Thành phố Hồ Chí Minh phát triển kinh tế tập thể gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

PGS, TS. Phước Minh Hiệp(*), ThS. Trần Thị Kim Hoàng(**) (*) Tạp chí Cộng sản (**) Trường Đại học Trà Vinh
22:05, ngày 27-11-2017

TCCSĐT - Triển khai thực hiện Chỉ thị 16-CT/TU ngày 05-6-2013 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả khu vực kinh tế tập thể trong nông nghiệp của thành phố đến năm 2020; Thành phố đã xác định rõ mục tiêu phát triển kinh tế tập thể phải gắn với tái cơ cấu kinh tế và thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Kết quả đạt được

Thực hiện Quyết định số 2868/QĐ-UBND ngày 12-6-2015 của Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch Đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2015 - 2020, Thành phố đã đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp mà nòng cốt là mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với tái cơ cấu kinh tế và thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Bước đầu đạt một số kết quả về các mặt như sau:

Thứ nhất, về công tác tuyên truyền: Trong giai đoạn 2013 - 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức 205 lớp tuyên truyền về kinh tế hợp tác cho các hộ nông dân với 12.300 lượt người tham dự, bình quân 60 lượt người/lớp. Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm 2017, các đơn vị thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức 81 lớp tập huấn, số người tham dự là 5.947 người; thực hiện 2.314 băng rôn tuyên truyền về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh; phát hành 2.997 tờ rơi, áp phích về quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản, sử dụng hóa chất, kháng sinh thuốc thú y thủy sản có trách nhiệm trong nuôi trồng thủy sản…

Thứ hai, phát triển số lượng hợp tác xã, tổ hợp tác: Tính đến ngày 31-7-2017, toàn Thành phố có 68 hợp tác xã đăng ký hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và 229 tổ hợp tác nông nghiệp. Các hợp tác xã và tổ hợp tác đã thực hiện tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng phát huy lợi thế và nâng cao hiệu quả nhằm tăng thu nhập cho các thành viên, góp phần đẩy mạnh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, phát triển kinh tế hợp tác theo hướng tái cơ cấu, tăng hình thành vùng sản xuất đạt chuẩn chất lượng sản phẩm. Cụ thể, trong ngành trồng trọt đã triển khai thí điểm mô hình truy xuất nguồn gốc rau VietGAP tại hợp tác xã Phước An (huyện Bình Chánh), Hợp tác xã Phú Lộc (huyện Củ Chi), với 16 chủng loại rau, củ, quả tại 82 hộ dân là xã viên 2 hợp tác xã; sản phẩm rau quản lý truy xuất nguồn gốc đạt khoảng 12 tấn/ngày (chiếm 80% sản lượng của 2 hợp tác xã) và được bày bán trên 50 điểm bán tại các hệ thống siêu thị Saigon Co.op, siêu thị Big C, siêu thị Lotte và siêu thị AEON; tổ chức khảo sát tình hình sản xuất tại Hợp tác xã Nấm Việt và Mai Hoa để hướng dẫn thực hiện truy xuất nguồn gốc rau. Đối với ngành chăn nuôi đã chứng nhận VietGAP cho 1.110 hộ, trại chăn nuôi, với tổng đàn 177.000 con heo, 80.000 con gà thịt và 800 con bò sữa, với tổng sản lượng thịt ước đạt 48.000 tấn thịt heo và 360 tấn thịt gà/năm. Trong đó, Dự án Lifsap đã chứng nhận VietGAP là 823 hộ, với tổng đàn heo 107.181 con (trong đó tái chứng nhận 339 hộ). Xây dựng, nâng cấp, hoàn thành nghiệm thu khu kinh doanh thực phẩm tại 36 chợ, với 2.218 quầy, sạp.

Thứ tư, phát triển kinh tế tập thể góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới còn thể hiện qua việc hình thành các khu sản xuất tập trung, hiệu quả, phát huy thế mạnh từng vùng, như: Hình thành vùng chăn nuôi bò sữa, phát triển hợp tác xã hoa, cây kiểng ở huyện Củ Chi; Tập trung nuôi trồng thủy sản ở 02 huyện Nhà Bè, Cần Giờ, với tổng cộng 447 cơ sở nuôi tôm, xây dựng mô hình nuôi thủy sản đảm bảo an toàn thực phẩm, tổng diện tích là 551.57ha.

Thứ năm, chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể. Thường xuyên đổi mới phương thức bồi dưỡng theo hướng đào tạo cán bộ, nông dân cho hợp tác xã, tổ hợp tác từ thực tiễn, chú trọng phổ biến kinh nghiệm các mô hình hợp tác xã kiểu mới hiệu quả. Để thu hút cán bộ có trình độ về làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 07/2013/NQ-HĐND ngày 13-7-2013 và UBND Thành phố ban hành Quyết định số 28/2013/QĐ-UBND ngày 06-8-2013 về việc hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng đang công tác tại hợp tác xã nông nghiệp. Liên minh Hợp tác xã Thành phố đã tiến hành giúp các hợp tác xã nhận được kinh phí hỗ trợ, kết quả đã hỗ trợ 65 lượt hợp tác xã với 110 lượt cán bộ (98 lượt cán bộ có trình độ trình độ đại học, 12 lượt cán bộ có trình độ cao đẳng), với tổng kinh phí hỗ trợ là 1.319,2 triệu đồng. Nhằm tiếp tục khuyến khích cán bộ có trình độ về làm việc tại các hợp tác xã nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 02/2017/NQ-HDND ngày 06-7-2017 về ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng công tác tại các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2017 - 2020.

Thứ sáu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hỗ trợ vốn sản xuất cho hợp tác xã, tổ hợp tác. Triển khai quyết liệt việc cho vay vốn theo các Nghị định của Chính phủ để tạo điều kiện cho các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Đã có nhiều chính sách về hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể (hỗ trợ vốn vay), xúc tiến thương mại phát triển rau an toàn thiết thực, kịp thời như: thiết kế bao bì, logo, làm cơ sở thúc đẩy đầu tư phát triển. Một số hợp tác xã chủ động trong việc ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Để hỗ trợ hợp tác xã, thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ viên tổ hợp tác vay vốn với lãi suất ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp theo chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành nhiều quyết định(1), với mức hỗ trợ từ 60% - 100% lãi suất hỗ trợ lãi vay, tuy nhiên, do khó khăn trong việc không có tài sản thế chấp nên tính đến nay chỉ có hợp tác xã Tân Thông Hội (vay 26.850 triệu đồng), hợp tác xã Phú Lộc (vay 280 triệu đồng) vay vốn và hưởng hỗ trợ lãi vay theo các quyết định này.

Thứ bảy, chính sách ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới. Các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn Thành phố được các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong quá trình sản xuất, góp phần hỗ trợ hợp tác xã tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp thông qua các hoạt động hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác.

Những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân

Trong quá trình phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp gắn với tái cơ cấu và xây dựng nông thôn mới đã có nhiều kết quả tốt đẹp nhưng vẫn còn một số hạn chế như sau:

- Nhận thức của cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác tại một số xã, phường, thị trấn của huyện còn chưa sâu, công tác tuyên truyền chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân; một số hợp tác xã, tổ hợp tác còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa phát huy được nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

- Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của hợp tác xã còn hạn chế (tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của 41 hợp tác xã chỉ đạt 36,6%), thiếu nhân lực có tâm huyết đối với hoạt động của hợp tác xã, chưa đáp ứng được yêu cầu trong phát triển hợp tác xã kiểu mới và hình thành chuỗi trong sản xuất nông nghiệp.

- Chưa thu hút doanh nghiệp đầu tư vào hợp tác xã để giúp hợp tác xã, tổ hợp tác giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp và thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Chưa thu hút thành viên hợp tác xã tích cực đóng góp vào hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

- Vốn hoạt động còn hạn chế (nếu không tính vốn điều lệ của hợp tác xã Hà Quang (100.000 triệu đồng), hợp tác xã Phương Đông Đồng Tiến (70.000 triệu đồng) thì vốn điều lệ của 39/41 hợp tác xã là 87.058 triệu đồng, bình quân của 01 hợp tác xã chỉ đạt 2.232,2 triệu đồng/ hợp tác xã. Chưa tiếp cận được vay vốn tín chấp theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09-6-2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Với khả năng vốn còn hạn chế nên khó có thể đầu tư ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao để tăng năng suất, hạ giá thành nông sản.

- Kết cấu hạ tầng, trụ sở (văn phòng làm việc, giao dịch, khu vực nhà xưởng, sơ chế, chế biến,...) của các hợp tác xã, tổ hợp tác còn hạn chế.

- Đất sản xuất nông nghiệp tiếp tục giảm do quá trình đô thị hóa, một số hợp tác xã, tổ hợp tác chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên chưa yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất.

Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu sau: (1) Nhận thức của một số cán bộ, xã viên, nhân dân địa phương về vai trò, sự cần thiết phải phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã và nhận thức của xã viên hợp tác xã, tổ hợp tác về nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã, tổ hợp tác chưa sâu sắc, chưa đầy đủ và thống nhất. (2) Khó khăn về vốn, cơ sở vật chất: Vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật của hợp tác xã còn yếu là một khó khăn lớn đối với hoạt động của hợp tác xã trong quá trình chuyển đổi và thành lập mới. Số vốn góp không đủ cho nhu cầu phát triển sản xuất - kinh doanh. (3) khó khăn về nguồn nhân lực: Năm 2016 cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác có trình độ quản lý đã được nâng lên đáng kể so với các năm trước đây, tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học chiếm 43%, cao hơn rất nhiều so với cuối năm 2013 (13%). Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Cán bộ hợp tác xã hoạt động chủ yếu theo kinh nghiệm thực tế, năng lực nắm bắt thông tin, khả năng dự báo thị trường, sự nhạy cảm linh hoạt để đáp ứng những yêu cầu đa dạng, phức tạp của cơ chế thị trường còn nhiều hạn chế, chỉ đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh ở quy mô nhỏ. (4) Khó khăn về tiêu thụ sản phẩm: Thị trường tiêu thụ không ổn định. Nguyên nhân chủ yếu do quy mô sản xuất nhỏ, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường; chưa tạo được sức hấp dẫn đối với người tiêu dùng, chưa xây dựng được thương hiệu trên thị trường; chưa có sự liên kết giữa các hợp tác xã trong khâu tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là chưa gắn kết với doanh nghiệp trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. (5) Khó khăn về đất đai: Đất sản xuất nông nghiệp tiếp tục giảm do quá trình đô thị hóa. Ngoài ra, một số hợp tác xã đã được giao đất nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không có tài sản thế chấp để vay vốn ngân hàng hoặc có vốn nhưng không mạnh dạn đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất vì có thể bị Nhà nước thu hồi đất. (6) Khó khăn về cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước: Các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tín dụng, kết cấu hạ tầng của Nhà nước cho hợp tác xã nông nghiệp nói riêng tuy đã được ban hành nhưng khả năng tiếp cận của các hợp tác xã nông nghiệp còn hạn chế. Điển hình như chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09-6-2015 của Chính phủ hiện nay chưa có hợp tác xã nông nghiệp của Thành phố được tiếp cận và thụ hưởng do các hợp tác xã không đảm bảo các điều kiện vay vốn của tổ chức cho vay (không có tài sản thế chấp) hoặc định giá tài sản của Ngân hàng thấp. Chính sách hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho hợp tác xã nông nghiệp theo Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ hiện nay chưa có hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về quy trình, hồ sơ thủ tục hỗ trợ. Sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn những rủi ro, tuy nhiên, hiện nay chưa có chính sách bảo hiểm nông nghiệp để giúp các hợp tác xã nông nghiệp giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất.

Nhằm phát triển kinh tế tập thể theo hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và đẩy mạnh Chương trình xây dựng nông thôn mới, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền để các xã viên và cán bộ lãnh đạo hiểu rõ hơn vai trò của kinh tế tập thể trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp nông thôn và trong việc xây dựng nông thôn mới.

Hai là, bên cạnh chính sách thu hút lao động đã qua đào tạo về các hợp tác xã, tổ hợp tác, cần tăng cường công tác đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ quản lý cho các hợp tác xã, tổ hợp tác đáp ứng theo nhu cầu lao động trong tình hình mới.

Ba là, hỗ trợ vốn cho kinh tế tập thể trong quá trình tái cơ cấu kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất tiêu thụ nông sản.

Bốn là, có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để hình thành doanh nghiệp nông nghiệp nhằm tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm và sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa./.

---------------------------------------------------

(1) Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011, Quyết định số 13/2013/QĐ-UBND ngày 20-3-2013 và Quyết định số 40/2014/QĐ-UBND ngày 25-11-2014, Quyết định số số 04/2016/QĐ-UBND ngày 23-02-2016 của UBND TP quy định về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố, đây là chính sách ưu đãi về lãi suất đối với tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp trên địa bàn thành phố (gọi tắt là chương trình hỗ trợ lãi vay)

Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hồ Chí Minh.
2. Quyết định 231/QĐ-UBND về phê duyệt Chương trình mục tiêu phát triển rau an toàn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020.