Để nguồn vốn FDI đóng góp nhiều hơn cho phát triển nền kinh tế
1. Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 12-2012, Việt Nam đã có 14.522 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký đạt 210,5 tỷ USD. Trong đó, vốn giải ngân đạt 71,9 tỷ USD. Hiện, Việt Nam đã thu hút được 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đến đầu tư vào hầu hết các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; dịch vụ lưu trú và ăn uống; xây dựng; thông tin và truyền thông; nghệ thuật giải trí; khai khoáng; bán buôn bán lẻ; nông lâm thủy sản; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; y tế; khoa học công nghệ; giáo dục đào tạo; hành chính và dịch vụ hỗ trợ;…
Trong 6 tháng đầu năm 2013, Việt Nam có 554 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 5,812 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2012. Đồng thời, có 217 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,66 tỷ USD, tăng 35,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung lại, trong 6 tháng đầu năm 2013, tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm đạt 10,473 tỷ USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2012.
Về vốn thực hiện, trong 6 tháng đầu năm nay, các dự án FDI đã giải ngân được 5,7 tỷ USD, tăng 5,6% với cùng kỳ năm 2012.
Một điểm nổi bật trong thu hút vốn FDI trong 6 tháng đầu năm 2013, đó là sự xuất hiện khá “dày đặc” của những dự án có số vốn lên tới tỷ USD - điều rất hiếm hoi trước đó, khi mà bức tranh về làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam dường như bị rơi vào trầm lắng.
Theo lĩnh vực đầu tư, từ đầu năm đến nay các nhà đầu tư nước ngoài tập trung đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm nhất, với 259 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 9,308 tỷ USD, chiếm 88,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 419,67 triệu USD, chiếm gần 4% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa với 79 dự án đầu tư mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 178,27 triệu USD.
Theo đối tác đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2013 đã có 45 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam. Nhật Bản dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,992 tỷ USD, chiếm 38,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Xin-ga-po đứng vị trí thứ hai, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,41 tỷ USD, chiếm 32,6% tổng vốn đầu tư.
Đáng chú ý, trong số những nhà đầu tư có mặt tại Việt Nam đã có các tập đoàn hàng đầu thế giới đầu tư vào một số lĩnh vực khác nhau như: Total; Toyota; Canon; Samsung; Intel; Unilever,… sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng quốc tế, góp phần tạo động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước thích ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa. |
Như vậy, những con số trên cho thấy, bất chấp những khó khăn của khủng hoảng trong những năm qua, Việt Nam vẫn tiếp tục là địa chỉ được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.
2. Những kết quả đạt được và hạn chế
Những kết quả đạt được
Sau hơn 25 năm kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời (tháng 12-1987), nguồn vốn FDI đã đóng vai trò tích cực trong tăng trưởng kinh tế và phát triển của Việt Nam, thể hiện qua những khía cạnh chủ yếu sau:
Năm 1995, GDP của khu vực FDI tăng 14,98% trong khi GDP cả nước tăng 9,54%; năm 2000, tốc độ này tương ứng là 11,44% và 6,79%; năm 2005 là 13,22% và 8,44%; 2010 là 8,12% và 6,78%. |
Thứ hai, bổ sung thêm vốn cho tổng vốn đầu tư xã hội. Giai đoạn 1991 - 2000, khu vực có vốn FDI đã bổ sung 29,67 tỷ USD, chiếm 24,32% tổng vốn cho đầu tư xã hội; giai đoạn 2001 - 2011 con số này là 69,47 tỷ USD và 22,75%.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, tốc độ tăng xuất khẩu của khu vực có vốn FDI là 23,8%, cao hơn so với tốc độ tăng xuất khẩu chung của cả nước (15,1%) và cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực kinh tế trong nước (1,1%). |
Thứ tư, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách nhà nước. Giai đoạn 1994 - 2000, khu vực có vốn FDI đóng góp vào ngân sách 1,8 tỷ USD, nhưng đến giai đoạn 2001 - 2010 đã tăng lên 14,2 tỷ USD. Riêng năm 2012, khu vực này nộp ngân sách 3,7 tỷ USD (không kể dầu thô), chiếm 11,9% tổng thu ngân sách nhà nước.
Thứ năm, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Sở dĩ nói như vậy vì 58,4% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam được tập trung trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng, nhờ đó, tăng trưởng trong lĩnh vực này của khu vực có vốn FDI đạt bình quân 18%/năm (cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn ngành). Đến nay, khu vực có vốn FDI đã tạo ra gần 45% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như viễn thông, khai thác, chế biến dầu khí, điện tử, công nghệ thông tin, thép, xi măng,…
Thứ sáu, khu vực có vốn FDI là kênh chuyển giao công nghệ quan trọng, góp phần nâng cao trình độ công nghệ của nền kinh tế. Theo thống kê, từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã có 951 hợp đồng chuyển giao công nghệ được phê duyệt/đăng ký, trong đó 605 hợp đồng là của khu vực doanh nghiệp có vốn FDI, chiếm 63,6% tổng số hợp đồng chuyển giao công nghệ được phê duyệt, đăng ký,… Nhiều sản phẩm của khu vực doanh nghiệp FDI sản xuất theo công nghệ hiện đại, nên tuy vẫn mang thương hiệu Việt Nam song đã giành được vị thế trên các thị trường quốc tế như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản,…
Thứ bảy, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động Việt Nam. Hiện, các doanh nghiệp có vốn FDI đã tạo được việc làm cho 2 triệu lao động trực tiếp và 3 - 4 triệu lao động gián tiếp, nhờ đó giảm bớt sự căng thẳng về việc làm trong xã hội.
Một số hạn chế
Bên cạnh những đóng góp trên, việc thu hút và sử dụng dòng vốn FDI thời gian qua vẫn chưa đạt được như kỳ vọng, cụ thể như sau:
Một là, nguồn vốn FDI đang có dấu hiệu bị suy giảm. Nhiều năm trước đây Việt Nam luôn được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng và hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, từ nửa cuối năm 2011 đến nay, mức độ hấp dẫn trong thu hút FDI của Việt Nam có dấu hiệu giảm sút. Thực tế, từ chỗ chỉ chiếm gần 6% tổng FDI vào khu vực Đông Nam Á trong giai đoạn 1990 - 2000, đến giai đoạn 2005 - 2010, Việt Nam đã chiếm trên 10,29% tổng FDI, đạt cao nhất tới 17% trong năm 2008. Tuy nhiên, sang năm 2009, vốn FDI vào Việt Nam có dấu hiệu tăng chậm lại so với trước và tạo một xu hướng giảm nhẹ vào năm 2010, rõ rệt vào năm 2011. Sang năm 2012, kết quả thu hút vốn FDI đăng ký mới chỉ đạt hơn 13 tỷ USD, bằng 84,7% năm 2011 và kém so với kế hoạch đề ra từ đầu năm là thu hút 15 tỷ -17 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm 2013, tuy mức vốn giải ngân đã tăng 5,6% với cùng kỳ năm 2012, đạt 5,7 tỷ USD. Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ tăng này chưa nói lên được điều gì, vì các lợi thế cạnh tranh của Việt Nam đang gặp phải nhiều thách thức từ các quốc gia có nguồn FDI tăng trưởng vượt bậc như Thái Lan, In-đô-nê-xi-a…
Hai là, nhìn về tổng thể, hiệu quả của nguồn vốn FDI chưa cao. Các dự án FDI mới chủ yếu tập trung vào lắp ráp, giá trị gia tăng thấp; còn quá ít dự án về kết cấu hạ tầng; tỷ trọng dự án trong nông - lâm - ngư nghiệp rất thấp và ngày càng giảm dần trong khi đây là những ngành Việt Nam có thế mạnh. Trong lĩnh vực dịch vụ, các dự án bất động sản quy mô lớn khá cao song nhiều trong số dự án này chậm triển khai, gây lãng phí về đất đai, vốn vay trong nước.
Ba là, các dự án vốn FDI hiện chỉ tập trung nhiều tại địa bàn có điều kiện thuận lợi về hạ tầng, nguồn nhân lực, thị trường tiêu thụ sản phẩm, do đó gây mất cân đối vùng miền, không đạt được mục tiêu ban đầu là hướng các nhà đầu tư phát triển ở địa bàn khó khăn. Các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao chưa tạo được lợi thế khác biệt cho từng địa phương và vùng lãnh thổ.
Bốn là, nguồn vốn FDI chưa giúp Việt Nam có những bước tiến nhiều về công nghệ. Trên 80% doanh nghiệp có vốn FDI sử dụng công nghệ trung bình của thế giới, 5% - 6% sử dụng công nghệ cao, 14% ở mức thấp và lạc hậu. Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc chuyển giao công nghệ chủ yếu thực hiện theo chiều ngang - giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, ít có những biến đổi về trình độ và năng lực công nghệ. Một số doanh nghiệp FDI tuy có khâu sử dụng công nghệ cao nhưng lại không thực hiện ở Việt Nam, nên doanh nghiệp Việt Nam vẫn chỉ tạo ra những sản phẩm gia công, có giá trị gia tăng thấp và khó tham gia được vào mạng sản xuất toàn cầu.
Năm là, tuy đã có một số tập đoàn lớn thế giới đầu tư vào Việt Nam, nhưng nhà đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chiếm tỷ lệ cao và chủ yếu đến từ châu Á. Đến nay, Việt Nam mới chỉ thu hút được trên 100 trong tổng số 500 tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới. Tỷ lệ vốn thực hiện còn thấp so với vốn đăng ký, chỉ khoảng 47,2%.
Sáu là, tỷ lệ việc làm mới do khu vực có vốn FDI tạo ra không tương xứng (chỉ chiếm 3,4% trong tổng số lao động có việc làm năm 2011). Thu nhập bình quân theo tháng của người lao động ở khu vực này chỉ cao hơn khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, nhưng thấp hơn khu vực doanh nghiệp nhà nước. Nhu cầu về nhà ở, đời sống văn hóa ở các khu tập trung nhiều lao động đã trở nên bức xúc song vẫn chưa đáp ứng được.
Bảy là, ngoài việc có hiện tượng chèn lấn doanh nghiệp trong nước, một số doanh nghiệp FDI còn có biểu hiện tiêu cực như áp dụng các thủ thuật chuyển giá tinh vi: nâng khống giá trị góp vốn (bằng máy móc, thiết bị, bản quyền…), giá trị mua bán nguyên vật liệu đầu vào, bán thành phẩm, thành phẩm, dịch vụ, phí quản lý, tiền bản quyền, chi phí bảo lãnh, cho vay, trả lương, đào tạo, quảng cáo, nhà thầu, chuyển nhượng vốn… tạo nên tình trạng lỗ giả, lãi thật, gây thất thu ngân sách, làm cho đa số bên Việt Nam phải rút khỏi liên doanh để doanh nghiệp trở thành 100% vốn nước ngoài. Một số doanh nghiệp khác lại làm ăn thua lỗ, phá sản rồi bỏ trốn, để lại nhiều hệ lụy như nợ thuế, tiền vay ngân hàng, lương công nhân, bảo hiểm xã hội... Cũng còn nhiều dự án FDI chậm triển khai, giãn tiến độ, hoặc chưa bảo đảm tính bền vững, gây ô nhiễm môi trường, tiêu tốn năng lượng… Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo thống kê của các địa phương, đến hết tháng 5-2013, đã có tới 518 doanh nghiệp có vốn FDI bỏ trốn. Tổng số vốn đầu tư đăng ký tại các doanh nghiệp này khoảng hơn 903,1 triệu USD. Trong đó, 2 địa phương có số chủ doanh nghiệp FDI bỏ trốn cao nhất là Thành phố Hồ Chí Minh (166) và Hà Nội (105).
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả nguồn vốn FDI
Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, mà nếu giải quyết được những điểm “tắc nghẽn” chính thì sẽ nâng cao được hiệu quả của nguồn vốn FDI tại Việt Nam. Cụ thể, tập trung vào một số vấn đề sau:
Trước hết, bảo đảm cung cấp cho nhà đầu tư nước ngoài những điều kiện thuận lợi nhất. Đó là có được mặt bằng sạch, kết cấu hạ tầng đồng bộ vì trong thực tế chính do những điều này đã làm cho nhiều dự án có vốn FDI chậm được triển khai, tỷ lệ giải ngân không cao, chủ đầu tư nản lòng, làm giảm lượng đầu tư.
Thứ hai, để đón nhận được nhiều nguồn vốn FDI trong tương lai, nhất thiết Việt Nam phải chuẩn bị nguồn lao động ổn định, có kỹ năng cao, không nên coi lao động giá rẻ là một lợi thế nữa, bởi nhu cầu thị trường toàn cầu ngày càng hướng sang các mặt hàng có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, tốc độ tăng giá lao động cũng ngày càng lớn, khi đó thế mạnh lao động giá rẻ sẽ bị xói mòn rất nhanh. Muốn vậy giáo dục của Việt Nam cần nhanh chóng hướng tới học gắn lý thuyết với thực hành, đặc biệt trong các ngành đào tạo kỹ thuật.
Thứ ba, hoàn thiện hệ thống pháp luật về thu hút đầu tư theo hướng minh bạch, rõ ràng, ổn định, nhất quán, có thể tiên lượng được, phù hợp với giai đoạn tới và cạnh tranh được với các nước trong khu vực. Một thực tế là hiện nay dòng vốn FDI vào Việt Nam tuy vẫn tăng, nhưng chậm lại so với thời gian trước và đang có xu hướng chuyển sang các nước khác trong khu vực ít rủi ro và hấp dẫn hơn Việt Nam. Chẳng hạn, Xin-ga-po đã dẫn đầu các nước Đông Nam Á về thu hút vốn FDI, tiếp đến là Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a rồi mới tới Việt Nam. Do đó, đây là điều mà các nhà hoạch định chính sách rất đáng suy nghĩ để đưa Việt Nam trở thành địa chỉ đầu tư hấp dẫn hơn.
Thứ tư, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Hiện, sự phát triển yếu kém của công nghiệp hỗ trợ là một “điểm nghẽn” lớn chặn dòng FDI chảy vào Việt Nam vì khi ngành công nghiệp này chậm phát triển sẽ làm tăng chi phí sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là trong bối cảnh lạm phát toàn cầu. Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), sức cung ứng của Việt Nam cho các doanh nghiệp Nhật Bản về nguyên liệu và linh kiện trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ chỉ đạt mức 28,7%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác ở châu Á: Trung Quốc - 57,7%, Thái Lan - 53%, In-đô-nê-xi-a - 45%. Cũng theo nghiên cứu của tổ chức này, tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp Việt Nam đang rất thấp ở mức là 13,1%, trong khi đó tại In-đô-nê-xi-a là 20,6%, Thái Lan - 22,2% và Ma-lai-xi-a - 22,6%. Rõ ràng, Việt Nam cần nhanh chóng chỉ ra các ngành cần phát triển công nghiệp hỗ trợ và đưa ra những biện pháp cụ thể để thúc đẩy, trong đó 4 yếu tố quan trọng không thể không chú ý là phát triển nguồn nhân lực, công nghệ, tài chính và hệ thống phân phối.
Thứ năm, một mặt tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư ngày càng hấp dẫn như cải cách sự rườm rà trong thủ tục hành chính, có những giải pháp hữu hiệu chống hối lộ, tham nhũng trong đầu tư…, mặt khác, nhanh chóng tìm biện pháp chống lại những hành vi tiêu cực của các doanh nghiệp có vốn FDI, nhất là trong vấn đề chuyển giá của những doanh nghiệp này. Muốn thế nên khẩn trương áp dụng cách thức quản lý giá mà các nước trên thế giới và khu vực đã áp dụng như sử dụng cơ chế Thoả thuận trước về phương pháp xác định giá (APA). Theo đó, doanh nghiệp có vốn FDI phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá mua - bán hàng hóa, dịch vụ giữa các thành viên trong tập đoàn trước khi kê khai và nộp thuế. Sau đó, cơ quan thuế Việt Nam phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài (khi đã ký kết Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần) tổ chức giám sát, kiểm soát để chống hành vi gian lận thuế của các doanh nghiệp có vốn FDI nhằm làm cho nguồn vốn này thực sự có hiệu quả cho nền kinh tế Việt Nam./.
ASEAN nhất trí rằng hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của khu vực và tất cả các nước  (10/10/2013)
"Việt Nam coi trọng hợp tác nhiều mặt với Myanmar"  (10/10/2013)
Việt Nam tham gia thảo luận về xã hội và nhân quyền  (10/10/2013)
Cục diện mới trong tương quan cũ  (10/10/2013)
Cách tiếp cận mới của Nga ở Trung Đông  (10/10/2013)
Thủ tướng dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ  (10/10/2013)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên