Phụ nữ nghèo bị tổn thương sâu sắc từ suy thoái kinh tế toàn cầu
Tỷ lệ nghèo đói tăng
Theo tạp chí Dự án nghèo đói toàn cầu (The Global Poverty Project), phụ nữ làm việc 2/3 thời gian trên thế giới, sản xuất một nửa số lương thực của thế giới, nhưng chỉ chiếm 10% thu nhập và sở hữu ít hơn 1% tài sản của thế giới. Trung bình, lương của phụ nữ chỉ bằng một nửa lương của nam giới.
Năm 1995, Liên hợp quốc thông báo có trên 70% phụ nữ và các em gái sống dưới mức 1,25 USD một ngày. Sau 17 năm, thống kê mới nhất cho biết, tỷ lệ phụ nữ sống nghèo khổ không thay đổi mà còn tăng thêm 980 triệu người do kinh tế suy thoái, chiến tranh tại một số nước khu vực Trung Đông, thiên tai và sự biến đổi khí hậu toàn cầu,... Phần đông những gia đình đơn thân có phụ nữ là chủ nghèo khổ và chịu nhiều thiệt thòi hơn.
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho biết, cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế làm tăng số phụ nữ thất nghiệp. Trong một báo cáo đánh giá khuynh hướng tuyển dụng phụ nữ nhân ngày Quốc tế phụ nữ, ILO cảnh báo chị em sẽ không thoát khỏi cuộc khủng hoảng này. Lúc ban đầu, cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến việc làm trong các lĩnh vực mà nam giới thường chiếm ưu thế. Tuy nhiên, thất nghiệp giờ đây đã lan rộng. Khi niềm tin và sức mua của người tiêu dùng giảm sút, nhiều công việc thường do phụ nữ đảm nhiệm như tiếp viên, nhân viên bán hàng,... cũng giảm theo. ILO đặc biệt lo ngại rằng, phụ nữ ở các nước đang phát triển, làm nghề nông hay người giúp việc nhà rất khó có thu nhập và dễ bị tổn thương trong bối cảnh kinh tế hiện nay.
Tạp chí Những người Giàu nhất (The Richest People) (số 9-2012) cho biết, theo đánh giá của Liên hợp quốc, tại 20 nước nghèo nhất thế giới, phụ nữ và trẻ em phải sống trong cảnh bần hàn hầu như suốt cuộc đời. Ví dụ, CHDC Công-gô, Li-bê-ri-a (có khoảng 85% dân số sống dưới 1USD/ngày) và Dim-ba-bu-ê (tuổi thọ thấp nhất thế giới - 34 tuổi đối với nữ và 37 đối với nam). Ngoài ra, có hai nước đáng chú ý nữa là Ni-giê (trên 80% diện tích đất được bao phủ bởi sa mạc Xa-ha-ra) và Gi-nê Bít-xao (60% dân số sống dưới mức nghèo khổ).
Không chỉ ở những nước nghèo, kém phát triển mà ngay tại Mỹ, phụ nữ nghèo cũng đang phải chịu cảnh bần hàn do suy thoái kinh tế. Cục Điều tra dân số Mỹ cho biết, năm 2011 tỷ lệ nghèo đói của Mỹ đã tăng 15,1%, tức khoảng 46 triệu người sống dưới mức nghèo khổ so với năm 2010. Trong năm này, có 17 triệu phụ nữ Mỹ sống trong nghèo đói, đạt mức kỷ lục trong 17 năm qua, trong đó, hơn 7,5 triệu người bị nghèo đói cùng cực với mức thu nhập bình quân chỉ bằng một nửa giới hạn nghèo đói của nước này.
Đồng hành với sự nghèo đói của phụ nữ là con cái của họ. Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Ca-xây (Carsey) và Đại học Niu Ham-sai (New Hampshire) mới đây cho biết, số lượng trẻ em hiện sống trong cảnh đói nghèo tại Mỹ đã tăng lên con số 2,6 triệu kể từ khi bắt đầu diễn ra khủng hoảng tài chính toàn cầu (hồi năm 2007), nâng tổng số trẻ em nghèo lên 15,7 triệu em, chiếm 25% dân số trẻ em ở nước này. Trong đó, khu vực phía Nam có tỷ lệ nghèo đói ở trẻ em được đánh giá ở mức 24,2%, phía Bắc là 17,8% (bang Mít-xi-xi-pi có tỷ lệ cao nhất với 32,5% và Niu Ham-sai có tỷ lệ thấp nhất là 10%).
Cũng tại Mỹ, cứ 4 trẻ em dưới 6 tuổi thì có 1 em phải sống trong cảnh bần hàn. Các thành phố lớn và khu vực nông thôn có tỷ lệ nghèo đói ở trẻ em cao nhất, theo đó 31% trẻ em dưới 6 tuổi sống tại các thành phố lớn và 30% trẻ em dưới 6 tuổi trong khu vực nông thôn thuộc diện đói nghèo. Các nhà nghiên cứu J. Bin, B. Mát-ting-ly và A. Sa-phơ (Jessica Bean, Beth Mattingly và Andrew Shaefer) cảnh báo, điều quan trọng ở đây cần được nhận thức sâu sắc là, số trẻ em dưới 6 tuổi phải chịu cảnh nghèo sẽ chịu những thiệt thòi về giáo dục, y tế, và điều này sẽ ảnh hưởng đến suốt cuộc đời của các em sau này.
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng nghèo đói trên, ông S. Đan-di-gơ (Sheldon Danziger), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu nghèo đói quốc gia, thuộc trường Đại học Mi-chi-gân (Michigan) cho rằng, sở dĩ tỷ lệ nghèo đói ở Mỹ cao hơn Ca-na-đa và một số nước Bắc Âu vì hai lý do: thứ nhất, từ 30 năm nay, tiền lương của những người không có bằng tốt nghiệp trung học đã giảm đáng kể, đặc biệt là những người làm nghề xây dựng; thứ hai, chính sách xã hội chưa làm gì nhiều để tăng tiền lương cho người lao động trong thời điểm nền kinh tế thịnh vượng, hoặc giúp đỡ những người thất nghiệp trong thời kỳ kinh tế suy thoái. Ông Đan-di-gơ nhấn mạnh rằng, phần lớn những trẻ em nghèo không được học đại học, chúng vẫn tiếp tục lớn lên và vẫn tiếp tục nghèo.
Phụ nữ đơn thân chịu tác động sâu sắc
Tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu không chỉ tác động đến các gia đình đơn thân ở các nước đang phát triển mà cả ở các nước phát triển. Theo thống kê của Bộ Lao động Mỹ, tại Mỹ, năm 2011, có 2,3 triệu phụ nữ có con dưới 18 tuổi bị thất nghiệp; có khoảng 1,2 triệu các bà mẹ thất nghiệp và thu nhập ở mức dưới 25.000 USD một năm (24.487 USD). Trong khi đó, một gia đình có đủ vợ chồng có mức thu nhập trung bình là 77.749 USD một năm. Tỷ lệ nghèo của gia đình đơn thân do phụ nữ làm chủ là 40,7% so với 8,8% đối với gia đình có đủ vợ, chồng; có 3/4 số gia đình vô gia cư là những gia đình người mẹ đơn thân nuôi con. Mặc dù Chính phủ Mỹ có chương trình trợ giúp phiếu thực phẩm dành cho các bà mẹ đơn thân nhưng chương trình trợ giúp đó không đủ so với thực tế và không thể giúp giảm được đói nghèo một cách triệt để.
Thống kê của Liên hợp quốc cho biết, ba khu vực trên thế giới có nhiều phụ nữ sinh con ngoài hôn nhân là Mỹ La-tinh, Nam Phi và Thụy Điển. Nơi có tỷ lệ trẻ em sống với cha hoặc mẹ độc thân cao nhất là châu Phi, châu Âu, Bắc Mỹ và châu Đại Dương, trong đó, Nam Phi có tỷ lệ cao nhất, còn các nước châu Á và Trung Đông có tỷ lệ ly dị thấp hơn và con cái được cha mẹ nuôi nấng nhiều hơn.
Tỷ lệ người mẹ đơn thân nuôi con gia tăng nhanh, theo tạp chí Bà mẹ đơn thân (SingleMom), là do tình trạng ly hôn trong những năm gần đây tăng rất cao. Khi cha mẹ ly hôn, trẻ em thường sống dựa vào mẹ nhiều hơn bởi đặc điểm thiên bẩm của phụ nữ là bảo vệ, nuôi dưỡng, từ khi mang thai cho đến lúc sinh con và tiếp tục chăm lo khi đứa trẻ lớn khôn. Không có người chồng bên cạnh, bà mẹ đơn thân trở thành trụ cột gia đình, vừa làm cha, vừa làm mẹ. Gánh nặng như vậy nên người mẹ không có đủ thời gian cần thiết để hỗ trợ, chăm sóc, giám sát con cái đầy đủ. Thậm chí, ngay cả khi đứa con được mẹ chăm sóc đầy đủ nhưng vẫn cảm thấy thiếu thốn và bị tổn thương về tinh thần.
Cải thiện cơ hội kinh tế cho phụ nữ
Một vấn đề hiện đang được nhiều người chú ý là làm thế nào để cải thiện cơ hội kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt khi đối mặt với những hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu. Mặc dù sự đóng góp kinh tế của phụ nữ là rất lớn, nhưng tiến trình bình đẳng kinh tế đang diễn ra rất chậm chạp. Một nhà kinh tế học nói: “Khi bạn đầu tư vào phụ nữ có kỹ năng, bạn phải bảo đảm những rào cản với sự tham gia kinh tế của họ không còn nữa. Như thế bạn mới có thể thu được lợi nhuận từ sự đầu tư của mình”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không phải luôn luôn có sự nhận thức rõ ràng rằng điều này sẽ tốt hơn cho nền kinh tế trong dài hạn. Theo Liên hợp quốc, việc bóp nghẹt cơ hội của phụ nữ ở nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã lấy đi của khu vực này hơn 40 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, một số quốc gia được hưởng lợi do đã tập trung hỗ trợ để phụ nữ được cải thiện hơn trong kinh tế.
Theo báo cáo của ILO và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), tại một số nước đang phát triển, đặc biệt là ở Đông Á, tăng trưởng về việc làm đang phục hồi, nhưng vẫn tồn tại những quan ngại về chất lượng việc làm. Cụ thể, 45% phụ nữ ở châu Á vẫn chưa được phát huy hết tiềm năng, so với chỉ 19% ở nam giới. Báo cáo chỉ ra rằng việc làm chất lượng thấp là thách thức đối với thị trường lao động cho phụ nữ. Một tỷ lệ lớn phụ nữ châu Á đang phải làm những công việc nặng nhọc, năng suất thấp, dễ bị tổn thương với mức lương thấp trong khu vực phi chính thức. Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp của nữ thanh niên còn cao và phụ nữ vẫn chủ yếu bị coi là lực lượng lao động phụ trợ hay người mang lại thu nhập thứ yếu, sau nam giới.
Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, phụ nữ có ảnh hưởng rất quan trọng đến sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, vì thế tập trung hơn đối với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em gái là phương pháp hiệu quả nhất để chống lại đói nghèo toàn cầu và chủ nghĩa cực đoan. Đó là lý do tại sao viện trợ nước ngoài ngày càng hướng đến phụ nữ. Thế giới đang thức tỉnh, bởi họ nhận ra một sự thật rằng, nếu giảm được sự nghèo đói của phụ nữ và trẻ em gái thì sẽ giảm được nghèo đói cho toàn xã hội.
Tại Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu 2012 tại A-ten (Hy Lạp) từ ngày 31-5 đến 2-6-2012. Lãnh đạo nhiều nước trên thế giới cùng khoảng 1.000 giám đốc điều hành, nhà quản lý nữ từ khắp nơi trên thế giới đã tập trung thảo luận chủ đề “Phụ nữ: Động lực của phát triển kinh tế”. Chủ đề này đã phản ánh vai trò then chốt của phụ nữ trong nền kinh tế toàn cầu khi họ chiếm gần một nửa lực lượng lao động thế giới, là những “đầu máy” năng động đằng sau sự tăng trưởng của các doanh nghiệp trên toàn cầu và chiếm đa số người tiêu dùng của thế giới.
Giờ đây, có một sự đồng thuận cao được hình thành trong giới lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu là đầu tư mạnh vào một trong những nguồn tài nguyên hàng đầu thế giới chưa được khám phá vốn là sự sống còn với tăng trưởng tương lai. Nguồn tài nguyên ấy là phụ nữ. Một báo cáo của Công ty Ernst & Young có tiêu đề “Sử dụng sức mạnh của phụ nữ để tái thiết nền kinh tế thế giới” nhấn mạnh: Đây là lúc để nhận ra và khai thác hiệu quả tích cực của việc trao quyền làm kinh tế, quyền lãnh đạo cho phụ nữ trong nền kinh tế toàn cầu. Nhiều nhà nghiên cứu thế giới đã đồng tình với quan điểm trên và cho rằng, vấn đề trao quyền kinh tế cho phụ nữ đang nhận được sự chú ý toàn cầu hơn bao giờ hết.
Các trường đào tạo kinh doanh cũng đang tập trung vào xu thế này. Rất nhiều tập đoàn đa quốc gia giờ đây bắt đầu nhận ra việc đưa phụ nữ vào lực lượng lao động là một phần giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như đối phó với sự già hóa nhân công.
Các giáo sư từ Đại học Ha-vớt (Harvard) và Viện Công nghệ Ma-sa-chu-xét (Massachusetts) của Mỹ cũng như các nhà nghiên cứu ở Viện Lao động Hàn Quốc đã phỏng vấn nhiều giám đốc điều hành để tìm giải đáp cho câu hỏi: Liệu một tập đoàn nước ngoài có thể gia tăng lợi nhuận bằng cách thuê phụ nữ từ thị trường lao động địa phương, nhất là tại các khu vực có truyền thống phụ nữ bị gạt ra bên lề hay không? Họ đã phát hiện ra rằng, các hãng thuê và bổ nhiệm phụ nữ vào các vị trí có quyền lực đã nhận được lợi nhuận lớn hơn. Lợi thế cạnh tranh này đặc biệt đúng ở những công ty có phụ nữ đảm nhận các vị trí cấp cao.
Để tạo cơ hội bình đẳng việc làm cho phụ nữ, các chuyên gia đã đề xuất những chính sách, bao gồm: hỗ trợ cho nữ doanh nhân, hỗ trợ phụ nữ làm nông nghiệp tăng năng suất lao động, giảm sự phụ thuộc quá lớn vào các khu vực phi chính thức; thúc đẩy tiếp cận bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo, an sinh xã hội; bảo đảm tính đại diện và tham gia quyết định; tuân thủ hướng tiếp cận dựa trên quyền./.
Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí  (28/11/2012)
Cử tri đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIII  (28/11/2012)
Tổng Bí thư tiếp đại biểu dự hội thảo Việt Nam học  (28/11/2012)
Hội nghị Tài chính y tế hướng tới chăm sóc sức khoẻ toàn dân  (28/11/2012)
Điện mừng Tổng thống nước Cộng hòa Xi-ê-ra Lê-ôn  (28/11/2012)
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên