Đảng Tiến bộ và Chủ nghĩa xã hội Ma-rốc

Trần Hiệp - Vũ Thùy Dung
11:17, ngày 23-09-2010

TCCS - Qua gần 40 năm tồn tại và phát triển, Đảng Tiến bộ và Chủ nghĩa xã hội (PPS) Ma-rốc - một trong năm đảng chính trị lớn ở Ma-rốc, đã có những đóng góp quan trọng đối với công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như sự đoàn kết các lực lượng dân chủ và tiến bộ đấu tranh chống các thế lực thù địch. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử, PPS Ma-rốc đang nỗ lực tự đổi mới, củng cố tổ chức, xây dựng Đảng về mọi mặt với tư cách là một đảng tham chính mạnh ở quốc gia này.

Khái quát về Vương quốc Ma-rốc và Đảng Tiến bộ và Chủ nghĩa xã hội Ma-rốc

Nằm ở Bắc Phi, giáp biển Bắc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải, kề An-giê-ri và Tây Xa-ha-ra, Ma-rốc có diện tích 458.730 km2 (chưa tính diện tích của Tây Xa-ha-ra), dân số 33,241 triệu người (tháng 7-2006), với 98% số dân theo đạo Hồi; đã từng là thuộc địa của Tây Ban Nha, Pháp. Ma-rốc giành được độc lập từ năm 1956, theo chế độ quân chủ lập hiến, đa nguyên chính trị, song nhà vua nắm mọi quyền lực. Hiến pháp Ma-rốc năm 1972 quy định: Quốc vương là người đứng đầu nhà nước, có quyền chỉ định và bãi miễn chính phủ; Quốc hội là cơ quan lập pháp cao nhất.

Từ khi Vua Mô-ha-mét VI lên ngôi (tháng 7-1999) đến nay, tình hình chính trị - xã hội đất nước nhìn chung ổn định, có nhiều cải cách dân chủ hóa xã hội, cải thiện đáng kể đời sống nhân dân và vai trò của phụ nữ. Về kinh tế, những năm qua, Ma-rốc đạt được những thành tựu quan trọng, GDP năm 2009 tăng 5,1%, bình quân thu nhập đầu người khoảng 2.000 USD/năm. Ma-rốc là nền kinh tế lớn thứ 5 ở châu Phi, với lượng dự trữ ngoại tệ lớn, kết cấu hạ tầng được đầu tư mạnh, nhất là hệ thống đường cao tốc, hàng không, cảng biển.

Giữ vững ổn định chính trị, tập trung phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, từng bước giải quyết các vấn đề xã hội là nhiệm vụ trọng tâm của chính quyền Ma-rốc trong năm 2010. Bảo vệ chủ quyền với Tây Xa-ha-ra là ưu tiên số một trong các hoạt động ngoại giao của quốc gia này.

Sau cuộc bầu cử Quốc hội năm 2007, Chính phủ liên minh được thành lập gồm 4 đảng có tư tưởng tiến bộ, ôn hòa và uy tín cao trong xã hội: Đảng Độc lập (Istiqhal, 52/325 ghế), Đảng Liên minh xã hội chủ nghĩa các lực lượng bình dân (USFP, 38 ghế), Đảng Tiến bộ quốc gia của những người độc lập (NRI, 39 ghế), Đảng Tiến bộ và Chủ nghĩa xã hội Ma-rốc (PPS, 17 ghế).

PPS là đảng mạnh trong số các đảng cộng sản ở các nước A-rập, có nguồn gốc từ Đảng Cộng sản Ma-rốc (thành lập ngày 1-11-1943, từ một chi bộ thuộc Đảng Cộng sản Pháp). Năm 1952, Đảng bị thực dân Pháp cấm hoạt động. Sau khi Ma-rốc giành được độc lập năm 1956, Đảng hoạt động công khai và 3 năm sau lại bị chính quyền nước này cấm hoạt động. Ngày 28-7-1968, Đảng đổi tên là Đảng Giải phóng và Xã hội chủ nghĩa. Ngày 28-8-1974, Đảng đổi tên là Đảng Tiến bộ và Chủ nghĩa xã hội (PPS) Ma-rốc và hoạt động hợp pháp, công khai.

PPS là một trong 5 đảng chính trị lớn ở Ma-rốc, theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, dân chủ, cánh tả. Từ năm 1977, PPS trở thành đảng tham chính (giành 26/320 ghế trong Quốc hội, 3 Bộ trưởng). Năm 1992, PPS Ma-rốc liên minh với Đảng Độc lập(1) - đảng cầm quyền, nên liên tục có thành viên trong Chính phủ.

Vị trí của PPS ngày càng vững chắc và có ảnh hưởng trong xã hội. Trong bản Báo cáo nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Đảng (năm 1993), PPS đã đưa ra những tư tưởng mà theo đó, qua các chủ thể chính trị, Nhà nước đang cần sự đồng nhất ý kiến về một số mục tiêu lớn, đặc biệt là dân chủ và tôn trọng nhân quyền, bảo đảm nhịp độ phát triển kinh tế nhanh và bền vững cho đất nước, bảo đảm sự phân chia đồng đều các thành quả của quá trình tăng trưởng để tiến tới một xã hội công bằng hơn; đồng thời cải thiện trình độ học vấn chung của xã hội Ma-rốc, đặc biệt là khả năng giúp đất nước có được một hệ thống giáo dục chất lượng cao và quản lý một cách tốt nhất các nguồn nhân lực trong khuôn khổ phù hợp với các yếu tố cấu thành của nền kinh tế tri thức. Việc thực hiện những mục tiêu trên đòi hỏi sự cần thiết có một thỏa thuận chung giữa các chủ thể chính trị. Theo thỏa thuận chung này, thể chế quân chủ tiếp tục giữ vai trò tiên phong, định hướng, điều chỉnh, phân xử để bảo đảm sự cạnh tranh tự do giữa các chủ thể chính trị.

Năm 2007, một bản thỏa thuận chính trị với tên gọi “Thế hệ mới với những cải cách vì Ma-rốc dân chủ” đã ra đời. Thỏa thuận đề cập tiến trình dân chủ hóa ở Ma-rốc với những cải cách về thể chế, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa đến năm 2012 (năm bầu cử). PPS khẳng định cần phải tham gia đi đầu trong thế hệ mới này.

Đến tháng 5-2010, PPS có khoảng 40.000 đảng viên. Ban Chấp hành Trung ương khóa VII có 500 ủy viên, Tổng Bí thư là đồng chí I-xmên A-lao-ui (Ismail Alaoui) (Tổng Bí thư từ năm 1997, đã nhiều lần giữ chức Bộ trưởng Giáo dục và Nông nghiệp), PPS chiếm 17/325 ghế trong Quốc hội, 2 ghế Bộ trưởng đương chức (Bộ Thông tin và Bộ Phát triển xã hội, gia đình và tương ái). Đảng có tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, có ảnh hưởng lớn trong giai cấp công nhân, tầng lớp trí thức và nhân dân lao động. Đảng đã tiến hành 8 kỳ Đại hội (Đại hội I tổ chức năm 1975, các Đại hội II, III, IV, V, VI, VII diễn ra vào tháng 2-1979, 3-1983, 7-1987, 7-1995, 7-2001, 4-2006 và Đại hội VIII tiến hành từ ngày 28 đến ngày 31 tháng 5-2010).

Đại hội VIII của PPS

Đại hội VIII của PPS được tổ chức trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu; nhiều quốc gia phải tập trung giải quyết khủng hoảng thông qua tập hợp, đoàn kết nhân dân dưới sự lãnh đạo đúng đắn của các lực lượng tiến bộ.

Đại hội VIII của PPS được coi là đánh dấu bước phát triển mới của Đảng kể từ khi thành lập đến nay, với sự tham gia của 1.843 đại biểu trong nước và 27 đoàn nước ngoài (chủ yếu là các nước châu Phi, Trung Đông, không có các nước Mỹ La-tinh, châu Á chỉ có Việt Nam, Trung Quốc). Đại hội đã bầu ra 4 tiểu ban: Tiểu ban Chính trị, Tiểu ban Kinh tế, Tiểu ban Điều lệ, Tiểu ban Tư cách đại biểu và nhất trí thông qua các báo cáo do các tiểu ban phụ trách.

Với khẩu hiệu “Thế hệ cải cách mới vì Ma-rốc dân chủ”, trên cơ sở tư duy cải cách, hiện đại, Đại hội đã thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị, đánh giá thành tựu và hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua; đề ra phương hướng nhiệm kỳ tới; phân tích những cải cách do chính phủ liên minh thực hiện và các khiếm khuyết của nó, những vấn đề đặt ra trong liên minh cánh tả và bản sắc xã hội chủ nghĩa, sự cần thiết phải trải qua thời kỳ quá độ dân chủ, tiến lên quá trình dân chủ, thông qua một giai đoạn thực hiện dân chủ lành mạnh và hoàn thiện, dân chủ hiện đại, minh bạch, đồng thuận với những mục tiêu quốc gia về chính trị và xã hội.

Đại hội đề xuất một sự thỏa thuận chung trong khuôn khổ “thỏa thuận chính trị mới” giữa các đối tác chính trị cánh tả có thế lực nhất trong nước nhằm “tạo dựng sự nhất trí về các lựa chọn dân chủ mang tính chiến lược của đất nước, cũng như về các cải cách chính trị, thể chế, kinh tế, xã hội và văn hóa”; bao hàm việc bảo vệ sự liêm khiết và nhân phẩm của con người, sự tiến bộ về quyền con người và quyền bình đẳng cho phụ nữ, bảo vệ quyền trẻ em và những người có nhu cầu đặc thù; tăng cường nền kinh tế quốc dân và củng cố những thành quả đã đạt được, tiếp tục phát triển các cơ sở kinh tế có tác dụng cải thiện cơ cấu kinh tế và chống các tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu bằng cách củng cố thị trường trong nước; tạo cơ sở cho sự cân bằng xã hội, giảm thiểu chênh lệch trong xã hội, đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân và phổ cập bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; xây dựng nhất quán công ước xã hội và kinh tế, công nhận sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ, xây dựng xã hội tri thức; thống nhất các chuẩn mực và sự tự điều tiết của hoạt động báo chí, với nhận thức rằng sự tự do một cách có trách nhiệm phải tuân theo quy chế hành nghề và tôn trọng người khác cũng như cuộc sống cá nhân của họ.

Đại hội cũng khẳng định: cần đẩy mạnh phát triển Đảng trong thanh niên, công nhân và người lao động; tập hợp mọi lực lượng xã hội tiến bộ, đấu tranh hiệu quả chống các lực lượng phản động; xây dựng một nước Ma-rốc dân chủ, tiến bộ, hiện đại và công bằng xã hội.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương mới với 676 ủy viên; bầu đồng chí Na-bin Be-na-đa-la (Nabil Benabdallah) (2) làm Tổng Bí thư; đồng chí I.A-lao-ui được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Chủ tịch của Đảng.

Tại Đại hội, trưởng đoàn đại biểu Đảng ta đã đọc tham luận, thông báo những nét lớn về tình hình Việt Nam hiện nay; khẳng định những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà Đảng và nhân dân Việt Nam giành được trong thời kỳ đổi mới; nhấn mạnh Đảng và Nhà nước Việt Nam thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, hợp tác và phát triển, không ngừng củng cố và tăng cường quan hệ với các đảng cộng sản và công nhân, đảng cánh tả, các phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ trên thế giới; chúc mừng Đại hội VIII của PPS thành công tốt đẹp và bước tiến mới, đóng góp của PPS vào sự nghiệp xây dựng một nước Ma-rốc dân chủ, tiến bộ, hiện đại và công bằng xã hội.

Thay mặt Ban Lãnh đạo mới của PPS, đồng chí I-xmên A-lao-ui, Chủ tịch Hội đồng Chủ tịch khóa VIII nhấn mạnh chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam đã cổ vũ mạnh mẽ nhân dân Ma-rốc trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Theo gương Việt Nam, nhân dân Ma-rốc đã chiến thắng đội quân 25 nghìn lính Pháp sau 5 năm kháng chiến. Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương, Đảng Cộng sản Ma-rốc đã cử cán bộ sang Việt Nam làm công tác binh vận, vận động binh lính Ma-rốc trong quân đội Pháp phản chiến, ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam. Nhiều người lính Ma-rốc đã phản chiến, chuyển sang lực lượng kháng chiến, yêu nước Việt Nam, có người sau này được phong cấp tướng. Hiện nay, ở Ma-rốc có những gia đình Ma-rốc - Việt Nam và con cháu của họ; thế hệ lãnh đạo Đảng Cộng sản Ma-rốc vào những năm 1950 - 1960 đã đến Việt Nam và có các cuộc gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi tiếp các đồng chí Ma-rốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết đã nghiên cứu và học tập kinh nghiệm cuộc chiến tranh du kích của những người yêu nước Ma-rốc chống thực dân Pháp, Tây Ban Nha trong những năm 1921 - 1926.

Đồng chí Chủ tịch Hội đồng Chủ tịch PPS khẳng định: hiện tại Ma-rốc còn bị chia cắt; dân tộc Ma-rốc đang đấu tranh để giành lại các lãnh thổ trước đây bị thực dân Tây Ban Nha, Pháp thống trị, thống nhất Tổ quốc. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, nhân dân Ma-rốc đã đấu tranh để đưa Tây Xa-ha-ra trở lại tổ quốc Ma-rốc. Từ năm 1991 đến nay, tiến trình thống nhất Ma-rốc đang phát triển tốt, tuy nhiên, Ma-rốc vẫn chưa thống nhất hoàn toàn.

Đồng chí I.A-lao-ui đánh giá cao những thành tựu mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong thời kỳ đổi mới, nhất là các thành tựu kinh tế; cho rằng đây là một kinh nghiệm tốt đối với Ma-rốc. Về kinh tế, hai nước có thể bổ sung cho nhau (Ma-rốc có nhiều phốt-phát với trữ lượng lớn nhất thế giới, Việt Nam có nhiều sản phẩm mà Ma-rốc cần, như cà phê). Cần phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác Ma-rốc - Việt Nam trở thành kiểu mẫu cho quan hệ Nam - Nam.

Một số nhận xét

- PPS Ma-rốc là một đảng cách mạng có truyền thống vẻ vang. Từ Đảng Cộng sản Ma-rốc đến Đảng Giải phóng và Xã hội chủ nghĩa, PPS đã trải qua quá trình trưởng thành và phát triển, dần thích ứng với điều kiện lịch sử, cụ thể của Ma-rốc, trở thành một đảng có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, dân chủ, cánh tả - đảng tham chính; có tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương; có vai trò quan trọng trong xã hội và ảnh hưởng lớn đối với giai cấp công nhân và nhân dân lao động Ma-rốc.

- Đại hội VIII của PPS là Đại hội cải cách và chuyển giao thế hệ. Thực hiện khẩu hiệu “Thế hệ cải cách mới vì Ma-rốc dân chủ”, Đại hội thực sự cải cách, đổi mới, có sự kế thừa giữa các thế hệ. Đại hội đã bầu Hội đồng Chủ tịch với chức năng là hội đồng tư vấn gồm các đảng viên có vai trò quyết định trong hoạt động của Đảng. Đây cũng là nét mới, cải cách của PPS. Đại hội VIII đánh dấu bước phát triển quan trọng mới của PPS kể từ khi ra đời đến nay.

- Từ truyền thống cách mạng và qua Đại hội VIII của PPS có thể dự báo trong vòng 5 - 10 năm tới, PPS sẽ tiếp tục phát triển, là đảng tham chính mạnh ở Ma-rốc.

- Từ quan điểm “Củng cố và tăng cường quan hệ với các đảng cộng sản, công nhân, đảng cánh tả, các phong trào độc lập dân tộc, cách mạng và tiến bộ trên thế giới”(3), Đảng ta chủ trương tiếp tục tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với PPS Ma-rốc, qua đó góp phần tích cực vào sự nghiệp phục hồi, củng cố, đổi mới và phát triển phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong thế kỷ XXI./.
 
_________________________________________________

(1) Đảng Độc lập theo quan điểm lập trường của tư sản dân tộc Ma-rốc, có đảng viên là tư sản lớn và vừa, địa chủ, công nhân, nông dân và trí thức... Đảng thành lập năm 1943, có vai trò to lớn trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Cương lĩnh của Đảng tại Đại hội IX (năm 1974) và Đại hội X (năm 1978) đề ra nhiệm vụ phát triển kinh tế đất nước, thực hiện công nghiệp hóa, cải cách ruộng đất... Về quốc tế, Đảng chủ trương chống đế quốc; ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân A-rập chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa Xi-ôn-nít; ủng hộ sự hợp tác giữa Ma-rốc với một số quốc gia tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, các nước châu Phi, châu á. Đại hội XIV của Đảng diễn ra vào tháng 3-2003 với khẩu hiệu “Xây dựng tương lai - Thống nhất, phát triển, đoàn kết”; đề ra các mục tiêu chính sách đối ngoại như thống nhất lãnh thổ; nâng cao vị thế của Ma-rốc ở Bắc Phi, châu Phi và trên thế giới; tăng cường hợp tác Nam - Nam; bảo vệ lợi ích của Ma-rốc ở nước ngoài; đấu tranh chống việc bôi xấu đạo Hồi; tăng cường đoàn kết với các nước A-rập; ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Pa-le-xtin; mở cửa đối với các nền văn minh khác, đồng thời giữ gìn tính nhân văn của Ma-rốc...

(2) Đồng chí Na-bin Be-na-đa-la sinh năm 1959 tại thủ đô Ra-bát, học phổ thông tại Ra-bát, tốt nghiệp Học viện Quốc gia Pa-ri về ngôn ngữ các nền văn minh phương Đông năm 1985; trở thành đảng viên PPS năm 1977; là ủy viên Trung ương Đảng năm 1988; ủy viên Bộ Chính trị từ năm 1995, nguyên Bộ trưởng Thông tin, nguyên Đại sứ Ma-rốc tại I-ta-li-a

(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 113