Di cư tự do với sự phát triển kinh tế - xã hội Tây Nguyên
1. Thực trạng cuộc di cư tự do của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên
Di dân tự do (tự phát) là hiện tượng di dân do một người, một hộ gia đình, hoặc nhóm hộ tự thực hiện không theo một phương án, chương trình và sự quản lý, điều hành của bất kỳ một cơ quan hoặc tổ chức nào.
Di cư tự do là một hiện tượng kinh tế - xã hội tất yếu được diễn ra dưới nhiều nền kinh tế khác nhau và đặc biệt ngày càng mạnh mẽ trong nền kinh tế thị trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, đô thị hoá đất nước.
Ở nước ta số lượng người di cư tự do lớn, kéo dài trong nhiều năm, đến nay chưa chấm dứt. Cuộc di cư tự do của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên và một số tỉnh khác diễn ra từ lâu, nhưng rộ lên từ những năm 1991-1994 với số lượng lớn. Từ năm 1991-1995, bình quân hằng năm có 16 vạn người. Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 660/TTg, ngày 17-10-1995 “Về giải quyết tình trạng dân di cư tự do đến Tây Nguyên và một số tỉnh khác”.
Tác động của chỉ thị này đã làm cho tình trạng di cư tự do giảm bớt. Từ năm 1996 - 2000, bình quân hằng năm chỉ còn 9 vạn người. Từ năm 2001 - 2002, bình quân hàng năm còn 2 vạn người và năm 2003 chỉ có 4000 người. Theo thống kê đến trước tháng 11-2004; có 45 vạn người di cư tự do, bằng khoảng 9 vạn hộ.
Ngày 12 - 11 - 2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 39/2004/CT-TTg “Về một số chủ trương giải pháp tiếp tục giải quyết tình trạng dân di cư tự do”. Tuy nhiên, sau khi chỉ thị này được ban hành tình hình di cư tự do vẫn tiếp diễn. Theo báo cáo của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ năm 2005 đến 2008, tổng số hộ di cư tự do vào Tây Nguyên là 9.551 hộ với 40.782 nhân khẩu, bình quân một năm là 2.413 hộ với 10.195 nhân khẩu. Di cư tự do vào Tây Nguyên trong năm 2006 giảm mạnh so với năm 2005 nhưng lại tăng trở lại vào các năm 2007, 2008 và cho đến nay vẫn chưa dừng.
Đi sâu nghiên cứu, về thành phần dân tộc, tôn giáo, địa bàn xuất cư của dân di cư tự do ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên cho thấy, số người di cư gồm có dân tộc thiểu số Cao Lan, Dao, H’ Mông, Mường, Nùng, Tày, Thái. Người H’ Mông chiếm đông nhất với tỷ lệ tuyệt đối trong tổng số dân di cư tự do, thậ̣m chí có xã như Phi Liêng thuộc huyện Đam Rông (Lâm Đồng), có 150 hộ dân di cư tự do hoàn toàn là người H’ Mông.
Về thành phần tôn giáo, hầu hết dân di cư tự do của đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía Bắc vào Tây Nguyên là theo đạo tin lành, còn lại một ít theo đạo công giáo. Chẳng hạn ở Đắk Lắk, đến năm 2006 có 17.232 người H’ Mông là dân di cư tự do, trong đó có 13.957 người, bằng 81% theo đạo Tin lành, thuộc nhiều hệ phái khác nhau (C.M.A): Tin lành liên hữu cơ dốc, Tin lành trưởng lão và 281 người H’ Mông, bằng 1,63% theo đạo Công giáo thuộc huyện Krông Năng.
Về địa bàn xuất cư của dân di cư tự do là từ các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Giang, Lai Châu, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Lào Cai, Thanh Hoá, Quảng Ninh. Hà Giang là tỉnh có số dân di cư tự do lớn nhất chiếm trên 50% tổng số dân di cư tự do của các tỉnh trên.
Về cách thức tổ chức và hoạt động của dân di cư tự do, mới nghe, tưởng như được tiến hành một cách vô tổ chức, tùy tiện, nhưng trên thực tế cách thức tổ chức cuộc di cư tự do được thực hiện một cách khá chặt chẽ theo một quy trình nhất định với những bước đi cụ thể.
Trước hết về mặt tổng thể, những người di cư tự do căn cứ vào những thông tin từ người khác hoặc từ những sự hiểu biết vốn có của mình về sự phong phú tài nguyên rừng và đất của Tây Nguyên cả về số lượng và chất lượng, đặc biệt là ở vùng đất đỏ Ba Dan thuận lợi cho việc phát triển nông, lâm nghiệp, nên đã chọn Tây Nguyên làm địa bàn nhập cư chủ lực. Nhưng thực tế, họ không hiểu rằng sau cuộc di dân xây dựng vùng kinh tế mới từ sau năm 1975 đến năm 1998, tài nguyên đất đã được khai hoang, tài nguyên rừng đã được khai thác, dân số tăng lên nhanh chóng và đông đúc với 4,5 triệu người. Sức chứa của Tây Nguyên đã cạn, khả năng thu nhận người di cư tự do trong hoạt động nông, lâm nghiệp không còn nữa. Đó là một trở ngại lớn cho dân di cư tự do trong việc ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.
Việc lựa chọn địa bàn nhập cư cụ thể của người dân di cư tự do là theo kinh nghiệm và tập quán tâm lý sản xuất nông, lâm nghiệp truyền thống thường là những địa bàn cư trú giữa rừng già, vùng sâu, xa, với lý do chính là có rừng già để chặt phá lấy gỗ, lấy đất làm nương rẫy với độ phì nhiêu tự nhiên đặc biệt tốt, có nhiều thú để săn bắt và để tránh sự phát hiện, kiểm soát của chính quyền và các cơ quan chức năng. Cũng có trường hợp, những người di cư tự do đã được chính quyền địa phương, hoặc bộ đội biên phòng hỗ trợ ổn định đời sống và phát triển sản xuất tại một địa bàn nhất định theo quy hoạch, thì sau đó họ sẽ tin cho những người khác kéo vào với tư cách đi thăm người nhà và ở lại luôn.
Về các hoạt động kinh tế của người dân di cư tự do tập trung chủ yếu là phá rừng để làm nương rẫy, chặt rừng lấy gỗ để bán, săn bắn thú rừng để lấy thịt. Cả ba hoạt động này đều vi phạm luật bảo vệ rừng, luật bảo về môi trường, luật bảo vệ động vật hoang dã, nhưng lại diễn ra hằng ngày và càng tăng, khó kiểm soát, khi tinh vi, khi táo bạo.
Dân di cư tự do tổ chức việc chặt phá rừng ở những nơi xa xôi hẻo lánh bằng phương tiện hiện đại như cưa máy, máy cày chuyên đi rừng khai thác gỗ. Họ biết móc nối với các phần tử xấu trong đó có cán bộ địa phương để bán gỗ lậu, làm nơi tiêu thụ lâu dài và thường tổ chức vận chuyển vào đêm khuya với lực lượng xe máy chuyên nghiệp hoặc chọn dịp lễ, tết để hoạt động nên khó phát hiện. Trong trường hợp vi phạm lâm luật, chặt phá khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ trái phép, bị các lực lượng kiểm lâm công an phát hiện họ chống trả rất quyết liệt.
Một hoạt động kinh tế nữa của dân di cư tự do là săn bắn thú rừng. Họ tổ chức những cuộc săn bắn đông người bằng súng tự chế. Khi thấy con mồi thì đồng loạt bắn, con mồi khó thoát chết. Cuộc săn bắn kéo dài nhiều ngày có khi hàng tháng trong rừng. Thịt thú rừng bị bắn được sấy khô để đem về. Đây là những cuộc săn bắn phạm pháp diễn ra nhiều nơi, nhiều lúc, đặc biệt là trong dịp tết Nguyên Đán. Vì vậy, rất nhiều thú rừng thuộc loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng đă bị sát hại. Ngoài những hoạt động kinh tế chủ yếu trên đây, một số dân di cư tự do nghèo còn đi làm thuê để kiếm sống.
Cuộc di cư tự do đã gây ra một số hậu quả tai hại cho việc phát triển kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, văn hoá trật tự an ninh xã hội cho các tỉnh Tây Nguyên. Cụ thể là:
- Rừng bị tàn phá nghiêm trọng, đó là toàn bộ rừng già, rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng lỏi các vườn quốc gia. Nếu tính bình quân mỗi hộ chặt phá 1,5 ha rừng để làm nương rẫy thì từ năm 1996 đến năm 2004, 9 vạn hộ di cư do chặt phá hết 13,5 vạn ha rừng. Nếu tính từ năm 2004 đến năm 2008 thì 9.644 hộ di cư tự do chặt phá hết 1,4 vạn ha rừng. Tổng cộng cả hai thời kỳ từ 1996 - 2008 số rừng bị chặt phá lên đến gần 15 vạn ha rừng chưa kể diện tích rừng bị khai thác lấy gỗ để bán.
- Đa dạng sinh học thực vật và động vật bị hủy diệt, trong đó có các loại thú quý hiếm bị giết hại.
- Môi trường sinh thái bị giảm sút dữ dội, góp phần gây ra lũ lụt, hạn hán, lũ quét, sạt lở không chỉ cho Tây Nguyên mà còn cho các tỉnh Duyên Hải miền Nam Trung Bộ.
- Về xã hội và văn hoá, tệ nạn xã hội xuất hiện như hút thuốc phiện, cờ bạc, hoạt động tôn giáo trái phép, gây mất trật tự xã hội, gây mâu thuẫn đối với dân tộc ít người bản địa do tranh chấp đất đai, tranh giành lâm phần thu hẹp không gian văn hoá của dân tộc ít người bản địa do nạn phá rừng....
Ngoài ra, dân di cư tự do còn làm tăng tỷ lệ đói nghèo của địa phương bởi vì phần lớn họ là những người đói nghèo, có đời sống khó khăn đi vào Tây Nguyên. Hơn nữa, hiện nay chỉ một số nơi có điều kiện ổn định thuận lợi cho phát triển sản xuất thì đời sống của người di cư tự do khấm khá hơn, còn lại một bộ phận lớn vẫn đang trong tình trạng khó khăn, đói nghèo.
- Về an ninh chính trị, theo báo cáo của các huyện tại các điểm di cư tự do, tình hình an ninh chính trị luôn có những dấu hiệu phức tạp, nhất là số dân nằm ngoài các dự án quy hoạch bố trí sắp xếp số di cư tự do.
- Về quản lý nhà nước, làm đảo lộn quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt quy hoạch sử dụng đất đai của địa phương, gây gánh nặng cho địa phương trong việc quản lý, bố trí cán bộ, chi phí ngân sách cho việc bố trí, sắp xếp, ổn định đời sống cho dân di cư tự do và giải quyết các vấn đề nảy sinh.
Đối với bản thân dân di cư tự do, trừ một số người đã được bố trí sắp xếp lại vào các dự án và một bộ phận dân di cư tự do khai thác tàn phá thiên nhiên có đời sống khá hơn nơi xuất cư, nhìn chung đời sống dân di cư tự do ở Tây Nguyên còn gặp rất nhiều khó khăn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nơi ở mới hết sức yếu kém, thiếu đường, thiếu điện, thiếu trạm y tế, thiếu trường học, thiếu cả nước sạch để uống. Trẻ em không có chỗ học, ốm đau không nơi khám chữa bệnh, mua bán hàng hoá không có chợ, không liên hệ với thế giới bên ngoài. Nghĩa là, phần lớn hiện nay họ đang sống trong nền kinh tế tự nhiên tự túc tự cấp, khép kín và sinh tồn chứ chưa có sự phát triển.
2. Biện pháp giải quyết tình trạng dân di cư tự do thời gian tới
Đứng trước thực trạng dân di cư tự do đã trình bày trên, Chính phủ đã chủ trương phải giải quyết tình trạng dân di cư tự do này. Điều đó thể hiện trong các Chỉ thị số 660/TTg vào ngày 17-10-1995 và Chỉ thị số 39/2004/CT TTg ngày 17 -11 -2004 và Quyết định số 193/2006/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24 - 8 - 2006 về phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn biên giới, hải đảo, di cư tự do, xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2015.
Theo tinh thần các chỉ thị và nghị quyết trên, các địa phương Tây Nguyên đã bố trí, sắp xếp lại dân di cư tự do theo các dự án quy hoạch. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay tình trạng dân di cư tự do vẫn tiếp diễn, việc ổn định, bố trí sắp xếp lại dân di cư tự do vào các vùng dự án chưa làm được nhiều. Vì vậy, trong thời gian tới, cần quan tâm áp dụng các biện pháp chủ yếu sau:
Một là, Nhà nước đầu tư, hỗ trợ lớn vào các tỉnh miền núi phía Bắc là địa bàn xuất cư để phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện sản xuất và cải thiện đời sống tại quê nhà. Đây là biện pháp cơ bản nhất xoá bỏ tận gốc di cư tự do.
Hai là, trước mắt, xác định những vùng quá khó khăn, và dân có nguyện vọng di cư thì chủ động bố trí, thực hiện di dân tái định cư theo quyết định193/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ba là, đối với dân di cư tự do đã vào Tây Nguyên thì các địa phương nhập cư cố gắng hết sức mình tiến hành quy hoạch, xây dựng dự án ổn định, bố trí sắp xếp lại dân di cư tự do vào nơi ở mới theo tinh thần Quyết định 193 nêu trên. Nhà nước tiếp tục đầu tư và hỗ trợ từ ngân sách để thực hiện các dự án này. Đầu tư này rất lớn cần Nhà nước cung cấp đủ và kịp thời, đồng thời lồng ghép với các chương trình 134, 135, 30A.... để hỗ trợ dân di cư tự do.
Bốn là, đối với những nơi không có khả năng thu nạp dân di cư tự do thì kiên quyết đưa họ về quê cũ có sự hỗ trợ nhất định của Nhà nước để họ tái lập nghiệp ở quê nhà.
Năm là, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các tỉnh xuất cư trong việc quản lý dân cư không để dân di cư tự do trái phép, đồng thời nâng cao trách nhiệm của chính quyền các tỉnh nhập cư về quản lý lãnh thổ của mình không để người di cư tự do đến mà không hay biết.
Sáu là, chính quyền nơi xuất cư và chính quyền nơi nhập cư phải hợp tác chặt chẽ trong việc giải quyết tình trạng di cư tự do, đặc biệt trong trường hợp đưa người di cư tự do trở về quê cũ.
Bảy là, Nhà nước cần ban hành một quy chế di dân cư tự do hợp hiến và hợp pháp, bao gồm các nguyên tắc, điều kiện trách nhiệm và nghĩa vụ... để các công dân tuân thủ khi tiến hành di cư tự do.
Tám là, tuyên truyền giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh miền núi phía Bắc nhận thức để tự giác chấm dứt cuộc di cư tự do trái phép, có hại cho đất nước và cho bản thân, chấp hành đúng chính sách của Nhà nước, làm tròn nghĩa vụ người công dân.
Chín là, nghiêm trị những hành vi phạm pháp của người di cư tự do như chặt phá rừng, buôn gỗ lậu, chống đối hành hung cán bộ thi hành công vụ... những phần tử xấu xúi giục di cư tự do trái phép và tiếp tay cho các hoạt động phi pháp của người di cư tự do. /.
Một số vấn đề cơ bản ảnh hưởng tới quan hệ Nga - EU hiện nay  (09/05/2011)
Vạn sự khởi đầu nan  (09/05/2011)
Châu Âu với bài toán nhập cư  (09/05/2011)
Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội khóa XIII  (09/05/2011)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay