Dịch vụ logistics tại các tỉnh vùng cao biên giới: Nhìn từ thực tiễn Cao Bằng
TCCS - Hiện nay, dịch vụ logistics bước đầu đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của hoạt động giao lưu thương mại trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, quy mô hoạt động của hệ thống còn nhỏ lẻ, nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản, thiếu chuyên nghiệp,... Từ thực tiễn của Cao Bằng, có thể gợi ý một số giải pháp để dịch vụ logistics phát huy tốt vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các tỉnh vùng cao biên giới nước ta.
Cao Bằng là tỉnh có đường biên giới với Trung Quốc dài nhất của Việt Nam. Trên địa bàn tỉnh có cửa khẩu quốc tế Tà Lùng, 3 cửa khẩu chính và nhiều cặp cửa khẩu phụ, lối mở trên biên giới, là những tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế biên mậu. Với vị trí nằm ở cửa ngõ giao lưu hàng hóa từ Quảng Tây và các tỉnh Tây, Tây Nam Trung Quốc (Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu) ra biển và đến các nước ASEAN, việc mở các tuyến đường qua Cao Bằng sẽ rút ngắn đáng kể chi phí vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp hai nước. Những năm gần đây, tỉnh có nhiều chính sách trong thu hút đầu tư, tạo môi trường kinh doanh tốt để doanh nghiệp đầu tư và phát triển tại khu kinh tế cửa khẩu, mở ra triển vọng đưa Cao Bằng trở thành một “cầu nối” quan trọng giữa Việt Nam với các nước ASEAN và 6 tỉnh Tây Nam Trung Quốc.
Thực trạng hoạt động logistics ở Cao Bằng
Nhu cầu tiêu dùng, sử dụng dịch vụ logistics, bao gồm vận tải đường bộ, khai thuế hải quan, kho bãi, quản lý kho hàng, giao nhận hàng hóa, thanh toán, quản lý đơn hàng, dịch vụ hàng hóa, dịch vụ thủ tục giấy tờ... của các doanh nghiệp tại Cao Bằng là khá thường xuyên. Hầu hết các dịch vụ này được các doanh nghiệp thuê ngoài bởi chưa có đủ cơ sở vật chất cũng như nguồn nhân lực chuyên nghiệp để có thể tiến hành các dịch vụ logistics trọn gói. Tuy nhiên, do còn nhiều hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn tài chính,... nên các dịch vụ trên tại Cao Bằng mới được khách hàng đánh giá ở mức trung bình. Về hoạt động vận tải đường bộ, nhu cầu đối với hoạt động logistics được đánh giá là cao nhất trong các dịch vụ logistics, nhưng hiện nay doanh nghiệp chủ yếu là thuê ngoài, chưa có khả năng tự cung tự cấp. Bên cạnh đó, mức độ hài lòng đối với dịch vụ logistics thuê ngoài mới trên mức trung bình. Điều đó cho thấy, dịch vụ này vẫn còn nhiều bất cập do hiện nay đường bộ là phương thức vận tải duy nhất, trong khi đó đa số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, phân tán nên không khai thác được ưu thế về quy mô và mạng lưới của loại hình vận tải này. Bên cạnh đó, mạng lưới đường bộ tại Cao Bằng hiện cũng chưa đủ đáp ứng yêu cầu chuyên chở hàng hóa xuất, nhập khẩu đến các cửa khẩu, gây ra tình trạng tắc nghẽn và mất an toàn, làm cản trở hiệu quả và năng lực cạnh tranh logistics của tỉnh.
Việc thực hiện các thủ tục xin giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, kiểm dịch được các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu thường xuyên sử dụng và tỷ lệ thuê ngoài khá cao (đạt 4/5 điểm), nhưng mức độ hài lòng đang đạt số điểm thấp nhất so với các dịch vụ logistics khác, mức 3/5 điểm (theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu đề tài: “Dịch vụ logistics tại Khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng” năm 2019). Thông thường, các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu tại Cao Bằng thuê lại các dịch vụ logistics nội địa, bởi các doanh nghiệp này có lợi thế hơn các doanh nghiệp nước ngoài trong việc hiểu rõ thị trường dịch vụ logistics Việt Nam. Tuy nhiên, quy trình thực hiện các thủ tục xin chứng từ xuất xứ hàng hóa, kiểm dịch,… tại nước ta còn phức tạp, thời gian chờ tiếp nhận, phê duyệt hồ sơ tương đối lâu.
Có thể thấy, ở Cao Bằng, tỷ lệ sử dụng các dịch vụ logistics còn thấp, loại hình cung cấp dịch vụ logistics bên thứ 2 (2PL) vẫn chiếm tỷ trọng lớn (trên 50%). Tuy nhiên, một bộ phận các doanh nghiệp bắt đầu sử dụng các gói dịch vụ cung cấp dịch vụ logistics bên thứ 4 hay logistics chuỗi phân phối (4PL) (chiếm 11%). Đây là dấu hiệu tốt cho thấy sự phát triển về nhận thức, ý thức được tầm quan trọng của dịch vụ logistics trong nội bộ các doanh nghiệp. Đây chính là bước khởi đầu cho việc phát triển hệ thống dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh nói chung và phục vụ khu kinh tế cửa khẩu nói riêng ở một tầm vóc mới, hướng tới hệ thống logistics 4.0 trong tương lai gần.
Đối với dịch vụ vận tải, các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải, giao nhận kho vận tại Cao Bằng hiện nay chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và nhỏ. Không ít công ty vốn đăng ký chỉ một vài trăm triệu đồng, hoạt động tản mạn, manh mún. Chưa có doanh nghiệp nào (kể cả doanh nghiệp nhà nước) có năng lực đủ mạnh để tham gia cung ứng dịch vụ logistics hoặc cung ứng dịch vụ vận tải tổng hợp tại nước ngoài. Vì thế, các doanh nghiệp này không những chưa mở rộng việc cung ứng dịch vụ ra nước ngoài mà thị phần dịch vụ trong nước cũng bị thu hẹp. Hệ thống kho bãi thô sơ, nhỏ lẻ, manh mún và công nghệ thông tin chưa hỗ trợ hiệu quả, nên chi phí logistics tại Cao Bằng còn khá cao.
Về dịch vụ kho bãi, giao nhận, xếp dỡ hàng hóa. Đây là nhân tố tác động, ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp. Tại các cửa khẩu quốc tế và quốc gia cũng như các lối mở tại Cao Bằng, hệ thống kho đa phần của các doanh nghiệp tư nhân. Về mặt diện tích, hệ thống kho bãi tại các cửa khẩu của tỉnh cơ bản đạt tiến độ khai thác, nhưng chất lượng còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu xuất, nhập khẩu trên địa bàn. Các kho, bãi tại Cao Bằng chưa được tối ưu hóa bằng hệ thống kết nối dịch vụ. Nhiều kho hàng không có hệ thống quản lý dịch vụ chuyên nghiệp, chưa phát triển được nhiều dịch vụ gia tăng và chưa áp dụng mô hình hỗ trợ quản lý điều hành theo mô hình cung cấp dịch vụ logistics bên thứ 3 hay logistics theo hợp đồng (3PL). Nhìn chung, hệ thống kho bãi tại các cửa khẩu của tỉnh được chia thành hai phân khúc chính là nhà kho bảo quản hàng khô và kho lạnh được vận hành khá đơn giản, chỉ nhằm mục đích bảo quản hàng hóa và tối ưu chi phí lưu kho. Các yếu tố khác như, thời gian giao hàng, hiệu quả quản trị dự trữ, dịch vụ, thiết bị xếp dỡ, sự kết nối thông tin, trình độ nhân viên và khả năng đáp ứng các yêu cầu đặc biệt đều chưa đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng.
Về kết cấu hạ tầng logistics, nhìn chung, Cao Bằng còn hạn chế về hạ tầng kỹ thuật phục vụ logistics. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khi được khảo sát vẫn đánh giá các hạng mục trên mức trung bình. Trong đó, hệ thống điện và dịch vụ điện đang nhận được số điểm đánh giá cao nhất là 3,51/5 điểm, thấp hơn là các dịch vụ viễn thông, như: internet và các dịch vụ liên quan đến truy cập internet (3,39/5 điểm), dịch vụ điện thoại di động (3,38/5 điểm). Theo các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu đánh giá, đầu tư mới về kết cấu hạ tầng của tỉnh trong vòng 2 năm gần đây và chất lượng hệ thống đường giao thông cũng đạt mức khá, lần lượt là 3,37/5 và 3,35/5 điểm.
Tuy vậy, hệ thống giao thông của tỉnh chưa đồng bộ, các tuyến đường giao thương với các tỉnh khác chưa được chú trọng nên còn nhiều yếu kém. Hạ tầng viễn thông mới được triển khai ở khu vực thành phố, trong khi đó tại nhiều khu vực nông thôn còn bị bỏ ngỏ chưa triển khai dịch vụ viễn thông tự động. Đặc biệt, hạ tầng thương mại nông thôn còn nhiều hạn chế, chưa tạo thuận lợi đối với hoạt động trao đổi, mua bán hàng hóa cũng như đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của dân cư.
Về cơ chế, chính sách, tuy có những chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, nhưng chưa có sức hút mang tính đột phá và tạo sức bật phát triển. Do đó, trình độ, năng lực sản xuất, khả năng liên kết, hợp tác, tiếp thu công nghệ, khoa học - kỹ thuật, kỹ năng quản trị của các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn từ các doanh nghiệp FDI còn hạn chế. Kết quả huy động vốn ODA đạt thấp, hoạt động viện trợ phi chính phủ thụ động, phụ thuộc nhiều vào sự điều phối của Trung ương. Chưa hình thành vùng sản xuất, chế biến hàng hóa tập trung, chưa có các giải pháp thiết thực, hiệu quả và tổng thể trong tổ chức kênh phân phối, chuỗi giá trị các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang thị trường nước ngoài một cách ổn định, bền vững.
Về năng lực quản lý hệ thống logistics, ban quản lý và các bộ phận chuyên môn còn thiếu sự tương tác trong quá trình hoạt động; chức năng giữa các đơn vị còn chồng chéo với nhau gây ra nhiều mâu thuẫn và hạn chế trong việc kiểm soát lưu thông hàng hóa. Các cơ quan chủ quản hiện nay đang giảm dần việc quản lý doanh nghiệp logistics trực thuộc mà tập trung vào việc thực thi chính sách, cơ chế quản lý nhà nước. Tuy nhiên, cơ chế phân cấp quản lý theo ngành dọc tạo ra sự chuyên biệt trong kinh doanh giao nhận và vận tải như là hai lĩnh vực kinh doanh riêng rẽ. Điều này gây nên khó khăn trong công tác quản lý quy hoạch và giải phóng mặt bằng các khu chức năng. Đội ngũ cán bộ quản lý của các công ty logistics chủ yếu được điều động từ đơn vị khác, đang được đào tạo và đào tạo lại để đáp ứng nhu cầu quản lý; đội ngũ nhân viên nghiệp vụ, công nhân lao động trực tiếp có tính chuyên nghiệp chưa cao.
Về dịch vụ hải quan, các thủ tục thông quan tại các cửa khẩu của tỉnh diễn ra thuận lợi. Hải quan tỉnh triển khai vận hành tốt hệ thống thông quan tự động (VCIS), hệ thống thông tin quản lý rủi ro (RM II), hệ thống thông tin quản lý vi phạm hải quan (QLVP14). Tăng cường thực hiện thu thập, tổng hợp, phân tích xử lý thông tin về các loại hình hoạt động xuất, nhập khẩu để phục vụ công tác kiểm tra sau thông quan. Đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi, thúc đẩy thương mại và đầu tư, du lịch quốc tế. Kết quả, thời gian tiếp nhận đăng ký tờ khai, giải quyết hồ sơ miễn thuế đạt 100% so với tổng số tờ khai theo cam kết. Tuy vậy, sự phối hợp giữa các ngành như hải quan, kiểm dịch,... đôi khi vẫn chưa nhịp nhàng, đồng bộ.
Những giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động logisitcs trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
Một là, xây dựng khu kinh tế cửa khẩu theo định hướng logistics 4.0. Ứng dụng logistics 4.0 trong xây dựng và phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng là giải pháp tối ưu nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của khu kinh tế cửa khẩu nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung trong thu hút dòng hàng qua cửa khẩu địa phương trong bối cảnh hiện nay.
Với khối lượng vận chuyển hàng hóa lớn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, xây dựng khu kinh tế cửa khẩu theo định hướng logistics 4.0 giúp giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp bằng các phương pháp vận chuyển mới (tự động hóa phương tiện vận tải). Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics trên địa bàn tỉnh có thể đầu tư tự động hóa một số khâu, như phân loại hàng hóa trong kho, giao, chuyển hàng,… để xử lý kịp thời các đơn hàng qua địa phận tỉnh và đáp ứng nhu cầu giao dịch ngày càng tăng tại khu kinh tế cửa khẩu.
Việc xây dựng logistics 4.0 giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh tại Cao Bằng và qua cửa khẩu Cao Bằng phản ứng nhanh chóng với sự cố liên quan đến an ninh và xây dựng phương án phòng bị trong quản trị an toàn thông tin. Đây được coi là điểm khởi đầu quan trọng trong chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp.
Hai là, phát triển các dịch vụ logistics phục vụ xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu tỉnh Cao Bằng. Cùng với định hướng xây dựng khu kinh tế cửa khẩu theo logisitics 4.0, Cao Bằng cần tập trung phát triển các dịch vụ logistics trọng điểm, bao gồm:
- Dịch vụ vận tải, nhằm tận dụng các phương thức vận tải sẵn có để tối ưu hóa chuỗi cung ứng, dễ dàng tiếp cận mạng lưới đường quốc lộ, tỉnh lộ, gần hệ thống khu kinh tế cửa khẩu. Trước hết, Cao Bằng cần tối ưu hóa hệ thống vận tải, phân phối khu vực, quốc gia và cấp vùng, gom hàng/tách hàng, container hóa, kiểm tra, kiểm dịch, hải quan và kho bãi (kho ngoại quan và kho bãi khác). Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển các dịch vụ cho các loại phương tiện: xe tải, trạm xăng và trạm rửa xe; dịch vụ cho các công ty; dịch vụ chung,… hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xuất, nhập khẩu được thuận lợi.
- Dịch vụ giao nhận vận tải, trong đó chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng. Kết cấu hạ tầng vận tải của tỉnh trong những năm gần đây được tập trung đầu tư, xây dựng, trang bị thêm các phương tiện hiện đại nhưng vẫn bộc lộ nhiều hạn chế. Do đó, tỉnh cần có định hướng xây mới và trùng tu lại các tuyến đường huyết mạch nối các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cần mở rộng và nâng cấp hệ thống kho bãi đạt tiêu chuẩn, tối ưu diện tích sử dụng, có khả năng nối mạng thông tin với khách hàng để phục vụ công tác kiểm tra, lưu trữ, theo dõi hàng hóa. Cùng với đó, dịch vụ giao nhận hướng tới cung cấp giá cước tốt và cạnh tranh thông qua tối ưu hóa về vị trí và thời gian, lưu chuyển và dự trữ nguồn tài nguyên từ điểm đầu của dây chuyền cung ứng cho đến tay người tiêu dùng; đẩy mạnh hoạt động dịch vụ logistics gia tăng giá trị hàng hóa như làm nhãn, đánh dấu sản phẩm quốc gia,…
- Thành lập trung tâm logistics nhằm mục đích tập trung hàng xuất khẩu và phân phối hàng nhập khẩu. Tỉnh cần xây dựng một mạng lưới phân phối giữa chủ hàng, công ty giao nhận, hệ thống chi nhánh, nơi phân phối cuối cùng. Qua đó, Cao Bằng kỳ vọng trở thành trung tâm cốt lõi nội vùng, cùng với các địa phương khác trong khu vực Tây Bắc hình thành cực phát triển, là cầu nối với các vùng kinh tế năng động của Tây và Tây Nam Trung Quốc, phấn đấu trở thành trung tâm logistics nông sản tương lai.
- Mở rộng dịch vụ 3PL/4PL nhằm nâng cao khả năng tích hợp các nội dung trong chuỗi cung ứng. Ví dụ, nhà cung cấp dịch vụ 3PL/4PL có thể thay mặt cho người gửi hàng thực hiện thủ tục xuất, nhập khẩu, cung cấp chứng từ giao nhận - vận tải và vận chuyển nội địa hoặc thay mặt cho người nhập khẩu làm thủ tục thông quan hàng hóa và đưa hàng đến điểm quy định. Đồng thời, dịch vụ sẽ kết hợp và luân chuyển hàng hóa trong chuỗi, xử lý thông tin và quản trị hiệu quả hàng tồn kho. Để xây dựng và phát triển dịch vụ 3PL/4PL, Cao Bằng cần xây dựng hệ thống tài sản thông minh. Các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh cần bắt đầu với hệ thống trung tâm phân phối và nhà kho. Hệ thống này tập trung vào việc module hóa hệ thống trung tâm phân phối sao cho vừa bảo đảm quy mô, hiện đại, đồng thời sẵn sàng nâng cấp và tùy biến theo tiêu chuẩn khách hàng đặt ra.
Ba là, xây dựng khu trung chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu qua khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng là giải pháp chiến lược dài hạn của tỉnh. Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn tại địa phương, mô hình khu trung chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu tỉnh Cao Bằng được đề xuất cụ thể bằng mô hình sau:
Tăng cường đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước (21/10/2020)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên