THAM LUẬN HỘI THẢO: Về việc phục dựng lễ hội Đền Xã Tắc thành phố Móng Cái, góp phần phát huy giá trị văn hóa vùng biên tỉnh Quảng Ninh hiện nay
Từ một số vấn đề khoa học gắn với nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa
Trong khoảng 30 năm trở lại đây, vấn đề bảo tồn di sản văn hóa đã trở thành mối quan tâm của toàn xã hội và các ngành khoa học xã hội – nhân văn. Đã có hàng trăm công trình, luận văn, luận án, bài báo khoa học đề cập trực tiếp đến vấn đề bảo tồn di sản, phát huy giá trị trong xã hội đương đại. Và thực tế, các kết quả nghiên cứu khoa học cũng như sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí của chính quyền, đội ngũ quản lý văn hóa các cấp đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa với các loại hình di sản khác nhau ở hầu khắp các địa phương. Để có được những bước đi đúng hướng đó, chính quyền địa phương các cấp đã vận dụng một cách linh hoạt, sáng tạo những nguyên tắc bảo tồn mang tính quốc tế, những biện pháp khoa học ứng dụng thích hợp, quan điểm của Đảng và cơ chế, chính sáchNhà nước vào thực tiễn đời sống văn hóa Việt Nam.
Là một thành viên của UNESCO, Việt Nam đã quan tâm tìm hiểu, vận dụng các nguyên tắc bảo tồn di sản được thống nhất của thế giới vào nhu cầu thực tiễn Việt Nam.
Từ những nguyên tắc về bảo tồn di sản do UNESCO đề xướng và được sự góp ý, đồng thuận của các nước thành viên trên thế giới (trong đó có Việt Nam), có thể hiểu, bảo tồn di sản văn hóa không có nghĩa là cố gắng giữ lại được càng nhiều càng tốt những gì thuộc về quá khứ, hoặc giữ nguyên trạng một cách cứng nhắc làm cho di sản "đóng băng" và về lâu dài sẽ đưa đến sự xuống cấp, hủy hoại chúng. Cũng không có nghĩa, bảo tồn di sản văn hóa là được phép tự ý sửa chữa theo ý muốn chủ quan của một cá nhân hay tập thể nào để dẫn đến tình trạng tự hủy hoại, xuống cấp hoặc làm mất đi bản sắc riêng của mỗi di sản. Mà bảo tồn di sản văn hóa là việc bảo vệ, gìn giữ những giá trị liên quan từ quá khứ đến hiện tại, làm cho di sản văn hóa đó lớn mạnh hơn, giàu có hơn và tất yếu, cái được bảo tồn phải phù hợp với thời đại để nó có thể tiếp tục song hành cùng xu hướng đi lên của cuộc sống. Hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phải tuân thủ những nguyên tắc nghiêm ngặt mang tính thông lệ, được cộng đồng quốc tế chấp nhận thông qua.
Trên tiến trình xây dựng đời sống kinh tế - văn hóa xã hội nói chung, quá trình bảo tồn giá trị di sản phải/luôn đi kèm công tác phát huy giá trị đó trong điều kiện xã hội đương đại. Khái niệm “phát huy” được hiểu là những tác động làm cho cái hay, cái đẹp, cái tốt tỏa tác dụng và tiếp tục nảy nở từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, từ cao đến thấp, từ đơn giản đến phức tạp. Như vậy, “phát huy” chính là việc khai thác, sử dụng sản phẩm một cách có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển của cộng đồng xã hội, đem lại những lợi ích kinh tế nhất định, phục vụ sự tiến bộ của xã hội, góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần quảng bá di sản văn hóa bản địa với bạn bè năm châu trong điều kiện hội nhập hiện nay.
Tuy nhiên, với quan điểm biện chứng - lịch sử, cách thức phát huy của mỗi di sản, mỗi thời điểm có khác nhau, điều đó tùy thuộc vào văn hóa của mỗi vùng, vào nhận thức của từng người. Nhưng tựu chung, mọi hoạt động để phát huy giá trị di sản đều phải dựa vào giá trị cốt lõi tiềm tàng, vốn có trong từng di sản, từ đó làm tôn vinh vẻ đẹp và phát triển các giá trị văn hóa trong môi trường xã hội (từ phạm vi một làng, liên làng hay tiến tới sự lan tỏa trong phạm vi từng vùng, miền và rộng hơn là phạm vi cộng đồng dân tộc và quốc tế). Hình thức chủ đạo của phát huy là quảng bá hình ảnh của di sản trên mọi phương diện nhằm khai thác, thu hút khách đến tham quan, đầu tư. Từ đó giúp việc phục hồi tối đa các giá trị văn hóa truyền thống, tạo cơ hội giao lưu giữa các nền văn hóa khác nhau, góp phần hiểu biết lẫn nhau và tăng cường mối quan hệ quốc tế vì hòa bình, vì sự phát triển của văn hóa và kinh tế - xã hội, trước mắt và lâu dài.
Để phù hợp với các Công ước quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể, Luật Di sản văn hóa Việt Nam ra đời năm 2001, sửa đổi năm 2009, chỉ rõ: Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể nhằm giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam” (Điều 17, Luật Di sản văn hóa năm 2001 sửa đổi, bổ sung năm 2009).
Đến nhu cầu phục hồi lễ hội Đền Xã Tắc tại phường Ka Long, thành phố Móng Cái
Xuất phát từ tinh thần chủ đạo mang tính khoa học và nguyên tắc đối với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống nói chung và lễ hội cổ truyền nói riêng được trên đây, bài viết bước đầu đề xuất một số ý kiến liên quan đến nhu cầu phục hồi lễ hội Đền Xã Tắc thuộc phường Ka Long, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã và đang đặt ra hiện nay.
Trước hết, việc địa phương đề xuất một kịch bản văn học phục vụ nhiệm vụ phục hồi nghi lễ tế Xã Tắc với các hoạt động tế lễ tại Đàn tế, thực hành nghi lễ “Cấp thủy”, thực hành nghi lễ “Rước thần” và thực hành nghi lễ “Thả thuyền”, nghi lễ tế “Xã Tắc” và coi đó là toàn bộ diễn trình lễ hội Đền Xã Tắc là đúng, nhưng chưa đủ và có lẽ chưa rõ. Cần nhận thấy rằng, mọi hoạt động đã được đề cập (trong kịch bản này) gắn với sinh hoạt/thực hành nghi lễ là chính, đó mới chỉ là một phần quan trọng trong diễn trình hành hội. Với sự chỉ dẫn của kịch bản này, dường như vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, chưa thể hiện rõ chủ thể của di sản, tính đa dạng của các lớp văn hóa ẩn tàng sinh động trong di sản và chưa thể hiện được sự “phát huy” giá trị di sản trong điều kiện xã hội đương đại.
Để phục hồi một cách hiệu quả sinh hoạt lễ hội Đền Xã Tắc tại phường Ka Long, thành phố Móng Cái, cần có sự thống nhất về một số vấn đề cơ bản sau đây:
Trước hết, cần có sự thống nhất về mặt nguyên tắc phục hồi
a. Toàn bộ ý tưởng kịch bản sẽ được các chuyên gia xây dựng dựa trên những tư liệu lịch sử cũng như dân gian đã thu thập được, tuy nhiên, đó chỉ là những gợi ý, cộng đồng (các dân tộc tại địa phương) cần có sự thảo luận và lựa chọn phương án phục dựng lễ hội cho phù hợp với điều kiện đương đại.
b. Lễ hội phải đề cao tính chủ thể văn hóa của người dân trong cộng đồng. Tất cả những hoạt động trong lễ hội (từ cúng bái, rước sách, thực hành các diễn xướng, trò chơi dân gian,…) phải do cộng đồng người dân các dân tộc thuộc các phường Ka Long (9 dân tộc), Hòa Lạc (6 dân tộc) và Trần Phú (5 dân tộc),… đảm nhiệm. Đây là các phường vốn được phân tách ra từ thị trấn Móng Cái cũ, cũng là chủ nhân văn hóa của di sản Đền Xã Tắc này. Việc huy động người dân các dân tộc tại địa phương sẽ bảo đảm về mặt nguồn lực thực hành cho một lễ hội lớn, phát huy giá trị văn hóa cố kết cộng đồng và giới thiệu bản sắc văn hóa đa dạng của lễ hội Đền Xã Tắc.
c. Các khu dân cư của phường Ka Long giữ vai trò chủ đạo cho thực hành nghi lễ tế chính tại Đàn Tế, cần có sự đồng thuận trong việc tổ chức cúng tế và thực hành các nghi lễ do đội khánh tiết đại diện lựa chọn nhân sự và tiến hành triển khai. Đại diện các khu dân cư cần thảo luận kỹ để lựa chọn một trong hai phương án sau:
Các khu dân cư đồng thời phân công người đại diện vào ban khánh tiết của lễ hội và đội tế chung, chọn một ông chủ tế đức cao vọng trọng và những người bồi tế. Lần lượt mỗi khu dân cư sẽ đảm nhiệm việc cúng tế trong lễ hội này, và người chủ tế là đại diện lãnh đạo cấp thành phố (do lễ hội được tổ chức cấp thành phố). Thành phố Móng Cái có kế hoạch phê duyệt và cấp kinh phí đáp ứng tiến độ mua nghi trượng và các nghi cụ phục vụ thực hành lễ hội. Các tiểu ban được thành lập chịu sự chỉ đạo và điều hành của ban tổ chức lễ hội cấp thành phố (trong đó bao gồm đại diện chính quyền, đại diện cộng đồng thuộc 3 phường như đã nêu).
Về phương hướng tiến hành phục hồi
Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa (vật thể - phi vật thể) liên quan đến di tích và lễ hội Đền Xã Tắc trên cơ sở nghiên cứu xác nhận những hạt nhân di sản có vai trò nòng cốt cho giá trị được sáng tạo, tôn tạo và trao truyền từ quá khứ. Nâng cao quy mô và chất lượng của các nghi trình, nghi thức và nghi lễ trên cơ sở vận dụng lý thuyết khoa học “sáng tạo truyền thống trong đương đại” vốn đã được nhiều quốc gia áp dụng phục dựng/phục hồi lễ hội truyền thống thành công, trong đó, một số chuyên gia của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã vận dụng/áp dụng vào việc phục hồi một số lễ hội ở Việt Nam, như Lễ hội Tịch Điền (Hà Nam), Lễ hội Lam Kinh (Thanh Hóa), Lễ Hội Bình Đà (Hà Nội), Lễ hội Vua Hùng dạy dân cấy lúa (Việt Trì, Phú Thọ)… Nâng cao trình độ quản lý văn hóa lễ hội cho cán bộ quản lý các cấp trong ngành văn hóa - thông tin thành phố Móng Cái và cán bộ quản lý văn hóa thuộc 3 phường sở tại.
Về mục tiêu
Điều tra nghiên cứu, thống kê lập quy hoạch và kế hoạch có tính pháp lý trong việc đầu tư phục hồi, khai thác, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền của cộng đồng dân cư ở khu di tích Đền Xã Tắc tại Ka Long và các di tích phụ cận có liên quan. Nâng cao quy mô (với sự tham gia của các dân tộc trên địa bàn, sự hoành tráng trong quá trình rước và hình thức phục vụ diễn trình hội) và chất lượng của lễ hội, phục dựng lại các nghi trình, nghi thức và nghi lễ một cách bền vững.
Từng bước hoàn thiện lễ hội Đền Xã Tắc để nơi đây trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở các khu dân cư, hiện tại và lâu dài.
