Huyện Ý Yên phát triển nghề truyền thống

Hồng Minh
22:12, ngày 11-11-2024

TCCS - Huyện Ý Yên có nhiều nghề truyền thống tiêu biểu như sơn mài Cát Đằng, xã Yên Tiến; chạm khắc gỗ La Xuyên, Ninh Xá, xã Yên Ninh; đúc đồng Tống Xá, thị trấn Lâm; thêu ren, làm nón xã Trung Nghĩa… Trải qua hàng trăm năm, tinh hoa văn hóa của các làng nghề truyền thống ở Ý Yên đã được kế thừa và phát triển, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ của làng nghề La Xuyên, xã Yên Ninh được người tiêu dùng ưa chuộng_Ảnh: Hồng Minh

Dọc theo con phố chính ở trung tâm thị trấn Lâm có rất nhiều cửa hàng bày bán các sản phẩm đúc đồng của làng nghề Tống Xá. Từ lâu, sản phẩm của làng nghề đã vươn xa đến các tỉnh và xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện nay, Tống Xá có hơn 150 cơ sở sản xuất đồ đồng mỹ nghệ, thu hút hơn 1.500 lao động địa phương và các vùng lân cận. Ngoài những cơ sở sản xuất nhỏ, làng Tống Xá đã xuất hiện thêm nhiều doanh nghiệp tư nhân có quy mô sản xuất lớn. Việc ra đời các doanh nghiệp đã góp phần thay đổi diện mạo sản xuất của một làng nghề truyền thống, chuyển từ phương thức sản xuất theo lối thủ công nhỏ lẻ sang phương thức sản xuất công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Thôn La Xuyên (xã Yên Ninh) có nghề mộc truyền thống với hơn 1.000 năm tuổi. Những sản phẩm của làng nghề như: bàn ghế, sập gụ, tủ chè, cửa võng, hương án… được người tiêu dùng ưa chuộng. Trên cơ sở những tinh hoa của nghệ thuật chạm gỗ cổ truyền, người thợ La Xuyên luôn biết cách cải tiến mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với xu hướng và thị hiếu của người tiêu dùng. Từ bao đời nay, con em trong làng vẫn được tiếp xúc và định hướng nghề nghiệp ngay từ khi còn nhỏ. Những bí quyết làm nghề cũng được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Hiện nay, với cụm công nghiệp làng nghề rộng 16ha, thu hút hơn 30 doanh nghiệp và hơn 1.000 cơ sở sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động, trong đó thợ chạm khắc chiếm tới 60%.

Xã Yên Tiến từ lâu có nhiều làng nghề  truyền thống với các ngành nghề như: sơn mài tre, nứa chắp, mộc mỹ nghệ... với khoảng hơn 3.000 hộ tham gia sản xuất. Những người thợ ở làng nghề Yên Tiến ngoài sản xuất những sản phẩm truyền thống là bát, âu, khay, lọ… còn mạnh dạn thử nghiệm một số sản phẩm mới như thìa, dĩa với chất liệu từ gỗ và các loại sản phẩm: lộc bình sơn khảm vỏ trứng, vẽ hoa văn trên các sản phẩm gốm, sứ hoặc tạo ra những sản phẩm có bề mặt ngoài sơn bằng nhũ bóng… Nhiều sản phẩm mỹ nghệ của các làng nghề đã xuất sang các thị trường lớn, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, một số nước châu Âu... Bên cạnh nghề sơn mài - tre nứa chắp, do nằm sát cạnh xã Yên Ninh nên người dân xã Yên Tiến còn phát triển mạnh nghề mộc mỹ nghệ với dòng sản phẩm chủ yếu là các loại đồ thờ với gần 100 xưởng mộc mỹ nghệ. Nhờ phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đã mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều lao động ở địa phương.

Mỗi làng nghề ở Ý Yên đều có nét riêng độc đáo, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền kinh tế địa phương. Ngày nay, nhờ áp dụng công nghệ tiên tiến vào các công đoạn sản xuất, kết hợp giữa máy móc hiện đại với tay nghề điêu luyện của các nghệ nhân, sản phẩm của các làng nghề ngày càng có hàm lượng văn hóa cao, đa dạng phong phú về chủng loại, mẫu mã, độc đáo về kiểu dáng, kỹ, mỹ thuật. Xác định duy trì và mở rộng các ngành nghề truyền thống tại địa phương là khâu đột phá quan trọng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp, các xã, thị trấn trong huyện đã tập trung hỗ trợ người dân phát triển ngành nghề. Tại các cụm, điểm công nghiệp, làng nghề, nhất là các cơ sở may mặc, xây dựng, đúc, đồ gỗ mỹ nghệ, mây tre đan xuất khẩu... người dân đã tích cực sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu tìm chỗ đứng trên thị trường, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương và các vùng lân cận.

Hiện nay, các cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện. Nhiều dự án đầu tư cho các nghề mũi nhọn, có giá trị xuất khẩu và kinh tế cao như: đúc đồng, mộc, khảm trai, sơn mài… Cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư xây dựng dựa trên nguồn kinh phí xã hội hóa. Nhiều dự án làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống đã được xây dựng ở các địa phương, như: làng nghề Tống Xá (thị trấn Lâm), xã Hồng Quang (xã Yên Hồng cũ), Yên Trị, Yên Ninh, Yên Tiến… được mở rộng quy mô sản xuất theo hướng công ty, các doanh nghiệp thu hút hàng nghìn lao động trong vùng và các vùng phụ cận tới làm việc. Các làng nghề truyền thống ở Ý Yên đã và đang tạo nhiều cơ hội việc làm, không chỉ cho người trong độ tuổi lao động mà còn cho cả người già, người khuyết tật, trẻ em, giúp tăng thu nhập và nâng cao đời sống người dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới./.