TCCSĐT - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29-6-2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Tăng mức cho vay hộ nông dân khi không có tài sản bảo đảm

Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cho phép tăng mức cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại khi không có tài sản bảo đảm.

Theo đó, cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và chủ trang trại được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức như sau:

- Tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (quy định cũ tối đa 50 triệu đồng) (trừ trường hợp cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm).

- Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn (quy định cũ tối đa 100 triệu đồng).

Để khuyến khích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Nghị định cho phép khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án.

Ngoài ra, Nghị định cũng bổ sung quy định doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 70% giá trị của dự án, phương án.

Tổ chức tín dụng được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp và các tài sản khác làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng theo quy định của pháp luật.

Quy định mới về giá điện gió

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29-6-2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam.

Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg sửa đổi quy định về giá điện đối với dự án điện gió nối lưới. Theo đó, bên mua có trách nhiệm mua toàn bộ sản lượng điện từ các dự án điện gió với giá mua điện tại điểm giao nhận như sau:

- Đối với các dự án điện gió trong đất liền, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 1.928 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 8,5 Uscents/kWh, tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam và đồng Đô la Mỹ được tính theo tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 30-8-2018 là 22.683 đồng/USD). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

- Đối với các dự án điện gió trên biển, giá mua điện tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, tương đương 9,8 Uscents/kWh, tỷ giá quy đổi giữa đồng Việt Nam và đồng Đô la Mỹ được tính theo tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ngày 30-8-2018 là 22.683 đồng/USD). Giá mua điện được điều chỉnh theo biến động của tỷ giá đồng/USD.

Chi phí mua điện từ các dự án điện gió được tính toán và đưa đầy đủ trong thông số đầu vào của phương án giá bán điện hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Giá mua điện ở trên được áp dụng cho một phần hoặc toàn bộ nhà máy điện gió nối lưới có ngày vận hành thương mại trước ngày 01-11-2021 và được áp dụng 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Các dự án điện gió đã vận hành phát điện trước thời điểm ban hành Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10-9-2018 được áp dụng mức giá mua điện ở trên kể từ ngày 01-11-2018 cho thời gian còn lại của Hợp đồng mua bán điện đã ký.

Các dự án điện gió áp dụng giá mua điện theo quy định này sẽ không được áp dụng cơ chế giá cho sản lượng điện của dự án theo các quy định hiện hành khác.

Bộ Công Thương có trách nhiệm đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về cơ chế đấu giá phát triển điện gió, giá mua điện gió áp dụng từ ngày 01-11-2021.

Ngoài ra, Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg cũng sửa đổi về điều kiện khởi công xây dựng công trình điện gió. Theo quy định mới, chủ đầu tư chỉ được phép khởi công xây dựng công trình điện gió khi đáp ứng các điều kiện khởi công xây dựng công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng, có hợp đồng mua bán điện đã ký với Bên mua điện, có Thỏa thuận đấu nối với Đơn vị phân phối hoặc Đơn vị truyền tải điện và có báo cáo số liệu đo gió trong khoảng thời gian liên tục ít nhất là 12 tháng.

Tăng trưởng công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ là động lực thúc đẩy GDP tăng cao

Tăng trưởng GDP năm 2017 đạt kết quả tương đối toàn diện, cả 3 khu vực sản xuất chủ yếu của nền kinh tế đều tăng so với năm 2016, đóng góp vào mức tăng trưởng chung. Trong đó, tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ là điểm sáng và là động lực chủ yếu thúc đẩy GDP tăng cao.

Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018 đã nhận định: Năm 2017 là một năm thành công trên tất cả các mặt của nền kinh tế, từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ đến nỗ lực, cố gắng của các ngành, các cấp. Trong rất nhiều các thành tựu đạt được trong năm 2017, thành tựu nổi bật nhất của năm 2017 phải kể đến là chỉ tiêu tăng trưởng GDP ấn tượng. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2017 tăng 6,81% so với năm 2016.

Trong đó, Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 0,45 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung (công nghiệp tăng 7,85%, đóng góp 2,23 điểm phần trăm; xây dựng tăng 8,7%, đóng góp 0,54 điểm phần trăm).

Trong khu vực công nghiệp, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chủ yếu đóng góp vào mức tăng trưởng chung, bù đắp sự sụt giảm của ngành khai khoáng (ngành khai khoáng tăng trưởng âm (-) 7,1%, làm mức tăng trưởng chung giảm 0,54 điểm phần trăm). Nếu ngành khai khoáng không giảm so với năm 2016 (tăng trưởng 0%), tốc độ tăng GDP có thể đạt 7,35%.

Khu vực dịch vụ tăng 7,44%, đóng góp 2,87 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Cơ cấu GDP chuyển dịch theo hướng tích cực, tính theo giá hiện hành, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 15,34% (giảm so với năm 2016 là 16,32%), khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 33,34% (tăng so với năm 2016 là 32,72%); khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 41,33% (tăng so với năm 2016 là 40,92%).

Trong khu vực công nghiệp cũng có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng dần qua các năm, giảm dần sự phụ thuộc vào các ngành khai khoáng.

Cụ thể, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo so với GDP qua các năm: năm 2017 là 15,28%, năm 2016 là 14,27%, năm 2015 là 13,69%, năm 2014 là 13,18%, năm 2013 là 13,34%, năm 2012 là 13,28%.

Tỷ trọng ngành khai khoáng so với GDP qua các năm: năm 2017 là 7,47%, năm 2016 là 8,12%, năm 2015 là 9,61%, năm 2014 là 10,82%, năm 2013 là 11,01%, năm 2012 là 11,42%)./.