Đẩy mạnh xuất khẩu để hạn chế mức độ nhập siêu nhằm cải thiện cán cân thanh toán của quốc gia là một trong những mũi nhọn trong cuộc chiến chống lạm phát và ổn định vĩ mô nền kinh tế hiện nay. Thế nhưng không phải chỉ dừng lại ở mặt số lượng hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu, mà điều cốt yếu là phải tính đến cơ cấu ngành hàng, chất lượng xuất khẩu để bảo đảm phát triển bền vững.

1 - Ý nghĩa của các chỉ tiêu về chất lượng và hiệu quả xuất khẩu

Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay, phát triển xuất khẩu được coi là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế các nước. Đối với Việt Nam, việc đẩy mạnh xuất khẩu xuất phát từ nhiều lý do, như: khuyến khích tăng đầu tư và góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư; tăng năng suất lao động quốc gia; thúc đẩy cải cách thể chế, cải cách hành chính quốc gia; giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán và ổn định vĩ mô nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Phát triển xuất khẩu sẽ tác động đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra nhiều việc làm mới và góp phần cải thiện thu nhập cho người lao động. Mặt khác, phát triển xuất khẩu sẽ tạo nguồn thu ngoại tệ lớn hơn để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho mua sắm máy móc thiết bị, nhập khẩu các sản phẩm trung gian phục vụ nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời là nguồn ngoại tệ để trả nợ nước ngoài, giúp cân bằng và lành mạnh cán cân thanh toán quốc tế, ổn định tình hình kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển...

Ngoài ra, xuất khẩu còn là thước đo về độ mở của nền kinh tế Việt Nam, là chỉ số phản ánh khả năng cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam và mức độ hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới và khu vực.

Nói đến chất lượng và hiệu quả xuất khẩu thì không chỉ đơn thuần là vấn đề tăng trưởng xuất khẩu mà điều cơ bản là sự tăng trưởng đó phải bảo đảm nhịp độ cao và duy trì trong thời gian lâu dài. Khi nói tăng trưởng xuất khẩu là chúng ta mới chỉ đề cập tới mặt lượng của hoạt động xuất khẩu, còn khi dùng thuật ngữ "phát triển xuất khẩu" là chúng ta đã quan tâm đầy đủ tới cả mặt lượng và mặt chất của vấn đề xuất khẩu. Nói cách khác, chất lượng và hiệu quả hoạt động xuất khẩu chính là cốt lõi của phát triển xuất khẩu bền vững.

Có rất nhiều tiêu chí phản ánh chất lượng và hiệu quả hoạt động xuất khẩu. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi lựa chọn giới thiệu 10 tiêu chí chủ yếu có thể sử dụng trong phân tích, nghiên cứu chất lượng và hiệu quả hoạt động xuất khẩu của Việt Nam: quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu; kim ngạch xuất khẩu theo đầu người; xuất khẩu trong tương quan với nhập khẩu; xuất khẩu trong tương quan với GDP; cơ cấu xuất khẩu và sự chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo mặt hàng/thị trường/doanh nghiệp; mức độ hiện đại của phương thức xuất khẩu; hàm lượng giá trị gia tăng của hoạt động xuất khẩu; vấn đề sử dụng nguồn lực trong xuất khẩu; xuất khẩu với các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc; xuất khẩu với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái.

2 - Đánh giá chất lượng và hiệu quả hoạt động xuất khẩu của Việt Nam hiện nay

Thứ nhất, về quy mô và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu. Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng trưởng khá nhanh và vững chắc trong thời gian 2001 - 2008. Trong thời gian 2001 - 2007, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng với tốc độ trung bình hằng năm là 18,89%, cao hơn so với tốc độ kế hoạch đề ra cho giai đoạn 2001 - 2005 là 16% (theo mục tiêu chiến lược xuất nhập khẩu giai đoạn 2001 - 2010) và cao hơn mức tăng trưởng 18% theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra của xuất khẩu năm 2006 và 2007.

Do tốc độ xuất khẩu hàng hóa tăng cao đã đưa quy mô xuất khẩu hàng hóa tăng gấp 3,35 lần trong khoảng thời gian 7 năm qua. Đây là một trong những mức tăng xuất khẩu nhanh nhất trong khu vực và trên thế giới.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa theo đầu người cũng tăng nhanh. Nếu năm 2000, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa theo đầu người mới chỉ là 186 USD thì đến năm 2007 đã tăng lên mức 569 USD, tức là tăng gấp 3,05 lần.

Nói đến chất lượng và hiệu quả xuất khẩu thì không chỉ đơn thuần là vấn đề tăng trưởng xuất khẩu mà điều cơ bản là sự tăng trưởng đó phải bảo đảm nhịp độ cao và duy trì trong thời gian lâu dài.

Thứ hai, về chuyển dịch cơ cấu hành hóa xuất khẩu. Trong thời gian qua, cơ cấu hàng xuất khẩu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Sản phẩm xuất khẩu đa dạng, phong phú hơn. Cơ cấu hàng xuất khẩu đã chuyển dịch theo hướng tăng dần các sản phẩm chế biến, giảm dần sản phẩm thô, nguyên liệu. Đặc biệt, xu hướng tăng tỷ trọng của nhóm hàng chế biến, chế tạo từ 33,9% năm 2001 lên 39% năm 2006 được coi là sự thay đổi tích cực nhất.

Bảng 1: Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam giai đoạn 2001-2008

Đơn vị: Triệu USD,%

Năm

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Cán cân thương mại

Tổng kim ngạch

 

Trị giá

Tăng trưởng

Trị giá

Tăng trưởng

Trị giá

Trị giá

Tăng trưởng

U6T/2008

30.300

31,9

4.447

60,3

-1.417

61.215

49,2

2007

48.561

22,0

60.830

37,0

-12.269

109.391

30,0

2006

39.805

22,9

44.410

20,4

-4.805

84.215

21,6

2005

32.223

21,6

36.881

15,0

-4.658

69.104

18,0

2004

26.503

31,5

32.075

27,0

-5.572

58.578

29,0

2003

20.149

20,6

25.256

27,9

-5.107

45.405

24,6

2002

16.706

11,2

19.746

21,8

-304

36.452

16,7

2001

15.029

3,8

16.218

3,7

-1.189

31.247

3,7

2000

14.483

25,5

15.637

34,5

-1.154

30.120

30,0

Nguồn: Bộ Công thương, Tổng cục Thống kê
 
Thứ ba, về chuyển dịch cơ cấu thị trường xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu liên tục được mở rộng và đa dạng hóa, nhất là đã đột phá xuất khẩu thành công vào thị trường Mỹ và duy trì được thị phần trên thị trường lớn nhất thế giới này.

Ngoài ra, chúng ta đã giảm dần được thị phần ở thị trường châu Á, củng cố thị trường EU, khôi phục thị trường Nga và Đông Âu, mở rộng thị trường châu Đại Dương, khai phá mạnh mẽ thị trường Trung Đông, châu Phi và Mỹ La-tinh...

Thứ tư, xuất khẩu hàng hóa đã huy động ngày càng đông đảo các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp xuất khẩu không thuộc khu vực kinh tế nhà nước đang trở thành động lực chính cho xuất khẩu. Các doanh nghiệp FDI đang đóng góp quan trọng nhất cho xuất khẩu với việc khai thông thị trường, phát triển các mặt hàng chế biến, chế tạo cho xuất khẩu (điện tử, bản mạch máy tính ...) và chiếm tỷ trọng cao nhất trong xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam thời gian qua (45% năm 2001, 57,2% năm 2005 và 57,5% năm 2007). Khu vực doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp tham gia xuất khẩu ngày càng nhiều (chiếm tỷ trọng 25% tổng kim ngạch xuất khẩu và tạo ra sự năng động lớn trong xuất khẩu hàng hóa thời gian vừa qua).

Thứ năm, xuất khẩu tăng trưởng khá nhanh đã góp phần quan trọng bảo đảm nhập siêu luôn ở mức dưới 20% kim ngạch xuất khẩu cho tới trước năm 2007. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2001 - 2005 ước là 130 tỉ USD, so với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa bằng khoảng 118%. Thời gian 2002 - 2003, nhập khẩu tăng với tốc độ cao hơn xuất khẩu, nhưng sang năm 2004, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu đã chậm hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, tình hình này tiếp tục cho tới hết năm 2006. Điều này cho phép cải thiện lớn cán cân thương mại, nhập siêu chỉ còn dưới 5 tỉ USD, bằng 14,4% kim ngạch xuất khẩu của năm 2005 và 12,1% của năm 2006.

Thứ sáu, tăng trưởng xuất khẩu thời gian qua đã thực sự trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao gấp từ 2 đến 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP thời gian qua, xuất khẩu đã thực sự trở thành một động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, góp phần tạo việc làm cho hàng triệu lao động và cải thiện thu nhập cho hàng triệu nông dân và các lao động khác nhờ tham gia xuất khẩu hàng nông sản, hàng dệt may, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ và các hàng hóa khác...

Với những thành tựu đạt được trên đây, có thể khẳng định rằng: con đường phát triển xuất khẩu của Việt Nam đang đi đúng quỹ đạo. Chất lượng và hiệu quả kinh tế - xã hội của hoạt động xuất khẩu ngày càng được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu thời gian qua không tránh khỏi còn nhiều khó khăn, hạn chế, làm cản trở tới sự phát triển xuất khẩu bền vững. Những tồn tại, hạn chế của hoạt động xuất khẩu phải kể tới:

Mặc dù chất lượng và hiệu quả của hoạt động xuất khẩu ngày càng được cải thiện và nâng cao, nhưng hoạt động xuất khẩu còn nhiều biểu hiện phát triển chưa bền vững.

Một là,
quy mô xuất khẩu của Việt Nam dù tăng nhanh vẫn còn khá nhỏ so với các nước trong khu vực, xét cả về tổng kim ngạch lẫn kim ngạch tính theo đầu người. Về tổng kim ngạch, năm 2006 xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt kim ngạch 39,8 tỉ USD, chỉ bằng khoảng 30% so với kim ngạch xuất khẩu 130,5 tỉ USD của Thái Lan, thậm chí so với Phi-lip-pin, nước xuất khẩu 46,9 tỉ USD, xuất khẩu của Việt Nam cũng mới chỉ bằng 84%. Xuất khẩu bình quân đầu người của Việt Nam năm 2006 đạt 473 USD, chỉ bằng 23,6% so với mức của Thái Lan và bằng 88% mức của Phi-lip-pin...

Hai là, tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhưng chưa vững chắc và rất dễ bị thương tổn bởi các cú sốc từ bên ngoài. Điển hình của sự phụ thuộc này là khi giá cả thị trường thế giới biến động tăng thì xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng (xuất khẩu trong các năm 2004 - 2007) và khi giá cả thị trường thế giới giảm sút thì xuất khẩu cũng trì trệ (xuất khẩu trong năm 2001 và đầu năm 2002). Sự phụ thuộc lớn cũng được thể hiện qua sự lúng túng và bị động trong ứng phó với các rào cản thương mại mới của nước ngoài (tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, dư lượng kháng sinh, nhất là các vụ kiện chống bán phá giá, kết quả là đối với những mặt hàng bị kiện chống phá giá thời gian qua chúng ta hầu như đều bị thua kiện và xuất khẩu giảm sút mạnh (cá tra, cá basa và tôm ở thị trường Mỹ, xe đạp ở thị trường EU và Ca-na-đa...).

Tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài, đẩy mạnh cải cách hành chính, tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế... là những giải pháp quan trọng nhằm cải thiện chất lượng và hiệu quả xuất khẩu thời gian tới.

Ba là,
chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu giai đoạn 2001 - 2007 chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xuất khẩu còn phụ thuộc quá lớn vào một số mặt hàng chủ lực: 5 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dầu thô, dệt may, giày dép, thủy sản, đồ gỗ đạt kim ngạch 26,2 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 54,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2007, cộng tiếp 5 mặt hàng trong top 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là điện tử và linh kiện vi tính, gạo, cao su, cà phê, than đá đạt kim ngạch 33,97 tỉ USD, chiếm 70,2% tổng kim ngạch xuất khẩu... Tóm lại, cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua chủ yếu chuyển dịch theo chiều rộng mà chưa đi vào chiều sâu, xuất khẩu chủ yếu dựa vào khai thác lợi thế so sánh sẵn có mà chưa khai thác được lợi thế cạnh tranh thông qua việc xây dựng các ngành công nghiệp gắn bó, liên kết chặt chẽ với nhau hình thành chuỗi giá trị gia tăng xuất khẩu lớn. Đây chính là một thách thức lớn về mặt chất lượng và hiệu quả xuất khẩu.

Bốn là, khả năng đa dạng hóa thị trường, thâm nhập thị trường mới và duy trì, mở rộng thị phần trên các thị trường hiện có còn nhiều yếu kém. Ngoài việc khai phá thành công thị trường Mỹ thì những thị trường lớn mà ta bị giảm thị phần so với mục tiêu là châu Âu. Trung Quốc, nước có chung đường biên giới gần 1.600 km với Việt Nam, lại đang nổi lên là một cực kinh tế của thế giới mà chúng ta chưa khai thác được tiềm năng và cơ hội của thị trường nước này.

