầu người tính theo giá sức mua tương đương cao gấp 2,5 lần so với Bra-xin nhưng tỉ lệ dân đô thị vẫn thấp hơn Bra-xin, chỉ có 81%. Các thành phố lớn ở Đông Á tuy mặt bằng khá rộng nhưng dân cư đông đúc, sống chật chội với nhiều khu nhà ổ chuột. Mật độ dân cư ở các thành phố Đông Á là khoảng từ 10.000 đến 15.000 người/km2, cao gấp đôi so với mật độ dân cư ở Mỹ La-tinh, gấp ba châu Âu và gấp mười lần Mỹ. Nói cách khác không phải có quá nhiều dân Đông Á sống ở thành phố mà là người dân thành thị Đông Á phải sống chen chúc ở địa bàn tương đối chật hẹp.

“Cạm bẫy” của nước thu nhập trung bình

Đây là một trong những thách thức then chốt về lâu dài đối với Đông Á. Thực tế cho thấy, trong khi có nhiều nước từ hàng các nước thu nhập thấp tiến lên hàng các nước thu nhập trung bình, thì chỉ có vài nước thu nhập trung bình lên được hàng các nước thu nhập cao. Tại Đông Á mới chỉ có bốn nước công nghiệp mới (NICs) đạt được thu nhập cao. Để có thể quá độ sang nước thu nhập cao, các nước phải xây dựng được nhiều ngành nghề chuyên môn hóa cao, trên cơ sở đó đạt đến trình độ và qui mô lớn của một nền kinh tế phát triển với nhiều ngành công nghệ dẫn đầu.

Tuy nhiên, không dễ gì làm được điều đó vì các nước nghèo tự thấy bị mắc kẹt trong sự cạnh tranh với những nước giầu với kỹ năng công nghệ mũi nhọn hàng đầu. Một loạt thách thức phức tạp cần phải giải quyết, từ việc nâng cao kỹ năng và sự đổi mới sáng tạo của lực lượng lao động đến việc kiến tạo được hệ thống tài chính hiện đại, duy trì được sự cố kết xã hội và giảm mạnh nạn tham nhũng. Nếu thiếu những chính sách quyết liệt trên và không có sự thay đổi thể chế mạnh mẽ, các nước sẽ vẫn ì ạch tại chỗ, khó lòng thoát khỏi “cạm bẫy” của nước thu nhập trung bình.

Mười năm sau cuộc khủng hoảng, Đông Á đã lấy lại những gì đã mất và ở vào vị thế tốt nhất trên trường quốc tế từ trước đến nay. Đông Á có đủ niềm tin hướng tới tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi Đông Á còn phải vượt qua nhiều thách thức trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế kinh tế thị trường, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, để có thể phát triển nhanh chóng, bền vững và đạt được các mục tiêu chiến lược đã đề ra.
 

[1] East Asia - Pacific Development Outlook, (ADB tháng 4-2007, EAP cập nhật tháng 7-2007)

[2] David Burton and Alessandro Zarello: Asia ten years later, Finance and Development (June 2007)