Vai trò của Ban Kinh tế Trung ương trong việc góp phần đổi mới  tư duy của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân 

GS, TS. Phùng Hữu Phú* - TS. Nguyễn Hồng Sơn**
* Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương - ** Chánh Văn phòng Hội đồng Lý luận Trung ương
14:00, ngày 30-09-2020

TCCS - Ngày 30-9-1950, Ban Thường vụ Trung ương (khóa I) đã ra Quyết nghị số 57-QN/TW về việc thành lập Ban Kinh tế Trung ương, với nhiệm vụ là nghiên cứu, kiến nghị các chủ trương, chính sách về kinh tế, tài chính để giúp Trung ương Đảng lãnh đạo phát triển kinh tế. Trong suốt 70 năm xây dựng và phát triển, Ban Kinh tế Trung ương đã khẳng định là cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng của Đảng ta trong việc định hướng xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế - xã hội và hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, giải pháp lớn về kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là trong sự phát triển nhận thức về kinh tế tư nhân của Đảng.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng tổ chức _Ảnh: TTXVN

Trong suốt quá trình phát triển, từ lúc thành lập như một Ban Kinh tế tổng hợp của Trung ương Đảng hay được hình thành từ sự hợp nhất một số ban Đảng Trung ương, hoặc thay đổi chức năng, nhiệm vụ và có lúc điều chỉnh cả tên gọi, nhưng nhất quán Ban Kinh tế Trung ương luôn là cơ quan tham mưu chiến lược về kinh tế - xã hội của Đảng ta, mà trực tiếp và thường xuyên là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.

Đặc biệt ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ XX, khi tình hình kinh tế - xã hội của đất nước bị khủng hoảng trầm trọng, Đảng ta nhận thấy cần thiết phải đổi mới, trước hết là đổi mới về kinh tế, xem đó là vấn đề có ý nghĩa sống còn với Đảng và chế độ. Từ đó, các ban của Trung ương Đảng có chức năng, nhiệm vụ tham mưu về kinh tế - xã hội đã được phân công tham gia xây dựng Văn kiện Đại hội VI của Đảng, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, từ đó đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước để “ổn định mọi mặt tình hình kinh tế - xã hội”. 

Giai đoạn sau Đại hội VI của Đảng, từ tháng 7-1991 đến cuối năm 2012, trước bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, nhất là sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ (sau năm 1991) và khủng hoảng kinh tế, tài chính khu vực (1997 - 1998), khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu (2008 - 2009), với vai trò là cơ quan tham mưu chiến lược của Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương(1) đã được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp và tham gia nghiên cứu, đóng góp nhiều ý kiến vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như đề xuất các giải pháp cấp bách, xử lý những vấn đề lớn về kinh tế - xã hội.

Ngày 28-12-2012, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 160-QĐ/TW thành lập Ban Kinh tế Trung ương và Quyết định số 161-QĐ/TW quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Kinh tế Trung ương. Với 2 quyết định này, Ban Kinh tế Trung ương có căn cứ pháp lý và các điều kiện để thực hiện tốt hơn vai trò là cơ quan chủ trì việc tham mưu chiến lược về kinh tế - xã hội của Đảng, như: Tham gia dự thảo văn kiện Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị trong lĩnh vực kinh tế - xã hội (nghị quyết về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; nghị quyết về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; nghị quyết về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;…).

Gần đây, Ban Kinh tế Trung ương đã nghiên cứu, đề xuất đúng và trúng những vấn đề mới, cấp thiết, vừa phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn đất nước, vừa phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, nổi bật là tham mưu cho Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết, kết luận: Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045… 

Trong suốt quá trình 70 năm xây dựng và phát triển, Ban Kinh tế Trung ương đã khẳng định là cơ quan tham mưu chiến lược quan trọng của Đảng ta trong việc định hướng xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế - xã hội và hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách, giải pháp lớn về kinh tế - xã hội của đất nước.

Kinh tế tư nhân ở nước ta đã phát triển, trở thành lực lượng quan trọng, đóng góp ngày càng to lớn vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước (Trong ảnh: Sản xuất thiết bị điện tử thông minh của tập đoàn VinGroup)_Ảnh: Tư liệu

Một trong những đóng góp quan trọng của Ban Kinh tế Trung ương với sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội đất nước là tham gia góp phần vào sự phát triển nhận thức về kinh tế tư nhân của Đảng.

Trước tháng 12-1986, nền kinh tế nhiều thành phần chưa được thừa nhận và nhận thức của Đảng khi đó là “nhanh chóng biến kinh tế tư bản tư nhân thành quốc doanh... Trong nhận thức cũng như hành động, chúng ta chưa thật sự thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần ở nước ta còn tồn tại trong một thời gian tương đối dài, chưa nắm vững và vận dụng đúng quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất”(2). Với tinh thần “Chỉ có đổi mới thì mới thấy đúng và thấy hết sự thật, thấy những nhân tố mới để phát huy, những sai lầm để sửa chữa”, để chuẩn bị cho dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VI của Đảng, các ban tham mưu cho Đảng về phát triển kinh tế như Ban Kinh tế Trung ương (hợp nhất từ Ban Phân phối - Lưu thông Trung ương và Ban Kinh tế - Kế hoạch Trung ương), Ban Công nghiệp Trung ương (hợp nhất với Ban Kinh tế Trung ương từ năm 1989), Ban Nông nghiệp Trung ương (hợp nhất với Ban Kinh tế Trung ương từ năm 1991) đã được phân công tham gia chuẩn bị cho dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội VI của Đảng(3)

Đề xuất của Ban Kinh tế Trung ương và các ban tham mưu đã từng bước góp phần giúp Đại hội VI của Đảng đổi mới mạnh mẽ tư duy về kinh tế; trong đó có tư duy về kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Đại hội VI của Đảng khẳng định, cả nước tồn tại bốn thành phần kinh tế: Kinh tế xã hội chủ nghĩa (quốc doanh, tập thể, gia đình); kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế tư bản tư nhân. Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội, Đảng ta đề ra: “Đối với kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa, Nhà nước thừa nhận sự cần thiết của bộ phận kinh tế này trong thời kỳ quá độ, hướng dẫn và giúp đỡ nó sản xuất, kinh doanh, liên kết với kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể… Nhà nước cho phép những nhà tư sản nhỏ sử dụng vốn, kiến thức kỹ thuật và quản lý của họ để tổ chức sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, nghề thuộc khu vực sản xuất và dịch vụ ở những nơi cần thiết trong cả nước. Quy mô và phạm vi hoạt động của các cơ sở kinh tế tư bản tư nhân được quy định tùy theo ngành nghề và mặt hàng… Thừa nhận sự tồn tại của kinh tế tiểu sản xuất hàng hóa và kinh tế tư bản tư nhân… Cần sửa đổi, bổ sung và công bố chính sách nhất quán đối với các thành phần kinh tế. Những quy định có tính nguyên tắc phải trở thành pháp luật để mọi người yên tâm, mạnh dạn kinh doanh. Xóa bỏ những thành kiến thiên lệch trong sự đánh giá và đối xử với người lao động thuộc các thành phần kinh tế khác nhau”(4). Tiếp đó, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VI đã nhận định “phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần là một chủ trương chiến lược lâu dài trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”(5).

Chính sách phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần được đưa ra tại Đại hội VI của Đảng, trong đó có phát triển kinh tế tư nhân đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, tạo sinh khí mới cho kinh tế nước ta, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình ủng hộ. “Chính sách ấy đã góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân về kinh tế; khơi dậy được nhiều tiềm năng và sức sáng tạo của nhân dân để phát triển sản xuất, dịch vụ, tạo thêm việc làm và sản phẩm cho xã hội; thúc đẩy sự hình thành và phát triển nền kinh tế hàng hoá, tạo ra sự cạnh tranh sống động trên thị trường”(6). “Về kinh tế tư nhân, kết quả rõ nhất là nhiều hộ cá thể và tiểu chủ đã bỏ vốn kinh doanh vào nhiều ngành nghề,… nhiều đơn vị kinh tế tư nhân đóng góp tích cực và làm giàu chính đáng,…”(7)

Từ tháng 6-1991 đến trước tháng 1-2011, qua tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc từng bước hoàn thiện nhận thức của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, thể hiện qua văn kiện các đại hội Đảng. 

Báo cáo chính trị tại Đại hội VII của Đảng chỉ rõ: “Kinh tế tư nhân được phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất, theo sự quản lý, hướng dẫn của Nhà nước; trong đó kinh tế cá thể và tiểu chủ có phạm vi hoạt động tương đối rộng ở những nơi chưa có điều kiện tổ chức kinh tế tập thể, hướng kinh tế tư bản tư nhân phát triển theo con đường tư bản nhà nước dưới nhiều hình thức”(8). Cũng tại Đại hội này, Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, trong đó khẳng định: “Nền kinh tế nước ta tồn tại nhiều hình thức sở hữu trong đó có ba hình thức sở hữu cơ bản là: sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân. Trên cơ sở ba hình thức sở hữu này hình thành năm thành phần kinh tế: kinh tế quốc doanh; kinh tế tập thể; kinh tế cá thể; kinh tế tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước… Kinh tế cá thể còn có phạm vi tương đối lớn, từng bước đi vào con đường làm ăn hợp tác trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ và cùng có lợi. Tư bản tư nhân được kinh doanh trong những ngành có lợi cho quốc kế dân sinh do luật pháp quy định”(9)

Tại Đại hội VIII của Đảng, những đề xuất, kiến nghị của Ban Kinh tế Trung ương đã giúp Đảng nhận diện rõ hơn các thành phần kinh tế và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước đối với kinh tế tư nhân. Báo cáo chính trị tại Đại hội VIII nêu rõ, nước ta có năm thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước; kinh tế hợp tác xã; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân. Chính sách cụ thể với kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân là: “Giúp đỡ kinh tế cá thể, tiểu chủ giải quyết các khó khăn về vốn, công nghệ, thị trường và kinh nghiệm quản lý để mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Hướng dẫn và có chính sách thích hợp khuyến khích họ tự tổ chức hoặc tham gia vào các tổ chức kinh tế hợp tác và các hình thức liên doanh, liên kết với kinh tế nhà nước. Thực hiện các biện pháp chính sách để khuyến khích kinh tế tư bản tư nhân đầu tư vào sản xuất trong các ngành, các lĩnh vực phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển của đất nước… Xây dựng quan hệ hợp tác giữa chủ và thợ trên cơ sở thực hiện Luật Lao động, bảo đảm lợi ích hợp pháp của cả hai bên”(10).   

Thực tiễn 15 năm phát triển kinh tế tư nhân theo tư duy đổi mới của Đảng đã cung cấp căn cứ vững chắc để Ban Kinh tế Trung ương tham mưu, giúp Đại hội IX của Đảng khẳng định, nhấn mạnh việc thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, với sáu thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước; kinh tế tập thể; kinh tế cá thể, tiểu chủ; kinh tế tư bản tư nhân; kinh tế tư bản nhà nước; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Với kinh tế cá thể, tiểu chủ, Đảng ta chủ trương: “Kinh tế cá thể, tiểu chủ cả ở nông thôn và thành thị có vị trí quan trọng lâu dài. Nhà nước tạo điều kiện và giúp đỡ để phát triển; khuyến khích các hình thức tổ chức hợp tác tự nguyện, làm vệ tinh cho các doanh nghiệp hoặc phát triển lớn hơn”. Với kinh tế tư bản tư nhân, quan điểm của Đảng ta là: “Khuyến khích phát triển kinh tế tư bản tư nhân rộng rãi trong những ngành nghề sản xuất, kinh doanh mà pháp luật không cấm. Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi về chính sách, pháp lý để kinh tế tư bản tư nhân phát triển trên những định hướng ưu tiên của Nhà nước, kể cả đầu tư ra nước ngoài; khuyến khích chuyển thành doanh nghiệp cổ phần, bán cổ phần cho người lao động, liên doanh, liên kết với nhau, với kinh tế tập thể và kinh tế nhà nước. Xây dựng quan hệ tốt giữa chủ doanh nghiệp và người lao động”(11).  

Khuyến khích phát triển mạnh các hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân (Trong ảnh: Công ty trách nhiệm hữu hạn May Tiến Thuận (thành phố Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận) sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường châu Âu)_Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, năm 2001, thời điểm mở đầu thế kỷ XXI, trước yêu cầu phải phát huy mạnh mẽ hơn mọi nguồn lực trong dân để phát triển đất nước, trước hết là phát triển kinh tế, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị phân công Ban Kinh tế Trung ương chủ trì dự thảo đề án về kinh tế tư nhân. Trên cơ sở đề án của Ban, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX đã ra Nghị quyết số 14-NQ/TW, ngày 18-3-2002 “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Nhờ đó, trong các năm 2002 - 2006, kinh tế tư nhân ở nước ta đã phát triển, trở thành lực lượng quan trọng, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Với sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, hằng năm, hơn một triệu người lao động có công ăn việc làm, góp phần ổn định chính trị, kinh tế - xã hội, bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững. Đại hội X của Đảng khẳng định: “Kinh tế tư nhân có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”, đồng thời đề ra chủ trương: “Phát triển mạnh các hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân… Xoá bỏ mọi rào cản, tạo tâm lý xã hội và môi trường kinh doanh thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp của tư nhân phát triển không hạn chế quy mô trong mọi ngành nghề, lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh quan trọng của nền kinh tế mà pháp luật không cấm”(12).

Đại hội XI, Đại hội XII của Đảng nhận thức ngày càng rõ hơn vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân và tiếp tục hoàn thiện chủ trương phát triển thành phần kinh tế quan trọng này. Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế… Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”(12).

Năm 2017, Ban Kinh tế Trung ương được phân công chủ trì nghiên cứu, trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Ðề án “Tổng kết 15 năm (2002 - 2017) thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa IX "về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”. Trên cơ sở Đề án, ngày 3-6-2017, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Sau gần 35 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa IX “Về tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”, đến nay, năm 2020, Việt Nam ta đã có khu vực kinh tế tư nhân với hơn 800 nghìn doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và hơn 5,4 triệu hộ kinh doanh; riêng hoạt động của các hộ kinh doanh đã bảo đảm cuộc sống cho khoảng 20 triệu người dân. Thành quả quan trọng này có đóng góp rất quan trọng của Ban Kinh tế Trung ương trong việc nghiên cứu, tham mưu, đề xuất với Đảng, để kịp thời có chủ trương, đường lối đổi mới các cơ chế, chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự chương trình gặp mặt “70 năm Ban Kinh tế Trung ương với sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế của Đảng”_Ảnh: TTXVN  

Tìm hiểu quá trình tham mưu của Ban Kinh tế Trung ương về kinh tế tư nhân suốt mấy chục năm qua có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:

Thứ nhất, để có thể tham mưu đúng và trúng về một vấn đề phức tạp, nhạy cảm trong bối cảnh còn có nhiều quan điểm, nhận thức rất khác nhau, Ban Kinh tế Trung ương đã kiên trì, bền bỉ bám sát thực tiễn, công phu khảo sát, tổng kết thực tiễn gắn với nghiêm túc nghiên cứu lý luận, chú trọng lắng nghe, tiếp thu các ý kiến chuyên gia để hoàn thành các luận cứ, luận điểm có tính khoa học và có sức thuyết phục. Tôn trọng quy luật khách quan; khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, không chủ quan, nóng vội, không bi quan.

Thứ hai, để tham mưu đúng về một vấn đề đã được nhận thức hoàn toàn khác trong thời kỳ đất nước đổi mới, Ban Kinh tế Trung ương đã thể hiện rõ bản lĩnh kiên định, sáng tạo: Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, kiên định đường lối đổi mới để không đi chệch hướng, rơi vào cực đoan, xét lại; luôn luôn sáng tạo, kiên quyết vượt qua cách tư duy cũ về những nhận thức đã lỗi thời, sáng tạo bằng tư duy khoa học, trên cơ sở phản biện, tôn trọng quy luật khách quan, theo nguyên tắc bảo đảm lợi ích của đất nước, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đó chính là bài học thành công của Ban Kinh tế Trung ương trong suốt hơn 3 thập kỷ kiên trì tham mưu về phát triển kinh tế tư nhân.

Thứ ba, đến nay, kinh tế tư nhân vẫn là vấn đề lớn, cần được tiếp tục nghiên cứu làm rõ và hoàn thiện hơn về lý luận. Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 xác định: “Vẫn còn một số vấn đề về phát triển kinh tế tư nhân cần tiếp tục được cụ thể hóa, làm rõ hơn cả về lý luận và thực tiễn”(13), do vậy, Ban Kinh tế Trung ương cần nghiên cứu, chỉ rõ những vấn đề lý luận đặt ra trong việc phát triển kinh tế tư nhân thời gian qua để tham mưu, đề xuất với Đảng tiếp tục hoàn thiện các giải pháp chủ yếu, bảo đảm cho phát triển kinh tế tư nhân thực sự “là một phương sách quan trọng để giải phóng sức sản xuất”(14).

Để thực hiện tốt chức năng tham mưu chiến lược, Ban Kinh tế Trung ương cần coi trọng chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức về năng lực, trình độ và bản lĩnh chính trị. Với những thành quả và kinh nghiệm quý báu đã tích lũy được trong 70 năm hình thành và phát triển, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành quả hơn nữa trên chặng đường sắp tới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị là cơ quan tham mưu chiến lược về kinh tế - xã hội của Đảng./.

-------------------------

(1) Từ tháng 4-2007, Ban Kinh tế Trung ương cùng với một số ban Đảng Trung ương và Văn phòng Trung ương được hợp nhất thành Văn phòng Trung ương Đảng, tiếp tục thực hiện công tác tham mưu chiến lược về kinh tế - xã hội với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
(2) Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I (Đại hội VI, VII, VIII, IX), Nxb  Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội - 2019, tr.24-25.
(3) Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I, Sđd, tr.11
(4) Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I, Sđd, tr.59-61.

(5) Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I, Sđd, tr.355.
(6) Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I, Sđd, tr.394.
(7) Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I, Sđd, tr. 431-432.
(8) Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I, Sđd, tr. 803-805.
(9) Văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới, Phần I, Sđd, tr. 919
(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2006, tr.83,86
(11) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội - 2017, tr.93.
(12) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Sđd, tr.94
(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội - 2016, tr 107.
(14) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.108.