Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng biển, đảo Quảng Ninh

PGS, TS NGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO - THS NGUYỄN THỊ DUNG
Trưởng Khoa Sau đại học, Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương, Quyền Tổng Biên tập Tạp chí Giáo dục nghệ thuật - Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật Trung ương
10:35, ngày 30-09-2023

Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tiêu biểu của vùng biển, đảo được coi là một nguồn lực văn hóa của tỉnh Quảng Ninh trong quá trình phát triển kinh - xã hội bền vững. Từ góc nhìn địa - văn hóa, bài viết nghiên cứu đặc điểm văn hóa vùng biển, đảo Quảng Ninh, từ đó khái quát thành các giá trị văn hóa tiêu biểu, góp phần làm rõ hơn những nét đặc trưng, tính đa dạng, phong phú văn hóa vùng biển, đảo Quảng Ninh; đồng thời đưa ra căn cứ khoa học để tham khảo trong quy hoạch phát triển, quản lý văn hóa của tỉnh trong tương lai.

Khái quát về vùng biển đảo Quảng Ninh

Trong cuốn Đại Nam nhất thống chí có ghi chép về đất Quảng Ninh xưa như sau: Đất, nhân thế núi làm thành, dựa chỗ cao mà giữ hiểm, có núi để tựa, có biển vòng quanh, địa thế xa lánh mà hiểm yếu, trong thì giữ vững cương vực, ngoài thì khống chế đất Thanh. Núi cao có Lôi Âm, sông lớn có Bạch Đằng; 22 cửa biển, hơn 10 đồn ải, hải đảo quanh co, sông bến khuất khúc, cũng là nơi then chốt ở ven biển(1).

Như vậy, từ xưa Quảng Ninh đã là nơi đất trọng yếu, có địa hình đặc biệt đồng thời có vai trò to lớn trong việc gìn giữ biên cương. Quảng Ninh có đường bờ biển dài 250km chạy qua các đơn vị hành chính: Huyện Yên Hưng, thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả, thành phố Cửa Ông, huyện Hải Hà, huyện đảo Vân Đồn, huyện Đầm Hà. Bờ biển có nhiều đoạn quanh co, khúc khuỷu, đầy cây cối rậm rạp (nhiều nhất là cây sú, trang và vẹt). Nhiều nơi có cảnh quan hùng vĩ, một bên là núi đá, một bên là núi cao sừng sững, có những đoạn bờ biển cát trắng đẹp tuyệt vời như bãi biển Minh Châu (đảo Quan Lạn), bãi biển Trà Cổ, bãi biển Cô Tô, bãi biển Bãi Cháy…

Toàn tỉnh Quảng Ninh có 40.000ha bãi triều và trên 20.000ha eo vịnh, có 2 huyện đảo (cả nước có 12 huyện đảo) là Vân Đồn và Cô Tô với 2.077 hòn đảo. Diện tích các đảo chiếm 11,5% diện tích đất tự nhiên. Để sinh tồn, cư dân nơi đây phải làm nhiều nghề như vừa trồng trọt, chăn nuôi, lại vừa đánh bắt thủy, hải sản, hoặc vào thời điểm nhàn rỗi lại đi buôn bán, kinh doanh các dịch vụ phục vụ khách du lịch.

Địa hình của tỉnh có thể chia thành 3 vùng: Vùng núi, trung du; đồng bằng ven biển; vùng biển và hải đảo. Trong đó, địa hình đồng bằng khá khác biệt so với các vùng khác. Theo nguồn gốc tạo thành thì đồng bằng ở Quảng Ninh có 3 loại: đồng bằng tích tụ sông, đồng bằng tích tụ sông biển và đồng bằng tích tụ biển. Đồng bằng tích tụ biển có đặc điểm là dải đất hẹp ven biển, phân bố khá rộng rãi, từ mũi Sa Vĩ (Trà Cổ) đến Tiên Yên và một dải phân bố xung quanh Cửa Lục, tổng chiều dài hơn 100km. Do địa hình bờ biển giáp núi nhiều nên các đồng bằng tích tụ biển được cấu tạo bởi cát, sạn, sỏi, ở vùng Tiên Yên là bùn cát và ở Bãi Cháy là sạn, cát lẫn bột sét. Đáy biển Quảng Ninh có địa hình không bằng phẳng, độ sâu trung bình là 30m, có nhiều lạch sâu là di tích các dòng chảy cổ và có những dải đá ngầm làm nơi sinh trưởng các rạn san hô rất đa dạng.

Quảng Ninh có 30 con sông, suối với chiều dài trên 10km. Diện tích lưu vực thông thường không quá 300km2, trong đó, có 4 con sông lớn là hạ lưu sông Thái Bình, sông Ka Long, sông Tiên Yên và sông Ba Chẽ. Tuy nhiên, hầu hết các sông, suối đều ngắn, nhỏ và độ dốc lớn.

Quảng Ninh là tỉnh giáp biển và có nhiều đảo, nhưng việc lựa chọn các đơn vị hành chính ven biển và đảo lại có nhiều tiêu chí khác nhau. Điều 9, Điều 10 Luật Biển Việt Nam năm 2012 nêu rõ: nội thủy của Việt Nam là vùng nước tiếp giáp với bờ biển, ở phía trong đường cơ sở và là bộ phận của lãnh thổ Việt Nam. Theo quy định thì nội thủy bao gồm cửa sông, vũng vịnh, cửa biển và vùng nước ở phía trong đường cơ sở và giáp với bờ biển(2)

Toàn tỉnh Quảng Ninh có 13 đơn vị hành chính. Nhưng nếu căn cứ vào các tiêu chí trên thì chỉ có 8 huyện, thị thuộc vùng biển đảo. Đó là các thành phố: Móng Cái, Hạ Long, Cẩm Phả; các huyện, thị xã: Quảng Yên (có đảo Hà Nam), Hải Hà, Đầm Hà, Vân Đồn, Cô Tô; 1 huyện có một phần giáp biển là: Tiên Yên(3). Riêng Cô Tô là một huyện đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh, bao gồm gần 50 hòn đảo lớn, nhỏ chơi vơi ngoài tuyến khơi xa bờ nhất, là huyện trẻ nhất (thành lập năm 1994), có diện tích nhỏ nhất, dân số ít nhất, nhưng lại giữ vị trí tiền đồn hết sức quan trọng, có tiềm năng kinh tế đa dạng, hiện đang phát triển nhanh về kinh tế, xã hội. 

Do biển Quảng Ninh có nhiều hòn đảo nhỏ trên biển chia cắt địa hình biển, cộng thêm tư duy nông nghiệp của những người nông dân nhìn biển như sông, mang thế ứng xử từ sông ra biển, nên sống giữa biển khơi mà vẫn đặt tên cho các cửa biển là sông như: sông Lục Đầu (nơi bến phà Bãi Cháy cũ), sông Mang (đảo Quan Lạn, đảo Minh Châu)...

Riêng huyện đảo Vân Đồn có đặc điểm là bao gồm nhiều hòn đảo nhỏ. Toàn huyện có 600 hòn đảo, trong đó hơn 20 đảo có dân cư sinh sống với diện tích tự nhiên là 59.676ha. Lớn nhất là đảo Cái Bầu rộng 17.212ha, ở giáp địa phận thị xã Cẩm Phả. Các đảo thuộc huyện Vân Đồn chỉ là một phần trong quần đảo Tây Bắc vịnh Bắc Bộ. Địa hình của các đảo đa dạng và phân ly. Một số đảo lớn thì địa hình vừa có núi, vừa bằng phẳng để có thể trồng rau, lúa, hoa màu như đảo Quan Lạn, đảo Minh Châu. Theo Cục Thống kê tỉnh Quảng Ninh, dân số cả tỉnh năm 2023 là 1.362.876 người, trong đó nữ là 672.510 người. Tỷ lệ dân số sống ở thành thị cao thứ 3 Việt Nam (sau Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng), dân số thành thị chiếm 58,1%, trong đó dân số vùng biển đảo khoảng hơn 700.000 người(4). Mặc dù các gia đình làm nghề chài lưới vẫn sinh đông con, nhưng những người chuyển nghề hoặc di cư đi các vùng khác cũng khá nhiều. Mức độ đô thị hóa của vùng biển đảo Quảng Ninh phát triển khá nhanh. Đặc biệt là huyện đảo Vân Đồn và thành phố Hạ Long. Các xã, huyện ở xa đất liền đã có điện lưới và các mạng viễn thông như huyện Cô Tô, xã Quan Lạn, xã Minh Châu... Hiện nay, vùng biển đảo Quảng Ninh có hệ thống giao thông tương đối thuận lợi. Trên các đảo đều có đường bộ được rải nhựa hoặc bê-tông hóa. 

Điểm nổi bật về kinh tế của vùng biển, đảo là kinh tế du lịch. Bên cạnh đó kinh tế cảng biển, khai thác nuôi trồng và chế biến hải sản cũng là những ngành kinh tế có vị trí quan trọng của vùng. Hiện nay, tỉnh Quảng Ninh có nhiều dự án quy hoạch phát triển kinh tế vùng biển, đảo như: Dự án phát triển nuôi trồng thủy hải sản, dự án phát triển du lịch vùng Vịnh Hạ Long, dự án hình thành khu công nghiệp tại Vịnh Cửa Lục...

Đặc điểm văn hóa vùng biển, đảo Quảng Ninh

Văn hóa vùng biển, đảo Quảng Ninh với yếu tố nội đồng

Tính chất địa lý đặc biệt và sự phong phú về thành phần cư dân đã dẫn đến sự phong phú về nghề nghiệp, vì vậy, từ lâu Quảng Ninh đã diễn ra quá trình hội tụ và hỗn dung văn hóa giữa cư dân nông nghiệp, ngư nghiệp và lâm nghiệp. Là đầu mối giao thông đường biển, từ khá sớm Quảng Ninh đã là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa sầm uất của cả nước từ Vân Đồn, Cửa Ông tới Hải Phòng, mà dấu ấn là thương cảng Vân Đồn. Quá trình đô thị hóa hình thành dần, nhất là thời cận đại với các trung tâm công nghiệp, khai mỏ... đã tạo cho Quảng Ninh sắc thái văn hóa đa dạng, có độ mở lớn để tiếp nhận những giao lưu, ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài.

Văn hóa đồng bằng, bản chất là văn hóa của những cư dân nông nghiệp. Khi nông nghiệp là nguồn sống chính thì mọi ứng xử của con người với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội đều bị chi phối sâu sắc từ ăn, mặc, ở, đi lại, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán và lễ hội. Truyền thống văn hóa của làng quê luôn ẩn sâu trong tâm thức của những cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, vì vậy, đi đâu, đến với mảnh đất mới khai phá họ cũng mang theo những giá trị văn hóa tốt đẹp và tái sinh nó trên mảnh đất mới. Đối với cư dân vùng biển đảo Quảng Ninh cũng vậy, mặc dù họ sống trong môi trường biển cả nhưng văn hóa đồng bằng vẫn hiện hữu cùng văn hóa biển trong đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần. Tục rước nước, cầu mưa của cư dân nông nghiệp vẫn được tái hiện với lớp văn hóa mới trong các lễ hội ven biển, như: lễ hội đình Giang Võng, lễ hội đình Trà Cổ, lễ hội đình Cẩm Hải, lễ hội đền Bà Men, đền Bụt Đày, lễ cầu Đảo Vũ (Yên Hưng)… Trong các vị thần được thờ ven biển Quảng Ninh cũng có không ít vị thần là thần nông nghiệp. Điển hình là vị thần Nông (lễ hội xuống đồng, đền Cốc, Hà Nam). Lễ xuống đồng là nghi thức trong lễ cầu mùa nghề nông, mở đầu cho một chu kỳ cày cấy mới. Đây là nghi thức bộc lộ mối quan hệ khăng khít giữa con người với môi trường tự nhiên, vừa có tính tượng trưng nhưng cũng rất thực tế. Trong lễ hội xuống đồng, nhiều nơi còn tổ chức lễ tịch điền (lễ cày cấy). Đối với cư dân ngư nghiệp, các vị thần biển có vai trò to lớn trong đời sống của họ, nhưng vốn gốc gác là cư dân nông nghiệp, lại quai đê lấn biển để làm nông nghiệp, nên thần Nông vẫn có vị trí quan trọng đối với họ. Ngoài ra, một số vị thần khi ở trong đồng bằng là những vị thần nông nghiệp, nhưng khi ra biển cả đã được ngư dân gán cho những quyền năng của vị thần biển như mẫu Liễu Hạnh, bà chúa Thoải… cũng được thờ cúng hết sức trang trọng. Phần hội còn có tục nuôi và thi ông Voi trong lễ hội Trà Cổ, thể hiện đậm chất nông nghiệp, chất đồng bằng. Không chỉ lễ hội đình Trà Cổ có tục thi ông Voi, mà khi những cư dân ở Trà Cổ di cư đến vùng đất mới là Cẩm Phả thì hàng năm tổ chức hội làng ở đình Cẩm Hải họ cũng tổ chức thi và nuôi ông Voi. Như vậy, những cư dân nông nghiệp dù có đi đâu, về đâu họ vẫn luôn giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Sự dung hợp giữa văn hóa biển với văn hóa đồng bằng còn thể hiện qua hình tượng Long mã trong đám rước của lễ hội Tiên Công trên đảo Hà Nam. Người dân nơi đây đã dùng các sản vật nông nghiệp như các loại rau, củ, quả để tạo nên một vị thần của biển cả. Long mã được đặt trước chữ Thọ và rước trên kiệu như một lễ vật dâng tiến thần linh với tất cả niềm thành kính.

Văn hóa vùng biển, đảo Quảng Ninh với yếu tố biển

Quảng Ninh là tỉnh có diện tích biển khá lớn và nhiều đảo. Dân cư sống ven biển và trên các đảo đông đúc. Trong các lễ hội, yếu tố biển được thể hiện rõ nhất qua việc thờ phụng các vị thần biển. Dọc theo vùng ven biển và trên các đảo có hội đua thuyền trong lễ hội đền Bà Men, lễ hội đình Giang Võng… hay các trò chơi như bịt mắt chém cá chình, hội thi tết long mã mang tính chất nghề nghiệp của ngư dân,…

Văn hóa vùng biển đảo Quảng Ninh với tính lịch sử

Đặc điểm “đậm” tính lịch sử trong văn hóa vùng biển đảo Quảng Ninh cũng do yếu tố địa hình tạo thành. Quảng Ninh là tỉnh duy nhất có đường biên giới giáp Trung Quốc cả trên đất liền và trên biển, có vị trí trọng yếu trong việc bảo vệ bờ cõi đất nước. Sự hy sinh anh dũng của các tướng lĩnh tài ba, các vị anh hùng dân tộc đã trở thành những vị thánh bất tử trong lòng nhân dân và được tái hiện qua các lễ hội truyền thống với ý nghĩa tỏ lòng biết ơn sâu sắc và qua đó giáo dục thế hệ trẻ. Có lễ hội bản chất sâu xa là nông nghiệp, nhưng do quá trình bồi đắp các lớp văn hóa đã trở thành lễ hội lịch sử, như: lễ hội Vân Đồn, lễ hội đình Hải Yến, lễ hội đình Trung Bản... Trong lễ hội nông nghiệp đua thuyền còn có ý nghĩa là cầu mưa, cầu nước nhưng sau này khi có các sự kiện lịch sử thì hội đua thuyền còn có thêm lớp văn hóa mới là tái hiện lại các sự kiện lịch sử, như hội đua thuyền Vân Đồn nhằm diễn lại sự kiện Trần Khánh Dư đánh thắng quân Mông Nguyên trên dòng sông Mang.

Bên cạnh các nhân vật lịch sử của cả nước, các nhân vật lịch sử của địa phương cũng được cư dân vùng biển, đảo tôn thờ trong các lễ hội, bởi ở bất cứ thời kỳ lịch sử nào, khi có giặc ngoại xâm cũng có những người dân bình dị sẵn sàng hy sinh vì đất nước. Điển hình là tướng quân Hoàng Cần (người Hải Lạng, Tiên Yên) đã đánh đuổi đội quân “răng trắng, miệng vàng” cướp bóc cư dân vùng biển Đông Bắc. Hoàng Cần, trước đây là vị thần chủ của đền Cửa Ông, vì vậy trong lễ hội đền Cửa Ông xưa, ông là người được tôn thờ. Sau này, khi Trần Quốc Tảng ra trấn giữ Cửa Suốt và hy sinh tại đây, được nhân dân địa phương tôn thờ tại đền Cửa Ông và trở thành vị thần linh thiêng của cả vùng, cùng với tướng quân Hoàng Cần. Hiện nay, một số lễ hội sát vùng biên giới với Trung Hoa vẫn tôn thờ Hoàng Cần, như lễ hội Miếu Đôi ở thôn Nam Thọ, phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái.

Dung hợp giữa văn hóa biển đảo Quảng Ninh với văn hóa các vùng khác

Các lễ hội vùng biển, đảo Quảng Ninh còn có sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ với các lễ hội ở Hải Phòng. Lễ hội Trà Cổ có tục chèo thuyền sang Đồ Sơn để rước chân nhang mỗi khi vào hội. Còn lễ hội đền Bà Men là sự đoàn kết của ngư dân 2 làng: làng chài Hà Nam (trên vịnh Hạ Long) và làng chài Cao Minh, Cát Bà (Hải Phòng). Cuộc thi bơi thuyền trong lễ hội đền Bà Men bao giờ cũng có sự tham gia của các làng chài: Cống Đầm - Vung Viêng, Cửa Vạn, Hà Nam (hồ Ba Hầm) và làng chài Cao Minh (Cát Bà, Hải Phòng). Hội bơi thuyền trên sông Bạch Đằng cũng có sự tham gia của các đội đua ở huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).

Ở Quảng Ninh còn có lễ hội đình Cẩm Hải (xã Cẩm Hải - Cẩm Phả) cũng giống lễ hội Trà Cổ. Lễ hội được tổ chức từ ngày 29-5 đến 2-6 âm lịch hằng năm. Đình làng do những người dân Trà Cổ (Móng Cái) di cư về xã Cẩm Hải xây dựng từ năm 1980 và lễ hội được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh và tưởng nhớ công lao của 6 vị Thành hoàng là những người đã có công khai sinh ra đất Trà Cổ (TP. Móng Cái). Những cư dân ven biển không chỉ tạo ra sự dung hợp, giao lưu với các vùng văn hóa khác mà còn tiếp nhận sự ảnh hưởng văn hóa của các vùng xung quanh. Việc lễ hội Trà Cổ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ văn hóa biển của vùng biển Hải Phòng như tục thờ thần Độc Cước, thờ cùng các vị Thành hoàng, lễ cầu Đảo vũ… cũng thể hiện sự giao lưu và tiếp biến trong văn hóa.

Giá trị văn hóa vùng biển, đảo Quảng Ninh

Với những đặc điểm nêu trên, văn hóa biển, đảo của tỉnh Quảng Ninh có nhiều giá trị được hình thành qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, nó được hun đúc trong suốt quá trình xây dựng vùng đất “phên giậu” của Tổ quốc.

Giá trị giáo dục hướng về cội nguồn

Văn hóa vùng biển, đảo Quảng Ninh là một bảo tàng văn hóa, một thứ bảo tàng tâm thức lưu giữ các giá trị văn hóa, các sinh hoạt văn hóa. Đó có thể là các trò chơi, các tín ngưỡng, các hình thức diễn xướng dân gian... Trong văn hóa làng, di tích, lễ hội là một thành tố có ý nghĩa to lớn về giáo dục.

Việc tham gia vào cuộc đua thuyền là niềm tự hào của ngư dân làng biển, đảo về những tháng ngày giữ nước hào hùng trong lịch sử dân tộc. Đó là ý nghĩa chân chính mà mỗi người dân làng bao đời hướng tới. Các giá trị văn hóa biển, đảo truyền thống của người dân Quảng Ninh chính là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, hiếu học, cần cù, lạc quan... Lễ hội truyền thống ven biển hằng năm là dịp để thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của vùng biển, đảo được ôn lại bài học lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của cha ông, qua đó, cảm nhận được giá trị của cuộc sống hiện tại, trân trọng những gì quê hương đang có và tự thấy bản thân cần phấn đấu, cần nỗ lực học tập, tích lũy kiến thức nhiều hơn nữa để xây dựng quê hương giàu đẹp, xứng đáng là con cháu của mảnh đất anh hùng. Đó là bài học sống động và quý giá nhất, có ý nghĩa giáo dục cao nhất mà không một giáo cụ trực quan nào có thể so sánh được.

Giá trị gắn bó, cố kết cộng đồng của ngư dân

Với ngư dân vùng ven biển thì tiếng trống, tiếng chiêng trong các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng từ lâu được xem là biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng, của tinh thần đoàn kết, biểu tượng của sức mạnh. Qua sinh hoạt văn hóa, con người được trở về với nguồn gốc, nguồn cội tự nhiên hay nguồn cội của dân tộc đều có ý nghĩa thiêng liêng trong tâm trí mỗi người, đồng thời, thể hiện sức mạnh cộng đồng các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. Họ thờ chung vị thần, được sinh hoạt chung trong một không gian của làng xã, cộng đồng dân cư, chung mục tiêu đoàn kết để vượt qua gian khó, giành cuộc sống, ấm no, hạnh phúc.

Di tích, danh thắng và lễ hội truyền thống ven biển là nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của ngư dân miền biển; là hình thức giáo dục, chuyển giao cho các thế hệ sau biết giữ gìn, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống quý báu của làng xã, địa phương, vùng miền theo cách riêng, kết hợp giữa yếu tố tâm linh và các trò chơi đua tài, giải trí... Điều nổi bật và chung nhất ở đây là di tích, danh thắng, lễ hội vùng biển đảo Quảng Ninh đã tạo điều kiện cho ngư dân duy trì mối quan hệ cộng đồng, đoàn kết gắn bó với nhau trong cuộc sống và lao động. Những người con xa quê dù bận rộn đến đâu, đến ngày hội làng cũng đều thu xếp công việc về dự. 

Giá trị sáng tạo và hưởng thụ văn hóa

Các di tích, danh thắng, lễ hội truyền thống vùng biển đảo Quảng Ninh tiêu biểu như, lễ hội ra quân đánh bắt hải sản, lễ hội đua thuyền, lễ hội cúng cá ông, lễ hội cầu mưa,... được chính quyền địa phương và nhân dân tổ chức sôi nổi, phong phú, góp phần đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần cho ngư dân ở vùng biển đảo. Không gian tổ chức lễ hội là ở các di tích và danh thắng. Lễ hội nói chung và lễ hội truyền thống ven biển nói riêng đều do chính quyền và nhân dân tự đứng ra tổ chức, chi phí, sáng tạo, tái hiện các sinh hoạt văn hóa cộng đồng và hưởng thụ các giá trị văn hóa và tâm linh. Đặc biệt trong thời gian diễn ra lễ hội, khi tất cả mọi người đang chan hòa trong không khí thiêng liêng, hứng khởi thì sự cách biệt xã hội giữa cá nhân ngày thường dường như được xóa nhòa, con người cùng sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa của mình. Trong cái náo nức, cái sôi động của lễ hội gắn với di tích, danh thắng, dường như người ngư dân đã được đổi khác hoàn toàn, những con người lao động quần quật với thuyền bè, lưới cá giờ đã mang cốt cách khác trong các vũ điệu rước sắc, rót rượu, dâng hương. Sau những buổi lễ, buổi rước... là những bữa ăn uống đầm ấm trong gia đình, với bạn bè, cùng nhau trao đổi, chuyện trò về cuộc sống, về công việc, có thêm những người bạn mới. 

Giá trị tâm linh (sự gắn kết giữa quá khứ và hiện tại)

Sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng trong các di tích lịch sử văn hóa vùng biển, đảo Quảng Ninh và các nghi lễ, lễ hội truyền thống đã góp phần làm thỏa mãn nhu cầu về đời sống tâm linh của người dân nơi đây. Trở về với đời sống văn hóa, không gian văn hóa biển đảo của cư dân Quảng Ninh, con người như được quay trở lại với cội nguồn dân tộc, về với nét văn hóa vùng miền ven biển, tận hưởng những giây phút thiêng liêng, ngưỡng vọng những biểu tượng cao cả, siêu việt, trở về với Chân - Thiện - Mỹ, được sống trong không gian ấm cúng giữa quá khứ và hiện tại, trong giờ phút giao cảm, hồ hởi đầy tinh thần cộng đồng, người dân có cơ hội thể hiện tất cả những tinh túy, đẹp đẽ nhất của bản thân qua các cuộc thi tài, qua các hình thức trình diễn nghệ thuật, ăn mặc đẹp đẽ khác ngày thường... Di tích, danh thắng, lễ hội truyền thống ven biển đã thuộc về phạm trù thiêng liêng của đời sống tâm linh, đối lập và cân bằng với cái trần tục của cuộc sống hiện thực.

Hoạt động đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân vùng biển đảo Quảng Ninh cũng như nhiều miền biển khác luôn đầy bất trắc, phụ thuộc nhiều vào thời tiết, ngư trường, kết quả đánh bắt cũng khó dự liệu trước. Mùa đánh bắt cá trên biển thường từ tháng 6 đến hết năm âm lịch, ước vọng của ngư dân là đánh bắt được nhiều thủy sản và những chuyến ra khơi bình yên, lúc trở về khoang thuyền đầy cá, tôm. Một mong mỏi khác nữa là, nếu trong trường hợp gặp bão tố, nguy cấp trên biển có được sự may mắn vượt qua, thoát nạn, trở về được với đất liền. Vì vậy, đời sống tâm linh của ngư dân có phần phong phú và đa dạng hơn ở đất liền. Các vị thần như Trần Khánh Dư, Trần Hưng Đạo, Tứ vị Thánh Nương, thần Không Lộ,... đã trở thành chỗ dựa tin tưởng của ngư dân khi ra khơi. Thực tế cho thấy, chính niềm tin đó là chỗ dựa tâm linh của ngư dân trong công cuộc chinh phục biển cả, chống chọi với sóng gió để sinh tồn trong cơn hoạn nạn giữa biển khơi. Niềm tin đó cũng động viên, kích thích lòng dũng cảm của họ trong công việc, giúp họ vượt qua gian nguy, hiểm họa từ thiên nhiên.

Những hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của vùng biển đảo Quảng Ninh

Từ mục tiêu về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của vùng biển đảo Quảng Ninh,  những hoạt động cần bảo tồn và phát huy giá trị gồm các vấn đề chính như sau:

- Nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của vùng biển, đảo Quảng Ninh đối với cộng đồng. Có thể thấy rằng, văn hóa vùng biển, đảo Quảng Ninh nói riêng đang có nguy cơ mai một do những thách thức từ nền kinh tế thị trường. Hiện nay, khi phương thức canh tác, phương tiện đi lại, không gian văn hóa như làng bản, nhà ở… đã có những thay đổi, nhận thức, tâm lý của người dân cũng có sự thay đổi. Có những bộ phận cộng đồng không nhận thấy những giá trị to lớn của văn hóa mang lại. Một bộ phận giới trẻ thờ ơ, thiếu trách nhiệm với các hoạt động văn hóa của quê hương. Do đó, nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa của vùng biển, đảo cho người dân là nhiệm vụ rất quan trọng.

- Triển khai thực hiện và ban hành văn bản về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của vùng biển đảo Quảng Ninh. Sự tham gia tích cực của các chủ thể quản lý văn hóa đối với hoạt động bảo tồn và phát huy bằng cách thực hiện các văn bản của chính phủ về vấn đề này đối với địa phương mình, từ đó, ban hành các văn bản cụ thể cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vùng biển, đảo Quảng Ninh. Những văn bản này cần gắn với thực tế của địa phương, của cộng đồng, của các di tích, các lễ hội, những sinh hoạt văn hóa của cư dân vùng biển đảo.

- Tuyên truyền, quảng bá về các giá trị văn hóa của vùng biển đảo Quảng Ninh. Việc tuyên truyền, quảng bá được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó, truyền thông được xác định là một kênh quan trọng để tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về giá trị văn hóa vùng biển, đảo và hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa lịch sử của địa phương.

- Tăng cường các nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của vùng biển đảo Quảng Ninh. Đó là các nguồn lực: nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất. Những nguồn lực này cần được chú trọng, đặc biệt đối với văn hóa thì nhân lực càng cần được chú trọng. Cán bộ làm văn hóa cần có kiến thức chuyên môn sâu, am hiểu về văn hóa của địa phương mình, từ đó sẽ xác định phương hướng và mục tiêu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa biển, đảo hiệu quả.

- Xây dựng kế hoạch, phương án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của vùng biển, đảo Quảng Ninh gắn với phát triển du lịch. Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch của miền Bắc, vì vậy, phát triển du lịch gắn với văn hóa là cách thức bảo tồn và phát huy bền vững, đồng thời, cũng là định hướng của Đảng và Nhà nước hiện nay.

- Tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, sưu tầm tư liệu về văn hóa biển, đảo của tỉnh nhà. Cần có những công trình nghiên cứu khoa học nhiều hơn nữa về vấn đề này để đánh giá sâu sắc hơn về văn hóa vùng biển đảo Quảng Ninh. Không chỉ có các nhà khoa học, các nhà quản lý, công tác sưu tầm các tư liệu về văn hóa biển đảo cũng cần có sự tham gia tích cực của người dân.

- Phát huy vai trò của cộng đồng tham gia vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của vùng biển đảo Quảng Ninh. Ngành văn hóa cũng cần phối hợp với các chủ thể cộng đồng để tổ chức hiệu quả các hoạt động tọa đàm, hội thảo khoa học về giá trị văn hóa biển, đảo của tỉnh nhà nhằm góp phần bảo tồn, tôn vinh những giá trị đó. Đây là một trong những hoạt động thiết thực nhằm đem đến cho người dân và toàn xã hội có cái nhìn đúng đắn, đẩy lùi những quan điểm lệch lạc, sai lầm về văn hóa, có ý thức giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của cha ông để lại; góp phần tăng cường giáo dục truyền thống, tinh thần yêu nước và quý trọng những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc, nhất là thế hệ trẻ. Cần tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm của các chủ thể bảo tồn di sản, công tác bảo tồn phải từ từng gia đình, đến cộng đồng dân cư và lan tỏa ra toàn xã hội.../.

------------------------

(1) Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam nhất thống chí, t. 1, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, Nxb. Khoa học xã hội, 1998, Hà Nội, tr. 13
(2)Xem:https://baovothuat.com/tinh-thanh-pho/tinh-quang-ninh-co-bao-nhieu-thi-xa-thanh-pho-huyen-22.html
(3)Xem:https://baovothuat.com/tinh-thanh-pho/tinh-quang-ninh-co-bao-nhieu-thi-xa-thanh-pho-huyen-22.html 
(4) Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, Phan Huy Lê dịch, Hà Văn Tấn hiệu đính, Nxb. Khoa học xã hội - Công ty Văn hóa Đông A, 2010, Hà Nội