Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20: không có bước đột phá
Bối cảnh bất lợi
Ngay trước khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương G20, giới quan chức cũng như các hãng thông tấn đều cho rằng, Hội nghị lần này khó có thể đạt được mục tiêu đề ra là trấn an mối lo ngại về xu hướng sa sút của kinh tế toàn cầu. Theo các chuyên gia, sở dĩ có mối quan ngại đó là do cơn “bão nợ công” tại châu Âu chưa tan, trong khi nước Mỹ lại cận kề “vực thẳm tài chính”.
Thật vậy, châu Âu thời gian qua vẫn chật vật trước bài toán giải quyết vấn đề nợ công dai dẳng của Hy Lạp. Thậm chí, quốc gia này còn bị cảnh báo có nguy cơ bị “trục xuất” khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nếu Quốc hội Hy Lạp không thông qua gói biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mới vào ngày 7-11-2012. Vậy là, A-ten buộc phải tiến hành các cuộc đàm phán với bộ ba chủ nợ gồm Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về các biện pháp kinh tế khắc khổ để đổi lấy gói cứu trợ mới giúp nước này tránh được nguy cơ vỡ nợ. Tuy nhiên, theo nguồn tin mới nhất của IMF, các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp và nhóm “bộ ba” đã rơi vào bế tắc do hai bên không đạt được đồng thuận về điều kiện nhận cứu trợ.
Không chỉ cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, mà cả núi nợ công của Mỹ cũng là một mối đe dọa nghiêm trọng. Mỹ đứng trước bờ “vực thẳm” tài chính khi Quốc hội nước này chưa đạt được thỏa thuận chính trị khả quan nào nhằm cứu vãn nước này thoát khỏi nguy cơ lâm vào cuộc suy thoái tiếp theo. Đây sẽ là một yếu tố tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế thế giới.
Không chỉ có vậy, nước Mỹ - “nhân vật chính” có ảnh hưởng đáng kể đến quá trình thương thảo tại Hội nghị, lại vắng mặt do bận rộn cho việc bầu ra người nắm giữ vận mệnh đất nước trong nhiệm kỳ tổng thống mới; cùng với đó là sự thiếu vắng Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, do chuẩn bị cho Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 diễn ra từ ngày 8-11-2012. Rồi đến Bra-xin, nền kinh tế mới nổi đáng chú ý cũng không tham dự. Tất cả các nước vắng mặt này đều là những quốc gia có nền kinh tế đóng vai trò rất lớn, nếu không muốn nói là vai trò quyết định đối với sự phục hồi của nền kinh tế thế giới.
Nhiều kiến nghị
Điều mà các thành viên tham dự Hội nghị cảm nhận được, đó là sự quan ngại tình trạng suy thoái kinh tế thế giới có thể trầm trọng tới mức các nước sẽ cần phải có thêm kiên nhẫn và thời gian dành cho tiến trình giảm bớt nợ công. Trên thực tế, một số chính phủ đã có ý định trì hoãn việc cải thiện tình trạng ngân sách của mình trong thời gian trung hạn.
Đối với vấn đề nợ công tại châu Âu, Bộ trưởng Tài chính Đức V. Xchau-bơ khẳng định, tăng trưởng bền vững sẽ không thể đạt được nếu không giảm được nợ. Ông nói, “nếu chúng ta muốn đạt được tăng trưởng vững vàng và cân đối giữa các nước thành viên G20, chúng ta cần những hệ thống tài chính công chắc chắn trên toàn hành tinh, bởi vì tăng trưởng lâu dài không thể được tài trợ bằng việc tích lũy một khối nợ ngày càng lớn”. Còn Thống đốc Ngân hàng Đức G. Oét-man đưa ra cảnh báo rằng, vấn đề tài chính công của Mỹ cũng như việc Nhật Bản tăng thêm nợ công sau cuộc khủng hoảng ở Phu-kư-si-ma có thể sẽ như những “chiếc phanh” kìm hãm các hoạt động kinh tế thế giới.
Đứng ở góc độ nước chủ nhà, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mê-hi-cô A. Cát-xten nhấn mạnh rằng, thông điệp của G20 gửi tới Oa-sinh-tơn là quá trình điều chỉnh tài chính tại Mỹ đóng vai trò quan trọng đối với toàn thế giới, đồng thời bày tỏ hy vọng Quốc hội Mỹ sẽ tìm được sự đồng thuận chính trị hợp lý trước khi kết thúc năm 2012.
Bộ trưởng Tài chính Ô-xtrây-li-a W. Soát kêu gọi Mỹ cần có hành động sớm để giải quyết vấn đề được các nhà hoạch định chính sách đặt cho cái tên là “vách tài khóa cheo leo” - một cụm từ miêu tả tình trạng nợ công trầm trọng của Mỹ không ngừng tăng, và cần sớm có sự điều chỉnh nâng trần nợ công của Nghị viện Mỹ để không tác động tiêu cực tới nền kinh tế Mỹ nói riêng và cả thế giới nói chung. Nhóm các nước G20 bày tỏ kỳ vọng, sau khi tiến hành bầu cử tổng thống, nước Mỹ sẽ tập trung xử lý “thảm họa” nợ công của mình. Nếu cuối năm nay, Nghị viện Mỹ không thông qua một loạt quyết sách về việc nâng trần nợ công, việc tăng thuế sẽ dẫn đến giảm mạnh ngân sách với quy mô 600 tỷ USD. Hệ quả của việc này sẽ là Chính phủ Mỹ buộc phải cắt giảm chi tiêu công - điều có thể tác động một cách nghiêm trọng tới toàn bộ nền kinh tế thế giới.
Đức và Anh đồng tình ý kiến ủng hộ việc đánh thuế các công ty toàn cầu nghiêm ngặt hơn nữa để giảm bớt việc các công ty này dịch chuyển lợi nhuận sang nước khác, qua đó nhà nước sẽ bảo đảm được nguồn thu thuế từ các công ty này.
Tổng Giám đốc IMF C. La-gác-đơ nhận định, khó khăn lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu vẫn hiện hữu tại châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Theo bà C. La-gác-đơ, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới “ốm yếu” hiện nay, các nước cần phải cam kết áp dụng chính sách kinh tế hướng tới tăng trưởng cân bằng và tạo thêm việc làm nhiều hơn nữa. Tổng Giám đốc IMF cũng bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ hành động kịp thời trong việc điều chỉnh chính sách tài chính và mức trần nợ công nhằm bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế đầu tàu thế giới và sự phát triển của các nước khác.
Bộ trưởng Tài chính và Tín dụng công (SHCP) Mê-hi-cô A. Mít khẳng định, G20 sẽ ưu tiên tìm kiếm mọi khả năng nhằm giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Cũng theo ông A. Mít, tất cả các nước thành viên đã thống nhất tiếp tục nâng cao cảnh giác và giữ vững cam kết của mình nhằm tránh mọi rủi ro cản trở quá trình hồi phục kinh tế toàn cầu, đồng thời nhất trí tìm kiếm mọi đồng thuận cũng như tăng cường hợp tác chính trị và kinh tế giữa các khu vực trên toàn thế giới.
Quyết tâm thực hiện cam kết
Kết thúc hai ngày làm việc, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương các nước G20 đạt đồng thuận trong việc điều chỉnh những quy định về tài chính chặt chẽ hơn, tăng thêm các thỏa thuận tài chính cho Quỹ Bình ổn toàn cầu. Cùng với đó là lời hứa tạo dựng sự tăng trưởng lành mạnh của nền kinh tế thế giới. Thông cáo chung được đưa ra sau Hội nghị nhấn mạnh vào mục tiêu trong tương lai gần của G20, đó là tái thiết lập niềm tin, giảm bớt rủi ro trên thị trường tài chính quốc tế.
Trước quan ngại về tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn khiêm tốn và tiềm ẩn nhiều rủi ro, đe dọa quá trình phục hồi do các nước châu Âu chậm trễ thực thi các tuyên bố chính sách mới đây, khả năng siết chặt chính sách tài chính tại Mỹ và Nhật Bản cũng như sự giảm tốc tại các nền kinh tế mới nổi, các nhà lãnh đạo G20 hối thúc Mỹ và châu Âu nhanh chóng giải quyết những khó khăn tài chính, đồng thời kêu gọi Nhật Bản tiếp tục củng cố tài chính trong trung hạn. Như vậy, Mỹ cần điều chỉnh một cách thận trọng tốc độ thắt chặt tài chính nhằm bảo đảm chính sách tài chính công được thực hiện theo hướng bền vững, trong khi tránh được sự sụt giảm ngân sách mạnh trong năm 2013.
Liên quan đến vấn đề cắt giảm thâm hụt ngân sách, G20 cam kết bảo đảm các chính sách tài chính công bền vững, phù hợp với những cam kết trung hạn, được G20 đưa ra tại Hội nghị Tô-rôn-tô hồi năm 2010, đối với những nền kinh tế phát triển. Theo đó, các nước phát triển hướng tới xác định các mục tiêu liên quan đến tỷ lệ nợ/tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cụ thể của các nước sau năm 2016, đồng thời đưa ra các chiến lược và lịch trình rõ ràng để đạt được mục tiêu đó.
Các nhà lãnh đạo tài chính G20 cũng thể hiện quyết tâm thực hiện các cam kết hướng tới hệ thống hối đoái vận hành theo thị trường cũng như bảo đảm linh hoạt tỷ giá hối đoái, tránh tình trạng không thống nhất trong tỷ giá hối đoái và sự phá giá tiền tệ. Đây là những giải pháp nhằm tránh tình trạng bất ổn của các dòng tài chính và các tỷ giá hối đoái hỗn loạn có tác động bất lợi tới sự ổn định kinh tế và tài chính.
Chương trình quy định tài chính và việc thực hiện các cải cách tài chính cần thiết cũng đã được thông qua tại Hội nghị. Các nước G20 thống nhất đưa ra các biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm thực thi hiệu quả và đầy đủ các thỏa thuận Basel 2, 2,5 và 3 dựa trên chuẩn mực quốc tế.
Hội nghị lần này khép lại với nhiều quyết tâm và “lời hứa” về việc thực thi các cam kết. Song, dường như đây vẫn là xu hướng của những hội nghị trước đó, có khác chăng là sự mong đợi, hy vọng các nền kinh tế lớn nỗ lực thực sự để giải quyết vấn đề nội tại và cùng chung tay nhìn ra thế giới với tương lai sáng sủa hơn./.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 21  (13/11/2012)
Ủy ban Đối ngoại Quốc hội họp Phiên toàn thể lần 5  (13/11/2012)
Trung Quốc xác định rõ định hướng phát triển kinh tế  (13/11/2012)
Đồng chí Hồ Cẩm Đào sớm rời chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc  (13/11/2012)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên