TCCS - Một trong những điểm nhấn quan trọng trong thành tựu bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh Quảng Ninh là việc thực hiện tốt các chính sách xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, qua đó góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Ưu tiên nguồn lực giải quyết các vấn đề xã hội

Xác định đầu tư các nguồn lực cho việc giải quyết các vấn đề xã hội và an sinh xã hội là đầu tư cho phát triển, là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững, công tác này ngày càng được tỉnh chú trọng, đi vào chiều sâu. Chính sách an sinh xã hội được triển khai đồng bộ trên cả 3 mặt: Giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, dạy nghề; hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, giải quyết việc làm; phát triển kết cấu hạ tầng cho các địa phương. Coi giải quyết việc làm là cơ sở để giảm nghèo bền vững, tỉnh đã hỗ trợ cung ứng, tuyển dụng, thu hút lao động cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển thị trường lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Từ năm 2020 đến năm 2022, trung bình tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 14.000 lao động/năm. Số người đã được tạo việc làm tăng thêm tập trung chủ yếu vào khu vực công nghiệp - xây dựng (55,03%) và thương mại - dịch vụ (44,97%). Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh ước tạo việc làm tăng thêm cho 9.600 người.

Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với đối tượng gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo không có khả năng lao động, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Trong 3 năm (2020 - 2022), tổng chi an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh đạt trên 6.000 tỷ đồng, gấp 2 lần so với trước đó. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, con số này đạt 1.037 tỷ đồng, tăng 81% so cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ là 573 tỷ đồng). Nguồn ngân sách nhà nước chi cho an sinh, phúc lợi xã hội tập trung vào các chính sách việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm, cứu trợ, chăm lo nâng cao đời sống của người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi...

Quan tâm đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 12% dân số của Quảng Ninh. Trong 60 năm xây dựng và phát triển, tỉnh luôn dành sự quan tâm rất lớn đối với đồng bào dân tộc thiểu số thông qua việc tập trung huy động nguồn lực để triển khai hiệu quả những chương trình, đề án đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ giảm nghèo, cải thiện điều kiện sống, qua đó phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-TW, ngày 17-2-1989 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội miền núi, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung giao đất, giao rừng cho các hộ định canh, xem đây là giải pháp căn cơ, cốt lõi để người dân ổn định đời sống, thoát nghèo bền vững, đồng thời bảo vệ và phát triển rừng. Đến năm 2000, toàn vùng định canh định cư của tỉnh đã giao đất, giao rừng cho các hộ định canh gần 18.500ha, đạt 57%; bảo vệ, khoanh nuôi, tái sinh hơn 41.000ha rừng, đạt 93%; trồng rừng và cây ăn quả, cây đặc sản (quế, hồi...) đạt 5.300ha, đạt 38% so với các dự án đã phê duyệt... Việc giao đất, giao rừng, giao đất khoán rừng đã tạo ra quyền tự chủ cho người dân trong sản xuất.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 29-5-2013 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về công tác dân tộc trong sự nghiệp phát triển kinh tế nhanh và bền vững, gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND về việc bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 196/QĐ-UBND, ngày 17-1-2017, phê duyệt đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” (Đề án 196). Trên cơ sở đó, giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã bố trí hơn 1.776 tỷ đồng và hơn 397 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách xã hội để thực hiện Đề án 196. Việc phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn lực dựa trên nguyên tắc dân chủ, công khai với sự tham gia giám sát của cộng đồng; có cơ chế để địa phương chủ động quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình sau khi được đầu tư hỗ trợ. Sau 3 năm thực hiện Đề án 196, đến hết năm 2019, tất cả 22 xã, 11 thôn đặc biệt khó khăn của tỉnh đã ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành trước 1 năm so với kế hoạch đề ra. Không những thế, nhiều xã đã hoàn thành mục tiêu kép là vừa ra khỏi đặc biệt khó khăn, vừa về đích chương trình xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 0,56%. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đạt gần 33 triệu đồng/năm, gấp 2,6 lần so với năm 2015. Thành công lớn nhất của Đề án 196 chính là đã xóa bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân. Trong đó, toàn tỉnh đã có 475 hộ nghèo tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo.

Từ kết quả đã đạt được, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 17-5-2021 về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Sau 2 năm triển khai, bằng sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại, liên thông như: Đường hết nối trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành (cũ), huyện Tiên Yên; đường giao thông từ trung tâm huyện đi xã Quảng An, huyện Đầm Hà... Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, đã tạo điều kiện để đời sống, việc làm, thu nhập của người dân được nâng lên. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân đầu người tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh đã đạt 54,4 triệu đồng/năm. Quảng Ninh cơ bản không còn hộ nghèo, hoàn thành trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và chuyển sang thực hiện chuẩn nghèo mới giai đoạn 2023 - 2025 gấp 1,4 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương.

Phát triển nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp

Nhằm giải quyết vấn đề về nhà ở cho công nhân lao động, tỉnh đã khởi công và triển khai Dự án nhà ở công nhân Khu Công nghiệp Đông Mai (phường Đông Mai, thị xã Quảng Yên) và Dự án nhà ở xã hội tại đồi Ngân hàng (thành phố Hạ Long). Đặc biệt, Quảng Ninh cũng đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp, phấn đấu đến năm 2025 khởi công xây dựng khoảng 25.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người lao động; đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu nhà ở xã hội của các đối tượng có thu nhập thấp. Một trong những mục tiêu quan trọng mà Quảng Ninh đạt ra là hoàn thành xóa nhà tạm, nhà ở dột nát trên địa bàn. Để thực hiện điều này, Quảng Ninh huy động mọi nguồn lực xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, địa phương cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay thực hiện mục tiêu xóa nhà ở tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh.

Qua rà soát của các địa phương hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 246 nhà thuộc diện tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát. Chủ hộ thuộc các đối tượng hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 và các hộ khó khăn khác về nhà ở, chủ yếu là người khuyết tật, người già, người neo đơn... Trong đó có 147 nhà cần xây mới, 99 nhà cần sửa chữa. Tổng mức kinh phí cần hỗ trợ khoảng 15,72 tỷ đồng, từ nguồn vốn xã hội hoá. Để đạt mục tiêu trên địa bàn tỉnh không còn nhà tạm, nhà dột nát, các sở, ngành, địa phương liên quan đã tích cực vào cuộc, huy động các nguồn lực xã hội xóa nhà tạm, nhà đột nát.

Với những kết quả đạt được, thời gian tới Quảng Ninh tiếp tục triển khai hiệu quả các nghị quyết về các lĩnh vực y tế, giáo dục; đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn mới kiểu mẫu; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao... Từ đó, tạo tiền đề vững chắc bảo đảm công tác an sinh xã hội, tập trung cải thiện nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo động lực cho phát triển bền vững./.