TCCSĐT - Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 là nơi quy tụ 2.500 doanh nhân và nhiều chuyên gia, nhà quản lý cùng trao đổi, hiến kế góp phần tháo gỡ các rào cản, nút thắt để phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII (Nghị quyết 10). Diễn đàn còn mang đến nhiều cơ hội kết nối giữa các doanh nghiệp.

Diễn đàn do Chính phủ và Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì và chỉ đạo tổ chức với chủ đề "Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khoá XII và Nghị quyết 98-NQ/CP của Chính phủ".

Khơi dậy nguồn lực kinh tế tư nhân

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10 về "phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Có thể nói đây là đòn bẩy hết sức quan trọng nhằm củng cố, phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam.

Theo Nghị quyết, vai trò của kinh tế tư nhân đã được xác định rõ hơn, từ chỗ chỉ là "Một trong những động lực", nay kinh tế tư nhân đã được nâng lên là "Một động lực quan trọng" của nền kinh tế, và nhấn mạnh việc phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh theo cơ chế thị trường là yêu cầu tất yếu, khách quan, vừa cấp thiết, vừa lâu dài trong quá trình hoàn thiện thể chế, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Cụ thể hóa chủ trương quan trọng này, hàng loạt những chương trình hành động cụ thể đã được Chính phủ, các cấp, các ngành thực thi một cách rốt ráo, quyết liệt với định hướng quan trọng là phát triển mạnh kinh tế tư nhân; kiến tạo môi trường thuận lợi, cạnh tranh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy mọi thành phần kinh tế phát triển.

Nếu như năm 2014, số doanh nghiệp tư nhân thành lập mới là gần 75.000 doanh nghiệp thì khi tất cả cánh cửa được mở ra với khối doanh nghiệp này sau Nghị quyết 10, chỉ trong 2 năm 2017-2018 có gần 259.000 doanh nghiệp được thành lập mới.

Đến nay, doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã có sự vươn lên mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, không chỉ tạo đối trọng với khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mà còn đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều lĩnh vực.

Sân bay quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách du lịch quốc tế Hạ Long và đường cao tốc nối thành phố Hạ Long với sân bay Vân Đồn - 3 công trình này đều do một tập đoàn tư nhân đầu tư với tổng vốn hơn 20 nghìn tỷ đồng là một minh chứng về sự phát triển, lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân nước ta.

Một ví dụ khác, mới đây, chiếc xe hơi thương hiệu Việt đầu tiên của Việt Nam đã được ra mắt. Nếu như nhiều năm qua Việt Nam chưa có được một sản phẩm chế tạo nào để định vị mình trong bản đồ công nghiệp thế giới thì nay doanh nghiệp tư nhân đã làm được việc đó.

Khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp hơn 40% GDP, cao hơn khu vực doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI; đóng góp khoảng 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp; 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ. Kinh tế tư nhân có xu hướng vượt khu vực kinh tế Nhà nước để trở thành thành phần kinh tế thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội lớn nhất.

Mỗi năm khối kinh tế tư nhân tăng đều đặn xấp xỉ 10%/năm. Trên 45 triệu người đang làm việc trong khối doanh nghiệp tư nhân, chiếm tới 83%.

Với tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân như hiện nay - nhanh hơn tốc độ chung của nền kinh tế, điều đó sẽ thúc đẩy mục tiêu tăng tỷ trọng đóng góp của khối kinh tế tư nhân vào nền kinh tế đạt khoảng 50% vào năm 2020, tăng thêm 5% vào năm 2025 và đến năm 2030 sẽ đạt khoảng 60-65%.

Để khối kinh tế tư nhân phát triển, theo ý kiến chuyên gia, cần phải có những thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức mới có thể phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. Để kinh tế tư nhân phát triển, ngoài việc khắc phục các rào cản, cần phải đẩy mạnh cải cách và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước thực chất tạo cơ hội phát triển cho kinh tế tư nhân được tham gia mua cổ phần nhà nước. Chính thức hóa cơ sở kinh doanh: Hỗ trợ chuyển đổi, áp dụng quản lý đầu vào - đầu ra khi tính thuế. Phát triển chính phủ điện tử: Cung cấp các dịch vụ công nhanh chóng, giảm chi phí tài chính cũng như thời gian; kết nối và trao đổi thông tin giữa chính quyền-doanh nghiệp-người dân để hình thành cơ sở dữ liệu thông suốt. Triển khai hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, theo dự án và thực hiện các biện pháp hậu kiểm một cách hiệu quả trên cơ sở nguồn thông tin, dữ liệu đầy đủ và quản lý rủi ro.

Về phía các doanh nghiệp, cũng cần bảo đảm đáp ứng được năm yếu tố quyết định gồm: chiến lược kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, quản lý lao động và đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời, phải có định hướng phát triển bền vững, có tinh thần tự đổi mới chính mình để tạo bước đột phá trong ngắn hạn và trung hạn.

Tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển

Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 đã dành thời lượng lớn cho đối thoại công-tư và dành không gian cho vực tư nhân "hiến kế, đề xuất giải pháp phát triển kinh tế". Đại diện các cơ quan quản lý lắng nghe các hiến kế từ khu vực tư nhân, tổng hợp ý kiến từ 500 doanh nghiệp tiêu biểu trong cả nước. Các bộ, ngành liên quan tham gia đối thoại, giải đáp xung quanh các phản ánh, kiến nghị của doanh nhân tư nhân cũng như lắng nghe các hiến kế, giải pháp của khu vực tư nhân đóng góp cho các bài toán lớn của nền kinh tế. Các kiến nghị, đề xuất tại phiên tổng thể được tổng hợp từ 6 hội thảo chuyên đề cũng như kết quả khảo sát của Ban Kinh tế Trung ương và Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đối với khu vực kinh tế tư nhân. Một số nội dung quan trọng liên quan đến khu vực kinh tế tư nhân được Ban Kinh tế Trung ương tổng hợp, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo giải quyết ngay tại diễn đàn.

Sau 7 phiên Hội thảo chuyên đề diễn ra đồng thời sáng 02-5, phiên toàn thể trong buổi chiều có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Phát biểu tại phiên toàn thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân trong nước đang tạo ra khoảng 42% GDP, 30% ngân sách Nhà nước, thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Sau khi có Nghị quyết Trung ương 5, Khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân, mặc dù chưa có sự đánh giá tổng kết đầy đủ những kết quả đạt được nhưng 2 năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự lớn mạnh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực tư nhân.

Tuy nhiên, những kết quả này vẫn còn thấp so với mức tiềm năng. Đúc kết thực tiễn ở các nước đã thành công trong cải cách kinh tế cũng cho thấy khu vực kinh tế tư nhân trong nước có vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển. Các ngành, các cấp cần phải tìm cách kích hoạt vai trò này tốt hơn nữa.

“Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ và cá nhân tôi trên cương vị Thủ tướng đã liên tục động viên tư nhân khởi nghiệp, nuôi dưỡng khát vọng lớn trong phát triển. Tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam chỉ có thể hùng mạnh khi có những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu”, Thủ tướng nói.

Diễn đàn là một cơ hội để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban Đảng, các cơ quan Quốc hội lắng nghe, tiếp thu các góp ý, phản biện của khu vực tư nhân nhằm phục vụ cho công tác xây dựng văn kiện Đại hội Đảng XIII. Để làm rõ hơn về định hướng này, Thủ tướng nêu một số vấn đề có tính gợi mở cho việc thảo luận, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói sự thật” như cố Tổng Bí Thư Nguyễn Văn Linh đã nêu.

Theo Thủ tướng, nhóm vấn đề thứ nhất là làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô còn nhỏ, có thể vươn ra cạnh tranh quốc tế, có thương hiệu toàn cầu? Làm thế nào để hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể mở rộng quy mô, chuyển sang mô hình doanh nghiệp nhằm phát huy lợi thế, tạo nhiều của cải hơn cho bản thân mình và cho cả xã hội?

Đây là những vấn đề khó nhưng nếu có khát vọng, có sự đồng lòng và có quyết tâm cao, chúng ta sẽ thành công. Khát vọng vươn ra biển lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa huy động nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo ra nhiều của cải cho xã hội.

Theo Thủ tướng, lịch sử dựng nước và giữ nước của chúng ta cũng cho thấy nếu tính tổng các nguồn lực thì Việt Nam đều thua xa các đối thủ ở những cuộc chiến trong quá khứ. Thế nhưng, chúng ta đã luôn chiến thắng nhờ sử dụng tài tình, sáng tạo và hiệu quả các nguồn lực và điểm mạnh của mình.

Nhóm vấn đề thứ hai, Thủ tướng nêu rõ, là làm sao có được đột phá thực sự ở các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh? Chúng ta đều biết thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy đã có nhiều cải tiến, tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc, đôi khi thể chế chính sách còn chưa theo kịp, chưa thực sự kiến tạo cho các mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hữu cơ… Vậy đâu thực sự là điểm nghẽn, giải pháp đột phá sắp tới là gì? Nhà nước, doanh nghiệp cần làm gì, với lộ trình ra sao?

“Còn nhiều câu hỏi quan trọng nữa mà các doanh nhân ngồi đây biết rõ hơn chúng tôi. Các vị là những người lăn lộn thực tế, thấy rõ cơ hội, thấy rõ nút thắt của doanh nghiệp, của đất nước. Chúng tôi ở đây để lắng nghe và tiếp thu ý kiến của quý vị”, Thủ tướng bày tỏ.

Phát biểu trước đông đảo doanh nhân, Thủ tướng đã chia sẻ quan điểm về tinh thần doanh nghiệp, với 3 nội dung quan trọng.

Thứ nhất là chí tiến thủ của nhà doanh nghiệp, không bằng lòng với hoàn cảnh đang có mà xông xáo tìm kiếm và nắm bắt cho bằng được các cơ hội do công nghệ và thị trường mang lại. Nỗ lực tìm kiếm công nghệ mới, thị trường mới, nguyên liệu mới, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý.

Thứ hai, doanh nhân cần kinh doanh liêm chính, tìm kiếm lợi nhuận chân chính, doanh nhân có vai trò quan trọng trong công cuộc phòng chống tham nhũng ở nước ta.

Nội dung thứ ba là tinh thần yêu nước. Trách nhiệm xã hội và đạo đức kinh doanh - đó là những tố chất cần thiết, phổ biến của nhà doanh nghiệp của tất cả các nước. Riêng đối với Việt Nam, một nước còn ở giai đoạn phát triển trung bình, cần thêm một yếu tố là lòng yêu nước, là ý thức góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh. Các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm, các thương hiệu nổi tiếng, cạnh tranh và xác lập tên tuổi trên thị trường thế giới là góp phần làm hình ảnh đất nước của chúng ta sáng chói trên vũ đài quốc tế. Các nhà doanh nghiệp cần đề cao triết lý kinh doanh vì xã hội, vì đất nước, vì tương lai dân tộc.

Thủ tướng cho rằng, như tại mọi quốc gia trên hành tinh này, kinh tế tư nhân Việt Nam mang trong mình khát vọng mãnh liệt vào tương lai. Một thanh niên trẻ có thể xuất thân rất bần hàn nhưng ngày mai có thể trở thành doanh nhân thành đạt, nổi tiếng, thậm chí là những con người nhiệt huyết, gánh trên vai sứ mệnh xã hội, đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng, cho người dân.

Thủ tướng kêu gọi tiếp tục tạo dựng và củng cố niềm tin giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền thông qua một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và công bằng; thông qua việc tiếp tục vun đắp tinh thần doanh nghiệp của doanh nhân Việt Nam. “Một khu vực tư nhân lớn mạnh, bền vững, bên cạnh khu vực doanh nghiệp Nhà nước hiệu quả hơn, khu vực kinh tế hợp tác xã năng động hơn sẽ tạo ra một tương lai thịnh vượng, bền vững hơn cho nền kinh tế Việt Nam”.

Khu vực kinh tế trong nước giàu tiềm lực, có tầm ảnh hưởng vượt biên giới quốc gia, sẽ góp phần lan tỏa sức mạnh mềm và ảnh hưởng của chúng ta trong khu vực và toàn cầu, không chỉ về phương diện kinh tế, mà trên tổng thể nhiều phương diện chiến lược khác.

Trên cương vị là người đứng đầu Tiểu ban kinh tế-xã hội của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, diễn ra vào năm 2021, Thủ tướng bày tỏ mong muốn nghe những tham vấn có trách nhiệm từ khu vực tư nhân, để từ đó chắt lọc, tiếp thu thỏa đáng vào hoạch định nội dung chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong giai đoạn tới.

Sau phát biểu khai mạc, Thủ tướng bắt đầu phiên đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp. Chia sẻ về những quyết sách trong thời gian tới để tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế, Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục tạo điều kiện, kiến tạo không gian, nguồn lực, cơ hội cho khu vực tư nhân phát triển thuận lợi hơn, với các “từ khóa”: “tạo bình đẳng” trong phát triển, được “bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”.

Về tạo bình đẳng, trước hết là kinh tế tư nhân bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trong cạnh tranh, trong phân bổ nguồn lực với các thành phần kinh tế khác, nhất là tiếp cận nguồn lực.

Về từ khóa được “bảo vệ”, Thủ tướng nêu rõ là được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo Hiến pháp, pháp luật. Giảm sự chồng chéo, tầng lớp trong thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, tạo môi trường thông thoáng cho kinh tế tư nhân.

Được “khích lệ” là được Nhà nước và xã hội tôn vinh hơn nữa, nhất là các doanh nghiệp làm ăn chân chính, có trách nhiệm xã hội. Ngược lại, cần lên án, đấu tranh đối với các doanh nghiệp làm ăn chụp giật, vi phạm đạo đức kinh doanh, vi phạm pháp luật.

“Trao cơ hội” là tạo cơ hội tiếp cận nguồn lực, công nghệ, thị trường, cắt giảm chi phí kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm. Thủ tướng đề cập đến việc đẩy mạnh cổ phần hóa, chống độc quyền cũng là mở ra cơ hội cho doanh nghiệp tư nhân phát triển bình đẳng.

Để những ý tưởng, sáng tạo có có hội phát triển mạnh mẽ hơn nữa, Thủ tướng cho rằng, nền kinh tế của Việt Nam có nhiều cơ hội cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ khởi nghiệp thành công. Nền kinh tế Việt Nam đủ lớn, năng động, hội nhập sâu, tốc độ phát triển nhanh. Việc Chính phủ phải làm là tạo nên một thể chế pháp luật, nhân lực, hạ tầng và thị trường để tạo điều kiện cho khởi nghiệp.

Trước hết, về nguồn nhân lực, chú trọng số lượng, chất lượng nhân lực đáp ứng các yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0, nhất là có những chính sách tốt hơn nữa để thu hút và giữ chân những nhà đầu tư “thiên thần”.

Thứ hai là về hạ tầng, Chính phủ và các bộ, ngành, các cơ quan có liên quan chú trọng hơn nữa hạ tầng viễn thông thông minh, ví dụ phát triển nhanh mạng 5G trong thời gian tới, thanh toán không dùng tiền mặt, các hạ tầng kỹ thuật công nghệ khác.

Thứ ba là tạo thị trường, theo đó, mua sắm sản phẩm đổi mới sáng tạo nhiều hơn, cho thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025, trong đó, thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia với những cơ chế thông thoáng nhất. Năm 2019, Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án chuyển đổi số quốc gia để tạo điều kiện cho khởi nghiệp thành công./.