Xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện theo tinh thần các nghị quyết của Đảng

GS, TS Tạ Ngọc Tấn
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương
07:26, ngày 30-09-2023

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Quán triệt quan điểm đó, trong quá trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định phải phát triển con người Quảng Ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của tỉnh và đất nước.

Coi xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện là nhiệm vụ quan trọng

Những tiêu chí xây dựng con người Quảng Ninh cũng được đặt ra ngay từ những năm đầu thời kỳ đổi  mới và tiếp tục được bổ sung, điều chỉnh trong suốt chặng đường đổi mới, từ đó không ngừng nuôi dưỡng, bồi đắp từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đã rút ra một số kinh nghiệm, trong đó có: thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đội ngũ doanh nhân và phát triển toàn diện nguồn nhân lực. Đại hội cũng dự báo bối cảnh tình hình trong giai đoạn tới còn nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường. Quảng Ninh vẫn phải đối mặt với các yếu tố mới, trong đó có chất lượng nguồn nhân lực còn yếu. Đến Đại hội XV, Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu tổng quát nhiệm kỳ 2020 - 2025, tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới sáng tạo; huy động sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc.

Về tầm nhìn định hướng phát triển đến năm 2030 và năm 2045, đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; GRDP bình quân đầu người trên 15.000 USD; khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Đến năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế; một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là du lịch, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, có sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn; bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh.

Mục tiêu xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng: Năng động, sáng tạo, hào sảng, lành mạnh, thân thiện, văn minh được coi là một bộ phận cấu thành trong tổng thể xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng và phát triển Quảng Ninh với các giá trị đặc trưng: Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc.

Và để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu này, nhiệm vụ xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện là một trong những cơ sở quan trọng.  

Thực hiện nhiệm vụ này, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo làm cơ sở để các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội tập trung tạo môi trường giáo dục, rèn luyện con người Quảng Ninh phát triển toàn diện, cả về đạo đức, lối sống, có lý tưởng, trách nhiệm, trình độ năng lực sáng tạo, có khả năng thưởng thức và sáng tạo cái đẹp, có mong muốn được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe.

Quán triệt sâu sắc và quyết tâm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” , Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng, về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá, các chuẩn mực tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của con người Quảng Ninh dần được hình thành đưa vào quy ước, hương ước làng, xã; vào quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị, tổ chức, góp phần hình thành ý thức, thói quen tu dưỡng, rèn luyện cho mỗi cá nhân. Thành phố Uông Bí xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử “Tự hào là công dân TP Uông Bí”; Thành phố Hạ Long triển khai Đề án “Văn hóa công vụ”; huyện Tiên Yên đẩy mạnh thực hiện phong trào “Người Tiên Yên nói lời hay, làm việc tốt, ứng xử văn minh”; Thành phố Cẩm Phả “Xây dựng hình ảnh con người Cẩm Phả văn minh, thân thiện, nghĩa tình,… Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng đã chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, đoàn thể trong tỉnh triển khai thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh. Tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều phong trào như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Khu phố văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội”...

Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh sớm ban hành nghị quyết chuyên đề riêng là Nghị quyết số 11-NQ/TU (ngày 9/3/2018) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, với mục tiêu: Gìn giữ và phát huy bền vững bản sắc văn hóa; các giá trị di sản thiên nhiên, văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng “Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện”, ngày 9-3-2018, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban  hành Nghị quyết số 11-NQ/TU “Về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” với mục tiêu là xây dựng con người Quảng Ninh với các đặc trưng: Năng động - sáng tạo - hào sảng - lành mạnh - văn minh - thân thiện. Cụ thể hóa Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy, ngày 30-11-2022, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 3504/QĐ-UBND về việc ban hành Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Với 4 chương, 23 điều, Quy tắc ứng xử gồm hai phần chính: Quy tắc ứng xử chung; những quy tắc ứng xử trong cộng đồng nơi cư trú và tại một số nơi công cộng cụ thể. Trong đó, Quy tắc ứng xử chung (gọi tắt là “Quy tắc 5T”) gồm: Thượng tôn pháp luật; Tôn trọng bản thân và người khác; Tôn trọng và bảo vệ môi trường; Thân thiện, văn minh, hào sảng; Trách nhiệm với bản thân và cộng đồng.

Để quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh đi vào cuộc sống và lan tỏa, thời gian qua, các địa phương, cơ quan, đơn vị, các đoàn thể chính trị xã hội từ tỉnh đến, xã, phường, thị trấn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú; chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh từ gia đình đến cơ quan, đơn vị và cộng đồng dân cư. Qua đó giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, hình thành nét văn hóa, thói quen ứng xử văn minh, lịch sự, thân thiện, xây dựng hình ảnh, ấn tượng tốt đẹp và niềm tin đối với doanh nghiệp và du khách khi đến Quảng Ninh. “Mục tiêu cao nhất của việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nhằm góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh văn minh, thân thiện, hiện đại và đáng sống, đồng thời giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Quảng Ninh cho thế hệ.

Hiện, Ủy ban nhân dân tỉnh đang tổ chức xây dựng Đề án “Xây dựng Bộ tiêu chí Người Quảng Ninh” trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Với đầy đủ các tài nguyên vô hạn và hữu hạn, Quảng Ninh mang trong mình những giá trị riêng biệt, có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nơi lưu giữ giá trị nổi bật của di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, nơi Đức vua Trần Nhân Tông hóa Phật, phát tích của thiền phái Trúc Lâm cùng hàng trăm di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc. Quảng Ninh còn là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với di sản vô giá “Kỷ luật và Đồng tâm”. Con người nơi đây hội tụ, giao thoa trong sự thống nhất đa dạng của nền văn minh sông Hồng. Văn hóa Quảng Ninh là sự kết hợp hài hòa giữa những tinh hoa truyền thống và văn hóa hiện đại. Những vốn văn hóa quý giá, khác biệt, riêng có ấy luôn được tỉnh Quảng Ninh trân trọng, bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, thiên nhiên, con người và văn hóa được xác định là 3 trụ cột để Quảng Ninh chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững. Thấm nhuần và cụ thể hóa những chủ trương lớn của Đảng ta về phát triển văn hóa ở một vùng đất có nhiều nét riêng, đặc thù, tỉnh Quảng Ninh xác định phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển con người, coi văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng tinh thần, là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện rõ bản sắc văn hóa truyền thống đa dạng trong thống nhất của các dân tộc anh em trên vùng đất địa đầu Đông Bắc. Do đó, Quảng Ninh là một trong số ít tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ngày 9-3-2018, “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Sau khi có Nghị quyết số 11-NQ/TU, tỉnh tập trung hươn nữa các nguồn lực để tạo chuyển biến rõ nét từ đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhà nước, đặc biệt là cán bộ chủ chốt các cấp làm nòng cốt, gương mẫu, đi đầu, tạo sự lan tỏa trong cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn tỉnh; coi trọng, khơi dậy, phát huy sức sáng tạo của nhân dân trong bảo tồn và phát triển văn hóa; đầu tư xây dựng và phát huy tối đa hiệu quả các thiết chế văn hóa nhằm đáp ứng đời sống nhân dân.

Các giá trị đặc trưng con người Quảng Ninh là sự đúc kết từ quá khứ đến hiện tại

Mối quan hệ khăng khít, biện chứng giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người được Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh nhận thức sâu sắc, phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người để thúc đẩy phát triển văn hóa. Xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa. Trên cơ sở kế thừa những thành quả của các thế hệ đi trước, khắc phục những hạn chế trong bối cảnh  công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế, cùng những giải pháp quyết liệt, từ năm 2018 đến nay, Nghị quyết 11-NQ/TU đã và đang lan tỏa, thấm sâu vào đời sống. Những thành tố đặc trưng “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện” đã và đang tiếp tục hiện diện trong từng cán bộ, người dân Quảng Ninh, trong từng nhiệm vụ được con người thực thi trong hoạt động công vụ và thực hiện trong đời sống hằng ngày.

Con người Quảng Ninh hội tụ bởi sự “đa dạng trong thống nhất” của phong tục, tập quán, lối sống, tri thức dân gian... của các dân tộc sinh sống theo cộng đồng dân cư phân bổ khắp địa bàn rộng lớn, cả biển đảo, núi rừng, biên giới.

Quá trình phát triển kinh tế - xã hội qua các giai đoạn lịch sử, Quảng Ninh là nơi hội tụ của rất nhiều người từ các địa phương khác đến làm ăn, sinh sống, lập nghiệp, mang đến sự đa dạng văn hóa. Quảng Ninh cũng là vùng đất hội tụ của nhiều nét văn hóa đặc trưng, từ văn hóa biển, văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, văn hóa Phật giáo,… Chính vì vậy, con người Quảng Ninh cũng mang những đặc trưng rất riêng bên cạnh những phẩm chất chung của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Đó là sự  hòa hợp với thiên nhiên, tính phóng khoáng, hào sảng, những ước mong giá trị của yêu thương và đoàn kết, của cuộc sống bình yên, người với người có tình có nghĩa. Vốn hình thành cuộc sống từ khai hoang, bám biển, người Quảng Ninh coi tọng truyền thống, luôn thành kính các thế hệ đi trước đã có công mở đất, dựng nghiệp. Hàng chục năm qua, việc duy trì nghi lễ truyền thống mừng và rước cụ Thượng hằng năm ở khu vực Hà Nam (thị xã Quảng Yên) là minh chứng sinh động. Cuộc sống nơi biên cương núi non hiểm trở, thường bị thiên nhiên đe dọa, giặc giã thổ phỉ, hải phỉ cướp bóc đã hình thành, tôi luyện người Quảng Ninh có đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, kiên cường, mưu trí, sáng tạo. Trong hiện đại, truyền thống đó biểu hiện ở sự kính trọng thương yêu cha mẹ, ông bà.

Tính cách con người Quảng Ninh chia thành 5 tiểu vùng văn hóa. Trong đó, văn hóa truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của công nhân vùng mỏ của Quảng Ninh cũng được hình thành bởi sự kết hợp giữa cuộc sống công nghiệp với đời sống công nhân vùng mỏ.

Và để hình thành những con người hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, không thể không dựa vào, phát huy, phát triển từ các đặc trưng nổi trội của con người từ trong truyền thống. Do đó, việc bảo tồn, phát huy các giá trị con người là nhiệm vụ quan trọng. Một số địa phương đã hình thành nên những “bảo tàng sống” về bản sắc văn hóa truyền thống ở các thôn, bản như: Mô hình Trung tâm Bảo tồn văn hóa người Dao Thanh Y, xã Bằng Cả, thành phố Hạ Long; bản văn hóa dân tộc Tày (xã Lục Hồn), dân tộc Sán Chay (xã Húc Động), huyện Bình Liêu; nhà văn hóa dân tộc của người Sán Chỉ, xã Đại Dực, huyện Tiên Yên...

Một số vấn đề đặt ra và giải pháp đồng bộ phát triển con người

Một là, bằng nguồn lực thỏa đáng, sự đầu tư đúng đắn, hướng đi bài bản trên cơ sở kiên định với quan điểm “con người là sức mạnh nội sinh của sự phát triển”, mỗi người Quảng Ninh đều không khỏi tự hào bởi những đặc trưng hào sảng, hòa đồng, mến khách của con người Quảng Ninh đã và đang được lan tỏa khắp thế giới thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao, giải trí mang tầm quốc tế như: SEA Game 31, Đại hội Thể thao toàn quốc 2022, Giải Marathon Quốc tế Di sản Hạ Long 2022...

Hai là, Đại hội XV Đảng bộ tỉnh lần đầu tiên đưa “Nhân dân hạnh phúc” trở thành một giá trị mới của tỉnh và là giá trị đứng cuối cùng trong hệ giá trị của tỉnh gồm: Thiên nhiên tươi đẹp - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Nhân dân hạnh phúc”. Đây chính là giá trị đích đến, là mục tiêu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỏng tinh xác định xây dựng. Trong định hướng phát triển, tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm phát triển con người toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững gắn với tiêu chí hạnh phúc. Trong nhiều năm liền, tỉnh giữ vững vị trí trong nhóm 6 địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển con người (HDI). Riêng giai đoạn 2018 - 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành 24 nghị quyết nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh, xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để người dân Quảng Ninh có cuộc sống an toàn, ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội văn minh. Những gì Quảng Ninh đã và đang làm không chỉ giúp con người phát triển toàn diện, đáp ứng được những yêu cầu thực tiễn, làm chủ trong xu thế hội nhập, mà quan trọng hơn giúp mỗi con người làm nên, tạo ra và thụ hưởng những tiêu chí của hạnh phúc, thành quả của sự phát triển, tiến bộ của xã hội.

Ba là, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh luôn xác định xây dựng con người phát triển toàn diện là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Và trong những năm qua, Quảng Ninh luôn nằm trong vị trí trong nhóm 5 địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số phát triển con người (HDI).

Bốn là, đồng thời với nhiệm vụ giáo dục, đào tạo kiến thức, tri thức, công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực thực hành cho học sinh, sinh viên được các cơ sở giáo dục phối hợp với các ngành, đơn vị triển khai hiệu quả. Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh đã xây dựng Bộ tài liệu giáo dục địa phương đưa vào giảng dạy trong các cấp giáo dục phổ thông đảm bảo tính thời sự, gần gũi về văn hóa, lịch sử, địa lí, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của tỉnh. Trung bình mỗi năm có 80% các trường học tổ chức các hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống cách mạng của địa phương; 100% học sinh được tham gia các chương trình học kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử văn hóa tích hợp trong các giờ học chính khóa.

Năm là, xây dựng bản lĩnh, kiên định, giữ vững tinh thần cải cách trong đội ngũ cán bộ công chức; đổi mới sáng tạo trong tổ chức thực hiện; đạt được sự hài lòng của người  dân là một trong những giải pháp được Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, thực sự là tấm gương về văn hóa, đạo đức, lối sống, nhân cách; thực sự là công bộc tận tụy phục vụ nhân dân và vì sự phát triển của Quảng Ninh. Tinh thần 5 thật “Nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thành quả thật” và 6 dám “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” được xác định là phương châm hành động của cán bộ, đảng viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Sáu là, đặc trưng mới cần được nhận diện là cán bộ Quảng Ninh luôn lấy động lực phải nhìn về phía trước để tiến lên, lấy sự hài lòng của người dân và mục tiêu người dân được hưởng cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc làm đích đến. Có nghĩa, tỏng mỗi cán bộ Quảng Ninh đều ẩn chứa một sức mạnh tinh thần, sức mạnh văn hóa - đó chính là đặc trưng mới của con người Quảng Ninh với nền tảng vững bền là văn hóa.

Bảy là, phấn đấu giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP hai con số đồng thời với nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển bền vững; gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc” trong thời kỳ mới theo quan điểm mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên lĩnh vực văn hóa./.