Huy động các ngành, các cấp và nhân dân tham gia tổ chức lễ hội. Từng bước chuyển giao “công nghệ” thực hành lễ hội cho cộng đồng các dân tộc trên địa bàn các phường thuộc thị trấn Móng Cái cũ. Huy động các nguồn vốn từ các tổ chức xã hội và nhân dân để thực hiện quá trình phục hồi lễ hội. Nâng cao trình độ quản lý văn hóa, lễ hội cho cán bộ trong ngành văn hóa - thông tin và chính quyền địa phương.
Về ý nghĩa
Lễ hội được nâng cấp sẽ thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân và khách du lịch trong nước và quốc tế, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, góp phần quảng bá giá trị di sản văn hóa, bản sắc văn hóa các dân tộc của thành phố Móng Cái với cộng đồng quốc gia và quốc tế. Tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, về lòng tự hào, tự tôn, tự cường dân tộc,… thông qua những thực hành văn hóa và những biểu tượng văn hóa của lễ hội.
Để thực hiện được những vấn đề đặt ra trên đây, không nên/chỉ dừng lại trong phạm vi tổ chức khôi phục một số hình thức thực hành tế lễ tại không gian văn hóa Đền Xã Tắc, mà cần tuyển chọn, nâng cấp những hình thái văn hóa truyền thống có giá trị (diễn xướng trong văn hóa dân gian, trang phục dân tộc, các hình thức thực hành nghi lễ mang bản sắc từng dân tộc,…), kết hợp với những phương tiện, hình thức của công nghệ hiện đại để thể hiện sự trang nghiêm, trọng thể, linh thiêng nhằm biểu thị tinh thần tôn kính của thế hệ ngày nay đối với các bậc tiền nhân đã có công với nước, với dân. Cũng từ đó, thể hiện được bản sắc văn hóa các dân tộc của thành phố Móng Cái trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, phù hợp với nhu cầu phát triển hiện tại.
Phục hồi lễ hội Đền Xã Tắc nhất thiết phải tiếp cận vị thế địa - văn hóa của Móng Cái nói chung và không gian thực hành lễ hội này nói riêng. Việc khai thác các thành tố liên quan trong diễn trình lễ hội sẽ đem lại những hiệu ứng giá trị văn hóa đa dạng, độc đáo và có nhiều ý nghĩa, góp phần quảng bá cho tinh thần và ý thức tự cường dân tộc, bản sắc văn hóa dân tộc… Có như vậy, lễ hội Đền Xã Tắc mới góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của lễ hội nơi đây.
Chặng khởi đầu cho quá trình phục hồi lễ hội, Nhà nước cần quan tâm đầu tư kinh phí ban đầu, đầu tư chuyển giao “công nghệ” (xây dựng kịch bản, những kỹ năng thực hành và quản lý lễ hội) để các cộng đồng cư dân sở tại thực sự trở thành chủ thể văn hóa của lễ hội, được tham gia sáng tạo, thực hành, bảo tồn và thụ hưởng văn hóa lễ hội.
Nhìn nhận một cách tổng quan, từ các dữ liệu lịch sử, các nguồn tư liệu văn hóa dân gian và thực tiễn địa - văn hóa cũng như sự đồng thuận của cộng đồng và chính quyền các cấp, kết hợp với phương pháp “sáng tạo truyền thống trong đương đại”, chúng tôi tin rằng, lễ hội Đền Xã Tắc tại phường Ka Long, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh có đủ tiềm năng và tài nguyên văn hóa để khai thác, phục hồi thành một lễ hội truyền thống độc đáo, mang bản sắc văn hóa vùng đất biên cương, trở thành một trong những lễ hội lớn nhất vùng Đông Bắc của Tổ quốc./.
Thị xã Quảng Yên: Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng 60 năm thành lập tỉnh  (29/09/2023)
Quảng Ninh: ưu tiên trong cải cách thủ tục hành chính, nỗ lực đáp ứng yêu cầu trong tình hình hình mới  (28/09/2023)
Giá trị giáo dục đặc thù của di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng Ninh  (23/09/2023)
Quảng Ninh thực hiện tốt chính sách xã hội, nâng cao đời sống nhân dân  (16/09/2023)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm