Trên cơ sở những thành tựu to lớn đạt được, Báo cáo Chính trị và Nghị quyết thông qua tại Đại hội XVII Đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện bước đột phá sáng tạo mới về tư duy lý luận trong việc xây dựng xã hội toàn diện khá giả, xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc.

"Phát triển kinh tế quốc dân vừa tốt vừa nhanh"

Trung Quốc gia nhập WTO ngày 11-12-2001. Sáu năm hội nhập kinh tế toàn cầu đã giúp Trung Quốc bước vào giai đoạn mới trong công cuộc cải cách, mở cửa; đặt cơ sở vững chắc cho việc xây dựng xã hội toàn diện khá giả, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa. Mức tăng trưởng kinh tế cao của Trung Quốc những năm gần đây được đánh giá là bền vững và nhanh nhất trong lịch sử kinh tế thế giới suốt 50 năm qua. Kinh tế tăng trưởng liên tục đưa Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất của thế giới, mang lại cơ hội cho các nhà đầu tư trên toàn cầu đồng thời là động lực quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế thế giới phát triển.

Trong chủ trương phát triển kinh tế quốc dân vừa tốt vừa nhanh, mấu chốt là phải đạt được những tiến triển quan trọng trong chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế. Cụ thể là nắm vững sâu sắc, tự giác hơn quy luật phát triển kinh tế thị trường; áp dụng các biện pháp hữu hiệu hơn nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả phát triển kinh tế. Để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, cần phải kiên trì và hoàn thiện chế độ kinh tế cơ bản, từ đó hình thành cục diện mới, trong đó, kinh tế các loại sở hữu cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy lẫn nhau, hình thành hệ thống điều tiết vĩ mô có lợi cho sự phát triển khoa học, tạo ưu thế mới khi tham gia hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức không tránh khỏi của một nền kinh tế đang phát triển nhưng nhịp độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn tiếp tục được duy trì nhờ các nhân tố: 1. Tiến độ cải cách nhanh chóng và đồng bộ, trong đó, cải cách quan trọng và kịp thời nhất là việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước; 2. Ngày càng mở rộng hội nhập với thế giới, thu hút các nguồn vốn, nguồn nhân lực tham gia các hoạt động kinh tế kể cả những lĩnh vực được cho là quan trọng, nhạy cảm nhất của nền kinh tế như ngân hàng, năng lượng, viễn thông,... 3. Chính phủ đã chi những khoản tiền khổng lồ và tập trung nhân lực đông đảo để phát triển và hỗ trợ giáo dục và công nghệ - nhân tố bảo đảm cho sự tăng trưởng vững vàng của nền kinh tế; 4. Tuy mới chỉ là khởi đầu, nhưng công cuộc đô thị hóa diễn ra vô cùng nhanh chóng đã góp phần hướng nền kinh tế hoạt động phù hợp với các quy luật kinh tế thị trường hơn và giúp tăng cường đầu tư, đặc biệt là đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng.

"Văn minh sinh thái"- trụ cột của phát triển một cách khoa học

Báo cáo chính trị tại Đại hội nhấn mạnh: xây dựng văn minh sinh thái tức là phải xây dựng các thói quen tiêu dùng, các phương thức tăng trưởng kinh tế, các nhà máy công nghiệp có hình thức tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sinh thái. Văn minh sinh thái sẽ góp phần giải quyết các vấn đề môi trường mà Trung Quốc đang gặp phải trong giai đoạn mới.

Tổng lượng khí thải của Trung Quốc năm 2006 là cao nhất thế giới, 62% hệ thống sông ngòi của Trung Quốc bị ô nhiễm nghiêm trọng, trong đó độ ô nhiễm của hệ thống sông ngòi tại các đô thị lên đến 90%. Trước tình trạng báo động của môi trường trên trái đất hiện nay, khái niệm "văn minh sinh thái" được đưa vào Báo cáo chính trị là một đột phá về tư tưởng, nhấn mạnh tính chủ động, tích cực bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng trong tiến trình phát triển công nghiệp, tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc. Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa quốc tế lớn. Sự tham gia tích cực của Trung Quốc là nhân tố quan trọng để giải quyết trọn vẹn vấn đề đó.

"Phân phối lần đầu phải thể hiện tính công bằng"

Trước thực tế khoảng cách thu nhập giữa người dân thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giữa các ngành nghề của Trung Quốc có xu thế ngày càng lớn, phân phối thu nhập không đều, tháng 5-2006, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc đã triệu tập Hội nghị chuyên đề nghiên cứu cải cách chế độ phân phối thu nhập và quy phạm trật tự phân phối thu nhập. Theo đó, hướng cải cách chế độ phân phối thu nhập là: kiên trì và hoàn thiện chế độ phân phối thu nhập theo lao động; trên cơ sở phát triển kinh tế, phải chú trọng hơn nữa vấn đề công bằng xã hội; tăng cường điều tiết thu nhập, ngăn chặn các nguồn thu nhập không chính đáng, rút ngắn khoảng cách chênh lệch thu nhập giữa các ngành, nghề, vùng, miền,.. Xây dựng hệ thống phân phối thu nhập hợp lý trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm xây dựng xã hội hài hòa.

Để thực hiện phân phối lần đầu công bằng, cần nâng cao tỷ trọng của thù lao lao động trong phân phối nội bộ doanh nghiệp. Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc không tăng, nguyên nhân chính là do tầng lớp có thu nhập thấp chiếm tỷ trọng khá lớn, năng lực tiêu thụ thấp. Kết hợp hiệu suất và tính công bằng trong phân phối thu nhập lần đầu sẽ góp phần nâng cao đóng góp của tiêu thụ trong việc tăng trưởng kinh tế, qua đó đưa đất nước phát triển nhanh và tốt hơn. Và chỉ có như vậy mới thực hiện được mục tiêu là năm 2020 GDP bình quân đầu người tăng lên gấp 4 lần so với năm 2000. Sỡ dĩ cần đặt ra vấn đề đó vì dân số Trung Quốc đông, chỉ có GDP bình quân đầu người mới phản ánh lợi ích của người dân được hưởng trong quá trình phát triển kinh tế.

"Thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực kinh tế tư nhân"

Đại hội XVII đã đưa một quyết định mới vào Điều lệ Đảng nhằm nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực kinh tế tư nhân. Nhà nước sẽ hỗ trợ và khuyến khích lĩnh vực kinh tế tư nhân phát triển để lĩnh vực này đóng vai trò chính của nền kinh tế trong phân bổ tài nguyên và thiết lập một hệ thống kiểm soát vĩ mô; đồng thời tiếp tục khuyến khích, ủng hộ những lĩnh vực kinh tế phi công hữu. Các doanh nghiệp nhà nước đã không còn được hưởng những chính sách biệt đãi. Đến cuối năm 2006, Trung Quốc có 4,94 triệu doanh nghiệp tư nhân với tổng số vốn đầu tư hơn 7,1 nghìn tỉ nhân dân tệ. Trong số hơn 73 triệu đảng viên, có gần 3 triệu người đã hoạt động trong lĩnh vực kinh tế tư nhân.

Để mở rộng kinh tế tư nhân, cần tạo điều kiện cho người dân sở hữu ngày càng nhiều tài sản có thu. Đây là một trong những chủ điểm được bàn bạc sâu sắc tại Đại hội. Tài sản có thu chính là thu nhập từ bất động sản (nhà đất, xe cộ, trái phiếu, sổ tiết kiệm,..) của người dân, bao gồm các thu nhập từ việc chuyển nhượng tài sản, lãi suất, tiền thuê, tiền sở hữu trí tuệ, thu nhập giá trị gia tăng của tài sản. Chủ trương này nhằm giúp người dân có quyền sở hữu ngày càng nhiều tài sản.

Quan niệm "phát triển khoa học" và "xã hội hài hòa" được đưa vào Điều lệ Đảng

Từ khi thực hiện cải cách, mở cửa đến nay, quá trình phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc đã đạt được những thành tựu lớn. Thế nhưng, khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn, sức ép việc làm gia tăng, chênh lệch phát triển giữa các vùng ngày càng rộng, tài nguyên thiếu thốn và môi trường sinh thái bị phá hoại nghiêm trọng, phát triển xã hội tụt hậu so với phát triển kinh tế. Rất nhiều vấn đề đã nảy sinh từ hạn chế trong nhận thức về quan niệm phát triển. Vì vậy, hiện thực cấp bách đòi hỏi đưa ra quan niệm "phát triển khoa học" và "xã hội hài hòa". Tư tưởng "phát triển khoa học" được xem là định hướng cho sự phát triển tương lai của Trung Quốc, chú trọng đến môi trường và những người dân nghèo thay vì chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế. Theo báo cáo do Quốc hội Trung Quốc công bố, 13,7% số dân nông thôn ở miền Tây nước này đang đối mặt với nguy cơ đói nghèo. Thậm chí, một khi sự phân hóa giàu nghèo ngày càng nghiêm trọng, đời sống nhân dân ngày càng khó khăn, tiêu cực hoành hành, môi trường ô nhiễm,...thì ngay cả sự tồn vong của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng. Những vấn đề dân sinh dân chủ được chú trọng hơn vì đây chính là nguồn tăng trưởng lớn nhất. Đó là vấn đề nhận thức luận hết sức đúng đắn.

"Đổi mới thể chế chính trị gắn liền với tăng cường dân chủ"

Đảng Cộng sản Trung Quốc thể hiện quyết tâm cải cách hệ thống chính trị trên cơ sở kiên trì bốn nguyên tắc: chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình và tư tưởng quan trọng "ba đại diện". Đồng thời, nhấn mạnh nhất quyết không sao chép mô hình chế độ chính trị của phương Tây. Cải tổ nhân sự là một chương trình nghị sự quan trọng nhất của Đại hội. Trung Quốc tăng cường sự tham gia của những người ngoài Đảng vào các vị trí chủ chốt trong chính phủ, tăng cường dân chủ trong nhân dân, tạo điều kiện để người dân có thêm nhiều cơ hội tham gia các công việc chính trị thông qua bầu cử, lựa chọn các đại biểu các cấp, kiên quyết ngăn chặn những biểu hiện độc đoán... Những biện pháp này là dấu hiệu của sự tăng cường dân chủ, khiến người dân nhiệt tình, hăng hái, chủ động hơn trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Phát triển nền chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa là mục tiêu phấn đấu kiên định của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Phải tiếp tục thúc đẩy phát triển một cách tích cực, ổn định, chắc chắn công tác xây dựng dân chủ, làm cho ý thức dân chủ được tăng cường, chế độ dân chủ được kiện toàn, sức sáng tạo của Đảng được phát huy đầy đủ. Tuy nhiên, trong bối cảnh công cuộc cải cách, mở cửa đang đứng trước những vấn đề mới thì cải cách hệ thống chính trị ở Trung Quốc cần kiên trì phương hướng chính trị đúng đắn, không ngừng tiến lên cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống chính trị cần được nâng cao trình độ thích ứng, phát huy sự tích cực tham gia chính trị của nhân dân, đẩy mạnh thể chế quản lý hành chính, nhấn mạnh chức năng quản lý xã hội và dịch vụ công của chính phủ.

Giải phóng tư tưởng là "bảo bối" để xây dựng Đảng

Trong cải cách hệ thống chính trị, xây dựng Đảng là một nhiệm vụ trọng yếu. Nhằm thực hiện nhiệm vụ trên, Đại hội đã nhấn mạnh một số quan điểm cơ bản: Một là, phải kiên định "giải phóng tư tưởng", vì đây là "bảo bối" to lớn để Đảng ứng phó với mọi vấn đề trong tình hình mới trên con đường phát triển. Hai là, kiên định "cải cách, mở cửa", khẳng định đây là yêu cầu tất yếu của việc giải phóng và phát triển sức sản xuất xã hội. Ba là, kiên định quan điểm phát triển khoa học và xây dựng xã hội hài hòa, vì đây là yêu cầu nội tại để phát triển kinh tế - xã hội vừa tốt, vừa nhanh. Bốn là, kiên định mục tiêu xây dựng toàn diện xã hội khá giả.

Ngoài ra, nhằm uốn nắn lại tư tưởng "lạc quan quá mức" của một số cán bộ đảng viên, Đại hội đã quán triệt tư tưởng: toàn Đảng, đặc biệt là cán bộ cấp cao cần phải ghi nhớ tình hình cơ bản là Trung Quốc vẫn nằm trong giai đoạn đầu của chủ nghĩa xã hội, nhận định rõ tính quan trọng, tính to lớn, tính lâu dài của việc xây dựng toàn diện xã hội khá giả.

Một nét mới trong Đại hội lần này là Đảng Cộng sản Trung Quốc lần đầu tiên đề cập đến vấn đề "tôn giáo" trong Điều lệ Đảng. Việc đưa các nguyên tắc và chính sách chỉ đạo công tác tôn giáo vào Điều lệ Đảng là điều cần thiết để hoàn thành công tác này trong tình hình mới.

"Đảng và tiêu cực như nước với lửa"

Về cuộc chiến chống tham nhũng, Đại hội đã khẳng định: "Đảng Cộng sản Trung Quốc không bao giờ dung thứ nạn tham nhũng hay bất cứ biểu hiện tiêu cực nào khác". Cương quyết trừng phạt và ngăn chặn tham nhũng một cách có hiệu quả là điều cốt yếu để có sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân, bảo đảm sự tồn tại của Đảng. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Trung Quốc sẽ còn nhiều gian khổ, phức tạp và mở rộng hơn. Vì vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã kêu gọi các đảng viên bắt tay vào một chiến dịch toàn diện nhắm tới mọi biểu hiện và gốc rễ của tham nhũng, cải tổ những cơ quan liên quan. Nhiệm vụ giáo dục và quản lý đảng viên được xác định là khó khăn hơn bao giờ hết.

Đại hội XVII đã tỏ rõ quyết tâm của một đất nước có hơn 73 triệu đảng viên khi tuyên bố "Đảng và tiêu cực như nước với lửa, quyết không dung hòa. Đối với bất cứ phần tử tiêu cực nào đều phải xử lý theo pháp luật, quyết không dung tha!".

"Thế giới hài hòa" là tiêu chí thực hiện đường lối đối ngoại hòa bình

Quan niệm "thế giới hài hòa" được coi là mang tính cương lĩnh trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc, là "chế định tham gia và bảo vệ trật tự thế giới", chỉ đạo toàn diện công tác ngoại giao của Trung Quốc trong tương lai.

Trung Quốc chủ trương tiếp tục theo đuổi "chính sách ngoại giao độc lập và kiên định theo con đường phát triển hòa bình, một chiến lược cởi mở các bên đều thắng". Phát triển tình hữu nghị và sự hợp tác với tất cả các nước khác trên cơ sở năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình và thúc đẩy việc xây dựng một thế giới hài hòa lâu dài và thịnh vượng chung.

Những nguyên tắc "dẫn đường" của Đại hội XVII làm cơ sở cho những người cộng sản Trung Quốc đoàn kết, muôn người như một, tiến lên phía trước với tinh thần tiên phong và tiếp tục thực hiện thắng lợi công cuộc cải cách mở cửa; thể hiện bước đột phá sáng tạo mới về tư duy lý luận trong việc xây dựng xã hội toàn diện khá giả, nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội hài hòa xã hội chủ nghĩa ở Trung Quốc; làm sâu sắc hơn phương thức đi tới mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.