Năm là, xuất khẩu thời gian qua chưa khai thác hết được tiềm năng của mọi thành phần kinh tế và các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước năng lực vẫn còn yếu kém. Hiện nay nước ta chưa có được các tập đoàn xuất khẩu mạnh tầm cỡ và uy tín quốc tế để làm đầu tầu cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam...

Sáu là, vấn đề đáng quan ngại nhất hiện nay là xuất khẩu tăng chậm hơn nhiều so với nhập khẩu đã làm trầm trọng thêm tình trạng nhập siêu của Việt Nam. Từ năm 2007 đến nay, xu hướng diễn biến của nhập siêu đã đảo chiều so với xu hướng cải thiện tốt của giai đoạn 2004 - 2006, khi mà tốc độ tăng xuất khẩu luôn cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu. Năm 2007 là năm đầu tiên Việt Nam trở thành thành viên của WTO, xuất khẩu hàng hóa vẫn duy trì được tốc độ cao trên 22% nhưng nhập khẩu lại tăng tới 37%. Kết quả là nhập siêu lên tới 12,4 tỉ USD, tương đương với 25,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Tình hình những tháng đầu năm 2008 còn nghiêm trọng hơn với mức nhập siêu 6 tháng đầu năm đã vượt 14,1 tỉ USD, tương đương với 46,7% kim ngạch xuất khẩu trong kỳ.

3 - Một số giải pháp nhằm cải thiện chất lượng và hiệu quả xuất khẩu thời gian tới

- Tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tham gia mạnh mẽ trong phân công lao động quốc tế, tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu/khu vực, nỗ lực phát triển nguồn cung cho xuất khẩu (cả về mặt số lượng và nâng cao chất lượng) sau khi đã gia nhập WTO nhằm tạo ra được một cấu trúc xuất khẩu mang tính cạnh tranh và đạt hiệu quả cao;

- Tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện quyết liệt cải cách thể chế, cải cách hành chính, thuận lợi hóa hoạt động xuất khẩu phù hợp với các cam kết của WTO và hội nhập kinh tế quốc tế;

- Tích cực, chủ động thực hiện hội nhập kinh tế quốc tế đầy đủ và sâu rộng để tạo điều kiện tiếp cận thị trường rộng lớn cho hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Việt Nam. Tăng cường củng cố các thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc... và khai phá mạnh các thị trường mới ở Trung Đông, châu Phi và Mỹ La-tinh cho phát triển xuất khẩu. Mở cửa sớm các thị trường dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu tiên tiến, hiện đại cho các nhà đầu tư nước ngoài nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu;

- Nỗ lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp và nông nghiệp tạo chuyển biến về chất trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam;

- Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng xuất khẩu, đồng thời khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng hiện có phục vụ tốt nhất cho xuất khẩu của đất nước. Phát triển thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong các giao dịch thương mại;

- Đẩy mạnh các hoạt động thuận lợi hóa và hỗ trợ việc gia nhập thị trường của khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước cho xuất khẩu, khuyến khích việc liên doanh, liên kết hợp nhất, sáp hợp các doanh nghiệp xuất khẩu để hình thành các tập đoàn xuất khẩu mạnh của Việt Nam,...;

- Tiếp tục khai thác tối đa làn sóng đầu tư mới từ hiệu ứng gia nhập WTO vào các ngành hàng xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam, nhất là các ngành chế biến, chế tạo và các ngành công nghiệp công nghệ cao có khả năng tăng trưởng xuất khẩu mạnh như sản phẩm gỗ, cơ khí nhỏ, dây và cáp điện, sản phẩm nhựa, linh kiện điện tử và vi tính, phần mềm, ...;

- Cải tiến việc thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, phát triển thị trường xuất khẩu nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác xúc tiến thương mại. Tăng cường vai trò và trách nhiệm của các cơ quan ngoại giao và đại diện thương mại của Việt Nam ở nước ngoài trong việc cung cấp thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, kênh phân phối nước ngoài...

- Không ngừng chú trọng phát triển nguồn nhân lực cho xuất khẩu, chú ý đào tạo ứng dụng các kỹ năng nghiên cứu thị trường, marketing, kỹ năng đàm phán quốc tế, nghiệp vụ kỹ thuật ngoại thương, nâng cao trình độ luật pháp quốc tế, trình độ ngoại ngữ, ứng dụng tin học, nâng cao tay nghề. Việc đào tạo cần theo hai hướng, trước mắt, đối với người lao động cần thuần thục về kỹ năng và chuyên môn hóa sâu. Mặt khác phải chú trọng đặc biệt tới đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, có khả năng ứng dụng và tích hợp khoa học công nghệ của nhân loại cho phát triển của Việt Nam về lâu dài./.